Ngày Đăng: 09 Tháng 05 Năm 2016 Trong tận cùng mong muốn, tôi thèm một cái gì đó của riêng tôi mà cả má Năm và má tôi đều không thể dạy được. Chẳng ai thấy, chỉ có tôi biết tôi phải làm một cái gì khác.
| Nghệ sĩ Kim Cương trong Lá sầu riêng - vở kịch được rất nhiều khán giả nằm lòng, yêu thích từ thuở ban đầu của kịch nói miền Nam - Ảnh tư liệu |
Lúc đó, phong trào ca vọng cổ gần như là phong trào chủ đạo của các đoàn cải lương. Những giọng ca bất hủ như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thanh Hương (con gái nghệ sĩ Năm Châu), Năm Nghĩa, Thanh Tao, Kim Chưởng, Thúy Nga... đang được khán giả rất say mê.
“Giờ đây nhớ lại giai đoạn thành lập đoàn kịch, tôi mới thấy tuổi 20 khi đó sao mà đầy lửa đam mê. Nói làm là làm, thấy khó chồng chất vẫn làm, khó tới đâu gỡ tới đó, càng khó càng bước tới không chùn. Sức trẻ cộng đam mê đúng là tường thành nào cũng trèo qua được
“Ra sân khấu mà không ca không hát gì sao?”
Tôi còn nhớ lúc đó chú Năm Châu muốn tìm một lối mới cho sân khấu nên đề ra tiêu chí: sân khấu phải THẬT và ĐẸP. Ban đầu chú dựng những vở diễn cho Đoàn Năm Châu rất ít bài ca, chỉ chú trọng phần diễn xuất. Thế là đoàn của chú gặp phải sự phản đối của không ít khán giả thời thượng lúc đó.
Sau cùng chú phải viết thêm thật nhiều bài ca cho những vở diễn và để một tấm bảng lớn trước cửa rạp: “Tuồng hát đêm nay có 100 bài ca Tây - Tàu - ta”. Sự kiện này cũng là cột mốc đánh dấu một giai đoạn hưng thịnh của sân khấu cải lương lúc bấy giờ.
Cải lương đang cường thịnh đến độ từ già tới trẻ, từ Nam tới Bắc đều mê và thuộc lòng một vài câu vọng cổ, ca hoài không chán.
Tôi rất tâm đắc quan niệm “sân khấu thật và đẹp” của chú Năm Châu, và tôi còn chịu ảnh hưởng về lối diễn xuất chú trọng diễn nhiều hơn ca của má tôi và má Năm Phỉ. Thêm vào đó có lẽ một phần do tôi ca vọng cổ không hay lắm nên tôi bắt đầu băn khoăn về con đường nghệ thuật của mình.
Tôi muốn tìm một con đường mới, chẳng những cho riêng mình mà còn cho sân khấu. Con đường đó tôi có thể lột tả tận cùng tâm trạng nhân vật, được nói thay tiếng nói từ nơi sâu nhất nỗi lòng của những thân phận người, để vạch lối đi vào tim bằng một thứ ánh sáng chân thật, nhất là để đào xới cảm xúc phức tạp mà tôi từng nghĩ ra hoặc từng trải qua. Cái ước muốn mãnh liệt đó đeo riết theo tôi từng ngày.
Năm 1956, tôi quyết định từ giã sân khấu cải lương để chuyển qua thoại kịch (kịch nói) - một con đường mới mẻ, riêng biệt nhưng cũng đầy chông gai và thử thách.
Tôi thành lập đoàn kịch giữa thời hưng thịnh của cải lương là một điều mọi người cho là không tưởng vì hai chữ “kịch nói” còn quá xa lạ với khán giả lúc đó. Thậm chí có khán giả lớn tuổi của tôi đã hỏi: “Nghe nói mày bỏ cải lương để qua kịch nói hả? Mà kịch nói là cái gì, mày ca bài gì?”.
Tôi cắt nghĩa cho bà hiểu là kịch nói chỉ diễn bằng lời mà không có bài ca. Bà sửng sốt hỏi lại: “Sao? Mày định ra sân khấu nói chuyện không vậy hả, rồi không ca không hát gì hết hả? Rồi tao coi cái gì?”...
Trước những câu hỏi chân chất, dễ thương như vậy, tôi chỉ biết cười và hiểu rằng để phát quang một con đường đi đến nghệ thuật kịch nói không phải là dễ.
Quả thật, tôi đang đứng trước không ít khó khăn, thử thách. Nếu mê kịch ít ít một chút có lẽ tôi dễ dàng bỏ cuộc. May là tôi quá mê, cộng cái tính nữ tướng nói đi là đi, nói đánh là đánh, tôi dũng mãnh bước tiếp, mạnh dạn bươn qua những cái nhìn ái ngại cười cợt, đạp bằng chông gai để mở đường.
Đoàn kịch Kim Cương ra đời
Tôi bị đặt trước ba thử thách mà chỉ có cách vượt qua mới mong tạo dựng được con đường riêng của mình.
Thử thách trước hết là kịch bản. Các soạn giả tên tuổi lúc bấy giờ như Hà Triều, Hoa Phượng, Thiếu Linh, Thu An, Nguyễn Phương... đều đã có một chỗ đứng vững vàng trên sân khấu cải lương, với số nhuận bút khá lớn.
Không ai có thì giờ để viết kịch nói chỉ để diễn một tuần rồi bỏ mà tiền thù lao chẳng được bao nhiêu. Hơn nữa cũng ít người có được sự đồng cảm nghệ thuật với tôi để viết ra những vở dài có chiều sâu cho sân khấu kịch nói.
Trong tình cảnh đó tôi đành phải “tự biên tự diễn”, tự mình viết kịch bản cho chính mình. Nhưng vì không tự tin nên tôi không dám để tên Kim Cương mà núp bóng dưới bút danh Hoàng Dũng.
Cái khó khăn thứ hai là diễn viên. Khó tìm được những người đồng cảm say mê kịch nói như tôi. Đành phải tụ tập các anh chị có cùng quan điểm rồi vừa tập vừa sửa cho nhau.
Chúng tôi như những phác thảo đầu tiên trên sân khấu kịch nói miền Nam rồi tu dưỡng, rèn luyện để từng ngày hoàn chỉnh hơn. Thế là những diễn viên kịch nói đầu tiên ra đời như: Vân Hùng, Xuân Phát, Phi Bằng, Thúy Hồng, Lan Phương, Thúy Hoa, Thúy Phượng, Tuyết Vân, Kim Vui...
Dàn diễn viên mới, một loại hình nghệ thuật mới và kịch bản chưa qua trường lớp. Bao nhiêu cái khó đó chồng chất lên con đường thoại kịch của tôi. Tôi lúc đó lại còn quá trẻ.
Nhưng cái thử thách quan trọng nhất của tôi lúc đó là TIỀN. Có thể nói đó là cái khó khăn khó vượt qua nhất lúc này.
Thành lập một đoàn kịch bao nhiêu thứ đều cần đến tiền. Kịch nói lại hoàn toàn mới lạ. Trong con mắt của người đương thời, kịch nói thật thiếu hấp dẫn.
Nếu nói về sân khấu, nó không có chất trữ tình bay bổng của cải lương, không có những lời ca ngọt ngào, mùi mẫn của những nghệ sĩ đang được yêu thích.
Nếu nói về tính tả thực, nó lại thiếu cái sống động của điện ảnh. Rất nhiều người hoài nghi tính khả thi của thoại kịch ở miền Nam Việt Nam. Giới chủ rạp đều không ủng hộ thể loại này.
Tôi tìm hoài không có rạp hát nào chịu cho đoàn kịch biểu diễn. Ông chủ rạp Thanh Bình (kế chợ Thái Bình ngày nay) là chỗ thân tình lâu năm của má tôi, thấy hoàn cảnh tôi như vậy rốt cuộc cũng đồng ý cho thuê rạp với một điều kiện: trả trước tiền rạp một tuần, vì sợ không có khán giả tôi sẽ bỏ nửa chừng.
Trong lúc tôi đã sạch túi lo cho đoàn kịch thì đào đâu ra tiền thuê rạp trước một tuần. Chưa diễn được suất nào mà thấy nợ đã chồng chất.
Sau cùng tôi đành gom hết tư trang, tiền bạc dành dụm của tôi và má đem bán để đóng đủ bảy ngày tiền rạp. Bắt đầu từ đó Đoàn kịch nói Kim Cương ra đời.
| Nghệ sĩ Kim Cương trong vở kịch Dưới hai màu áo - Ảnh tư liệu |
Và Lá sầu riêng xuất hiện
Tuần lễ đầu tiên công diễn, tôi đã đặt hết bao nhiêu hi vọng và lo sợ, vì thành công hay thất bại của chương trình là quyết định cho con đường kịch nói của tôi sau này.
Chúng tôi ra mắt vở đầu tiên Tôi là mẹ. Nhưng vì chưa thật sự tự tin nên tôi tăng cường phần tân nhạc mở đầu với những tên tuổi ca sĩ đang được yêu thích bấy giờ như: ban hợp ca Thanh Long, Ngọc Cẩm - Hữu Thiết, ca sĩ Minh Trang, Minh Hiếu, Thúy Nga..., vũ đoàn Lưu Bình Lưu Hồng, các màn vũ của Thu Thủy, Kim Xuân, Kim Thu; phần âm nhạc do Khánh Băng, Lan Phương, Lê Duyên, Phùng Trọng đảm nhiệm.
Bước mở đầu đã thành công ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Khán giả đã hoàn toàn bị chúng tôi chinh phục, đã khóc, đã cười theo từng diễn xuất của diễn viên.
Đêm đó cả đoàn gần như không ngủ được vì quá hân hoan sung sướng. Thế là kịch nói đã có một hướng đi mặc dầu còn nhiều chông gai trước mặt.
Tiếp sau thành công đầu tiên, chúng tôi nhận được nhiều khích lệ từ khán giả và dư luận báo chí nên ngày càng tự tin hơn, diễn tốt hơn và cho ra đời những vở kịch ngày càng chỉn chu, có chiều sâu hơn.
Liên tiếp nhiều kịch bản của Hoàng Dũng như: Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Nhớ một chiều xuân, Sắc hoa màu nhớ, Trà hoa nữ, Áo người trinh nữ, Cánh hoa tàn, Nước mắt con tôi... trình diễn trên sân khấu Kim Cương trong sự háo hức, chờ mong của khán giả.
Mỗi một vở kịch đều có nội dung và sắc thái riêng biệt, nhưng phải nói Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo và Trà hoa nữ là những vở kịch được khán giả nhắc đến nhiều nhất. Danh hiệu ngôi sao cải lương của tôi dễ dàng bị lãng quên.
Người ta quên dần những hình ảnh dịu dàng trong sáng của A Liễu trong Giai nhân và ác quỷ, vẻ nũng nịu của Điêu Thuyền, vẻ thương cảm trong Xử án Bàng Quý Phi hay điệu bộ nhí nhảnh, ngây thơ của hoàng thái tử Ngọc Giao trong Phấn hậu cung... mà mỗi lần gặp tôi là họ lại gọi tên cô Diệu của Lá sầu riêng hay cô Bê bán hột vịt lộn của Dưới hai màu áo.
Đi đâu tôi cũng được nhận ra. Câu mà tôi nghe nhiều nhất khi khán giả gặp tôi là “Chị ác lắm, làm tụi tui khóc quá trời luôn với Lá sầu riêng”. Điều ngạc nhiên và hạnh phúc nhất với tôi là người ta gần như muốn quên tôi là một nghệ sĩ mà chỉ nhớ tôi là một người gần gũi.
Sau khi Lá sầu riêng ra đời, giới báo chí và dư luận đều sững sờ. Bất ngờ thứ nhất là do tôi bỏ hẳn một loại hình nghệ thuật tông nòi bốn đời lừng lẫy ngay giữa thời rực sáng, đang giữa lúc ăn khách rầm rộ.
Nghĩa là tôi bỏ một vị trí ngôi sao đi làm một người lao công khai mở một con đường lạ lẫm quá nhiều chông gai. Bất ngờ thứ hai là thoại kịch lại có thể thu hút được khán giả từ trí thức tới bình dân.
Quan niệm miền Nam không thể tồn tại thoại kịch bị phá vỡ. Giới phê bình đi tìm nguyên nhân và nhận xét tính độc đáo trong kịch bản, dàn dựng và diễn xuất của đoàn Kim Cương.
Thời kỳ huy hoàng của sân khấu kịch
Phải nhìn nhận một điều là sau năm 1975, miền Nam mới có một sân khấu kịch dài diễn thường trực hằng đêm.
Có thể nói thời kỳ sau giải phóng là thời kỳ huy hoàng của sân khấu kịch. Giai đoạn này, đêm nào chúng tôi cũng có suất diễn, những ngày lễ tết có khi chúng tôi phải diễn liên tiếp ba suất một ngày.
Lúc này chúng tôi đã đủ điều kiện và hoàn cảnh để xây dựng hoàn chỉnh một đoàn kịch nói chuyên nghiệp mang đậm dấu ấn kịch miền Nam.
Trong suốt 20 năm, đoàn Kim Cương đã tạo dựng được uy tín và cảm tình khán giả mọi giới, mọi nơi từ Nam chí Bắc. Đoàn kịch Kim Cương giờ đây đủ sức nuôi sống anh em trong đoàn, riêng tôi được thỏa chí tung hoành, chinh phục những thử thách trên con đường mà mình đã chọn.
_______________
Kỳ 6: Người tình duyên phận
Song hành cùng ánh hào quang của đời nghệ sĩ là đời sống tình cảm đầy cung bậc hạnh phúc và khổ đau của một người phụ nữ yêu và được yêu nhiều, và “thường thì những khổ đau kia đều đến từ tình yêu”.
Sources: tuoitre |