Ngày Đăng: 21 Tháng 11 Năm 2014 Nếu là người yêu thể loại nhạc trẻ và thích thú trước thể cách trình diễn linh động hay dáng dấp trẻ trung và phóng khoáng của người trình bày thì chắc chắn Nguyễn Thắng là người đáp ứng được những điểm này. Con đường Nguyễn Thắng chọn lựa cho mình là một con đường riêng biệt vì anh không muốn trùng hợp với bất cứ một ca sĩ nào đã từng bước chân vào lãnh vực ca nhạc trước anh.
Những nhạc phẩm do Nguyễn Thắng trình bày phần lớn là những nhạc phẩm ngoại quốc thịnh hành trong giới trẻ và những bài được soạn lời Việt bởi nhạc sĩ Huỳnh Nhật Tân và chính anh. Trong khi đó lối trình diễn của Nguyễn Thắng mang đậm những tính chất phóng khoáng và buông thả trong một ngoại hình bụi đời, pha đôi chút phản kháng và bất cần. Bởi vậy, người nam ca sĩ được coi như “con gà” của trung tâm Vân Sơn này có vẻ già dặn hơn với số tuổi 27 của mình.
ng mới chính thức nhận lời hợp tác với trung tâm Vân Sơn để xuất hiện trên chương trình video Vân Sơn 19 trong nhạc phẩm “I Like Chopin”. Lần xuất biện đó chưa có thể gọi là một sự xuất hiện gây nhiều chú ý. Phải đợi đến 2, 3 chương trình sau đó, hình ảnh một nam ca sĩ trẻ tuổi có nét mặt có thể nói là rất quậy và tinh nghịch đó mới được những fans trẻ tuổi để ý và có cảm tình. Và sự cảm tình đó càng ngày càng được thấy rõ ràng hơn qua khoảng 20 lần xuất hiện của Nguyễn Thắng trên các chương trình của trung tâm Vân Sơn.
Trên sân khấu “live” cũng vậy, Nguyễn Thắng đã tự xác định cho mình một vị trí khá đặc biệt, không trùng hợp với bất cứ nam ca sĩ nào. Anh có một tầng lớp khán thính giả riêng nhờ ở con đường đi không trùng hợp của mình. Trường hợp đến với ca nhạc, Nguyễn Thắng cho biết đã có được một sự đưa đẩy là một cái duyên. Còn trong thâm tâm không hề có mục đích nhắm tới con đường này một cách chuyên nghiệp như hiện nay. Anh chỉ biết là mình thích hát, thích nhạc. Ngoài ra hoàn toàn phó thác cho sự đẩy đưa của số mệnh.
Nguyễn Thắng tự nhận mình là một chú Mỹ con khi anh sang đây khi mới lên 7. Trưởng thành trong xã hội Mỹ, giao tiếp với bạn bè người Mỹ từ khi còn nhỏ, tiếp xúc với nền văn hoá và giáo dục Mỹ, vv… do đó vấn đề chịu một ảnh hưởng nặng nề khó lòng tránh khỏi. Tuy nhiên điều đáng khen nơi Nguyễn Thắng là anh vẫn nói và viết được tiếng Việt một cách sành sỏi. Anh cho đó là một điều may vì được sinh trưởng trong một gia đình rất coi trọng tiếng mẹ đẻ. Trong sinh hoạt gia đình, bất cứ người con nào nói tiếng Anh sẽ bị kỷ luật ngay.
Cả bố lẫn mẹ Nguyễn Thắng đều là những người yêu thơ văn, nhất là mẹ, nên ông bố người Hải Phòng và bà mẹ người Sơn Tây đều coi chữ nghĩa như một thú giải trí thanh tao. Cũng vì vậy Nguyễn Thắng đã được cả hai rèn luyện kỹ càng về phát âm. Mà vấn đề chính xác luôn được coi là quan trọng nhất.
Nguyễn Thắng tự nhận là người rất kỹ lưỡng trong cách phát âm vì “cái ngôn ngữ Việt Nam mình mà phát âm chỉ cần lệch chút xíu thôi là nó ra cái từ khác rồi”.
Nhưng không phải như vậy mà hai ông bà đồng ý khi cậu con trai út tỏ ý muốn theo học chuyên ngành về nhạc. Nguyễn Thắng cho biết bố mẹ anh cũng luôn mong muốn anh trở thành kỹ sư như 3 người anh hoặc là bác sĩ như 5 người chị. Nhưng cuối cùng anh cho biết vì quá mê nhạc nên không thể đi theo con đường của những ông anh bà chị.
Con người phản kháng nơi anh vùng dậy để cương quyết đi theo con đường mình đã lựa chọn. Bố mẹ Nguyễn Thắng cũng đành chịu thua cậu con trai của mình khi anh tự biện minh là miễn sao có chữ “sĩ” trong nghề nghiệp mình là được rồi. Như nhạc sĩ hay ca sĩ chẳng hạn. Anh phát ngôn một cách rất tàng tàng: “Tự nhiên trong nhà có một thằng quí tử sai đường lạc lối, đi theo con đường ca nhạc. Nhưng miễn là có chữ sĩ là được rồi. Cái ngành nghề có cái chữ sĩ là OK rồi!”. Kèm theo câu nói là cả một tràng cười khoái chí!
Cậu thanh niên tuổi Thân thích nghịch ngợm và có tính tàng tàng này còn nói đùa là nhạc sĩ đánh đàn sai hoạc là ca sĩ có hát sai cũng không sao. Nhưng làm bác sĩ mà mổ không đúng thì thật là tai hại!
Nguyễn Thắng cùng gia đình sang Mỹ theo diện bảo lãnh vào năm 1987 do một người cậu bảo lãnh và cư ngụ tại San Francisco cho đến nay. Riêng Nguyễn Thắng từ khi bước vào con đường ca nhạc thường hay đi đi về về giữa San Francisco và Wesminster, là nơi anh có một phòng thu thanh riêng mang tên NT Sounds. Tại San Francisco, anh từng theo học một trường về nghệ thuật ở đây trong một thời gian dài 8 năm, song song với chương trình văn hoá. Nhờ vậy, sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Thắng đã có được một căn bản về nhạc lý vững vàng cũng như có khả năng sử dụng được một số nhạc cụ, nổi bật hơn cả là về “percussion”.
Nhờ vào khả năng âm nhạc như thế, Nguyễn Thắng ít ra đã có được một sự tự tin khi đi theo con đường hiện nay với loại nhạc trẻ medium soft Rock, thể hiện qua những nhạc phẩm trình bày là những nhạc phẩm ít được các ca sĩ Việt Nam ở hải ngoại khác trình bầy. Những ca khúc hát bởi Nguyễn Thắng, sau khi được chuyển qua lời Việt, là những nhạc phẩm không được coi như quen thuộc đối với những người yêu nhạc thường theo dõi những nhạc qua những chương trình video hay trên “live show”.
Anh biết vậy, nên đã dùng khả năng về nhạc và giọng hát của mình để lôi kéo người nghe, đại đa số là người trẻ, đến với mình bằng loại nhạc đó. Và một khi đã quen, họ sẽ dễ trở thành những khán thính giả trung thành. Anh đề ra đường đi như vậy với một ý chí mạnh mẽ để rồi nhận được sự thành công như ngày hôm nay. Như thế, cuộc lãng du trong ca nhạc của Nguyễn Thắng hẳn sẽ còn dài…
Sources: Trường Kỳ |