Ngày Đăng: 12 Tháng 05 Năm 2015 Tháng 6 tới, Liên hoan Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc do Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức sẽ diễn ra tại Thanh Hóa. Liên hoan dù đông vui mà lòng người lại nặng trĩu nỗi niềm
Nhà hát Kịch TP HCM là đơn vị duy nhất từ phía Nam chuẩn bị mang vở “Vòng xoáy nghiệt ngã” (tác giả Bích Ngân, đạo diễn NSƯT Đoàn Bá) tham dự liên hoan. Trong khi đó, toàn bộ sàn diễn xã hội hóa “án binh bất động”.
Chi phí quá cao
NSND Hồng Vân lý giải: “Các sân khấu phải tự túc đi thi. Mùa liên hoan trước, tôi phải vận động diễn viên chịu nửa chi phí vé máy bay từ TP HCM ra Huế, số còn lại tôi gánh, mới đủ điều kiện đi thi. Mùa liên hoan năm nay, doanh thu ngày càng thấp, đời sống diễn viên khó như thế thì gồng gánh để ra Thanh Hóa dự thi là điều không kham nổi”.
| Cảnh trong vở “Đêm vượn hú” - Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ |
Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, không khí liên hoan giờ không còn sự tranh đua sáng tạo mà mạnh đoàn nào thì đoàn ấy thi, xong lại về. “Bảo đúc kết được điều gì, học gì qua cuộc giao lưu thì tất cả đều chịu, vì chi phí đi lại, ăn ở, xe cộ đã ngốn quá nhiều tiền của. Ở lại đến cuối cũng chỉ để nghe kết quả đoàn này, đoàn kia nhiều HCV vì được nâng đỡ...” - anh tâm sự.
Với đạo diễn Ngọc Hùng, người phụ trách nghệ thuật của Nhà hát Thế Giới Trẻ, “nếu có chi phí do BTC hỗ trợ, chúng tôi sẽ chọn vở “Cõng mẹ đi chơi” tham dự”. NSƯT Mỹ Uyên, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM, cho biết việc đi tìm tài trợ để đưa vở “Đêm vượn hú” dự liên hoan là một vấn đề quá khó. Điều này cũng khiến các sân khấu: Nụ Cười Mới, Hoàng Thái Thanh, IDECAF... không hào hứng khi nói đến liên hoan.
Chất lượng quá thấp
NSƯT - đạo diễn Ca Lê Hồng nhận xét: “Liên hoan nào cũng có những vở kết cấu lỏng lẻo, nhân vật chính diện mờ nhạt hơn nhân vật phản diện. Có vở nghệ sĩ quá nhiều, nhân vật quá ít hoặc nhân vật đông mà hình tượng chính để khắc họa thì quá sơ sài. Tôi đã nhiều lần xem các mùa liên hoan, vẫn có vở thắt nút rất đơn giản nhưng cởi nút thì phức tạp hóa lên; sự sống chết, thắng bại của nhân vật thiếu khách quan, tùy tiện; cho thấy vốn sống để sáng tác của tác giả, đạo diễn còn quá hạn chế”.
Cách đây 2 năm, báo cáo tổng kết khá dài của PGS-TS Trần Trí Trắc, chủ tịch hội đồng giám khảo liên hoan sân khấu lúc ấy, đã nói đến những hạn chế của “một nền sân khấu có nhiều tác phẩm khuôn mẫu giống nhau về tư duy, kết cấu” và “tính hiện thực, quan niệm về cái đẹp của nghệ sĩ quá hạn chế, dẫn đến việc nhiều vở đặt vấn đề cũ, quan niệm cũ”.
Về vấn đề liên hoan sân khấu kịch cần được tổ chức như thế nào, đạo diễn Chánh Trực tâm huyết: “Khán giả mua vé chính là thước đo của sàn diễn. Thử hỏi tổ chức rình rang tốn kém, các đơn vị khăn gói dự thi rồi ai về nhà nấy, vở diễn đoạt giải theo kiểu “mặt trận” rồi mang cất kho, thậm chí băng ghi hình còn không có, thì liên hoan làm gì? Sân khấu đang quá khát khán giả. Vì vậy, cần hướng tới những vấn đề công chúng quan tâm và ban giám khảo của liên hoan hãy ngồi cùng khán phòng với người mua vé. Chúng tôi cần sự đánh giá đúng mức của công chúng về tác phẩm”.
Chắc chắn không có giải thưởng nào cho kịch bản, đạo diễn và diễn viên chuẩn xác bằng sự công nhận của khán giả. Khối sân khấu xã hội hóa phía Nam nhiều năm qua đã chịu thiệt thòi khi không có một sân chơi đúng mức để khoe tài. Điều này còn gây hệ lụy tới đời sống của nghệ sĩ sau đó nhiều năm, bởi nếu không sở hữu những HCV, HCB cá nhân đúng với quy định xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND thì những danh hiệu trang trọng, “sáng bóng” này với họ vẫn là điều xa xỉ.
“Nghệ sĩ cứ bức xúc, cứ nói nhưng rồi mọi việc cũng chìm trôi, rơi vào quên lãng. Liên hoan tuần tự 2 năm 1 lần, năm nào cũng vẫn làm y vậy. Cũng may là danh hiệu NSND của tôi được đặc cách một đợt cùng với Kim Cương, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, chứ chờ liên hoan để có HCV, HCB thì chúng tôi phải chờ đến bao giờ?” - NSND Ngọc Giàu trăn trở.
Sources: nld |