Ngày Đăng: 25 Tháng 10 Năm 2015 Nếu chỉ tập trung khoảng 4 sân khấu xã hội hóa mạnh như lâu nay để đầu tư thì tình trạng đìu hiu của sàn kịch sẽ không tệ như ngày nay
Không thể tin nổi những sàn diễn kịch của sân khấu xã hội hóa tại TP HCM, từng được đánh giá là điểm sáng của cả nước, nay lại lâm vào cảnh tắt đèn. Việc vắng người xem khiến một số sàn diễn phải đóng màn, báo hiệu cái chết của sân khấu thiếu định hướng, không có chiến lược phát triển lâu dài.
Mở ra để... chết
Các sàn kịch trụ cột của làng kịch nói TP HCM như: IDECAF, Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, 5B, Kịch Sài Gòn, Nụ Cười Mới... đều rơi vào tình trạng không đủ khán giả. Mỗi suất, khán giả được nửa rạp hoặc chỉ vài hàng ghế vẫn phải mở màn biểu diễn. Gánh chi phí không nổi nên những sàn diễn trụ cột cũng đành phải tắt đèn. Vài sàn kịch ra mắt chưa bao lâu cũng ngưng hoạt động vì vắng người xem.
| Hình ảnh này của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM nay không còn |
Chuyện mất dần khán giả ở các sàn kịch đã được giới bầu sô kêu ca và được giới chuyên môn mổ xẻ tìm nguyên nhân từ vài năm nay. Tuy nhiên, tình trạng hấp hối của các sàn diễn ngày càng gia tăng, đang đe dọa sự sống còn của các sân khấu.
Vài năm trước, kịch nói còn là món đặc sản tinh thần của du khách khi đến TP HCM. Lúc kịch nói đang ăn nên làm ra, nhiều nghệ sĩ có tài lực muốn tách ra mở sàn diễn riêng. Sân khấu kịch “nở nồi” nhưng thiếu định hướng và chiến lược phát triển. Thấy đề tài nào ăn khách là các sân khấu đua nhau cùng làm khiến người xem bội thực và nhàm chán.
Lực lượng diễn viên trụ cột để bán được vé chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay; còn lại đều là diễn viên trẻ, phần lớn chưa đủ sức làm nên ngôi sao. Sự chắp vá diễn viên để đủ đội hình một vở diễn nhưng không ăn khớp với nhau đã khiến các thương hiệu kịch đứng ở thế chông chênh.
Ba yếu tố làm nên thành công của một suất diễn là nhà hát, nghệ sĩ và khán giả. Thế nhưng, nhiều năm qua, theo nhận định của người đứng đầu các sân khấu kịch xã hội hóa, với sân khấu kịch TP HCM, lượng khán giả đã mất 40%-60%. Hầu hết các sân khấu kịch đều lâm vào tình cảnh này.
Theo đạo diễn- NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, nguyên nhân chính của việc tụt dốc này chính là sân khấu không tạo nguồn khán giả trẻ. “Ở các nước có mô hình sân khấu tiên tiến, việc tập trung cho sàn diễn với những tác phẩm mới luôn đi kèm với phương thức giao lưu, biểu diễn mang tính cộng đồng, qua đó quảng bá, nuôi dưỡng lực lượng khán giả trẻ đến với rạp. Chúng ta bỏ quên yếu tố này nên nguồn khán giả trẻ bị thiếu hụt. Đến khi màn ảnh xuất hiện ngày càng nhiều loại hình giải trí hấp dẫn, trên thị trường có nhiều môn giải trí hiện đại hơn, sàn kịch rơi vào cảnh đìu hiu” - ông lý giải.
Thực tế cho thấy nguồn khán giả trẻ nhanh chóng bị phân khúc khi sàn kịch không còn đáp ứng được nhu cầu giải trí họ mong muốn. Đa số khán giả trẻ cho biết kịch bản chẳng có gì mới. Sau cơn lốc kịch đề tài ma quỷ, đồng tính với nhiều trò nhố nhăng, cười cợt cho đủ thời lượng, câu chuyện kịch chẳng để lại ấn tượng gì trong lòng khán giả.
Nhiều người cho rằng nếu chỉ tập trung khoảng 4 sân khấu xã hội hóa mạnh như lâu nay để đầu tư nuôi dưỡng đội ngũ sáng tác, dàn dựng, biểu diễn và đào tạo theo từng thương hiệu thì tình trạng đìu hiu của sàn kịch sẽ không tệ đến mức như ngày nay.
Tự bơi trong tạm bợ
Không thể đổ lỗi cho các chủ sân khấu kịch xã hội hóa “ngủ say trong chiến thắng”. Họ đã chạy “xanh mặt” để lo mọi thứ - từ mặt bằng sàn diễn, tìm kiếm kịch bản, dàn dựng, cân đong đội ngũ diễn viên cho thích hợp đến việc quảng bá vở diễn, phát hành vé - là một kỳ công.
“Nhà nước phải là bà đỡ cho một vài điểm sáng của sân khấu xã hội hóa từ khi phát hiện sự chỉn chu trong dàn dựng, trong tổ chức để có thể giúp họ vững bền trên bước đường làm nghệ thuật lâu dài. Đằng này, cứ để họ tự bơi và đích đến không biết là đâu” - NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc băn khoăn.
Ông bầu của Kịch IDECAF Huỳnh Anh Tuấn cũng trăn trở: “Kịch xã hội hóa trên địa bàn TP HCM cần sự phối hợp tổ chức giữa chính quyền với các nhà tổ chức biểu diễn của các sân khấu đang hoạt động hiệu quả. Nhà nước không thể để chúng tôi tự làm mà hãy chung lưng đấu cật, triển khai mô hình với chiến lược hỗ trợ cụ thể”.
Việc mất dần khán giả ở các sân khấu kịch xã hội hóa còn có một nguyên nhân khác là cơ sở vật chất quá xuống cấp. Hầu hết các điểm diễn kịch đang hoạt động đều thuê mướn. Thế nên, không có việc các chủ sàn diễn bỏ số vốn lớn để đầu tư, nâng cấp. Khó khăn bủa vây, gồng mình cho từng suất diễn đã khiến họ chán nản.
NSƯT Thành Hội từng than thở trong một buổi họp với đoàn đại biểu HĐND TP HCM rằng 20 năm qua, các sân khấu xã hội hóa đã góp phần rất lớn trong việc truyền bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đúng định hướng đến với khán giả. Thế nhưng, các sân khấu này thấy mình như những đứa con không được thừa nhận.
Việc tự thân vận động trong nhiều năm qua đã và đang khiến các sàn kịch xã hội hóa hoạt động lệch hướng. Chính vì không có chiến lược nên họ phải dựng những gì mình cho là ăn khách, để bán được vé và duy trì hoạt động. Trong khi đó, nhà nước không có kế hoạch hỗ trợ cụ thể, kịp thời cho những sân khấu xã hội hóa trụ cột duy trì hoạt động và phát triển đúng định hướng.
Cần sự tiếp ứng kịp thời
NSND Phạm Thị Thành nhìn nhận: “Xã hội hóa sân khấu là một bài toán khó chưa có đáp số, thậm chí chưa tìm ra phương pháp để giải mã. Chúng ta chỉ có thể giải phóng sự bế tắc này bằng chính thực trạng đang có và những nguyên nhân dẫn đến thực tế đời sống sân khấu đương đại. Chỉ cần đánh giá, nhìn nhận ở 2 trung tâm văn hóa, kinh tế - xã hội lớn nhất cả nước là TP HCM và thủ đô Hà Nội cũng đủ phác họa nên bức tranh toàn cảnh về xã hội hóa hoạt động sân khấu ở nước ta hiện nay. Thế nhưng, dù có khác biệt đến đâu thì vẫn cần có sự tiếp ứng kịp thời của nhà nước, không để sân khấu kịch chết dần”.
Sources: Vnexpress |