Ngày Đăng: 06 Tháng 06 Năm 2017 Soạn giả Yên Lang ra đi để lại cho đời hơn 30 kịch bản cải lương và hàng trăm bài ca cổ nổi tiếng. Tác phẩm của ông đã giúp cho nhiều thế hệ nghệ sĩ làm nên tên tuổi
Do tuổi cao sức yếu, các căn bệnh suy thận và tiêu hóa biến chứng, ông đã trút hơi thở cuối cùng lúc 8 giờ 50 phút ngày 5-6 tại Mỹ, hưởng thọ 78 tuổi.
Người đưa cải lương kiếm hiệp lên đỉnh cao
Ông chào đời tại Bạc Liêu năm 1939, lớn lên ở một xóm chài ven sông, hiểu được cái cơ cực của nhà nông, cảm được sự lạc quan trong nghèo khó của từng con người nơi đây, dù trong hoàn cảnh đói kém, thất mùa vẫn cứ bám đất mà sống. Từ sự yêu thích thơ ca, ông hình thành những trang bản thảo, mang vào đó những ước mơ rất lạc quan, để xua đi cái nghèo, cái khổ.
Ông từng nói với tôi trong những lần gặp gỡ rằng: "Vì hiểu được nỗi khao khát mưu cầu hạnh phúc của khán giả vốn là tầng lớp lao động nên tôi thường mượn những nhân vật kiếm khách khẳng khái, trọng nghĩa khinh tài để tìm sự đồng cảm của người thưởng thức nghệ thuật cải lương". Với tầng lớp khán giả trí thức, ông cũng chạm đến trái tim của họ bằng niềm kiêu hãnh của lòng tự trọng, chính điều đó làm cho những sáng tác của ông trở nên sang trọng, không pha tạp màu mè, rối rắm.
| Soạn giả Yên Lang và phóng viên Thanh Hiệp chụp tại MỹẢnh: Duy Thanh |
Soạn giả Yên Lang được giới chuyên môn đánh giá cao bởi ông sáng tác nhanh nhưng không vì thế mà bản thảo thiếu tính ngăn nắp. Quá trình thẩm thấu một tác phẩm văn học với ông có khi đến vài tháng nhưng hễ ông hứng khởi để viết thì 3 ngày là xong một kịch bản. "Mỗi nhân vật trong kịch bản của tôi đều có những tâm tư, tình cảm mà bản thân tôi gửi gắm vào. Yêu ghét, giận hờn, buồn vui, chung thủy đều là cung bậc tình cảm từ sự trải nghiệm trong đời tôi được đưa vào nhân vật, tác phẩm".
Soạn giả Trọng Nguyễn, cũng là người con của xứ Bạc Liêu, cảm nhận: "Điều khiến hàng triệu khán giả mộ điệu sân khấu cải lương thổn thức khi xem tác phẩm của Yên Lang là chất liệu cuộc sống được ông đưa vào tác phẩm. Ở đó không có sự giả dối. Đối với khán giả trẻ hôm nay, những vở diễn như: "Đêm lạnh chùa hoang", "Máu nhuộm sân chùa", "Mùa thu trên Bạch Mã Sơn", "Tâm sự loài chim biển", "Khi rừng thu thay lá", "Người đẹp Tây Thi", "Bão biển", "Bão cát", "Manh áo quê nghèo", "Nắng thu về ngõ trúc", "Người phu khiêng kiệu cưới"… vẫn còn nguyên giá trị tư tưởng đề cao sự chung thủy trong tình yêu. Ông mượn chuyện xưa nói chuyện nay, mượn các nhân vật kiếm khách để hun đúc tinh thần, ý chí của lớp trẻ, tuyệt nhiên không có sự ru ngủ, ủy mị".
Soạn giả Viễn Châu từng nhận xét về ông: "Trong số các ngòi bút viết về cải lương kiếm hiệp, người khiến tôi ưng bụng nhất là Yên Lang. Bằng ngòi bút trữ tình sâu lắng, anh đã đưa thể loại này lên đỉnh cao".
Giữ lửa cải lương cả trên đất khách
Trong chuyến du lịch Mỹ vừa qua, cùng với nghệ sĩ Phượng Liên, nghệ sĩ đờn tranh Việt Hải, ca sĩ Duy Thanh, chúng tôi hẹn gặp ông tại một nhà hàng. Ông lái xe đến, vừa bước vào cửa đã xúc động đến nghẹn lời. Ông chậm hơn mọi khi, ôm từng người vào lòng, ông nói về sức khỏe của mình.
Nghệ sĩ Phượng Liên cứ động viên ông đừng quá bi lụy, dù sao thì vẫn còn có cơ hội để được gặp anh chị em nghệ sĩ. Mỗi khi trong nước có nghệ sĩ sang Mỹ du lịch hoặc biểu diễn, ông đều tìm đến thăm hỏi.
Trên đất Mỹ cùng với nghệ sĩ Thành Được, Phượng Liên, Văn Chung, Hương Huyền, ông là soạn giả cải lương có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn ngọn lửa yêu nghề cho nghệ sĩ bằng cách duy trì hoạt động biểu diễn cổ nhạc. Ông còn tham gia làm giám khảo các cuộc thi tuyển chọn những giọng ca cải lương trẻ trong cộng đồng kiều bào tại Mỹ. Không chỉ phát hiện, ươm mầm, ông còn dìu dắt, nâng đỡ cho nhiều diễn viên trẻ mỗi khi họ xin kịch bản hoặc đặt hàng sáng tác của ông.
Ông từng tâm sự rằng điều mình băn khoăn nhất là đội ngũ sáng tác cải lương ở quê nhà không được chuẩn bị để họ lớn mạnh và vững niềm tin với nghề nên sàn diễn cải lương cứ chậm tiến so với các lĩnh vực khác. Khi tôi còn ở Mỹ, ông khoe đang thai nghén một kịch bản mang tên "Nỗi lòng kẻ xa quê". Ông nói vẫn giữ các nhân vật kiếm khách đa tình nhưng lồng vào đó ý nghĩ của tuổi trẻ trong thời đại hội nhập, đó là giữa thanh kiếm của kẻ lãng tử và cái máy tính bảng của thời đại kỹ thuật số, tình yêu sẽ thuộc về trái tim thấm đẫm nhịp đập chung thủy. Nào ngờ những trang bản thảo đó chưa hoàn thành thì ông đã ra đi.
Vĩnh biệt ông nhưng những lời ca ông viết sẽ cứ vang mãi trong lòng nghệ sĩ cải lương và công chúng.
Bạc Liêu mất người con ưu tú
Vùng đất Bạc Liêu đã sinh ra nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có soạn giả Yên Lang. Tự hào về điều đó, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu từng tổ chức chương trình nghệ thuật vinh danh ông - người đã sáng tác nhiều tác phẩm sân khấu cải lương vang bóng một thời: "Đêm lạnh chùa hoang", "Máu nhuộm sân chùa", "Mùa thu trên Bạch Mã Sơn", "Tâm sự loài chim biển", "Khi rừng thu thay lá", "Người đẹp Tây Thi", "Bão biển", "Bão cát", "Manh áo quê nghèo", "Nắng thu về ngõ trúc", "Người phu khiêng kiệu cưới", "Tình bằng hữu", "Tình hận trên băng hồ", "Hỏa sơn thần nữ", "Khi trời lạnh sương khuya", "Nhất kiếm bá vương"…, và một số kịch bản ông hợp soạn như: "Kẻ bên trời" (viết với Thiên Lý), "Quán khuya sầu viễn khách" (viết với Hồng Điệp), "Ngựa hoang về núi", "Thằng điên trên Bến Hạ" (viết với Nguyên Thảo), "Xin một lần yêu nhau" (viết với Loan Thảo)...
Dù định cư tại Mỹ nhưng trái tim ông luôn hướng về cội nguồn. Cứ mỗi lần ông về nước thăm gia đình, ông lại về Bạc Liêu để thăm nơi chôn nhau cắt rốn. Soạn giả Yên Lang luôn xem Bạc Liêu là chiếc nôi nghệ thuật của mình, vẫn luôn tự hào về vùng đất này, nơi đã sản sinh ra bản "Dạ cổ hoài lang".
Thanh Hiệp
Sources: Nld |