Ngày Đăng: 18 Tháng 10 Năm 2015 Nghề xướng ngôn viên truyền thanh, truyền hình và MC trong cộng đồng người Việt tại Quận Cam
Là ca sĩ có một giọng hát nam trung trầm ấm, nồng nàn, tuyệt đẹp, thích hợp với dòng nhạc trữ tình, đầy chất tự sự của các tác giả từ thời tiền chiến đến hiện đại. Cùng với gương mặt điển trai, sáng sân khấu, điều này cũng dễ hiểu vì sao ca sĩ Anh Dũng dễ dàng nhận được nhiều mến mộ của các khán giả yêu nhạc tại hải ngoại suốt hơn hai chục năm qua, kể từ lúc anh đạt giải nhất cuộc thi hát Karaoke ở Phước Lộc Thọ vào năm 1992, và đạt giải nhất đồng hạng với Hoài Nam cuộc thi Giọng Ca Vàng với ban giám khảo toàn là các nhạc sĩ tên tuổi như Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ. Trầm Tử Thiêng… vào năm 1993, do nhạc sĩ Ngọc Chánh giám đốc vũ trường Ritz tổ chức.
Lúc bấy giờ anh được vũ trường Ritz mời hát mỗi cuối tuần và ký hợp đồng hai năm với trung tâm Diễm Xưa. Dù hiện nay tiếng hát Anh Dũng không còn ở giai đoạn “vàng son” rực rỡ, bản thân anh cũng không là ca sĩ độc quyền của trung tâm băng nhạc nào, nhưng khán giả vẫn được nghe giọng hát ấm nồng, lay động trái tim người thưởng thức của Anh Dũng trong một số show ca nhạc ở quanh vùng Quận Cam và các tiểu bang xa.
Không chỉ là một ca sĩ, Anh Dũng còn là một diễn viên thoại kịch trên sân khấu đã tham gia khoảng 20 vở kịch với ban kịch sống Túy Hồng, Dân Nam Thúy Uyển, ban kịch của Hồng Đào- Quang Minh. Nhờ khả năng nhập vai tốt, giọng thoại kịch tự nhiên, thu hút người nghe, nên kịch sĩ Anh Dũng cũng được rất đông khán giả hâm mộ. Không chỉ là ca sĩ, kịch sĩ, Anh Dũng từng là người chuyển âm cho các phim bộ Hồng Kông với nhóm chuyển âm của Việt Thảo một thời gian trước đây.
Vào năm 1998 Anh Dũng cũng từng đảm nhận vai trò MC chung với Quỳnh Hương cho trung tâm Asia thu vài cuốn băng hình, và một thời gian sau đó anh còn làm MC cuộc thi "Hoa Hậu Áo Dài Long Beach" kỳ thứ 19 và một vài trung tâm khác với nhiệm vụ MC cùng với Quỳnh Hương. Nhưng hiện nay khán giả biết đến Anh Dũng nhiều nhất trong vai trò xướng ngôn viên đọc tin tức của đài truyền hình Viet Face TV (băng tần 57.2). Phần đọc tin của anh được phát hình vào 8 giờ sáng (giờ Nam California), phát lại lúc 12 giờ trưa từ thứ Hai đến thứ Sáu trên đài và cách tuần vào thứ Bảy, Anh Dũng xuất hiện trong chương trình “Quan Điểm,” là tiết mục bình luận tin tức trong tuần cùng với người partner là Tyler Diệp, và một vị khách mời (thay đổi mỗi tuần khác nhau).
Xướng ngôn viên đọc tin trên truyền hình
Ca sĩ Anh Dũng đã chinh phục được khán giả khi hát bởi chất giọng tuyệt đẹp, ấm áp, giàu cảm xúc. Nên trong vai trò xướng ngôn viên đọc tin tức Anh Dũng anh cũng dễ dàng tạo được thiện cảm cho khán giả với chất giọng ấm, sáng, chuẩn, có âm sắc riêng biệt, phong cách chững chạc, cách đọc tròn vành rõ chữ, lối dẫn mạch lạch, phong thái tự tin, gần gũi khi trao đổi với người partner cùng đọc tin với anh.
Nếu thính giả của radio chỉ nghe giọng xướng ngôn viên phát thanh và không thấy hình, nên thường thì giọng đọc, giọng nói của người xướng ngôn viên truyền thanh tạo cho thính giả cảm giác chỉ thủ thỉ cho một người nghe, nghĩa là ai đang nghe phát thanh cũng cảm nhận là xướng ngôn viên chỉ đang nói chuyện với mình. Còn với truyền hình, thì người xướng ngôn viên luôn là trung tâm của sự chú ý, khán giả vừa nhìn vừa xem, do đó ngoài giọng đọc, xướng ngôn viên còn hỗ trợ bởi cử chỉ, điệu bộ, dáng vẻ, biểu hiện trên khuôn mặt, ánh mắt, cùng với bối cảnh sống động của những hình ảnh minh họa kèm theo bản tin mà người đó đọc. Do vậy giọng đọc tin tức của xướng ngôn viên truyền hình thường không đặt quá nhiều cảm xúc của mình vào bản tin, chỉ dừng ở mức độ vừa phải. Đây là điều mà xướng ngôn viên Anh Dũng hiểu rõ nên anh luôn hoàn thành tốt vai trò của mình khi chuyển tải đến khán giả nội dung thông tin mà bản tin đó muốn diễn tả. Truyền tải được từng câu chữ, từng ánh mắt, cử chỉ thể hiện được tất cả điều đó.
Xướng ngôn viên Anh Dũng cho rằng nếu người xướng ngôn viên nắm chắc vấn đề biết mình đang nói cái gì và biết nói như thế nào, chắc chắn người đó sẽ nói hay hơn và tự tin hơn. Đó cũng chính là điều mà khán giả cần. Chính vì vậy, người xướng ngôn viên tin tức rất cần có thêm kỹ năng biên tập.
Nói về công việc đọc tin mỗi ngày trên đài Việt Face TV của mình, Anh Dũng cho biết từ thứ Hai đến thứ Sáu, mỗi sáng vào lúc 6 giờ 30 anh phải có mặt trong phòng thu của đài Việt Face để thu đọc tin tức, thâu đến 7 giờ 30 sáng, sau đó anh về nhà nghỉ ngơi đến 11 giờ 30 mới bắt đầu đi làm công việc chính là phụ tá dược sĩ nhà thuốc ở bệnh viện tại Long Beach, đây là công việc bảo đảm cho cuộc sống của anh và gia đình suốt 12 năm qua.
Anh Dũng kể, “Muốn thâu một tiếng đồng hồ đó, dù đã có người soạn tin cho tôi đọc rồi, nhưng tối hôm trước, từ 10- 12 giờ tôi phải đọc trên internet từ nhiều nguồn tin khác nhau để xem tin tức trong ngày là gì. 12 giờ đi ngủ, đến 4 giờ 30 sáng tôi thức dậy, tôi tiếp tục lên mạng để đọc tin từ các nguồn tin của BBC, RFA, RFI… xem đài CNN, FOX… để biết được tình hình thời sự trên thế giới, nước Mỹ ra sao. Đó là điều mà tôi chuẩn bị, sau đó tôi vào đài để thu phần đọc của mình.
“Nhờ tôi đã đọc tin tức trước như vậy, nên phần tin nào do biên tập của đài biên soạn cho tôi đọc, tôi cũng có thể cập nhật ngay được vì mình đã xem trước đó từ nhiều nguồn rồi. Ngay lúc thu phần đọc, tôi cũng phải nói thêm một số phần bổ sung mới vào bản tin. Ví dụ tin về một tai nạn máy bay lúc biên tập viên biên soạn có bao nhiêu đó nạn nhân, nhưng khi tôi đọc trên mạng trước khi thu số nạn nhân đã tăng thêm, thì lúc đọc thu hình tôi sẽ nói thêm phần bổ sung này vào.”
Anh Dũng hồ hởi nói, “Có thể nói là bây giờ tôi rất say mê công việc này. Vì đọc tin có một tiếng trên đài truyền hình thôi. Nhưng tôi có thể cập nhật tin tức mỗi ngày, càng ngày càng trau luyện cho trí nhớ. Vì đọc nhiều thì giúp trí nhớ tốt, và có nhiều hiểu biết hơn về tình hình thế sự khắp nơi trên thế giới, giúp trau dồi nghề nghiệp. Tuy công việc xướng ngôn viên tin tức có cực thật, vì mất thời giờ quá nhiều, nhưng nó xứng đáng, đó là điều tôi thú vị nhất khi làm công việc này. Cũng nhờ xem trước tin kỹ, nên khi vào phòng thu, phần đọc tin của tôi cũng có hồn hơn, do tôi hiểu tôi đang đọc gì, đang nói gì, đây là điều rất quan trọng. Chứ không phải đọc như cái máy. Hoặc có những điều mà trong bản tin biên soạn để tôi đọc hoàn toàn không có thì tôi đưa ngay vào phần đọc của mình, hay những tin mới xảy ra tôi vừa cập nhật được trước khi đến đài thu, tôi báo cho ban kỹ thuật của đài để lấy hình ảnh xuống, rồi tôi dịch trực tiếp ý chính và nói luôn khi thu hình để kịp cập nhân tin tức mới, vì khi đó không kịp để người biên tập tin tức của đài dịch thành bản tin.”
Nói về kỹ thuật đọc tin, Anh Dũng chia sẻ, “Khi tôi đọc tin tức thì tôi đọc bằng giọng chắc, gọn, giọng vô cảm cũng được, nghĩa là chỉ cần truyền lại tin đó cho người nghe, không cần thể hiện tình cảm nhiều. Vì đọc tin là truyền cho người nghe sự kiện, rõ ràng, ngắn gọn, cô động, ngắt chữ sao cho thật khúc triết. Còn nếu đọc truyện (anh từng đọc khi còn là xướng ngôn viên radio của đài Little Saigon radio trước đây) thì tôi phải sử dụng nhiều nội lực của mình, hơi của mình trong này, giọng trầm của mình, cảm xúc của mình để diễn cảm được nội dung câu chuyện gửi đến người đọc. Còn nếu tôi dẫn chương trình phóng sự, thì tôi nói với giọng tươi vui, sống động. Ngay như khi tôi đọc tin tức, khi chuyển sang phần bình luận tin cùng với người partner của mình thì tôi nói bằng giọng nói bình thường để tránh nhàm chán khi khán giả nghe.”
Anh Dũng nói thêm, “Mỗi thứ Bảy cách tuần tôi có phụ trách chương trình Quan Điểm, chương trình này có hai xướng ngôn viên mời một khách mời để nói những chương trình bình luận về tin tức nào nóng bỏng, nổi bật trong tuần đó. Chương trình Quan Điểm có Nguyễn Mạnh Tùng, Thanh Thảo, trước đây có Trọng Thắng (nay đã nghỉ), và tôi thay phiên nhau phụ trách và mời khách mời. Ai phụ trách tuần nào thì sẽ soạn nội dung chính và đưa cho khách mời và người partner để người đó nắm ý chính rồi sáng tạo thêm phần bình luận của họ. Để phụ trách nội dung chương trình này, tôi thường thu thập từ những bài viết, những bình luận trên internet. Chương trình dài 40 phút.”
Về thành công của chương trình Quan Điểm, Anh Dũng nói: “Chương trình này nói lại phần tin đã xảy ra rồi, phân tích sự kiện đó sâu hơn làm cho mọi người chú ý hơn tình hình thời sự trong tuần đó, bàn sâu hơn về tin nổi bật đó, vì có khi nghe tin gì đó họ không chú ý, chương trình này phát hình vào cuối tuần, mọi người ở nhà có dịp mở đài lên xem nhiều hơn. Thành ra chương trình được mọi người biết đến nhiều hơn.”
Dẫu rất yêu thích công việc xướng ngôn viên, nhưng Anh Dũng có khoảng thời gian khá dài từ năm 1998- 2008 anh không làm xướng ngôn viên nữa. Nhưng khi đó anh vẫn đi hát, sinh hoạt đóng kịch, đảm nhận phần kỹ thuật thâu một số phần đọc truyện cho đài VOA, và làm công việc chính để mưu sinh là phụ tá dược sĩ tại nhà thuốc ở nhà thương. Đến năm 2008, Anh Dũng nhận lời “rủ rê” của xướng ngôn viên Nguyễn Mạnh Tùng (lúc bấy giờ là là xướng ngôn viên đài Saigon TV) vào làm xướng ngôn viên cho đài Saigon TV được hai năm. Đến 2010 Anh Dũng qua làm cho đài IBC (băng tần 57.8) khoảng 6 tháng, rồi chuyển sang làm xướng ngôn viên đọc tin tức cho đài Việt Face từ đó đến nay.
Ngày đầu bước vào nghề xướng ngôn viên
Nhắc lại cơ duyên trở thành xướng ngôn viên, Anh Dũng kể, “Vào một đêm giám đốc đài phát thanh Little Saigon là bác Vũ Quang Ninh đến vũ trường Ritz, nghe giọng nói của Anh Dũng trên sân khấu thấy thích bèn mời tôi về làm xướng ngôn viên cho đài từ cuối năm 1993. Khi đó tôi phụ trách giờ buổi chiều cùng với Thúy An. Buổi sáng thì có Việt Dũng, Minh Phượng, buổi tối thì có anh Phạm Long. Tôi và Thúy An mỗi người đảm nhận luôn phần biên soạn, tìm tài liệu để thực hiện những chương trình cho thiếu nhi, gồm có phần lịch sử, văn học nghệ thuật, thơ nhạc… Đây là thời gian thành công nhất của tôi trong công việc xướng ngôn viên. Vì thời bấy giờ, chưa có nhiều đài, mà Little Saigon Radio là đài truyền thanh mạnh nhất của cộng đồng lúc bấy giờ. Đài phát thanh suốt cả ngày. Mấy đài khác chỉ có vài tiếng thôi và luôn thay đổi, nên không có lượng thính giả nhiều như Little Saigon Radio.”
Trả lời cho câu hỏi của người viết: “Kỷ niệm ý nghĩa nhất với anh trong thời gian làm xướng ngôn viên là gì?”
Anh Dũng chia sẻ, “Kỷ niệm ý nghĩa nhất mà tôi nhớ mãi trong suốt thời gian làm xướng ngôn viên, chính là thời gian tôi làm chương trình thiếu nhi cho đài Little Saigon Radio. Thời xưa khi tôi chưa vào đài làm xướng ngôn viên chương trình thiếu nhi, có chương trình Niềm Mơ Ước Mùa Giáng Sinh được tổ chức dịp giáng sinh hằng năm tại vùng Little Saigon do Little Saigon Foundation tổ chức.
“Khi tôi vào làm, tôi và Thúy An cùng thực hiện, đã kêu gọi các cháu viết thư vào, tập cho các cháu viết văn, tổ chức chương trình đố vui về lịch sử, mỗi tuần luôn có chương trình phát thanh về lịch sử. Chúng tôi dựa theo sách sử của tác giả Trần Trọng Kim để biên soạn mỗi tuần 1 bài về Bà Trưng, Bà Triệu, Trưng Trắc… Sau đó ra câu đố cho các cháu, để các cháu nhớ về nhân vật lịch sử…. Mỗi năm còn tổ chức cuộc thi viết văn cho các cháu thiếu nhi, tới mùa giáng sinh kết hợp chương trình Niềm Mơ Ước Mùa Giáng Sinh trao giải cho những em nào được giải viết văn.
“Điều mà tôi thú vị là trong số những em thiếu nhi ngày xưa nhận giải của chương trình thiếu nhi do Anh Dũng- Thúy An phụ trách có cô Ông Thụy Như Ngọc hiện đang phụ trách tờ Việt Tide. Ca sĩ Quang Lê cũng từng là một thính giả thích nghe những chương trình thiếu nhi của Anh Dũng- Thúy An. Đến nay vẫn còn nhiều em dù trưởng thành vẫn luôn nhớ đến chương trình của chú Anh Dũng và cô Thúy An, đó là phần thưởng vô giá về mặt tinh thần cho tôi.”
Người viết hỏi, “Vậy có khi nào anh gặp tai nạn nghề nghiệp chưa?”
Anh Dũng thật thà kể, “Có lần tôi phỏng vấn một vị thượng tọa của một ngôi chùa ở quận Cam trên đài để quảng bá về buổi văn nghệ gây quỹ xây chùa. Tôi có nói một câu mà bây giờ nó luôn là điều mà tôi nhớ đời vì sự vô duyên của mình. Khi thu hình phỏng vấn, tôi có nói với vị thượng tọa đó là Thưa thầy con có nghe, dẫu xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phước cứu cho một người. Trong khi thầy đang kêu gọi đồng hương dự chương trình gây quỹ để xây chùa, mà tôi lại nói câu đó, chẳng khác nào tôi kêu mọi người đừng đóng góp xây chùa mà lấy tiền đi cứu người. Đây là tai nạn nghề nghiệp mà tôi nhớ hoài. Câu nói của tôi đặt vào trường hợp này không hợp chút nào. Qua đó tôi thấy rằng những câu nói mà mình nghĩ rất hay đưa vào khi nói, nhưng nếu không đúng trường hợp thì sẽ trở thành vô duyên.”
Nói về bí quyết để tạo nên phong cách riêng cho mình khi xuất hiện trong vai trò xướng ngôn viên, Anh Dũng chia sẻ, “Trước nhất đối với tôi một xướng ngôn viên truyền thanh và truyền hình khi bước vào phòng thu để xuất hiện trước công chúng, họ phải bỏ hết tất cả những cảm xúc của cá nhân và họ phải là người trước công chúng, xuất hiện một cách tươi vui, đem lại sự thoải mái cho khán thính giả. Tôi nghĩ điều đó tôi đã thực hiện được ngay từ ngày tôi còn làm ở đài phát thanh. Tôi nghĩ tất cả những gì diễn ra trong ngày với cá nhân của mình, trong cuộc sống của mình thì ai cũng có, ngày vui ngày buồn, trước khi đi làm con khóc, vợ chồng gây lộn nhau… chẳng hạn, nhưng khi đã vào phòng thu thì phải quên hết những chuyện không vui đó, mình phải làm cho khán thính giả cảm được không khí vui tươi, khi người nghe mở máy lên nghe được điều vui tươi xảy ra trong ngày thì có thể giúp người ta có niềm vui cả ngày.
“Điều đó không phải tự tôi nghĩ ra mà là từ chương trình phát thanh của đài Mỹ, buổi sáng họ làm rất rôm rả, trên đường mình đi làm, mở đài lên nghe, nghe họ nói như bắp rang, tươi tắn lắm, đó là điều mà tôi rất thích thú. Điều thứ hai nữa là người truyền điều đó cho tôi giúp tôi tạo một phong cách làm việc hay được nhiều người chú ý đến, chính là cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng.
“Trong thời gian tôi bắt đầu làm ở đài Little Saigon, lúc đó buổi sáng sớm là anh Việt Dzũng và chị Minh Phượng phụ trách, buổi chiều là do tôi và Thúy An phụ trách, tối là xướng ngôn viên Phạm Long. Ba ê kiếp đã tạo nên chương trình rất chặt chẽ trên đài Little Saigon Radio thời cực thịnh. Phong cách làm việc tươi vui là tôi học từ anh Việt Dzũng. Điều quan trọng là xướng ngôn viên phải tự quên mình đi, đó là tâm niệm của tôi khi làm xướng ngôn viên.”
Anh Dũng nói thêm, “Ngoài sự nhanh nhạy, nhiệt tình, chính xác, phải biết nhận định sao cho đúng đắn khi mình nói. Riêng về những tên gọi danh từ chung, riêng của nước nào thì xướng ngôn viên phải đọc ra âm của nước đó, như nước Pháp, Trung Quốc, Ý, Ai Cập, Trung Đông, Thái Lan… Dù không chính xác nhưng xướng ngôn viên cần phải tìm hiểu để đọc trúng và có vẻ mang âm đó, chứ không nên phát âm sai, gây phản cảm cho người nghe.”
Theo Anh Dũng thì xướng ngôn viên là người truyền tải thông tin đến khán thính giả. Họ rất tin điều mà xướng ngôn viên nói. Vì vậy “một lời nói vô ý thì bốn ngựa cũng khó kéo lại, có nghĩa là sự lợi và hại của lời nói rất quan trọng. Xướng ngôn viên cần cẩn trọng với phát ngôn, tôn trọng khán thính giả để có những lời nói đẹp nhất, hay nhất và đúng nhất. Mình phải cân nhắc liều lượng thế nào khi nói, và đừng đụng chạm đến ai hết. Vì có khi mình nói một câu vô thưởng vô phạt, nhưng lại đụng chạm đến người khác là điều nên tránh.
Có người khéo léo, họ có thể làm được những việc đó ngay, còn nếu người nào không khéo thì phải rèn luyện thêm để có những kỹ năng tốt trong nghề nghiệp. Những bạn trẻ muốn bước vào công việc này rất cần sự kiên nhẫn, siêng năng, phải luôn rèn luyện giọng đọc, sự hiểu biết và cả kỹ năng, thì mới có thể thành công.
Anh Dũng bày tỏ thêm, “Mỗi người có giọng nói khác nhau, giọng hay là trời cho, nhưng chưa hay mình vẫn có thể rèn luyện được. Khi nói phải rõ ràng, tròn vành, rõ chữ, phải tự luyện cho mình. Chẳng hạn nghe giọng Bắc đọc thế nào, giọng Nam đọc ra sao để mình luyện. Giọng nào là giọng chuẩn. Dạo sau này tôi có nghe một số xướng ngôn viên ở một số đài, ngay cả trong nước, phát âm đã bị lai nhiều lắm, không còn thuần Nam hay thuần Bắc nữa, nghe lờ lợ, không đã nữa. Ngày xưa tôi biết là các xướng ngôn viên truyền hình, truyền thanh muốn vào làm, phải có giọng nói hay, phát âm phải chuẩn. Miền nào ra miền đó, đó là tiêu chuẩn đầu tiên.
“Bây giờ thì tôi không rõ điều đó khó khăn hay sao mà tiêu chuẩn đầu tiên đó đã bị xem nhẹ rất nhiều. Tôi không rõ chủ trương của những đài ra sao, có thể người ta chỉ cần chọn người nào dịch tin được, thì làm xướng ngôn viên luôn, hoặc có thể thời buổi này người ta không quan tâm giọng đọc là quan trọng. Nhưng theo tôi người làm xướng ngôn viên là rất cần giọng nói hay, chuẩn. Vì với giọng nói, giọng đọc mình nghe không có cảm tình thì mình sẽ không muốn nghe thêm tí nào nữa.”
Nói về kinh nghiệm luyện đọc của mình, Anh Dũng cho biết: “Khi còn học phổ thông ở Việt Nam, môn tập đọc của tôi luôn được 8 điểm, đây là năng khiếu trời cho. Tôi cũng thường nghe những chương trình phát thanh trên đài, nghe người ta đọc thế nào để học. Tôi cũng rất mê chương trình thoại kịch của Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Túy Hồng. Những kịch sĩ miền Nam thời xưa giọng rất hay, tròn vành rõ chữ, như Kim Cương, Tú Trinh, La Thoại Tân, Vân Hùng…bây giờ tài tử trẻ Việt Nam bắt đầu bị pha nhiều rồi, nó không còn sắc nét như xưa nữa. Hồi xưa khi còn ở Việt Nam, tôi hay nghe thoại kịch của những nghệ sĩ này để học theo cách nói rõ ràng. Bản thân tôi khi buổi đầu mới làm xướng ngôn viên, tôi cũng luôn trau dồi, tập đọc mỗi ngày để rèn luyện. Theo tôi một người không có giọng đẹp sẵn, vẫn có thể tập luyện được.”
Anh Dũng kể, “Hồi xưa trước khi tôi đến định cư tại Hoa Kỳ vào năm 1991, tôi từng là ca sĩ của đoàn ca múa nhạc Lâm Đồng, tôi có học được kỹ thuật thanh nhạc (khoảng 6 tháng) với cô Huyền Mi, cô là giọng ca lĩnh xướng của đoàn nhạc giao hưởng Hà Nội, vào dạy cho ca sĩ của đoàn ca múa nhạc Lâm Đồng. Nhờ những kỹ thuật căn bản được học, tôi tự tập thêm cách luyện lấy hơi, luyện giọng. Dù kỹ thuật học được rất ít so với những người học bài bản trong Nhạc Viện, trường Nhạc nhiều năm. Trong khi tôi học chỉ được 6 tháng thôi, nhưng ít ra tôi cũng có thể áp dụng được vào kinh nghiệm luyện thanh cho mình. Hiện nay tôi không luyện thanh thường xuyên, mà chỉ luyện hơi, tập thở mỗi ngày để đi hát và đọc tin tức.”
Nhìn lại chặng đường gắn bó nghệ thuật của mình, Anh Dũng nói, “Con đường ca hát của tôi, thành công nhất và mọi người thường nhớ đến nhiều nhất là bài hát Còn Chút Gì Để Nhớ (Thơ Vũ Hữu Định, nhạc Phạm Duy). Bài hát này đã hơn 20 năm đi hát tôi luôn được khán giả đề nghị hát lại bài này. Tôi thấy mình có thể hát cũng khá thành công một số ca khúc khác nhưng có lẽ bài hát này được thu video, phát trên truyền hình, nên ở những tiểu bang xa, khán giả biết đến nhiều bài này và thường đề nghị tôi hát. Cũng có thể một phần vì tôi là người Đà Lạt, tôi biết những giai điệu dân tộc, nên khi hát bài Còn Chút Gì Để Nhớ tôi sử dụng nhiều những nhấn nhá dân tộc mạnh hơn, nên tạo phong cách riêng khi hát bài này.
“Hiện nay tôi vẫn đi hát ở những tiểu bang xa, có tuần đi có tuần không. Đó là điều tôi rất thích, giống như mình đi xả hơi vậy, sau một tuần làm việc mệt mỏi, cuối tuần bay đi tiểu bang khác hát, rồi trở lại với công việc thường ngày, cảm thấy thật khỏe khoắn.”
Anh Dũng bày tỏ sự ưu tư của mình, “Thị trường của đài truyền hình Việt ngữ tại hải ngoại rất nhỏ so với torng nước. Phần lớn các đài vì lợi nhuận, muốn sống được phải có nhiều chương trình quảng cáo, nếu muốn làm những chương trình game show vĩ đại như trong nước, ở hải ngoại không làm được vì cần phải có cả một ê kiếp làm việc. Đài Việt face là của trung tâm Thúy Nga, chương trình Vstar hay Vstar kids cần rất nhiều phương tiện kỹ thuật từ quay phim, phần hậu kỳ, tốn kém lắm mới có thể thực hiện được. Các đài ở đây không phải đài nào cũng đủ thực lực để làm như vậy.
“Tôi mong ước làm sao những đài của Việt Nam tại hải ngoại có đủ tài chánh và phương tiện để làm những chương trình hay, có giá trị. Tôi không biết chừng nào đài truyền hình của chúng ta mới phát triển mạnh, nhưng ngay hiện tại thì mọi người hãy luôn cố gắng làm tốt những công việc trước mắt mình đang có. Như cá nhân tôi làm tròn nhiệm vụ tôi mỗi ngày trên các bản tin tôi gửi đến khán giả, súc tích và nhiều thông tin, đó là trong tầm tay của tôi.”
Anh Dũng nhờ nhật báo Viễn Đông chuyển lời cảm ơn của anh đến độc giả và quý khán giả gần xa: “Tôi cảm ơn quý khán giả đã yêu mến tôi suốt bao năm qua trong những vai trò khác nhau, vai trò nào nào cũng được sự thương mến, hỗ trợ của quý vị, tình cảm đó vẫn giữ mãi là niềm hạnh phúc và giúp tôi rèn luyện không mệt mõi, để tiếp tục cống hiến cho các khán giả.”
Sources: viendongdaily |
|
|