Ngày Đăng: 16 Tháng 03 Năm 2019 Ca sĩ kể anh hát theo bản thu do cố nhạc sĩ thể hiện, còn vợ ông chia sẻ đó chưa phải là tác phẩm gốc.
Đức Tuấn vừa ra mắt album Trần Thiện Thanh - Một ngày ta được yêu. Đĩa nhạc tập hợp những ca khúc kinh điển của cố tác giả. Trong đó, ca khúc Hoa trinh nữ phát hành online sớm vào ngày 8/3.
Sau khi đăng, ca khúc gây tranh cãi, nhiều ý kiến cho rằng Đức Tuấn đã tự ý sửa lời ca khúc. Ca sĩ Mỹ Lan - vợ cố nhạc sĩ - cho rằng Đức Tuấn đã chỉnh sửa ca từ ở hai chỗ: "lính phong trần" thành "khách phong trần" trong câu "Tôi chỉ là người lính phong trần", và "nước vua về" thành "rước vua về" trong câu "sau khi tan giặc nước vua về". Trong hơn 130 ý kiến trên VnExpress về bản thu của Đức Tuấn, nhiều độc giả nhận xét ca sĩ không nên đổi lời ca khúc. "Từng lời, từng chữ của bài hát được tác giả sáng tác trong mỗi hoàn cảnh, tâm trạng lúc bấy giờ đều có ý nghĩa riêng", nguyenanh942018 bình luận.
Ngày 14/3, Đức Tuấn giải thích về bản thu Hoa trinh nữ. Ca sĩ khẳng định không tùy tiện sửa lời bài hát. Khi thu âm bài này, anh chọn bản tham chiếu là một bản thu cũ của Trần Thiện Thanh, lúc ông còn ca hát với nghệ danh Nhật Trường. Ở bản này, Trần Thiện Thanh từng hát là "khách phong trần". Ở đoạn "rước vua về", Đức Tuấn và êkíp không nghe rõ cố nhạc sĩ hát là "rước" hay "nước" nên chọn cách thể hiện theo những bản thu phổ biến nhất.
Sáng 15/3, từ Mỹ, ca sĩ Mỹ Lan chia sẻ Đức Tuấn căn cứ vào phần lời của bản thu trên là chưa chính xác. Chị cho biết, thời điểm nhạc sĩ Trần Thiện Thanh ghi âm Hoa trinh nữ với lời mới, ông còn ở trong nước. Lúc đó, âm nhạc Trần Thiện Thanh vẫn chịu nhiều kiểm soát. Nhạc sĩ phải đổi lời "lính phong trần" thành "khách phong trần" để bài hát phổ biến hơn. Sau này, khi qua Mỹ, ông cùng Mỹ Lan thu âm lại bài này năm 1997 với phần lời gốc. Sau khi nhạc Trần Thiện Thanh được cấp phép lưu hành trong nước, nhiều ca sĩ đã hát lại với phần lời "lính phong trần".
"Tôi đánh giá cao chất giọng và bản phối mới của Đức Tuấn. Tuy nhiên là người nhà cố nhạc sĩ, chúng tôi mong các ca sĩ khi thu âm lại nên tìm hiểu cặn kẽ bản gốc để tránh sai lệch ca từ nhạc sĩ dày công sáng tạo", chị chia sẻ. Sắp tới, chị sẽ nhờ một người thân của cố nhạc sĩ - hiện sống ở Việt Nam - đại diện gia đình làm việc với Cục Bản quyền tác giả để kiểm soát chặt chẽ hơn về phần lời các nhạc phẩm được ca sĩ sử dụng.
Theo Đức Tuấn, Trần Thiện Thanh và nhiều tác giả nhạc xưa hiếm có văn bản chuẩn mực về lời ca khúc. "Hoa trinh nữ có nhiều dị bản về lời. Tôi chọn bản có ca từ gần gũi với đối tượng là khán giả trẻ - những người cảm nhận bài hát như một nhạc phẩm thuần túy về tình yêu đôi lứa", anh chia sẻ.
Ca khúc Hoa trinh nữ được Trần Thiện Thanh viết năm 1967. Nội dung kể về một người lính khi thấy cành hoa trinh nữ thì lòng nhớ về người yêu ở xa. Bài hát được cho là tâm tư của Trần Thiện Thanh dành cho nữ ca sĩ Minh Hiếu thời đó. Theo vợ nhạc sĩ, ông mượn hình ảnh người lính nói chung trong thơ ca, không cụ thể ở thời đại nào.
Trước kia, việc thu âm nhạc Trần Thiện Thanh còn khó khăn do có nhiều tranh chấp về tác quyền. Gần đây, các ca khúc của ông được một đơn vị băng đĩa ở hải ngoại ủy quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Nhờ vậy, việc mua tác quyền thu âm và xin cấp phép phát hành dễ dàng hơn. Đức Tuấn là ca sĩ trong nước đầu tiên sau năm 1975 thực hiện album riêng các ca khúc của Trần Thiện Thanh.
Album mới của Đức Tuấn gồm các ca khúc: Mùa đông của anh, Trên đỉnh mùa đông, Khi người yêu tôi khóc, Hàn Mạc Tử, Hoa trinh nữ, Lâu đài tình ái, Chuyện hẹn hò, Tình đầu tình cuối... Với hai bài Trên đỉnh mùa đông và Chiếc áo bà ba, Đức Tuấn song ca cùng danh ca Hương Lan theo thể loại world music. Album được phát hành trên các trang nhạc số bên cạnh định dạng CD, đĩa than và băng cassette.
Trần Thiện Thanh sinh năm 1942. Ông thường sáng tác về tình yêu với ca từ lãng mạn, thi vị. Những sáng tác của ông được biết đến nhiều là Lâu đài tình ái, Hoa trinh nữ, Gặp nhau làm ngơ, Hàn Mặc Tử... Thập niên 1960, ông còn là ca sĩ nổi tiếng, nằm trong "Tứ trụ nhạc vàng", bên cạnh Duy Khánh, Hùng Cường, Chế Linh. Năm 1993, ông sang Mỹ định cư. Ông mất năm 2005 tại California vì ung thư phổi.
Đức Tuấn sinh năm 1980, từng đoạt giải nhất Tiếng hát Truyền hình TP HCM năm 2000 khi theo học Ngoại thương. Anh có các album như: Tiếng hát Trương Chi, Đức Tuấn hát tình ca Phạm Duy, Trẻ mãi, Music of the Night... Anh hát lại nhiều ca khúc của Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, tổ chức thành công liveshow nhạc kịch Music of the night (2009)... Năm 2010, anh đoạt hai giải Cống hiến ở hạng mục Ca sĩ của năm và Album của năm. Năm 2017, anh ra album nhạc Trần Lê Quỳnh - 36. Năm 2018, anh giới thiệu đĩa nhạc Phú Quang - Hà Nội và em khi thu chớm đông sang. Dịp Tết qua, anh ra mắt MV Ly rượu mừng (sáng tác: Phạm Đình Chương).
Sources: vnexpress |