Nghệ sĩ Kim Thoa tên thật là Trần Thị Kim Thoa, sinh năm 1968 tại Bình Trước, Biên Hòa. Thân phụ cô là ông Trần Nhựt Quang (tức soạn giả Vũ Minh Quang, còn gọi là Mười Quang), mẹ của cô là bà bầu Đỗ Thị Cơ (Mười Cơ) – Trưởng đoàn cải lương Tinh Hoa thuộc Sở VHTT TP.Vũng Tàu. Tuy là đoàn hát của TP.Vũng Tàu, nhưng Tinh Hoa là bảng hiệu lưu diễn thường xuyên ở các tỉnh ĐBSCL. Năm 1983 khi đoàn diễn tại Sa Đéc, vào dịp nghỉ hè, ba mẹ cho Kim Thoa xuống đoàn chơi. Một hôm, nghệ sĩ Hồng Nhung bệnh nặng, đoàn không có người đảm đương vai đào chính. Kim Thoa đã xin mẹ cho cô thử đóng hai màn cuối, còn Phượng Hằng đóng hai màn đầu trong vở Ngai vàng và nữ tướng. Sắp đến giờ mở màn biểu diễn, bà bầu Mười Cơ không có cách nào khác, đành chấp thuận giao cho nghệ sĩ Minh Tiến (anh ruột nghệ sĩ Phượng Hằng) tập vai Dương Ngọc cho Kim Thoa và Phượng Hằng. Không ngờ trong suất diễn ấy, mỗi lần Kim Thoa xuống câu vọng cổ, khán giả đã vỗ tay tán thưởng rất lâu.
Biết chuyện con gái nghỉ hè xuống đoàn chơi và lên sân khấu thế vai, soạn giả Mười Quang giận lắm. Ông xuống Sa Đéc mắng vợ: “Bộ định biến đoàn Tinh Hoa thành gánh hát bầu tèo hả? Ai cũng lên sân khấu hát được sao?”. Nhưng khi nghe anh em nghệ sĩ trong đoàn giải thích, ông bắt Kim Thoa hát lại cho mình xem, rồi mới nguôi giận chấp thuận cho cô theo nghề, với một tờ cam kết mà cho đến nay Kim Thoa vẫn còn cất giữ: “Không được lấy chồng sớm, không được yêu đương sau cánh gà sân khấu. Phải giữ gìn đạo đức và cái tâm của người nghệ sĩ. Nếu sai lời phạt roi và đuổi về nhà, không cho theo đoàn hát nữa”. Kim Thoa kể trong sự xúc động: “Từ bản cam kết rất đơn giản mà nghiệt ngã đó, tôi đã bước chân vào nghề, dong ruổi đi hát khắp các tỉnh ĐBSCL. Tôi nhớ mãi những lời chỉ dạy của ba má và tình thương của khán giả dành cho bảng hiệu Tinh Hoa”. Trên sân khấu đoàn hát nhà, Kim Thoa được khán giả yêu thích qua các vở: Chén thuốc ân tình, Lá sầu riêng, Thái hậu Dương Vân Nga, Hoàng hậu Ba Tư, Đêm lạnh chùa hoang, Tâm sự loài chim biển, Nắng sớm mưa chiều... Đặc biệt, khi đoàn Tinh Hoa lưu diễn miền Trung, Kim Thoa được người xem cổ vũ nhiệt tình qua các vai: Kim Xuân (Cô gái xứ Phù Tang), Ngọc Hân (Tâm sự Ngọc Hân), Nàng Son (Tình hận thâm cung)... Sau này khi về đoàn Hải Đăng, cô tiếp tục tạo ấn tượng qua các vai: Phà Ca (Sơn nữ Phà Ca), Lan Trinh (Nước mắt chàng gù), Thúy Oanh (Dòng sông ly hận), Lượm (Sông dài)... Một năm sau, Kim Thoa về đoàn Sài Gòn 3 diễn qua các vai: Lan (Ai là chú rể), Lành (Lỡ một cuộc đời), Nhung, Thanh Nguyên (Khi người điên trở lại)...
Đầu năm 1993, Kim Thoa có dịp làm quen với sân khấu cải lương tuồng cổ qua các vở: Văn võ kỳ duyên, Chung Vô Diệm, Song nữ loạn viên môn, Tang Đại giả gái, Hoàng hậu Hồ ly tinh, Ngọc sáng vương triều, Mùa xuân sen trắng nở... Kim Thoa còn cộng tác với các đoàn: Minh Tơ, Kim Hương, Huỳnh Long, Hữu Long, Vũng Tàu 2, Dạ Lý Hương, Nhân dân Kiên Giang và hiện nay là đoàn Tinh Hoa. Với Kim Thoa. cô mơ ước được đứng diễn trên sân khấu và lúc nào đoàn hát cũng có đông khán giả. Dù hiện nay các suất hát chỉ tập trung vào cuối tuần, nhưng mỗi khi đoàn mở màn là cô cũng như tất cả các anh chị em nghệ sĩ đều hết mình với vai diễn. Hoài bão của Kim Thoa là được tái diễn những tác phẩm sân khấu kinh điển để phục vụ khán giả yêu sân khấu cải lương.
Source: tinviet |
|