Ngày Đăng: 15 Tháng 05 Năm 2016 Tôi luôn nhớ lời dạy của má: “Đi hát không phải là một nghề, mà là một cái đạo - đạo làm người”.
| Kim Cương qua các vai diễn - Ảnh tư liệu gia đình |
Với kinh nghiệm của mấy đời gia đình và bản thân mình khi đứng trên sân khấu, tôi thấy rõ một điều là nghệ thuật có một sức lan tỏa và xâm nhập vào tình cảm con người một cách mạnh mẽ.
Một lần đoàn đi diễn vở Bông hồng cài áo ở Phù Cát (Bình Định), trong đêm chót, sau khi vãn hát, anh em hậu đài đang mở phông màn chuẩn bị dời đi nơi khác thì ông chủ tịch huyện đã đi thẳng vào hậu trường và đề nghị tôi:
“Cô Kim Cương ơi, yêu cầu cô nán lại thêm một đêm, diễn lại vở này mà không bán vé để cho tất cả bà con tự do vô coi. Vì đây là một bài học về lòng hiếu thảo mà tôi muốn cho tất cả bọn trẻ học theo. Tất cả chi phí của đêm diễn này huyện xin chịu hết”.
Tôi đồng ý ngay và vui mừng vì các lãnh đạo nơi đây đã xem vở kịch như là một cách tuyên truyền về hiếu đạo.
Cũng có những kỷ niệm khác, khán giả bị lôi cuốn đến không còn nhớ mình đang xem kịch mà leo thẳng lên sân khấu chỉ mặt bà Túy Hoa (lúc đó đang diễn vai bà hội đồng trong vở Lá sầu riêng) và hét lớn:
“Ê con mẹ già kia, mày ác vừa vừa thôi, bà Bảy Nam có ăn cắp gạo của mày bao giờ đâu mà mày vu oan cho mẹ con người ta. Mày nói thêm nói bớt cho người ta tao quánh thấy mẹ mày bây giờ”.
Sau một phút ngỡ ngàng, khán giả và cả nghệ sĩ đều cười rộ.
Ngay chính trong gia đình tôi, bà ngoại tôi năm đó đã trên bảy mươi tuổi vẫn còn lăn lộn theo đoàn hát với má tôi.
Vì lý do duy nhất: bà ngoại rất mê coi hát. Mỗi đêm, đoàn luôn dành cho bà một chỗ ngồi ở hàng đầu. Dù vở tuồng coi đi coi lại đã bao nhiêu lần nhưng ngoại vẫn không phân biệt được thật giả trên sân khấu.
Trong một lớp diễn của vở Viên ngọc lưu ly, má tôi diễn vai người vợ từ quê lên tìm chồng là Trần Thế Phương lúc này đã là phò mã đương triều. Má tôi trong thân phận tỳ nữ bị vu oan là ăn cắp một viên ngọc, rồi chính kẻ ăn cắp lại đứng ra đánh đập tra khảo.
Nhìn má tôi chịu đòn oan trên sân khấu, bà ngoại không dằn được đứng dậy la lớn: “Mày đừng vu oan cho con tao, tao ngồi đây nãy giờ, chính mắt tao thấy mày lấy viên ngọc bỏ trong túi rồi mày còn đánh nó nữa hả?”.
Cả diễn viên lẫn khán giả đều sửng sốt, sau đó phá ra cười. Ngoại sực tỉnh, mắc cỡ quá nên bẽn lẽn xách giỏ trầu đi ra khỏi rạp không thèm coi nữa.
Tôi nhớ có lần đoàn diễn ở Huế, khán giả đến xem rất đông mặc cho trời mưa tầm tã. Có một bác xích lô đêm đêm thường chờ đêm diễn kết thúc để đưa tôi về khách sạn.
Trên đường về, bác nói: “Cô diễn làm sao mà mấy người đi xe của tui họ nói hay lắm, làm họ khóc quá. Tui cũng muốn đưa vợ tui đi xem một lần, tội nghiệp bà ấy cực khổ với tui cả đời mà không hưởng được gì. Nhưng đạp xích lô như tui thì làm gì có tiền mua vé cho bà ấy xem cô ơi”.
Tôi nghe câu nói ấy mà xót xa, bèn gửi tặng bác cặp vé mời, ngồi ở hàng danh dự. Trong đêm diễn cuối cùng để ngày mai tôi rời Huế, bác xích lô lại đón tôi.
Bác cảm ơn vô cùng vì: “Đêm diễn hay quá, vợ tui nó thương cô quá, nó khóc suốt đêm diễn. Nghe cô sắp đi, nó muốn kiếm cái gì tặng cô để làm kỷ niệm nhưng không có tiền. Nên nó kêu tui đem tặng cô cặp áo gối cưới của hai vợ chồng mà nó đã giữ mấy chục năm nay. Xin cô nhận lấy và đừng chê nó xấu xí”. Tôi nhìn món quà trong tay mà không sao cầm được nước mắt...
Cũng một lần trình diễn ở miền Trung, lúc đó Đà Nẵng chưa có những rạp hát khang trang như bây giờ, sân khấu được dựng tạm bợ, chỉ vài mái tôn trong khu giải trí, ngay nơi xưa kia là trại giam các tội nhân mà người ta quen gọi là trại giam con gà.
Gần cuối vở diễn, trời đổ mưa tầm tã. Nhưng bất ngờ nhìn xuống, tôi thấy gần hết bà con vẫn ngồi coi. Có những người tìm được chỗ đụt mưa ở vài mái hiên, nhưng phần đông là bằng lòng đứng dưới mưa để xem cho hết vở.
Anh em trong đoàn hết sức cảm động, tôi bèn chạy lên sân khấu thưa với khán giả: “Nếu quý vị chấp nhận đứng dưới mưa để xem thì tụi tôi cũng xin tình nguyện đứng dưới mưa mà diễn”.
Thế là đêm hát được tiếp tục trong sự hào hứng của tất cả mọi người. Cảnh chót của Lá sầu riêng, tôi đóng vai một bà già 60 tuổi nên phải hóa trang đầu bạc trắng, mặt mày nhăn nheo, nhưng diễn dưới mưa một lúc, lớp hóa trang trôi hết.
Tôi lại trở thành cô Diệu 18 tuổi của màn đầu. Đó là một trong những kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời nghệ sĩ của tôi.
__________
Kỳ tới: Khóc cười những phận người
Biên giới Tây Nam năm 1978. Tôi để ý thấy Ngọc, anh bộ đội trẻ tặng tôi đôi dép râu, ngồi ngay hàng đầu sát bên cạnh chỗ tôi đang diễn. Xong em tới phiên gác. Tôi cười, vẫy tay chào em. Mười lăm phút sau người ta khiêng Ngọc vô, máu ướt đẫm ngực áo. Một tên Pôn-Pốt đã chờ sẵn trong rừng và bắn tỉa trúng em!
Sources: tuoitre |