Ngày Đăng: 24 Tháng 03 Năm 2015 Bây giờ, giọng ca 34 tuổi tìm thấy vẻ đẹp an nhiên trong những ca khúc của nhạc sĩ, chứ không u uất như cảm nhận của chị lúc trẻ.
Dù thành công với những album Lênh đênh nhớ phố hay Hạ Huyền, Giang Trang không thích được gọi là ca sĩ. Chị muốn được thoải mái thể nghiệm những cảm nhận riêng trong âm nhạc.
Giang Trang hát nhiều nhạc Trịnh, không ồn ào nhưng được nhiều khán giả biết đến. Theo thời gian, cảm nhận của chị với dòng nhạc này cũng thay đổi. Nếu trước đây, chị hay hát để trải lòng về nỗi buồn, sự cô đơn, thì ở tuổi 30, chị nhận thấy ở lời ca, giai điệu của nhạc sĩ họ Trịnh toát lên một vẻ đẹp an nhiên, bao dung về những trắc ẩn trong đời sống. "Càng hát, thấu hiểu nhạc Trịnh, người nghệ sĩ càng dễ bị cuốn vào vòng xoáy của những câu hỏi về cuộc đời, để rồi lại tự mình độc bước kiếm tìm cho kỳ được câu trả lời", Giang Trang nói.
| Giang Trang nhận mình là người yêu nhạc Trịnh chứ không coi bản thân là ca sĩ. |
Những cảm nhận mới được Giang Trang đưa vào album mới có tên Hạ huyền 2 - sản phẩm âm nhạc chị dành để tưởng nhớ ngày Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm.
Hạ huyền 2 vẫn chứa đựng những ca khúc quen thuộc: Gọi tên bốn mùa, Ru em từng ngón xuân nồng, Tôi ơi đừng tuyệt vọng, Bên đời hiu quạnh... nhưng được thể hiện ung dung hơn. Ở đó, người nghệ sĩ không buồn, cũng không vui mà bình thản, âm thầm nâng niu cái đẹp, sự chân thành vốn dĩ rất mong manh trong đời sống. Theo nữ ca sĩ 30 tuổi, cái chất ung dung, tự tại ấy đến từ tâm thế của người đã tìm được sự yên tĩnh từ bên trong đang nhìn ra thế giới bên ngoài.
Về hòa âm, Giang Trang không chọn cách chỉ thể hiện với guitar mộc (Thanh Phương) như thường thấy, mà kết hợp thêm nhiều loại nhạc cụ như piano (Trọng Kiều), flute (Lê Thư Hương) và đàn tranh (Vân Mai).
Sources: vnexpress |