Ngày Đăng: 14 Tháng 07 Năm 2010 Nữ nghệ sĩ Bạch Lê, ái nữ của NSND Thành Tôn, chị ruột của NSƯT Thành Lộc, Bạch Lựu, Bạch Lý, Bạch Long sẽ tái ngộ khán giả Việt Nam trong chương trình Gìn vàng giữ ngọc diễn ra 23, 24, 25, 28, 29-7 và 1-8, tại Nhà hát Bến Thành do Vũ Minh làm tổng đạo diễn. Sau hơn 30 năm sang Pháp định cư, lần đầu tiên, Bạch Lê mới quay về biểu diễn trên sân khấu quê nhà.
“Con nhà tông…”
| Bạch Lê và Bạch Long (giữa) cùng khán giả hâm mộ tại Pháp (ảnh nhân vật cung cấp) |
Nữ nghệ sĩ Bạch Lê được cha - NSND Thành Tôn trực tiếp truyền nghề, ngoài ra còn học ở mẹ là nữ nghệ sĩ Quỳnh Mai (em của nghệ sĩ Minh Tơ, Khánh Hồng…) những kinh nghiệm diễn xuất các vai đào. Thêm vào đó, Bạch Lê được đào luyện trong lớp Đồng ấu Minh Tơ nên khi mới được 8 tuổi đã nổi danh trong vai Quách Hải Thọ vở Bao Công xử án Quách Hoè. Những năm 1960, trên Sân khấu tuồng cổ Minh Tơ, Bạch Lê xuất hiện thật quyến rũ, lôi cuốn, mỗi đêm chị hóa thân thành từng nhân vật khác nhau, khi thì là Thái hậu Ỷ Lan, cô Đô đốc Bùi Thị Xuân, nàng sơn nữ A Li, cậu bé Trần Quốc Toản của sử thi Việt Nam. Lúc lại là Thần nữ, Bàng Quý Phi, Điêu Thuyền, Lý Tiểu Oanh, Phan Kim Liên của tuồng cổ Trung Quốc. Ở mỗi nhân vật, với giọng ca trong trẻo, đôi mắt to sáng long lanh, gương mặt xinh đẹp, vũ đạo nhuần nhuyễn, chị đã khắc họa từng nhân vật thật đậm nét, tạo dấu ấn không phai trong lòng khán giả ở các rạp Hào Huê, Hưng Đạo, Quốc Thanh, Lao Động… Ngoài các vai đào võ, đào thương, đào lẳng, đào độc… chị còn có khả năng diễn kịch trên Sân khấu Kim Cương, đặc biệt là chương trình kịch Quê ngoại của cố nghệ sĩ Bắc Sơn trong vở Bông lục bình, Chiếc sừng trâu... Cuối năm 1967, Bạch Lê được các ký giả kịch trường đề cử tham dự tranh đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm nhưng tình hình sau Tết Mậu Thân khiến cho ông Trần Tấn Quốc, người chủ giải thưởng Thanh Tâm phải ngưng cuộc tuyển chọn và trao giải. Tuy nhiên, với những vai diễn xuất sắc cũng như sự xuất hiện thường xuyên trên màn ảnh nhỏ thời gian này, chị đã được báo chí ưu ái dành tặng cho biệt danh Hồ Quảng chi bảo đồng thời nhận về chiếc huy chương vàng giải Kim Khánh - diễn viên nữ hay nhất trong năm 1973 (một giải thưởng uy tín thời đó, sau giải Thanh Tâm); năm 1974, Bạch Lê - Thanh Bạch đoạt huy chương vàng đôi diễn viên xuất sắc nhất trong năm, bổ sung vào hành trang nghệ thuật của mình. Sau năm 1975, Bạch Lê cùng chồng - nghệ sĩ Thanh Bạch sang Pháp định cư. Thời gian đầu, họ gặp rất nhiều khó khăn, phải học Pháp ngữ để hội nhập với xã hội mới, nhưng với quyết tâm cao, Bạch Lê đã ổn định được cuộc sống và có nhiều hoạt động nghề nghiệp rất thuận lợi. Chị cho biết: “Được hát, được ca, được biểu diễn trên sân khấu, đó không chỉ là một niềm vui của nghệ sĩ mà còn mang lại niềm vui cho khán giả người Việt xa xứ. Ở đâu còn hát được cải lương, ở đó có quê hương trong lòng…”.
Một chương trình đầy ý nghĩa
Tái ngộ khán giả Việt Nam lần này, Bạch Lê sẽ biểu diễn hai vở cải lương tuồng cổ nổi tiếng Câu thơ yên ngựa (tác giả Hoàng Yến - Thùy Linh - Ngọc Văn - Thanh Tòng; đạo diễn Vũ Minh) và Điều Tam Xuân báo phu cừu (tác giả Minh Tơ - Thanh Tòng; đạo diễn Vũ Minh - Thanh Tòng với sự góp mặt của các diễn viên thuộc dòng họ Bầu Thắng - Minh Tơ trình diễn: NSND Thanh Tòng, NSƯT Thành Lộc, Thanh Bạch, Điền Thanh, Xuân Yến, Thanh Loan, Trường Sơn, Công Minh, Chí Bảo, Thanh Sơn, Bạch Long, Trinh Trinh, Quế Trân, Tú Sương, Xuân Trúc, Xuân Thu, Thanh Thảo, Kim Duyên, Trường Oanh… Những ngày qua trên sàn tập, Bạch Lê như sống lại cái thời vàng son trên Sân khấu Minh Tơ ngày nào. Nét diễn xuất của chị vẫn còn rất thăng hoa, điêu luyện trong hai vai diễn Thái hậu Ỷ Lan trong Câu thơ yên ngựa và Điều Tam Xuân trong Điều Tam Xuân báo phu cừu. Hai vai này, chị đã từng thủ diễn rất thành công trên Sân khấu Minh Tơ lẫn ở hải ngoại.
Lần đầu tiên làm tổng đạo diễn cho chương trình cải lương tuồng cổ, đạo diễn Vũ Minh khá vất vả nhưng cũng vô cùng hào hứng với những sáng tạo mới của mình. Anh nói: “Ngày trước, tôi là một khán giả trung thành của Sân khấu Minh Tơ, từng mơ ước trở thành đạo diễn để dựng bộ môn nghệ thuật này. Bây giờ dù là đạo diễn sân khấu kịch nhưng niềm đam mê cải lương vẫn cháy bỏng như ngày nào. Lấy chủ đề Gìn vàng giữ ngọc, có nghĩa là gìn giữ một bộ môn truyền thống của dân tộc ta cho đến muôn đời sau. Dàn dựng chương trình này, tôi áp dụng cách kết hợp cái cổ, cái tân để làm cho cải lương tuồng cổ mới hơn, tránh sự sáo mòn và mang được hơi thở của thời đại. Được làm việc với một dòng họ nổi tiếng và những nghệ sĩ nhà nghề, tôi cũng học hỏi được rất nhiều…”.
SONG MINH
Nghệ sĩ Bạch Lê cho biết: “Gia đình tôi năm đời ăn cơm Tổ, xem sân khấu là nhà. Đời nối đời, nghề nối nghề đến nay đã hình thành một dòng nghề đó là cải lương tuồng cổ. Tôi tự hào vì đã góp phần viết nên những trang sử đẹp của nghề hát, dùng lời ca tiếng hát góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam...”.
Sources: giaoduc |
|
|