Ngày Đăng: 24 Tháng 04 Năm 2014 Soạn giả Yên Lang, tên thật là Nguyễn Ngọc Thanh, sinh năm 1940 tại Giồng Me, Cầu Kè, Bạc Liêu. Ông là tác giả của hơn 30 kịch bản cải lương nổi tiếng được công chúng mộ điệu yêu mến trong suốt hơn 50 năm qua.
Vì yêu nghệ thuật cải lương, năm 1955 - khi mới 15 tuổi, ông khăn gói rời quê lên Sài Gòn lập nghiệp. Cơ duyên đến với ông khi gặp gỡ ký giả Phong Vân và nhà thơ Hoài Ngọc. Lúc đó ông đang học tại Trường trung học Tân Thịnh (Sài Gòn). Ông vốn thích làm thơ, nhưng được sự khuyến khích của Phong Vân và Hoài Ngọc, ông mạnh dạn dấn thân vào lĩnh vực sáng tác cải lương với một tinh thần cầu tiến cao độ. Điều này lý giải vì sao hầu hết trong các tác phẩm của mình, Yên Lang đều lồng vào những vần thơ mượt mà, day dứt.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã sáng tác rất nhiều kịch bản cải lương, nhiều vở tuồng nổi tiếng như: Đêm lạnh chùa hoang, Máu nhuộm sân chùa, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Tâm sự loài chim biển, Khi rừng thu thay lá, Người đẹp Tây Thi, Bão biển, Bão cát, Manh áo quê nghèo, Nắng thu về ngõ trúc, Người phu khiêng kiệu cưới, Tình bằng hữu, Tình hận trên băng hồ, Hỏa Sơn thần nữ, Khi trời lạnh sương khuya, Nhất kiếm bá vương… Những vở cải lương này đã đưa tên tuổi của ông lên ngang hàng với những soạn giải bậc thầy lúc bấy giờ.
Sở trường của soạn giả Yên Lang là sáng tác kịch bản cải lương thuộc đề tài kiếm hiệp kỳ tình, thể loại được khán giả yêu thích trong thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Văn phong của ông mộc mạc nhưng chứa đựng nhiều tự sự về số phận những con người luôn khao khát tìm kiếm hạnh phúc.
“Bậc thầy chuyên sáng tác kịch bản màu sắc kiếm hiệp kỳ tình”, “thầy viết tuồng Yên Lang”… là những mỹ từ được dùng để nói về ông. Không chỉ chuyên sáng tác, ông còn là người dìu dắt, đào tạo nhiều cây viết trẻ như soạn giả Nguyên Thảo (tác giả của vở cải lương Kiếp nào có yêu nhau), cũng như con trai ông là Lam Tuyền (người chuyển thể vở Lá sầu riêng) hiện đang theo nghiệp của ông…
Nghệ sĩ nhân dân, soạn giả Viễn Châu nhận xét: “Yên Lang là một trong những người Bạc Liêu đã từng được khán giả khắp nơi ái mộ không chỉ bằng ngòi bút trữ tình, sâu lắng, mà còn là một bậc thầy chuyên sáng tác kịch bản màu sắc kiếm hiệp kỳ tình, đưa thể loại này lên đỉnh cao, và đã từng tạo cơ hội vàng cho nhiều nghệ sĩ trở nên nổi tiếng”. Đúng vậy, đã có rất nhiều thế hệ nghệ sĩ tạo được tên tuổi trong lòng công chúng từ các tác phẩm của ông. Hay nói đúng hơn, họ đã bước ra từ tác phẩm của ông và tỏa sáng rực rỡ, có thể kể đến những cái tên quen thuộc như: Minh Cảnh, Minh Vương, Lệ Thủy, Minh Phụng, Mỹ Châu…
Hiện tại, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác, nhất là viết những bài ca cổ về quê hương Bạc Liêu. “Tôi vui vì mình được lãnh đạo tỉnh, người dân của quê hương vẫn nhớ đến mình. Nay trở về quê trong vòng tay yêu mến của khán giả quê nhà, tôi thấy mình thật hạnh phúc” - soạn giả Yên Lang tâm sự trong dịp trở về thăm quê vào tháng 3/2013.
Cái tên Yên Lang đã đi vào lòng khán giải mộ điệu cải lương từ mấy mươi năm về trước. Và, đến tận bây giờ, những vở cải lương do ông biên soạn, sáng tác vẫn còn nguyên sức hút đối với người hâm mộ cải lương nhiều thế hệ. Với người dân Bạc Liêu và giới mộ điệu cải lương cả nước, ông là một bậc thầy, một tiền bối trong lĩnh vực biên soạn, sáng tác những vở cải lương bất hủ, góp công lớn làm rạng danh nghệ thuật cải lương nói riêng, nghệ thuật đờn ca tài tử nói chung.
Sources: gov |