Ngày Đăng: 10 Tháng 05 Năm 2016 Không một bữa cơm nào không có người xông vào nhà đòi nợ. Lúc này tôi mới hiểu thế nào là cơm chan nước mắt. Tôi không thể hiểu chàng vay để làm gì...
Do được giải thưởng lớn ở Festival Dresden năm 1981, tôi được mời dự Festival Dresden năm 1982 với tư cách khách mời danh dự rồi sau đó diễn vòng quanh nước Đức, chương trình kéo dài hai tháng, sau đó tôi được mời qua tiếp Ba Lan biểu diễn. Sau mấy tháng đi biểu diễn xa nhà, đến cuối tháng 11 năm 1982 tôi về nước. Mọi khi đi diễn nước ngoài về chỉ có ba tôi hoặc một vài người trong gia đình tôi đi đón. Lần đó lại đông đủ hết gia đình hai bên cùng ra phi trường đón tôi, rất lạ. Xe đưa thẳng về số 8 Trần Hưng Đạo. Tuy bay chặng đường dài rất mệt nhưng không hiểu sao tôi không được về phòng mình ngay. Bố mẹ chồng cứ giữ lại bên phòng các cụ nói chuyện. Ba má tôi và bố mẹ chồng cứ chuyện Đông chuyên Tây một hồi, câu chuyện cứ nhạt dần. Tối rồi, mệt rồi, đói nữa. Tôi cứ ngáp ngắn ngáp dài.
Cuối cùng tôi tự mình đề nghị: “Thôi thế chắc phải nghỉ thôi nhỉ, con mệt quá”. Khi đó mẹ chồng mới mếu máo: “Con ơi con, con đi vắng ở nhà tự nhiên điện tăng đột ngột. Nó đang làm nhạc để diễn tự nhiên điện tăng lên, cháy hết cát xét, ti vi tủ lạnh, còn cái xe máy ở nhà thì mang đi sửa mấy hôm nữa mới lấy về". Điện Hà Nội lúc đó lên xuống rất thất thường, việc cháy đồ vì tăng điện cũng xảy ra nhiều, không có gì lạ. Tôi chỉ ngạc nhiên không hiểu cái xe máy thì dính dáng gì đến điện và sao mẹ lại mếu máo quá mức cần thiết. Tôi nói: “Thôi mẹ, nợ nần trả rồi, mấy thứ đó cháy rồi sau mua sắm lại thôi mà. Mẹ đừng buồn quá".
| Ái Vân (thứ hai từ phải qua) bên nhạc sĩ Đức Holger Biege khi được mời dự Festival Dresden năm 1982 với tư cách khách mời danh dự. |
Về phòng hai vợ chồng, vừa mở cửa tôi sững lại. Mặc dù mẹ chồng đã rào trước đón sau rồi nhưng khi mở cửa có gì rất lạnh và rất trống ập vào ngực tôi. Phòng chỉ còn một cái giường, một cái quạt trần và một cái tủ quần áo, ngoài ra tất cả những gì đáng giá trong nhà đều không còn ở đó nữa. Tôi vẫn chỉ nghĩ vì sự cố điện chứ không hề nghĩ đến chuyện khác. Vừa thở phào vì niềm vui sạch nợ ở nước Nga nên khó lòng hình dung ra bi kịch khác còn kinh hồn hơn.
Đêm hôm đó chàng không ngủ được, cứ bồn chồn ngồi lên nằm xuống. Nghe có tiếng động gì đó là chàng bật dậy, ngồi im trong màn, nhìn ra phía sân nghe ngóng. Tôi ngạc nhiên: “Sao anh không ngủ đi?” Chàng lặng thinh, nét mặt là lạ, bất bình thường. Khoảng 10 giờ sáng sau như thường lệ mỗi khi đi nước ngoài về, tôi mở va li lấy quà chia cho mọi người thì ba tôi và Ái Xuân đi sang. Ba sang phòng bố mẹ chồng nói chuyện, Ái Xuân vào phòng tôi thì thầm: “Có bất kỳ thứ gì đáng giá thì mang về nhà ngay lập tức". Tôi hoảng lên: “Là sao?” Xuân nói: “Ổng nợ khắp Hà Nội rồi chị ơi, hết một triệu bảy!” Sét đánh ngang đầu tôi. Vàng lúc đó một chỉ 80 đồng, một triệu bảy nó khủng khiếp đến thế nào.
Đến bữa trưa. Nghe tiếng chuông cổng, vừa đi ra hỏi: “Ai đấy?” lập tức có người kêu rống lên: “Ôi giời Vân ơi là Vân… giả tiền tôi đi!” Bắt đầu từ đó trở đi cứ đến giờ cơm là hết người nọ đến người kia tới đòi nợ. Thư đòi nợ tới tấp, thống thiết cũng có van xin cũng có đe dọa cũng có, đủ hết. Suốt tuần công an gọi tôi lên hỏi chung quanh chuyện nợ nần và những chuyến đi nước ngoài của tôi. Mệt mỏi vô cùng. Thì ra tôi mải đi nước ngoài không biết, chuyện đã ầm cả Hà Nội từ lâu rồi. Qua tìm hiểu, tôi lờ mờ hình dung ra cách chàng mượn nợ na ná chuyện ông Nguyễn Văn Mười Hai của Nước hoa Thanh Hương thời điểm này vậy, là thế này: Chàng nói với người ta rằng đang có những chuyến buôn của chuyên cơ, cần đánh hàng, đây có chừng nay rồi, thiếu chừng này nữa, góp vào đây rồi cứ một tháng là lãi 15- 20 %". Hồi đó có chuyện chuyên cơ chở hàng thật, nghe vậy ai cũng tin. Với lãi suất khủng vậy ai cũng ham.
Những người đầu thì lấy lời thật, có những người chơi đầu vài ba tháng đã gần lấy hết vốn rồi. Cả nhà tôi đều theo chàng, mấy nhà thông gia cũng theo chàng luôn. Thấy nhà tôi theo ai mà không theo. Anh Văn, rồi Ái Xuân, Văn Hai mới đi diễn Tây Đức về có casstte 777, xe gắn máy đều bán đi đổ tiền theo chàng chơi cho bằng hết. Ba tôi bỏ thuốc lá từ lâu, khi cho vay lấy lãi có tiền rủng rẻng ông hút trở lại. Con anh Văn nghịch bật lửa của ông bán bật lửa đầu phố Nguyễn Du, ông mách ba tôi: “Coi chừng cháu ông làm hỏng bật lửa của tôi đấy.” Bật lửa lúc đó cũng quý hiếm lắm. Ba tôi nói như đại gia: “Cứ cho cháu nó chơi, hỏng bao nhiêu tôi đền". Nghe ông nói cứ như thời của Công tử Hà Thành đã trở lại. Hóa ra mỡ nó rán nó, chàng lấy tiền mượn người sau trả lãi cho người trước, trả một lúc thì hết tiền trong khi nợ ngày một chất đống.
| Ái Vân là ca sĩ nhạc nhẹ hàng đầu của Việt Nam nửa sau thế kỷ 20. Chị từng đoạt giải Grand Prix tại Liên hoan âm nhạc quốc tế Dresden (Đức) năm 1981. |
Vậy là đồn rầm lên: “thằng này nó lừa đảo rồi!” Các chủ nợ nháo nhào đòi nợ, xiết nợ. Bây giờ mới vỡ ra chàng dính khắp Hà Nội. Văn nghệ sĩ Hà Thành quen chàng không sót một ai, trừ những người không có tiền, hết thảy đều đổ cho chàng cả. Đến lừng lẫy như đạo diễn Nguyễn Đình Nghi hay họa sĩ Doãn Châu cũng dính. Tóm lại từ thượng tầng tới dân nghèo, từ mấy bà bán giò chả ngoài chợ tới sinh viên mới ra trường. Cả Hà Nội như đang lên cơn sốt vì đòi nợ. Nhiều người mất tiền chỉ biết đắng cay ngậm bồ hòn vì thân quen quá nên chẳng nỡ đòi. Nhưng không ít người vì “của đau con xót”, vì mất nhiều hoặc tuy mất số không lớn nhưng là tiền kiếm bằng khó nhọc mồ hôi nước mắt nên phải cương quyết đòi bằng được. Không một bữa cơm nào không có người xông vào nhà đòi nợ. Lúc này tôi mới hiểu thế nào là cơm chan nước mắt. Tôi không thể hiểu chàng vay để làm gì, nếu vay làm ăn buôn bán thì trong nhà phải có của chứ, tại sao của cải lại đội nón ra đi?
Bố mẹ chàng đã gặp công an, đề nghị công an bắt chàng. Nhưng công an không bắt. Họ bảo sợ “ném chuột vỡ bình”. Bình là tôi, vì tôi vừa được giải Grand Prix, nếu bắt chàng điều tra thì ảnh hưởng uy tín của tôi. Tôi không nghĩ vậy, họ chưa bắt vì muốn dò tìm thêm nhiều manh mối. Họ nghi cả tôi. Công an nghi ngờ chuyện vay nợ của chàng có liên quan tới các cuộc đi hát nước ngoài của tôi, giống như có chuyện hoạt động bí mật gì đấy. “Nếu không thế thì một triệu bảy dùng vào việc gì?” Câu hỏi rất có lý. Tôi không trả lời được còn chàng vẫn cứ kín như bưng. Chàng chỉ có mỗi câu trả lời: “Chuyện này nó dài dòng văn tự lắm, nhà không hiểu được đâu”. Tôi nói: “Cứ thế này có khi anh giết người rồi về anh nằm cạnh em thì em cũng không biết. Có chuyện gì phải nói ra chứ. Thế tại sao anh làm ăn có tiền không cho em biết, bây giờ thất bại đổ bể lại đòi đến em là thế nào?” Chàng không có câu trả lời. Nhà chàng cũng thế. Không biết chàng có nói với bố mẹ chàng không. Chắc là không. Vì chuyện này nhà chàng cũng tan nát bao nhiêu là chuyện….
Hàng xóm, bà con, bạn bè, đồng nghiệp... khi không làm gì được chàng liền chĩa mũi dùi vào tôi. Cả Nhà hát ca múa nhạc cũng ghẻ lạnh và dè chừng. Nhờ được giải Grand Prix nên được biết sang năm 1983 tôi sẽ được lên hai bậc lương, rồi chiến sĩ thi đua, và được danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú đợt đầu… bây giờ đều bị cúp hết. Những chương trình diễn quan trọng tôi cũng không được diễn. Liên hoan Orfei vàng ở Bungary là liên hoan ca nhạc quốc tế uy tính nhất trong hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa, kể cả Âu châu, tôi được mời đích danh nhưng Bộ Văn hóa không cho đi. Tất cả xa lánh tôi. Chưa lúc nào tôi cảm thấy đơn độc như lúc này. Sự nghiệp cũng coi như mất hết, sạch sành sanh.
Gia đình tôi họp năm lần bảy lượt yêu cầu tôi ly dị chàng. Ba tôi ra tối hậu thư: “Thằng này lừa đảo, mày phải bỏ nó. Nếu mày còn muốn sống với nó có nghĩa là mày là con lừa đảo. Thì thôi, không còn gì để nói nữa rồi”. Cùng đường rồi. Lúc đó tôi nghĩ chỉ có con đường chết. Mỗi lần từ nhà phố Huế về nhà chồng là mỗi lần khóc ròng. Có lần nhìn xe tải đi ngược chiều tôi chỉ muốn lao đầu vào. Nhưng rồi nghĩ lại, ai cũng nghĩ mình dính dáng với chàng, mình chết đi ai thanh minh cho mình? Nhờ nghĩ vậy mà vượt qua được cái chết thoáng trong đầu.
Phải ly dị thôi, tôi quyết định. Một chiều cơm xong tôi nói: “Em không thể sống như thế này được. Nợ nần là một chuyện, cái chính là em phải hiểu anh đã làm cái gì để dẫn đến tình trạng như thế này". Chàng hỏi: “Em hiểu để làm gì?” Tôi chán ngán nói thẳng: “Tụi mình chia tay thôi, không còn con đường nào khác". Chàng đang ngồi cạnh tủ liền vớ cái kéo đâm vào cổ. Tôi sợ quá hô hoán lên, gọi bố mẹ chồng đến. Chàng cũng cùng đường rồi, thâm tâm tôi rất thương chàng nhưng việc sống với nhau là không thể.
Tôi không dám chia tay theo kiểu nói chính thức như thế nữa. Tôi về nhà nói với ba má: “Con quyết định rồi, con sẽ chia tay". Ba má nói: “Tốt quá, mừng quá. Mất của phải cứu lấy con". Ba má lên kế hoạch trước mắt phải tách hai đứa ra cái đã. Nhân một buổi đi xem diễn ở Nhà hát lớn, ba má cũng đi xem, sau đó tôi theo ba má về phố Huế luôn. Các cụ cử Ái Xuân sang nhà chàng nói: “Chị Vân đi xem bị cảm lạnh, phải về phố Huế nằm nghỉ”. Tôi ở luôn bên đó và viết đơn ly dị. Mấy hôm sau ba và anh Sơn sang số 8 Trần Hưng Đạo lấy đồ đạc của tôi về.
Khi theo thủ tục của tòa phải gặp nhau hòa giải, chúng tôi chọn nhà bố mẹ vợ anh Hà Quang Sơn ở Nguyễn Du. Tôi rất sợ chàng lại làm liều nên phải cậy nhờ công an. Giám đốc Sở công an Hà Nội lúc ấy là chú Lê Nghĩa rất quý gia đình tôi. Lên gặp chú Nghĩa, tôi nói: “Cháu chỉ sợ anh ấy làm liều. Nhờ chú giúp đỡ.” Chú bảo: “Cái này không phải nhiệm vụ công an, nhưng vì bảo vệ gia đình, và bảo vệ cháu nên các chú sẽ cử hai công an đứng sau cánh cửa, nếu có chuyện gì nguy hiểm, cháu cứ kêu lên, họ sẽ xông vào can thiệp”.
Cuộc hòa giải êm thấm. Chúng tôi ngồi nói chuyện ở trước cửa nhà, rất yên tâm vì biết đằng sau cánh cửa là hai anh công an. Cuộc nói chuyện nhẹ nhàng vì cuối cùng chàng hiểu ra và chấp nhận. Chắc chàng thấm đủ lắm rồi, suốt mấy năm trời chàng quá thấm đủ. Ngày chia tay chàng đến nhà đón tôi đi, hai đứa lên tòa ở Hàng Trống, Hoàn Kiếm. Nghe tòa tuyên và ký một số giấy tờ rồi chở nhau đi ăn bún chả ở Hàng Mành. Tôi mua tặng chàng cái kính râm. Cuộc chia tay lặng lẽ và lịch sự.
Phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, còn tiếp...
(Trích tự truyện Để gió cuốn đi, First News và NXB Hội Nhà văn ấn hành)
Sources: Vnexpress |