Ngày Đăng: 11 Tháng 12 Năm 2013 Kết hợp nghệ thuật trình diễn với âm nhạc, hoạt động văn hóa gây quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình được nâng lên một tầm mới về ý tưởng cách tân.
Tối 10/1, đêm công diễn đầu tiên của chương trình Duyên dáng Việt Nam lần thứ 26 diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình, TP HCM. Có hơn 2.000 khán giả đến thưởng thức chương trình ca múa nhạc thời trang thường niên này. Năm nay, đêm diễn mang chủ đề "Thương quá Việt Nam".
Ngay từ những phút mở màn, sân khấu chương trình khiến khán giả trầm trồ vì màn biểu diễn hệ thống ánh sáng 3D tạo hình khối, phối hợp các màn hình chiếu rộng, tạo cảnh vật đẹp mắt. Nhóm chuyên gia thiết kế ánh sáng của Phạm Hoàng Nam mang đến một bữa tiệc hình ảnh mãn nhãn cho khán giả. Sự xuất hiện của cô gái Việt Nam, của tà áo dài, những cảnh vật Sài Gòn hay cảnh đẹp quê hương hiện ra với đầy đủ chiều rộng, sâu chứ không chỉ có chiều phẳng như sân khấu thông thường, hay so với chính sân khấu của Duyên dáng Việt Nam các lần tổ chức trước.
| Đức Tuấn có màn hát diễn nhiều cảm xúc với \"Tình ca phố\". |
Trên nền thiết kế linh hoạt, chuyển cảnh mỗi tiết mục nhanh gọn nhờ hỗ trợ của kỹ thuật hiện đại, đêm diễn được chia làm bốn phần. Từng phần lần lượt diễn ra qua sự điều phối, dàn dựng của các đạo diễn: Linh Rateau, Tuấn Nguyễn Andrew, Tấn Lộc, Tuấn Lê và Tất My Loan. Ngoài ra, với sự tham gia của sáu biên đạo múa nổi tiếng: John Huy Trần, Tố Như, Ngọc Khải, Thanh Phương, Alexander Tú, Hà Lê, Duyên dáng Việt Nam mang đậm hơi thở của ngôn ngữ múa từ đầu đến cuối. Nét sáng tạo của chương trình nằm ở chỗ đạo diễn đã chọn lọc những nhạc phẩm hay, có nội dung liên kết được với từng bài múa
Ở phần một, nhóm nhảy Urban Dance Group dẫn dắt khán giả theo chân một cô gái trẻ người Pháp gốc Việt từ Paris xa xôivề lại quê nhà để thấm thía được quê hương, nguồn cội. Kết hợp jazz, ballet và múa đương đại, các thành viên của nhóm nhảy phối hợp nhịp nhàng để qua ngôn ngữ hình thể kể lại cảm xúc từ bỡ ngỡ, xa lạ của cô gái trẻ khi đặt chân về quê nhà, rồi đến những cảm giác vỡ òa, thích thú, háo hức muốn ôm quê hương thật chặt vào lòng.
Ca sĩ Thái Trinh xuất hiện đầu tiên với bài Bonjour Vietnam trong tiếng vỗ tay vang dội của khán giả. Tiếp theo đó, nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn, nhóm V.Music, Đức Tuấn, Hồ Ngọc Hà có màn trình diễn thỏa mãn phần nhìn và nghe của khán giả. Với những cây kèn độc đáo của mình, Trần Mạnh Tuấn không phiêu bằng giai điệu phương Tây xa lạ. Anh mang khán giả đến vùng núi Tây Bắc qua điệu khèn tình tự. V.Music có màn hát phối hợp trình diễn thời trang áo dài Liên Hương rạng rỡ, đầy sắc màu. Còn Đức Tuấn hát Tình ca phố (Quốc Bảo) với màn nhảy và kết nối hài hòa với vũ công, mang lại nhịp thở Sài Gòn trẻ trung, say đắm. Hồ Ngọc Hà không bõ công đã thức đến hai giờ sáng đêm hôm trước để luyện tập cho tiết mục của mình. Cô cuốn hút khán giả với màn hát, nhảy quyến rũ và sôi động qua Sài Gòn, Sài Gòn (Châu Đăng Khoa).
Ở phần hai, khán giả chia tay không gian thành phố để về với không gian làng quê yên bình. Nhóm Arabesque mang một phần của vở múa đương đại Sương sớm lên sân khấu chương trình. Tiếng ễnh ương, ếch nhái kêu vang và cảnh sinh hoạt ngày mùa chốn làng quê với người nông dân, bó lúa, đụn rơm, được nhóm nhảy sử dụng khéo léo để tạo điểm nhấn qua từng vũ điệu. Ca sĩ Hương Lan, Quang Linh và Elvis Phương đã dốc sức mình cho phần diễn này. Không chỉ hát đơn ca những nhạc phẩm mang đậm hồn quê như: Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang, Tình yêu của đất và nước, Một ngày bình yên, cả ba danh ca còn phối hợp với nhau ăn ý qua bài Gánh lúa mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả.
| Từ trái qua: Elvis Phương, Hương Lan và Quang Linh hội ngộ trong \"Gánh lúa\". |
Ca sĩ Anna Trương mở màn phần ba chương trình với ca khúc Thương quá Việt Nam. Phần ba thể hiện sự giao thoa, hội nhập trên mọi mặt của một Việt Nam vừa truyền thống vừa hiện đại. Vì thế, Anna Trương không hát nhạc phẩm rất nổi tiếng của Phạm Thế Mỹ theo cách mà những bậc ca sĩ đi trước đã thể hiện. Bản nhạc được làm mới lại với điệu hiphop và nhạc dance sôi động, tinh nghịch. Con gái của Mỹ Linh - Anh Quân biểu diễn với phong cách hồn nhiên, sảng khoái. Dù chất giọng chưa thật nội lực, cô gái mang hai dòng máu Việt - Đức đã thể hiện ca khúc có tuổi đời lớn hơn tuổi thực của cô rất nhiều một cách duyên dáng, dễ thương. Nhóm múa TPG làm chủ phần diễn này với những màn nhảy hip hop, breakdance trên nền giai điệu đàn tranh, đàn bầu làm khán giả rất bất ngờ, thích thú. Lần lượt các ca sĩ Thu Minh, Nguyên Thảo, bé Ngọc Duy The Voice Kid - Thanh Bùi mang đến các bài hát được chuẩn bị công phu.
Phần cuối cùng, Tuấn Lê đã mang một phần của tác phẩm xiếc Làng tôi vào chương trình. Ngôn ngữ biểu diễn hình thể qua loại hình nghệ thuật dày công khổ luyện khiến khán giả thốt lên trầm trồ, thích thú. Câu chuyện làng quê ấy còn được kể qua giai điệu âm nhạc dân tộc đầy ngẫu với phần trình diễn của ban nhạc Phù Sa. Và làn điệu ca trù, hát ả đào được vang lên bên cạnh dòng nhạc pop qua các màn trình diễn của Thùy Chi, Lệ Quyên, Mỹ Tâm, Nguyễn Kiều Anh - Phạm Văn Ty...
Đêm diễn kết thúc với bài hát Tiếng Việt do Mỹ Tâm trình bày. Đây là ca khúc mới do nhạc sĩ Đức Trí và Hà Quang Minh sáng tác dành riêng để Mỹ Tâm trình diễn trong đêm này. Lời bài hát cũng là lời nhắn nhủ đầy tình cảm của Duyên dáng Việt Nam với khán giả, nhất là thế hệ trẻ, về hành trình bền bỉ của việc giữ gìn bản sắc dân tộc và hội nhập với thế giới trong cuộc sống sôi động hôm nay.
| Tác phẩm xiếc \"Làng tôi\" được mang lên sân khấu, kết hợp với âm nhạc. |
Ở lần thứ 26 tổ chức, Duyên dáng Việt Nam đã thể hiện tham vọng cách tân, cố gắng nâng cao tầm vóc của chương trình so với việc chỉ có ca sĩ lần lượt ra sân khấu hát. Trong hai tiếng rưỡi, các đạo diễn bày ra rất nhiều thứ để khán giả thưởng thức. Cách làm này được đánh giá thổi luồng gió mới cho sân khấu ca nhạc Việt Nam nói chung, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, sân khấu biểu diễn ca nhạc đang co cụm phần lớn ở phòng trà, hay các điểm diễn nhỏ, thì một sân khấu lớn, với êkíp đội ngũ thực hiện và nghệ sĩ biểu diễn lên đến khoảng 100 người như Duyên dáng Việt Nam là một nỗ lực lớn.
Nhưng cũng có khán giả nhận xét, bốn phần trong đêm diễn năm nay do các nhóm độc lập thực hiện nên chưa thật sự gắn kết với nhau. "Giá như các nhóm này cùng dàn dựng với nhau qua một kịch bản xuyên suốt hơn, dẫn dắt khán giả từ không gian làng quê đến thành thị, từ bản sắc đến hiện đại một cách liền mạch thì cảm xúc đến với khán giả sẽ nhiều hơn. Đằng này, mỗi nhóm làm theo cách riêng của mình khiến khán giả có lúc bị hẫng", anh Minh Huy, nhà ở quận Bình Thạnh, chia sẻ về đêm diễn.
Duyên dáng Việt Nam tiếp tục đêm công diễn vào tối 11/1 tại Nhà hát Hòa Bình, TP HCM. Còn vở múa - xiếc Làng tôi được ra mắt khán giả cũng tại địa điểm này vào tối 12/1. Chương trình ca, múa, nhạc, kịch thường niên này nhằm gây quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình và quỹ Đào tạo nhân tài nước Việt. Các quỹ này đã giúp đỡ, tạo điều kiện học tập cho các sinh viên, học sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước.
Sources: vnexpress |