Ngày Đăng: 02 Tháng 05 Năm 2015 NSƯT Út Bạch Lan hồi trẻ đã được mệnh danh là “Sầu nữ” bởi bà ca bài Hoa lan trắng nghe mà não ruột. Bài hát bắt nguồn từ cuộc đời quá buồn của bà, cộng thêm mối tình trắc trở với nghệ sĩ Thành Được, khiến nhạc sĩ Viễn Châu phải cầm bút viết tặng bà bài vọng cổ để đời.
| Thành Được và Út Bạch Lan - Ảnh: T.L |
Út Bạch Lan nói bây giờ bà đi hát ở đâu thì một hồi khán giả cũng yêu cầu hát bài Hoa lan trắng. Buồn muốn chết luôn, vậy mà khán giả vẫn nghe. Có lẽ trong đó chứa đựng nỗi niềm không chỉ riêng bà mà còn của nhiều thân phận phụ nữ khác nữa.
Từ người ăn xin thành ngôi sao cải lương
Bài này soạn giả Viễn Châu viết tặng Út Bạch Lan trong giai đoạn bà và chồng là nghệ sĩ Thành Được đang trục trặc với nhau, bà đau khổ vô cùng. Thật ra, cuộc đời Út Bạch Lan không chỉ khổ từ khi có chồng mà đã khổ từ lúc ấu thơ. Bà và danh cầm Văn Vĩ từng dắt díu nhau đi khắp các chợ ở Sài Gòn vừa đàn hát vừa ăn xin. Giọng hát ngọt ngào của cô bé nghèo và tiếng đàn tuyệt vời của cậu bé mù đã từ đó mà bay lên. Văn Vĩ trở thành “ngôi sao” trong làng nhạc cổ thì Út Bạch Lan cũng thành “ngôi sao” trên sân khấu cải lương.
Rồi bà kết hôn với “ngôi sao” Thành Được, một kép đẹp lẫy lừng, ca hay diễn giỏi. Nhưng ông có tính đào hoa, nên Út Bạch Lan buồn khổ nhiều năm trời. Chuyện của bà trong giới cải lương ai cũng biết, và đến tai soạn giả Viễn Châu. Ông có tính thương nghệ sĩ như con cháu, và nghệ sĩ cũng coi ông như ba. Ông bèn viết một bài vọng cổ để an ủi Út Bạch Lan, tựa là Hoa lan trắng. Không ngờ, Út Bạch Lan ca bài này quá thấm thía đến nỗi người ta gọi luôn bà là “Sầu nữ”.
Nhưng Út Bạch Lan dịu dàng nói: “Bây giờ tôi không muốn nói gì dính tới Thành Được nữa, vì hai người đã già rồi, mọi thứ hãy cho qua. Nghĩ lại thì hồi trẻ ai cũng có lỗi. Ổng thì trăng hoa, còn tôi thì nhỏ nhặt. Đã biết có chồng đẹp trai, lại tài danh, nhiều cô đeo đuổi, thì mình cũng nên chịu đựng một chút. Đằng này mình cũng ghen. Nhưng vì giữ cho cái tên Thành Được - Út Bạch Lan vẫn là một “liên danh” đẹp trên sân khấu nên tôi có phần nhỏ nhẹ hơn. Mà nói gì thì cũng không nên nói tốt cho bản thân, nhất là khi kể chuyện một hồi thể nào cũng hưng phấn rồi nói quá lên. Thôi, vợ chồng không tình cũng nghĩa, bỏ qua hết”.
Tái ngộ chồng cũ nơi đất khách
Và chính cái nghĩa này mà Thành Được đã mời bà sang Mỹ hát chung với ông như ngày xưa hai người từng là đào kép chánh đứng chung trên sân khấu. Thành Được sang Mỹ năm 1984, vài năm sau ông và bà đã có dịp tái ngộ đến mấy lần, lần gần nhất là 2007, khi đó cả hai cùng hát trích đoạn Nửa đời hương phấn lớp cuối khi cô Hương đi tu, anh Tùng đến tìm gặp nói lời xin lỗi.
Út Bạch Lan nhớ lại: “Thật ra tôi không hề biết là hát chung với ổng, vì bà bầu khi mời không nói rõ. Chừng tới nơi thì mới biết là Thành Được có mặt. Mà thôi, cũng tội ổng, năm nay yếu lắm rồi, ổng 82 tuổi, tôi 81 tuổi, như đèn trước gió. Ổng chỉ mơ ước về VN mà đi không nổi. Ổng nói ổng muốn về VN hát một lần rồi chết cũng vui. Làm sao toại nguyện được! Chỉ cầu Phật cho ổng nếu có ra đi thì ra đi bình yên. Đối với tôi, mọi thứ đã là quá khứ, chỉ lấy tình thương mà đối đãi với nhau như lời Phật dạy”.
Có lẽ do Út Bạch Lan đã đi chùa, theo phật từ mấy chục năm nay nên tâm bà an tịnh, nhẹ nhàng. Nhưng dù bà có bỏ qua quá khứ thì bài Hoa lan trắng vẫn còn để đời với giọng ca quá hay, nên đi đâu người ta cũng yêu cầu bà hát. Hơi ca bây giờ dù vẫn còn nỗi buồn chung của đời phụ nữ nhưng nghe hình như bớt buồn hơn xưa, bớt u sầu, phiền não. Bà cười: “Đời buồn thì ai cũng có, nhưng nếu mình có một hướng đi tích cực thì sẽ nhẹ nhàng hơn. Như tôi đi làm từ thiện, thấy nhiều số phận còn cay đắng hơn mình, từ đó không còn băn khoăn nữa. Khi mình hướng ra cộng đồng thì mình ít rơi vào trạng thái tiêu cực. Nói thiệt, có khi tôi muốn ca bài khác, tôi hỏi khán giả: “Nghe Hoa lan trắng hoài cô bác không ngán sao?”. Bà con trả lời: “Không ngán, không ngán!”. Vậy là mình phải hát Hoa lan trắng thôi”.
Cuối cùng bà cảm niệm một điều: “Nghệ sĩ đừng coi rẻ tác giả và thầy đờn, vì chính họ đưa mình lên vị trí vinh quang. Họ viết đúng chất giọng, đúng tâm tư tình cảm thì mình ca mới bật lên. Hồi đó tôi và Thành Được thường được “ba Bảy Viễn Châu” viết bài cho hát, chúng tôi muốn sửa một chữ cũng phải hỏi ý kiến ông, chứ không dám tự tiện sửa. Đôi khi tác giả và nhạc sĩ như thầy của mình vậy. Mình có tôn sư trọng đạo như thế thì mình mới thành đạt”.
Sources: thanhnien |