Ngày Đăng: 09 Tháng 11 Năm 2018 Điều gì quan trọng nhất đối với anh trong suốt con đường nghệ thuật dài 25 năm của mình?
- Theo tôi, đó chính là cảm xúc và đam mê với âm nhạc. Chính nhờ hai yếu tố đó, ca hát đến với tôi một cách rất tự nhiên. Ngay từ bé, tôi đã mê nghêu ngao những giai điệu mình nghe được trên sóng radio, hay bắt gặp trên hè phố. Mặc dù không biết tiếng Anh, tôi vẫn có thể hát theo những bản nhạc ngoại quốc. Tôi chìm vào giấc ngủ nhanh nhất cũng nhờ âm thanh phát ra từ chiếc máy phát băng nhựa. Trong giấc mơ, tôi thấy mình được biểu diễn trên sân khấu.
- Nhiều người cho rằng anh may mắn sở hữu ngoại hình điển trai, giọng hát ngọt lịm nên đánh bật một số đối thủ cùng thời. Anh nghĩ sao về điều này?
- Tôi không may mắn như nhiều người nghĩ. Những ngày đầu chân ướt chân ráo làm ca sĩ, tôi cũng bị các quản lý đuổi khỏi sân khấu vì người ta nghĩ mình nhí nhố, hoặc có lúc bị quỵt tiền biểu diễn.
Chưa kể, từ bé đến trước lúc nổi tiếng, tôi đi thi hát đều trượt giải cao. Cuộc thi hát đầu tiên tôi tham gia là ở khu phố. Khi đó tôi hơn bốn tuổi, nhưng quyết tâm phải giành giải đặc biệt là chiếc lồng đèn, hoặc ít nhất cũng phải được chiếc bánh trung thu. Cuối cùng chỉ nhận được cây đèn cầy vì đạt hạng khuyến khích. Tôi khóc rất nhiều.
Năm 1995, sau hai năm đi hát cho các đám cưới, đám tiệc, tôi tham gia cuộc thi hát tiếng Hoa "Thập đại tinh tú" dành cho người Hoa ở quận 5 để tìm kiếm cơ hội. Lúc đó, tôi được giải nhất, nhưng do không phải người thuần Hoa, tôi được ban tổ chức sắp xếp cho giải nhì. Sau cuộc thi đó, trung tâm Kim Lợi tìm ca sĩ mới cho trung tâm nên mời tôi về thử giọng và ký hợp đồng. Tôi nhớ giá trị của hợp đồng đầu tiên là 20 triệu, một số tiền quá lớn so với thời điểm bấy giờ. Từ đó, tôi bắt đầu đặt một chân vào con đường ca hát chuyên nghiệp.
- Nhìn lại một Lam Trường thuở mới vào nghề của mình, anh tự hào về điều gì nhất?
- Tôi tự hào vì bản thân luôn giữ nguyên được cảm xúc với âm nhạc, không bị cuốn theo đồng tiền. Tôi còn nhớ, tiền thù lao đầu tiên tôi nhận được chỉ là bằng bốn tô phở ngon, chắc là gần 20.000 đồng lúc bấy giờ. Tôi cũng thường xuyên biểu diễn miễn phí vì bản thân cần một sân khấu tập sự. Tôi nghĩ cứ tập luyện đến lúc chín muồi, cơ hội tìm đến thì tự khắc bản thân sẽ nắm giữ được. Tôi tự hào vì mình là nghệ sĩ Việt đầu tiên được ký hợp đồng với nhãn hàng nước giải khát của Mỹ, lần đầu tiên tổ chức đêm nhạc ở Singapore...
- Anh nói gì về danh xưng "thần tượng âm nhạc đầu tiên" mà những khán giả 7x, 8x dành cho mình?
- Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, hay cười một mình khi được khán giả gọi là "thần tượng âm nhạc đầu tiên". Nhiều bạn nói với tôi, tuổi thơ của các bạn gắn liền với nồi bánh chưng, bánh tét, đốt đèn cầy đêm trung thu, cả Lam Trường và những bản nhạc như Tình thôi xót xa, Con đường tình yêu, Mãi mãi, Gót hồng... phát trên sóng radio mỗi sáng Chủ nhật trong chương trình Làn Sóng Xanh. Đó là một cảm giác rất đặc biệt khi bản thân là một phần trong cuộc sống của rất nhiều người khác.
Đây cũng là lý do mới đây tôi thực hiện chương trình âm nhạc mang tên "Lam Trường 9PM" để gợi nhớ cho khán giả về cảm xúc của những năm 1990, 2000, khi lời bài hát ghi trên những quyển vở, bìa sách bọc bằng hình ảnh những ca sĩ mình yêu thích.
- Vậy với Lam Trường, "thần tượng đầu tiên" gắn bó với tuổi trẻ của anh là gì?
- Nhờ những đồng tiền thù lao mà tôi tích góp dần được một chiếc xe Dream và chiếc điện thoại Nokia đầu tiên trong đời. Chiếc xe máy thì mình không có cơ hội gắn bó nhiều vì bận diễn mỗi đêm. Nhưng chiếc điện thoại của Phần Lan là thứ gắn bó với tuổi thanh xuân của tôi.
Tôi còn nhớ chiếc điện thoại đầu tiên to như cục gạch, có chiếc ăng ten dài, vậy mà cầm trên tay mình cảm thấy rất hãnh diện, tự hào với mọi người. Dù không hiện đại, nhưng chiếc điện thoại Nokia cho phép tôi nhận lịch diễn nhanh chóng hơn, mình cũng thích thú vì có thể trả lời phỏng vấn báo chí mọi nơi, còn "nấu cháo" điện thoại với người yêu đến mấy tiếng đồng hồ.
Có những bài hát mình chưa kịp thuộc, tôi đánh hết phần lời trong trình nhắn tin. Mỗi tin nhắn hạn chế tầm 140 ký tự, nên mình chia ra rất nhiều tin, rồi lướt từ từ học. Tôi cũng là người thích chơi game, cảm giác cầm chiếc điện thoại chơi rắn săn mồi suốt dọc những quảng đường biểu diễn xa xôi đến giờ mình vẫn còn ấn tượng.
Có lần kẻ gian trà trộn vào khán giả để móc túi. Lúc đó tôi biết mình bị mất điện thoại nhưng không biết hô hoáng ra sao giữa đám đông. Khi cầm tiền ra cửa hàng, mình vẫn mua Nokia chứ không muốn mua hãng khác, không chỉ bởi vì Nokia chiếm lĩnh thị trường khi đó mà nó còn thu hút tôi bởi ngoại hình bắt mắt, thời trang. Tôi cho rằng Nokia cũng là "thần tượng đầu tiên" và gắn với tuổi trẻ của nhiều người, trong đó có tôi.
- Đâu là động lực, năng lượng để anh tham gia nhiều hoạt động và dự án như hiện nay?
- Sau 2008, tôi bắt đầu giảm tốc trên con đường sự nghiệp để chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. Tôi vẫn đi diễn trong nước và nước ngoài thường xuyên, chỉ là không còn nhiều sản phẩm mới. Như hiện tại, tôi vừa đi Pháp, sắp tới sẽ diễn ở Mỹ và Australia.
Tôi tin lần trở lại này của mình là vì khán giả. Bước qua cái tuổi học trò, tuổi yêu đương, không có nghĩa là người ta không còn cần âm nhạc. Tôi ra mắt các dự án mới để phục vụ đối tượng người nghe trưởng thành, đã đi làm, có công việc ổn định. Tôi ngẫu hứng hát các bản hit của mình tại các quán cà phê, phòng trà thì hầu như ai cũng có thể ngân nga hát theo. Những video khán giả quay trong các dịp này cũng xuất hiện trên mạng xã hội, nhận hàng nghìn lượt tương tác.
Bên cạnh đó, tôi ngồi lại ghế nóng của Giọng hát Việt 2018 cũng là vì muốn tìm kiếm và giúp các bạn trẻ đam mê ca nhạc như mình khi xưa phát huy tiềm năng, muốn giới thiệu đến khán giả những gương mặt mới. Với tôi, âm nhạc là sự kế thừa.
Sources: vnexpress |