Ngày Đăng: 17 Tháng 11 Năm 2017 Ký ức của cô có những ngày tháng chơi đùa cùng em trai, sở thích đọc sách, nghe radio và những câu chuyện tuổi học trò.
Để lục lại ký ức cũ và kém chính xác của mình, tôi nhớ lúc bé trò chơi yêu thích nhất là trêu chọc em trai (thực ra nó là người bạn ấu thơ duy nhất của tôi), nằm tưởng tượng miên man bất tận hoặc ngồi xem người khác chơi. Tôi không tự tin lắm khi chơi cùng và có lẽ cũng ít thích vì mấy đứa trẻ lúc đó có xu hướng hơi hiếu động và bạo lực, tôi không thích xô xát và va chạm. Nhưng ngược lại, tôi rất thích ngồi xem tụi nó chơi mà không thấy buồn tủi gì cả. Rất vui! Tuy tôi không thể hiện ra ngoài mặt nhiều lắm. Màu ký ức lúc đó là màu của bụi đất. Lem luốc. Màu xanh của cỏ và ruộng. Màu của quần áo cũ, nâu nâu, đỏ bạc màu vì hầu như đứa nào cũng mặc lại đồ cũ của anh chị em, chỉ có Tết và ngày đầu năm học thì may ra nhà đứa nào khá một tí sẽ có đồ mới. Mùi đồ mới cũng rất thơm và rất quý.
Ba mẹ tôi khá bận vì công việc nên tuổi thơ của tôi chỉ có các anh chị em làm bạn, đặc biệt là thằng em trai. Tôi với nó thân nhau như thể sinh đôi. Chỉ có thằng Tin mới có nhiều đồ chơi, vì nó là con trai. Nó được tổ chức sinh nhật từ bé nên được nhận rất nhiều đồ chơi. Sự ra đời của nó là tin mừng của cả nhà và là sự thoát nợ phải sinh của mẹ. Tôi thì tận lớn lên, qua tuổi dậy thì mới được tổ chức sinh nhật. Nhưng tôi ít khi nào muộn phiền cũng như ghen tỵ vì việc đó. Tôi từ sớm đã xem điều đó như một việc tất yếu. Trong ký ức của tôi là khung cảnh tôi đứng lấp ló sau cánh cửa chứng kiến cảnh tượng nó thật lung linh, huy hoàng ngồi chễm chệ trên bàn với một cái bánh gatô hình quyển sách thật to, đầy đồ chơi sắp xung quanh. Tôi rất thích thú, vì sau đó tôi sẽ được chơi cùng nó. Nó hay phá đồ chơi lắm, còn tôi thích phá nó. Mỗi lần nó khóc và mách mẹ, tôi rất khoái chí. Sau này khi lớn lên một tí, mỗi khi nghĩ lại, tôi cũng thấy mình xấu tính, nhưng vẫn khoái chí...
| Ca sĩ Lê Cát Trọng Lý. |
Tôi bắt đầu tự đọc sách cho riêng mình, ngoài sách giáo khoa phải học ở trường, từ lúc 10 tuổi. Tôi nhớ bộ sách đầu tiên tôi đọc có tên Hãy trả lời em tại sao, gồm năm cuốn đa dạng các chủ đề từ khoa học, tự nhiên đến địa lý, sinh học... Không phải vì tôi ham học hay ham đọc. Chỉ vì trong đầu tôi luôn bùng nổ bởi câu hỏi nhưng ba mẹ chưa bao giờ giúp được tôi hạ nhiệt trong vấn đề đó, nên tôi đành tự tìm cách giải quyết. Tôi xin ba mua cho mình bộ sách đó, có lẽ vậy, tôi không nhớ chính xác lắm vì lúc đó bé tí làm sao có tiền riêng để mua. Sau đó, tôi bắt đầu lấy tiền ăn sáng dành dụm để mua những cuốn sách khác. Tôi ăn ít lại hoặc nhịn ăn thì phải, để dành tiền mua mấy món tôi thích, từ rất rất sớm. Tôi bắt đầu đọc các loại từ điển động vật, thực vật và Bách khoa toàn thư sau đó. Toàn là tiền cắt xén từ tiền ăn sáng và đôi lúc là tiền học thêm hoặc một ít tiền tiêu vặt ba mẹ có cho lúc đó.
Người bạn ấu thơ thứ hai của tôi ngoài em trai là sách và radio. Với sách, nó đi cùng tôi đến ngày hôm nay. Có thể sống thiếu người yêu hay bạn bè nhưng không thể thiếu nó.
Còn radio thì không biết từ bao giờ tôi đánh mất nó. Có lẽ từ năm tôi vào Sài Gòn học, lúc 19 tuổi. Tôi nhớ khá rõ cảm giác ôm radio nghe chương trình Giao hưởng và Thính phòng trên đài FM hay AM gì đó, nằm đọc truyện cổ tích Nghìn lẻ một đêm với giấy vàng khè, dày khự. Sách của bà nội còn giữ lại từ lúc bà còn bán sách. Bà nội có cả một tủ sách to đùng toàn giấy vàng sậm màu, chữ in màu đen, đôi lúc nhòe nhòe, trang giấy dày và mùi của nó rất thích. Cảm giác ngón tay mình chạm vào nó rất thật, rất phấn khởi. Khác với cảm giác chạm vào màn hình máy đọc sách và smartphone bây giờ. Rất tiện, rất nhanh, nhưng ít sướng và ít cảm xúc đọng lại.
Tôi được biết đến Beethoven và Mozart cũng nhờ radio. Tôi mê ông Beethoven đến nỗi chép một chân dung của ổng để ở bàn học lúc tôi 14, 15 tuổi. Cấp ba của tôi rất lờ mờ. Lúc bọn con gái, con trai bắt đầu dậy thì, tụi nó thích làm người lớn nên bớt hay. Bọn con gái tự dưng thích trang điểm. Bình thường không sao, nhưng mỗi khi tụi nó tô son, tô phấn, tôi thấy rất ghê, cứ như bị dọa ma. Cái phần biên giới giữa phấn trên mặt và tóc bên mang tai nó đọng một vệt dài phân chia giữa đen, trắng trông rất đáng sợ. Tôi nhớ có một đứa trong lớp lúc nào cũng vậy. Vào mùa hè, mỗi khi nó đổ mồ hôi lúc làm bài kiểm tra 15 phút hay một tiết là cái vệt đó càng in đậm hơn trong tâm trí tôi. Nó rất đáng yêu và trong sáng theo tôi nhận định lúc đó, nhưng có thai sớm nên hơi khổ.
Tôi vào Sài Gòn lúc 19 tuổi. Năm 20 tuổi, tôi lâm vào công việc như là một người sáng tác và thể hiện ca khúc của mình cho đến tận bây giờ. Một quãng đời khác. Rất nhiều thay đổi, “dữ dội” (...), bớt đi phần tự nhiên như quãng đời trước vì cuộc sống thực sự đúng là khác với sách và sự hình dung của tôi, có lúc gần như hoàn toàn. Sự chiến đấu với chính mình bên trong và môi trường bên ngoài để giữ gìn những giá trị cũ, song song với việc tiếp tục vươn lên trong hành trình hoàn thiện sự trưởng thành của một cá nhân thực sự rất gian nan. Thông tin nhanh cướp mất sự nhẫn nại của việc ngồi đọc một tờ báo giấy, viết một bưu thiếp, một lá thư tay gửi đến người mình quan tâm.
Người ta dần bớt đi sự đối thoại chân tình. “Càng nhiều, càng thiếu”, cồn cào, hấp hối và chóng tàn.
Tôi đang ngồi viết những dòng này ở một phòng sinh hoạt chung, nơi mà các loại ngôn ngữ từ tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Hàn, tiếng Nhật... cộng với tiếng đàn guitar, piano, tiếng cười đùa, cứ thế vang lên. Tôi đi học và được sống đời sống sinh viên thực sự - quãng đời mà tôi chưa có bao giờ. Tôi ngồi ăn gỏi cuốn tự chuẩn bị bên bờ sông Copenhagen vì tiết kiệm tiền ăn tối với các bạn. Tôi đi bộ rất nhiều để tiết kiệm tiền tàu xe. Tôi đi dạo trong rừng thay vì xem phim ở rạp (vì vé xem phim rất rất đắt). Tôi đi siêu thị phải mang theo túi đi chợ vì túi nilông được bán với giá một USD chứ không cho sẵn và quan trọng hơn cả là thầy cô dạy như thế là góp phần bảo vệ môi trường. Tôi ngồi dưới nắng và cảm nhận được sự quý giá của ánh nắng. Tôi cười rất nhiều và được trẻ lại hơn 10 tuổi.
Phần 1, phần 2, phần 3. Hết trích đăng.
(Trích tự truyện 1987, nhiều tác giả)
Lê Cát Trọng Lý sinh năm 1987 ở Đà Nẵng. Cô từng đoạt giải "Bài hát của năm", chương trình Bài hát Việt 2008 với ca khúc Chênh vênh. Cô đoạt giải Cống hiến ba năm liên tiếp 2010, 2011, 2012. Một số sáng tác nổi tiếng của Lê Cát Trọng Lý là Nhiều người ôm giấc mơ, Giấc mộng lớn, Lúng ta lúng túng, Nghe tôi kể này... Cô đang du học ở Đan Mạch.
Sách 1987 tập hợp những trải nghiệm của các tác giả sinh năm 1987 như Ngô Phương Lan, người mẫu Elly Trần, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý...
Sources: Vnexpress |