Ngày Đăng: 06 Tháng 12 Năm 2014 Là một kẻ hậu bối, tôi thần tượng hai nghệ sĩ đã có một quá trình gắn bó bền bỉ bên nhau, danh tiếng về sự chung thủy của họ một thời là mơ ước của nhiều nghệ sĩ. Đó là nghệ sĩ VIỆT HÙNG VÀ NGỌC NUÔI. Họ là hai trong số những cặp uyên ương nghệ sĩ nổi tiếng keo sơn gắn bó nhất trong những thập niên 1960, 1970… những ngày ở bolsa, diễn viên hoàng hiệp và nghệ sĩ ngọc đáng đã dẫn tôi đến chùa quan âm việt nam để thắp hương trước di ảnh ns ngọc nuôi.
Với nhũ danh Nguyễn Ngọc Nuôi, sinh năm 1930, kết hôn với nghệ sĩ Việt Hùng từ năm 1948, có ba con trai (Tài, Năng, Sinh) và ba con gái Ngọc Bích, Ngọc Châu và Ngọc Quý. Các con của Việt Hùng và Ngọc Nuôi, đều là những nghệ sĩ tài danh về tân nhạc, riêng Ngọc Bích ngoài khả năng ngôi sao ca nhạc Việt, nhạc Mỹ, Ngọc Bích có một thời đi hát cải lương cho đoàn hát Thanh Nga sau 1975.
NSƯT Út Bạch Lan đã kể: “Chuyện tình của đôi nghệ sĩ tài danh Việt Hùng – Ngọc Nuôi khởi đầu là một giai thoại đẹp, được nhiều nghệ sĩ Cải lương ngưỡng mộ. Đó là năm 1948, chị Ngọc Nuôi là diễn viên tài sắc của gánh hát Thỉ Phát Huê, đoàn nầy đang hát tại rạp Thành Xương. Ca sĩ Việt Hùng của Đài Phát Thanh Pháp Á đi xem hát, xi mê đào Ngọc Nuôi. Khi gánh hát Thỉ Phát Huê chấm dứt hợp đồng ở rạp Thành Xương, Việt Hùng bị “tiếng sét ái tình” bèn bỏ Sở làm để theo gánh hát này học hát, để được gần người mình yêu. Kết quả là anh Việt Hùng đã kết hôn với Ngọc Nuôi. Nhờ Ngọc Nuôi hướng dẫn cho Việt Hùng về diễn xuất và hóa trang trên sân khấu, Việt Hùng trở thành kép chánh của đoàn hát Thỉ Phát Huê từ dạo đó”.
Sau này NS Việt Hùng và Ngọc Nuôi về hát chánh cho đoàn Tân Thiếu Niên. NS Bảy Cao thành lập đoàn hát Hoa Sen năm 1952, ông mời Việt Hùng – Ngọc Nuôi về cộng tác. Tuồng hát của đoàn Hoa Sen ăn khách nhờ viết theo loại xã hội chiến tranh như: Đàn Chim Sắt, Nợ Núi Sông, Mộng Hòa Bình, Vàng Rơi Sông Lệ, Chiếc Áo Mùa Đông… NS Việt Hùng thành công khi thủ diễn các vai dũng tướng oai phong. NS Ngọc Nuôi có hơi ca ngọt lịm. Cô vô xàng xê nghe hấp dẫn không thua gì NS Minh Chí. Với sắc vóc đẹp khi mặc những bộ váy hoặc áo dài có eo, NS Ngọc Nuôi gọn gàng, duyên dáng thể hiện những vai thiếu nữ kiều diễm, giọng ca ngâm điêu luyện và lối diễn xuất sâu lắng, là những tài sản trời ban để biến Ngọc Nuôi thành một ngôi sao sáng chói trên sân khấu Hoa Sen, dù bên cạnh Ngọc Nuôi có các nữ nghệ sĩ tài danh cùng thời như: Kim Luông, Lệ Út, Ái Hữu, đó là những giọng ca vàng.
Năm 1954, có nhiều gánh hát mới được thành lập, Bầu Sinh, lập gánh Tân Hương Hoa, mời NS Việt Hùng – Ngọc Nuôi về hát với số tiền contract bạc triệu, và số lương lớn hơn gấp đôi số lương cũ ở đoàn Hoa Sen. NS Việt Hùng – Ngọc Nuôi về gánh Tân Hương Hoa, hát những tuồng: Khúc Nhạc Ly Hương, Việt Kiều Trên Đất Khách….Thành công về tài chánh nối theo thành công nghệ thuật, hai nghệ sĩ đã mua nhà mới, như bao nhiêu nghệ sĩ khác trong thời hoàng kim của nghệ thuật SK Cải lương.
Bà Ba Khan, chủ nợ của Bầu Sinh và là chị ruột của hai diễn viên trẻ: Hương Sắc và Hương Huyền muốn tạo cơ hội cho hai em của mình thăng tiến trên con đường nghệ thuật nên xuất vốn lập ra gánh hát, mời Việt Hùng và Minh Chí làm kép chánh, lấy bảng hiệu là gánh Việt Hùng – Minh Chí. Tất nhiên là Việt Hùng – Ngọc Nuôi ký hợp đồng mới, với số tiền contract lớn hơn, lương cao hơn.
Giai đoạn này NS Ngọc Nuôi có cơ hội thi triển làn hơi phong phú, ngọt ngào của cô qua các lối ngâm thơ mới, lối ca luyến láy đặc biệt khi vô các bài Sương Chiều, Tú Anh, đây là những bài ca mà người có hơi trong trẻo, ngọt lịm, mặc tình ca uốn lượn, luyến láy để dẫn dắt cảm xúc của người nghe. Vở tuồng ghi đậm thêm sự thành công của Việt Hùng – Ngọc Nuôi về khả năng ca diễn các thể loại tuồng dã sử, cổ tích Việt Nam là vở “Người Đẹp Bán Tơ” của thi sĩ Kiên Giang – Hà Huy Hà.
Sau này NS Ngọc Nuôi và Việt Hùng ký hợp đồng về hát cho gánh hát Thanh Minh của Bầu Nghĩa, sau đó là gánh hát Thanh Minh Thanh Nga của bà bầu Thơ. Cô tiếp tục tỏa sáng, đua tài khoe sắc với các nữ diễn viên khác trong các vở tuồng dã sử: Biên Thùy Nổi Sóng, Tình Tráng Sĩ, Người Về Từ Cửa Biển, Nẻo Tắt Hoành Sơn, Áo gấm khôi Nguyên…. Khi đoàn Thanh Minh Thanh Nga diễn tuồng xã hội, Ngọc Nuôi thành công qua vai cô gái nhà quê chơn chất trong tuồng: Thầy Cai Tổng Bồi, vai mẹ của Trinh (Thanh Nga) trong tuồng Con Gái Chị Hằng, và trong các vai bà mẹ hiền tuồng: Tấm Lòng của Biển, Bóng Chim Tăm Cá, Bọt Biển, Chén trà của quỷ, Bên Cầu dệt lụa… Giọng ca của NS Ngọc Nuôi trong vai mẹ của Trần Minh trong tuồng Bên Cầu dệt lụa đã thực sự lưu dấu tên tuổi của cô đến tận bây giờ. Năm 1975, Việt Hùng cùng các con: tài, Năng, Ngọc Quý và Ngọc Châu trong Ban nhạc Crazy Dogs sang Mỹ định cư. Ngọc Nuôi và con gái Ngọc Bích hát cho đoàn hát Thanh Nga một thời gian. Năm 1990, Ngọc Nuôi và hai con được bảo lãnh sang Mỹ. NSƯT Út Bạch Lan kể: “Đúng 60 tuổi NS Ngọc Nuôi phải làm lại cuộc đời, vì anh Việt Hùng đã có người phụ nữ khác. Đôi uyên ương sân khấu lẻ bạn vì hoàn cảnh. Tuy nhiên, người phụ nữ thứ hai của NS Việt Hùng rất tốt bụng, cô đã đón NS Ngọc Nuôi ở sân bay, nói thẳng với Ngọc Nuôi là sẽ “trả” NS Việt Hùng cho chị, nhưng vì lòng tự trọng, NS Ngọc Nuôi không muốn làm khổ một người phụ nữ đã hết lòng chăm sóc chồng mình trong nhiều năm qua. NS Ngọc Nuôi bắt đầu học tiếng Mỹ, tìm show hát để đỡ nhớ nghề và có thu nhập để lo cho tuổi già. Nhờ có các con hiếu thảo, chị Ngọc Nuôi cũng được an ủi nơi đất khách quê người. Tuy nhiên, chị vẫn hối hận vì đã xô ngã NS Việt Hùng tại sân bay trong cơn giận vì ghen tức. Dù vậy trong ngày sinh nhật lần thứ 80 của NS Việt Hùng, chị đã đến dự trong sự xúc động của mọi người. Đó là ngày NS Việt Hùng rất hạnh phúc. Sau đó vài tháng anh từ giã cõi đời”.
NS Ngọc Nuôi cũng mất ngày 23 tháng 9 năm 2002, gần một năm sau khi Việt Hùng ra đi vĩnh viễn. Cô mất trong trạng thái quỳ lạy Đức Phật khi đọc kinh. Giới nghệ sĩ và khán giả kiều bào tại hải ngoại đã đến chia buồn với ca sĩ Ngọc Bích. Tôi đứng lặng trước di ảnh của NS Ngọc Nuôi, bên tai vẫn còn nghe giọng ca mùi mẫn và nao lòng của cô với nhân vật mẹ Trần Minh trong vở tuồng bất hủ Bên cầu dệt lụa.
Sources: sankhaucailuong |
|
|