Tên thật: Khánh Hợi
Ngày sinh: 1922
Thể loại: Việt Nam, Cải Lương
Quốc Gia: Việt Nam
Tóc muối tiêu, nụ cười đôn hậu khoe hàm răng trắng còn gần nguyên, đôi mắt hóm sau cặp kính Versace, tay vung lên động tác vũ đạo. Đó là hình ảnh NSƯT Khánh Hợi, tuổi 88. Hiện bà là nữ nghệ sĩ cải lương cao tuổi nhất Việt Nam. Xưa kia, những vai võ tướng do nghệ sĩ Khánh Hợi thủ vai là những vai mẫu để đời mà ngày ấy và sau này, khó ai bì kịp.
Tuổi cao, huyết áp cao, ngày uống hàng chục viên thuốc, nhưng bà Khánh Hợi rất minh mẫn, tinh tường trong ứng xử và rành mạch ký ức. Thấp đậm, đi vẫn gọn bước, không cần gậy và nhất là khi kể chuyện xưa cho con cháu, gặp bạn bè bàn luận chuyện nghề, bà say sưa vài tiếng không biết mệt. Đôi mắt bà ánh lên khi nhắc đến sân khấu (SK). Hệt có xung lực truyền tới, lão nghệ sĩ đứng dậy, chân dịch chuyển kiểu xung trận, đôi tay vung kiếm...
Căn phòng bỗng thành SK và trước mắt chúng tôi, như có màn nhung mở ra. Cuộc đời NSƯT Khánh Hợi gắn với hành trình, là một phần lịch sử của Cải lương Hà Nội, của rạp Chuông Vàng. Tuổi trẻ, sự nghiệp nghệ thuật, tuổi già của bà gắn liền với phố cổ Hà Nội.
Nghệ sĩ Khánh Hợi sinh năm 1922, tại nhà 21 phố Hàng Hành, là con thứ của gia đình 4 chị em. Mẹ bà, cụ Đinh Thị Mẫn nức tiếng hát hay, khiến cụ Đoàn Hữu Cẩn mê say mà quyết cưới. Cô bé Hợi từ nhỏ đã hay hát. Cô bế em gái Dung, ru em theo bài của mẹ: “Cái đóm là cái đóm tre/ Mời chàng xơi thuốc, thiếp kể chàng nghe sự tình”... Bà Hợi thuộc những bài từ hồi 6 tuổi và còn nhớ những đoạn, tích của các vở tiêu biểu đã diễn.
Năm 8 tuổi, Khánh Hợi lên SK rạp Quảng Lạc (mặt trước phố Tạ Hiền, mặt sau phố Lương Ngọc Quyến) khởi đầu bằng vai chạy cờ, cầm quạt, Khánh Hợi trội hẳn bằng năng khiếu và sự say nghề. Không lâu sau, cô bé được đón về Nhật Tân ban, một ban hát đang được thời. Cô vào vai chính, con trai cả vở Thất hiền quyến (nhà có 7 người hiền). Vai chính đầu đời là vai nam, đã vận nghiệp. Là con gái thứ mà như con trưởng, đứng ra gánh vác gia đình, toàn sắm vai nam. Bé Hợi chịu mồ côi bố, tiền lương 3 đồng/tháng mua được 1 thúng gạo, cô đưa mẹ để nuôi cả nhà, có chị Chanh, em Dung, em Khôi.
Đời sống SK Hà Nội trước 1945 khá phong phú. Nào Lạc Thành đài ở Bạch Mai, rồi Đan Thanh, Kim Lan, Lạc Việt, Phúc Thắng. Dấu mốc cuộc đời bà đánh dấu vinh quang và mất mát. Năm 18 tuổi, Khánh Hợi nổi danh với vai Lã Bố trong vở cải lương Lã Bố Hí Điêu Thuyền, lại đóng rất chuẩn, điệu nghệ vai của kép, kép võ, vừa hát vừa diễn, toàn động tác khó, nặng, ngoài áo giáp, còn mũ, đai, kích. Năm ấy, mẹ bà qua đời. Phải tỏ ra mạnh mẽ và thực sự can trường vượt hoàn cảnh, nuôi bà nội và hai em, có lúc, bà như quên mình là phận nữ.
Vai diễn Lã Bố của bà vừa khó, vừa tốn sức, nhưng bà đã diễn sống động đến mức, nhiều khán giả nữ mê... người thủ vai Lã Bố. Dù biết người thủ vai là nữ, họ vẫn cứ mê. Chao ôi, Lã Bố liếc mắt đưa tình, ra hiệu Điêu Thuyền “lại gần ngồi vào lòng ta” mới mê đắm làm sao. Cô Ghi buôn vàng bạc ở phố Hàng Bạc “gục ngã” vì tiếng sét Lã Bố ngay rạp Chuông Vàng. Cô sắm kiềng vàng, tặng bằng được cho anh. Cô Thuý, cô Chung và nhiều cô nhiều chị cũng mê tít. Cô Thuý tự tay dệt áo tặng chàng.
Một ngày định mệnh năm 1942, ông Thịnh đàn cò (96 Hàng Đàn) đến nhờ Khánh Hợi, lúc đó là ngôi sao đang lên, mời nghệ sĩ Sỹ Tiến về đoàn Tố Như. Sỹ Tiến năm ấy 27 tuổi, là diễn viên, tác giả có tiếng, ông mến những vai diễn của bà, bà ngưỡng mộ kỳ tài và cả vẻ đẹp trí tuệ đa cảm của ông. Họ thành vợ chồng với tình yêu trong tình yêu nghệ thuật.
“Song kiếm hợp bích”, cặp vợ chồng nghệ sĩ Sỹ Tiến - Khánh Hợi chuyên tâm làm nghệ thuật, cùng thăng hoa, cống hiến những vai diễn tác phẩm giá trị. Khi có bầu đứa con đầu lòng bà vẫn cùng ông diễn xuyên Việt. Nghệ sĩ Phùng Há, khi đưa đoàn Phụng Hảo ra diễn ở Hà Nội, cũng đóng vai Lã Bố. Người có tài thực sự luôn biết phục nhau. Xem Khánh Hợi đóng Lã Bố, Phùng Hà chắp tay xá: “Chịu, chịu!”.
Nghệ sĩ Khánh Hợi còn đóng rất đạt nhiều vai nam khác như: Trọng Thuỷ (vở Mỵ Châu Trọng Thuỷ), Trần Khắc Trung (vở Huyền Trân công chúa, Đinh Văn Tả (vở Mạc Tuyết Lan), các vở này do Sỹ Tiến viết. Khi đóng phục trang, tự hoá trang, âm nhạc nổi lên, ra SK, bà hoá thân vào nhân vật, xuất thần như có lửa. Ở vở Võ Tòng đả điếm (điếm ở đây là quán mà vợ chồng tay chủ chuyên giết người để lấy thịt làm bánh), Khánh Hợi vai Võ Tòng bị gông, phá gông, đánh tay không, là một trong các vai tiêu biểu khiến nghệ sĩ Khánh Hợi nổi danh khắp Hà thành. Rạp Chuông Vàng ăn khách nhờ những vở lừng danh mà Khánh Hợi thủ vai nam. Nức tiếng yêu nghề, bà xả thân cho sân khấu. Có thai, bà vẫn mặc giáp có mãng hổ phù rất nặng. Năm 1947, khi lưu diễn ở Bồng Trung, Thanh Hoá bà bị sảy thai. Công chúng hâm mộ, bà diễn ngày 2 - 3 suất là thường, từ lúc trẻ diễn rạp Đại Nam tới trung niên về rạp Chuông Vàng.
Trong vở Kiều (Sỹ Tiến viết và dàn dựng), Khánh Hợi vai Tú Bà đoạt huy chương Vàng Hội diễn 1962. Vợ chồng NSƯT Tiêu Lang (thân sinh của NSND Như Quỳnh) thường nhắc đến Tú Bà một trong những vai để đời của Khánh Hợi, về sự đa năng đặc biệt của đàn chị. Khánh Hợi thể hiện một mụ sếp lầu xanh độc ác, tham lam, mưu mô đạt đến nơi, một thời gian khá lâu, bà phải để con gái đi chợ Hàng Bè vì gặp bà, người ta không bán, có người còn chửi mắng, chì chiết.
4. Ông bà có 8 người con, năm trai ba gái và 16 cháu. Riêng cô áp út - niềm hy vọng lớn nhất của ông bà, thành danh lúc 5 tuổi, cô hát và được HC Vàng toàn thành phố; cô ngâm thơ hay, học đàn bầu rồi thanh nhạc, khiêu vũ cừ, thành nữ hoàng nhạc nhẹ thập niên 80. Đó là ca sĩ Lệ Quyên, định cư 20 năm tại Paris.
Ông Sỹ Tiến và bà Khánh Hợi được phong danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú đợt đầu tiên, ông là hội viên Hội nhà văn VN từ 1957.
NSƯT Khánh Hợi là nghệ sĩ Cải lương lớn tuổi nhất Hà thành, là nhân chứng của Hà Nội gần suốt thế kỷ XX. Cuộc đời vợ chồng bà là hình ảnh không thời gian như bài thơ của người bạn thân, GS Hoàng Như Mai viết tặng mấy chục năm trước. “Buông bức màn rồi danh vọng hết/ Người về trút sạch mọi sầu thương/ Người vào cởi áo lau son phấn/ Phó mặc vinh hoa lẫn đoạn trường”.
Tấm màn nhung của ký ức vẫn không chịu khép. Cuộc đời sân khấu, sân khấu cuộc đời của bà mang dấu ấn riêng và vẻ đẹp lạ thường. Lạ thường như tuổi 88, hơi yếu, tay run, bà vẫn thèm hát, hát cùng đồng nghiệp con cháu, khi họ đến thăm, hay khi xem những vở cải lương qua truyền hình lúc ở Việt Nam, qua băng khi ở Pháp. Cả cuộc đời hàng ngàn đêm diễn chỉ để sống thật trong định mệnh sân khấu như NSND Sỹ Tiến để lại tâm nguyện gan ruột mà người vợ tri kỷ luôn tâm niệm: “Nếu tôi chết, đừng chôn tôi. Hãy căng da tôi lên mặt trống, để tôi luôn được gần sân khấu, sống không khí nghệ thuật mỗi ngày”.
NSƯT Khánh Hợi vẫn muốn bước ra SK, trong tình yêu không bao giờ vơi cạn....
Source: zing |
|