Ngày Đăng: 19 Tháng 12 Năm 2017 Tám năm từ ngày nằm trong danh sách của UNESCO, ca trù phát triển về số lượng câu lạc bộ nhưng thiếu chiến lược, kinh phí bảo tồn.
Mới đây, hát xoan được UNESCO công nhận thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Niềm hân hoan của cộng đồng nghệ nhân hát xoan khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: đến khi nào ca trù được như thế?
So với năm 2009 - thời điểm UNESCO đưa ca trù vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, hoạt động của bộ môn nghệ thuật truyền thống này có dấu hiệu khởi sắc trên cả nước. Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nghệ thuật ca trù đang sống lại. Trong thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, hiện nay ở thủ đô có 14 câu lạc bộ, nhóm hoạt động, 50 người có khả năng truyền dạy và 220 người đang thực hành tại cơ sở.
Tuy nhiên đằng sau sự ra đời các nhóm, câu lạc bộ thì bộ môn này đang đối mặt với tình trạng giảng dạy đại trà, thiếu đội ngũ quản lý và nghệ nhân có tay nghề. NSƯT Bạch Vân nhận định có nhiều nhóm, câu lạc bộ lập ra không có nghệ nhân gạo cội truyền nghề, lối hát không đúng chuẩn mực và khan hiếm đào hát có trình độ chuyên môn sâu.
| Câu lạc bộ ca trù hoạt động định kỳ tại đình Kim Ngân (Hà Nội). |
Nghệ nhân Phạm Thị Huệ - Chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù Thăng Long - nhận định tình trạng truyền dạy ồ ạt như hiện nay làm giảm chất lượng của bộ môn nghệ thuật đậm tính bác học này. Theo chị, một lớp dạy ca trù không thể quá đông, ham số lượng.
Ca nương Bạch Vân cho rằng chị từng dạy mười học sinh nhưng cũng chỉ chọn được một người để đào tạo chuyên sâu. Tiêu chí chọn lựa người rất khắt khe như hát phải đúng âm luật, thể cách, đào nương phải biết vừa đàn vừa hát nhuần nhị... Có học sinh hát chưa tốt, đàn chưa hay, Bạch Vân nhất quyết không bằng lòng cho bước lên chiếu hát. Bạch Vân từng theo các cụ Nguyễn Thị Chúc, Quách Thị Hồ, Phó Thị Kim Đức để học hát. Có khi bốn năm chị chỉ học đúng bốn câu hát, học chát (trống chầu) mất hơn ba tháng. Thậm chí, có học viên cùng nhóm của chị học cái 'ứ hự' mất gần 10 năm. Tuổi nghề chín muồi của nghệ nhân chuyên nghiệp từ 15 đến 20 năm.
"Chính sự thiếu kiểm soát về chuyên môn và người nghe thiếu hiểu biết tạo nên sự dễ dãi. Điều này tạo cơ hội cho những người học chưa đến ngọn ngành, tự cho bản thân thuần thục lên sân khấu biểu diễn", chị nói.
Các nghệ nhân có kinh nghiệm, nổi tiếng đã mất, hoặc lớn tuổi, già yếu không còn khả năng truyền đạt. Chính điều này gây ra tình trạng thiếu người thẩm định chất lượng chuyên môn cho các câu lạc bộ. Chị Phạm Thị Huệ cho rằng các nhà nghiên cứu cũng chỉ là người quan sát, không thực hành nên hạn chế trong quá trình thẩm định, đánh giá. Hàng năm nhà nước tổ chức cuộc liên hoan ca trù, thỉnh thoảng Viện Âm nhạc Việt Nam tổ chức khóa học ngắn hạn với mục đích phổ cập, nhưng đào tạo bài bản thì không có.
| Từ trái qua: Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, Nguyễn Thị Chúc, Phạm Thị Huệ. |
Phạm Thị Huệ xác nhận thực tế tại các kỳ liên hoan, nhiều nhóm chỉ tập bài trong vòng một hai tuần trước khi tham dự, sau đó giải tán. Hát thi - một trong những thể hát trong ca trù - gần như biến mất vì hiện bị chuyển sang dạng liên hoan văn nghệ. Điều này giảm đi tính nghiêm túc, nghi thức lề lối của loại hình nghệ thuật truyền thống.
Các câu lạc bộ hoạt động độc lập, thiếu liên kết, kinh phí eo hẹp và ít không gian thực hành khiến ca trù gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Hoạt động của các câu lạc bộ hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào kinh phí tự nguyện đóng góp, cái tâm của người yêu nghệ thuật ca trù. Là một trong những câu lạc bộ đầu tiên trong cả nước, câu lạc bộ ca trù Hà Nội do NSƯT Bạch Vân thành lập năm 1991 luôn phải tự chủ về chi phí tổ chức, sinh hoạt. Năm 2011, câu lạc bộ chuyển từ Bích Câu đạo quán (quận Đống Đa, Hà Nội) sang hoạt động cố định tại đình Kim Ngân (Hàng Bạc) theo kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của thành phố.
Câu lạc bộ của Bạch Vân sáng đèn vào thứ hai, ba, sáu và chủ nhật nhưng sân khấu thường vắng người xem. Tuy vậy, họ vẫn diễn dù chỉ có một khách. Ca nương bộc bạch: "Chúng tôi là thế hệ có cơ may được các nghệ nhân gạo cội trực tiếp truyền dạy. Mọi người diễn vì tâm huyết và uy tín của di sản quốc gia".
Kém may mắn hơn câu lạc bộ của NSƯT Bạch Vân, câu lạc bộ ca trù Thăng Long do ca nương Phạm Thị Huệ cùng hai nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, Nguyễn Thị Chúc lập nên hiện nay không có cơ sở cố định để thực hiện công tác truyền dạy và bảo tồn. Trước đó, câu lạc bộ hoạt động định kỳ tại 28 Hàng Buồm và 87 Mã Mây. Giữa năm nay, cơ sở bước vào giai đoạn trùng tu theo kế hoạch của Ban quản lý di tích phố cổ nên mọi sinh hoạt phải tạm dừng.
Chung tình trạng, thành viên thuộc câu lạc bộ ca trù Phú Thị cho biết câu lạc bộ được thành lập xuất phát từ ba thành viên là học trò của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và cố nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc. Hiện nay, nhóm không có nơi luyện tập, thực hành mà phải nhờ địa điểm tại nhà riêng của một thành viên.
Ông Nguyễn Văn Đạm - chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù Lỗ Khê - cho biết vì nguồn kinh phí eo hẹp, các lớp truyền dạy không được tổ chức thường xuyên.
Đời sống nghệ nhân còn thiếu thốn, không được đảm bảo trong quá trình bảo tồn di sản. NSƯT Bạch Vân cho biết số tiền bán vé của câu lạc bộ sau đêm diễn không dư ra là bao để trả cho các nghệ nhân. Thực trạng này khiến họ buộc làm thêm nghề để duy trì cuộc sống gia đình.
Sau tám năm kể từ khi nhận danh hiệu của UNESCO, một đề án chiến lược mang tầm quốc gia bảo tồn và phát huy ca trù vẫn chưa được xây dựng.
Theo bà Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, việc lập đề án đã được giao cho Viện Âm nhạc Việt Nam. “Vấn đề ở chỗ, địa bàn của ca trù trải khắp 11 tỉnh, thành phố. Và mỗi tỉnh, thực trạng của ca trù lại có những diễn biến phức tạp và rắc rối. Đó là một khó khăn lớn trong việc bảo tồn", bà nói.
Sau khi ca trù bị đưa vào tình trạng bảo vệ khẩn cấp, UNESCO đã hai lần hỏi về thực trạng bảo tồn vào năm 2014 và 2017. Đầu năm 2018, Việt Nam phải báo cáo với UNESCO về hoạt động này. Hiện tại, đa số nghệ nhân chung nhận định ca trù chưa đủ khả năng để thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Ca trù cần thêm khán giả và lan tỏa hơn nữa giá trị tới cộng đồng. Các nghệ nhân mong muốn trong tương lai, ca trù có nhà hát riêng, sự đầu tư quan tâm của cơ quan chức năng và đặc biệt có đơn vị cụ thể - những người am hiểu về ca trù - đứng ra nhận trách nhiệm bảo tồn.
Ca trù hay hát ả đào là loại hình nghệ thuật truyền thống của miền Bắc, thịnh hành từ khoảng thế kỷ 15, rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 trở về trước. Ca trù có năm không gian trình diễn chính: Ca trù cửa đình (hát ở cửa đình tế thần), ca trù cửa quyền (thưởng thức ca trù của giới quyền chức), ca trù tại gia, ca trù hát thi, ca trù ca quán.
Trọng Trường
Sources: Vnexpress |