Ngày Đăng: 29 Tháng 06 Năm 2012 Nhưng ít ai biết được những lời ca “kiệt tác”, để đời này đã có cội nguồn từ nhiều biến cố, thăng trầm của một cuộc đời con người nói riêng và của thời cuộc nói chung.
Mỗi người trong chúng ta, ít nhiều cũng có đôi lần thoáng nghe những lời ca như: “Từ là từ phu tướng/ Báu kiếm sắc phán lên đàng/ Vào ra luống trông tin nhạn/ Năm canh mơ màng/ Em luống trông tin chàng…”. Nhưng ít ai biết được những lời ca “kiệt tác”, để đời này đã có cội nguồn từ nhiều biến cố, thăng trầm của một cuộc đời con người nói riêng và của thời cuộc nói chung.Bi kịch đời người nghệ sĩTrong một lần trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Tấn - Vụ trưởng, Giám đốc cơ quan đại diện Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch tại TP.HCM – đã chia sẻ cảm nhận của mình về một kiệt tác mà ông yêu thích: “Dạ cổ hoài lang” vừa mang niềm riêng của tác giả, vừa chất chứa nỗi buồn chung của thời đại vong quốc. Buồn nhưng không bi lụy, nét nhạc lạc quan trỗi lên ở cuối bài khiến bài ca thấm đượm nỗi lòng của điệu buồn ai oán phương Nam, nhưng lại gợi mở một niềm tin về phận nước. Ở đấy, người nghe cảm nhận được nỗi lòng, thấy được mơ ước, khát khao của chính mình. Chính vì vậy, qua bao thế hệ, bao tầng lớp khắp vùng Nam bộ, kẻ sĩ lẫn dân quê từng gõ nhịp hát “Dạ cổ hoài lang” để lắng nghe tiếng lòng thầm thì, buồn vui và hy vọng”. Dường như đó không chỉ là cảm nhận của ông Tấn nói riêng mà là cảm nhận chung của nhiều người về “báu vật” “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu ra đời cách đây ngót 92 năm.
Dẫu biết mỗi lời ca, tiếng nhạc đều mang những tâm sự buồn có, vui có, những nhắn gửi của tác giả đến người đời. Báu vật “Dạ cổ hoài lang” không nằm ngoại quy luật đó. Nhưng mấy ai biết rằng, “Dạ cổ hoài lang” vẫn được yêu mến cho đến nay là do nó chất chứa những nỗi niềm chung – riêng khó tả của đời một con người lẫn đời sống xã hội một thời. Người viết đã cất công tìm truy tìm nguồn gốc, tìm hiểu những tư liệu của báu vật làng cải lương đất Nam bộ này.Theo nhiều tư liệu quan trọng và lời kể của Cao Văn Lầu lúc sinh thời, thì vào một đêm tối trời cuối năm 1896, có 20 gia đình nông dân nghèo tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An, vì không chịu nổi cảnh sưu cao thuế nặng của bọn quan lại cường hào ác bá địa phương cai quản vùng này, nên đã xuống ghe xuôi theo dòng nước tìm về vùng đất Bạc Liêu trù phú để lập nghiệp. Trong số đó có gia đình ông Cao Văn Giỏi, là cha của người nghệ sĩ tài danh Cao Văn Lầu. Lúc ấy, Cao Văn Lầu chưa tròn 5 tuổi (SN 1892). Ông Cao Văn Giỏi là một người rất trọng đạo nho, ông “không sợ nghèo, chỉ sợ không giữ được đạo”. Nên khi đến vùng đất mới, ở tạm dưới mái chùa Vĩnh Phước An, ông liền gửi Cao Văn Lầu vào chùa để theo chữ nho. Học được hai năm thì lúc ấy phong trào chữ Quốc ngữ bắt đầu phát triển mạnh, ông Giỏi cho Cao Văn Lầu thôi học chữ nho chuyển sang học chữ Quốc ngữ. Nhờ sáng dạ nên rất được thầy yêu, bạn mến. Việc học đang tấn tới, tương lai đang rộng mở phía trước nhưng đến lớp nhì (nay là lớp 4) thì ông Lầu đành chịu cảnh “xếp bút nghiên” vì hoàn cảnh gia đình quá túng quẫn, không có khả năng cho ông ăn học đến nơi đến chốn.Cao Văn Lầu đã bỏ học về phụ giúp gia đình nhưng rốt cuộc gia đình chẳng vơi đi chút khó khăn nào. May thay lúc bấy giờ ở xóm Rạch Ông Bổn có ông thầy dạy đờn tên Lê Tài Khị, tục gọi là Nhạc Khị. Ông Giỏi nghe danh nên gửi con trai cho thầy Khị để dạy dỗ. Thầy Khị, nổi tiếng môn nhạc lễ và nhạc tài tử bởi ngón đờn điêu luyện. Nhờ siêng năng, sáng dạ bẩm sinh nên bốn năm bên thầy Khị, Cao Văn Lầu đã tiếp thu nhiều tinh tuý trong âm nhạc của thầy mà các bạn đồng môn không có khả năng được. Bởi Cao Văn Lầu luôn thấm thía lời thầy dạy: “Đờn lạc điệu như tín đồ lạc đạo. Còn đờn sai nhịp, sai câu giống như người chiến sĩ bị lỗi đường gươm nơi trận mạc”. Và “Trò nào có lòng tự trọng nghệ thuật, biết sáng kiến trong nghệ thuật thì thầy sẽ đem hết tâm huyết truyền dạy, các trò thành tài thầy rất quí trọng và biết ơn"
Chính vì chuyên tâm học hỏi mà Cao Văn Lầu nhanh chóng sử dụng thành thạo các nhạc cụ như đàn tranh, cò, kìm, trống... và trở thành nhạc sĩ nòng cốt trong ban nhạc của thầy Khị. Được biết ban nhạc của thầy Khị nổi tiếng khắp đất Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ. Ban nhạc hoạt động theo hình thức nhạc lễ kết hợp với đờn ca tài tử. Trong các cuộc lễ tế đêm khuya, thầy tụng xả hơi thì ban nhạc bày ra đờn ca tài tử. Một hình thức mới rất ăn khách mà bấy lâu thầy Nhạc Khị chưa có dịp thực hiện. Nhờ có đờn ca tài tử mà khách đến dự đám ở lại với gia chủ suốt đêm, để thưởng thức tiếng đàn lời ca. Trong bối cảnh đó, chẳng bao lâu, danh tiếng của chàng trai trẻ Cao Văn Lầu nổi như cồn, mỗi lúc một vang xa ở vùng đất phương Nam. Sau đó soạn giả Mộng Vân - một người bạn đồng môn với nhạc sĩ Cao Văn Lầu, lập gánh hát mời ông về làm nhạc trưởng. Chia tay ban nhạc của Thầy Khị, Cao Văn Lầu như “chim ra ràng”, danh tiếng càng vang xa hơn, nhờ đó mà ông có tiền gửi về nuôi cha mẹ. Theo đoàn hát được vài năm, lúc này Cao Văn Lầu tuổi đã ngoài 20, cha mẹ ông muốn có người nối dõi tông đường nên bắt buộc ông về cưới vợ, sinh con. Vâng lệnh cha mẹ, Cao Văn Lầu chính thức lấy vợ, là cô Trần Thị Tấn, một cô gái nết na, chất phác ở miệt biển Bạc Liêu. Sau này chính người nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu đã từng tâm sự về những quãng đời, chuyện tình nhiều bi kịch nhưng có cái hậu đẹp của vợ chồng mình. Khi ấy, để có tiền cưới vợ, ông phải đi vay 80 đồng của bà Sư Chơn với lãi suất cắt cổ, mỗi ngày đóng 1,6 đồng, mỗi tháng 48 đồng, tính ra tính lại lãi suất lên đến 60%/ tháng. Chính vì thế, sau khi nên vợ thành chồng, hai vợ chồng Cao Văn Lầu đã phải đi vào rừng lượm củi, xúc tép dưới lung về bán để trả nợ. Chính vì cái nghèo, cái cảnh chạy ăn từng bữa đó mà sau khi cưới ba năm trời, người vợ gầy héo không thể sinh con. Theo tục lệ lễ giáo phong kiến thời xưa “Tam niên vô tử bất thành thê”, một quan niệm khắc nghiệt khiến cho nhiều đôi lứa chia lìa, ôm đau khổ. Vợ chồng Cao Văn Lầu không nằm ngoài quan niệm khắt khe đó, mẹ ông nói thẳng: “Con hãy liệu mà kiếm vợ khác để nối dõi tông đường. Đó là chữ Hiếu của con mà mẹ cũng trọn đạo với tổ tiên”. Nghe qua nghiêm lệnh của người mẹ, ông Lầu như thấy trời long đất lở. Hạnh phúc lứa đôi rồi đây sẽ sụp đổ. Thương cho người vợ hiền tần tảo, thủy chung nào hay tin dữ. Phận làm con phải lấy chữ Hiếu làm trọng, ông hiểu nhưng chữ Tình nào dám rẻ khinh, nhưng chữ Hiếu cũng chẳng dám coi khinh, đặc biệt là trong xã hội phong kiến thời bấy giờ.Ông Lầu cứ chần chừ, còn mẹ ông thì chờ đợi cả thời gian dài nhưng không thấy con trai thi hành nghiêm lệnh. Một hôm bà mẹ chồng quyết định nói cho con dâu biết rõ sự tình. Như mọi ngày, vợ chồng Cao Văn Lầu vẫn vào rừng mò củi, xúc tép để mưu sinh. Đến trưa, củi đầy ghe mà tép cũng nhiều. Hai vợ chồng dọn cơm lên mũi ghe, bất chợt vợ ông nghẹn ngào: “Má không cho mình ở với nhau nữa. Thôi anh cưới vợ khác, em về với mẹ cha em”. Nói xong hai vợ chồng gục đầu vào nhau khóc nức nở. Cũng trong buổi chiều ngày hôm ấy, vợ chồng Cao Văn Lầu đưa nhau ra bìa ruộng, ôm nhau tiếp tục nức nở, đến chạng vạng buộc lòng phải chia tay. Cao Văn Lầu thấy vợ chỉ ôm theo gói quần áo cũ, ông liền lấy khăn rằn quấn cổ đội lên đầu cho vợ ra đi. Người vợ của ông, lòng đau đớn dâng trào, tay lau nước mắt, chân bước thất thểu ra đồng như đi về nơi vô định. Sau khi vợ đi rồi, Cao Văn Lầu như người mất hồn, ra vào như một bóng ma trong chính ngôi nhà của mình.Một hôm ông sang nhà nhạc phụ tìm vợ, mới biết vợ ông không trở về nhà mà chính gia đình vợ cũng không biết con gái đã đi đâu. Lòng càng hoang mang, tìm khắp nơi nhưng hình bóng người vợ hiền vẫn bặt vô âm tín. Suốt một năm ròng chẳng biết vợ ở đâu, ông đành ôm sầu nuốt lệ. Cứ mỗi khi chiều xuống, nhớ vợ ông xách đờn ra bìa ruộng, nơi diễn ra cảnh vợ chồng ly biệt. Nhìn ra đồng mà hình dung bóng người vợ hiền thất thểu giữa trời đêm. Ông gảy đờn theo tâm trạng của vợ lúc ấy, hết “Xuân nữ” đến “Nam ai” rồi “Trường tương tư” mà lòng chẳng vơi chút sầu thương. Từng kể lại với người viết, ông Cao Kiến Thiết - con trai trưởng Cao Văn Lầu, xác nhận, có lần ông đã nghe cha mình tâm sự với bạn bè: “Lúc ấy tôi nghĩ, giờ này vợ mình ở đâu? Chắc chắn là vợ mình thương mình nhiều hơn mình thương vợ. Số phận vợ mình sao mà giống thân phận nàng Tô Huệ, quá thương chồng nên dệt bức “Chức cẩm hồn văn” dâng lên vua để tỏ lòng nhớ thương chồng. Hay nàng Tô Thị thương chồng đứng chờ cho đến khi hóa đá. Nên tôi viết bài “Hoài lang” (Nhớ chồng)”. Khi ấy người nhạc sĩ tài danh Cao Văn Lầu ở tuổi 28.Bài ca… nhớ vợ!Sau nhiều tháng bầu bạn với cây đàn, chiều nào ông cũng ngồi bên bìa ruộng, hình dung bóng vợ gạt lệ ra đi. Từng bước biệt ly mà lòng đau quặn thắt. Ông vừa đờn vừa ca, mải mê trau chuốt bản đờn sao cho ngọt ngào, lột tả nỗi lòng khi “én nhạn lìa đôi”. Đến khi nghe tiếng trống điểm canh vọng lại ông mới giật mình, đêm đã khuya. Sinh thời ông Sáu Lầu (tức Cao Văn Lầu) có kể, khi ấy bất chợt ông nghĩ: Tiếng trống đêm đánh lên trong khi mình đờn bài “Hoài lang”. À, phải rồi. Âu là mình lấy hai chữ “Dạ cổ” (tiếng trống đêm) thêm vào tên bản nhạc “Hoài lang” thành “Dạ cổ hoài lang” (tức đêm nghe tiếng trống nhớ chồng) vậy là hay biết mấy. Thế là bản “Dạ cổ hoài lang” ra đời, với 20 câu làm não ruột người nghe. (Theo GS.TS. Trần Văn Khê, lời ca của bài “Dạ cổ hoài lang”, nhịp đôi có nhiều dị bản. Thông thường, nghệ sĩ cải lương ca bài ca trên được coi đó là lời ca chính thức.)Theo nghệ sĩ Lâm Tường Vân, bài “Dạ cổ hoài lang” là tiếng nấc của nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu. Là bản nhạc lòng không phải để phô trương; chỉ để trao đổi cùng tri kỷ, tri âm. Bản “Dạ cổ hoài lang” là một “Bản Oán” đặt biệt, buồn biệt ly và có tâm trạng hy vọng đợi chờ. Cũng theo nghệ sĩ Lâm Tường Vân, bản nhạc có lời ca thật xuất sắc, song tên bản nhạc còn hẹp nghĩa, sau đó được thầy tuồng Trần Xuân Thơ góp ý: Đêm nghe tiếng trống nhớ chồng, vậy ban ngày nghe tiếng trống không nhớ chồng sao? Cao Văn Lầu cảm nhận được ý hay nên đổi “Dạ cổ hoài lang” thành “Vọng cổ hoài lang” (nghe tiếng trống từ xa vọng lại nhớ chồng). Để rồi vào một đêm rằm tháng 8/1919, tại làng Vĩnh Hương, tổng Hòa Thạnh (nay là phường 2, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), người nghệ sỹ tài danh Cao Văn Lầu chính thức công bố bản nhạc bất hủ của đời mình và đến nay trở thành “báu vật”.
Thế nhưng niềm vui chưa trọn vẹn thì tai hoạ lại xảy ra. Đó là việc ông Cao Văn Lầu bị sở Mật thám tỉnh Bạc Liêu hai lần mời lên để thẩm vấn về sự ra đời của bản “Dạ cổ hoài lang”. Cụ thể, chính quyền thời bấy giờ kết tội ông Sáu Lầu sáng tác bài “Dạ cổ hoài lang” là bài ca quốc sự, nhằm kích động quần chúng chống bắt lính, chống chính quyền, với câu: Từ là từ phu tướng – Báu kiếm sắc phán lên đàng…”. Nhưng lúc này, ông phản bác một cách hết sức đơn giản nhưng đầy tính thuyết phục. Theo lời kể của chính Cao Văn Lầu thì lúc này ông nói: “Trong cảm hứng của tôi, lấy hình tượng nàng Tô Huệ trong “Chức cẩm hồn văn” để nói lên nỗi đau tột cùng cuộc chia ly của vợ chồng tôi mà không hề có câu chữ nào được coi là chống chính quyền, chống bắt lính cả”. Thế là chính quyền chẳng bắt tội được ông. Sau khi bản “Dạ cổ hoài lang” ra đời, người may mắn được ông dạy bản “Dạ cổ hoài lang” đầu tiên là nghệ sĩ Bảy Cao, kế đến là Lưu Hoài Nghĩa, rồi lần lượt đến các nghệ sĩ khác và người hâm mộ. Dần dà người dân khắp nơi ai cũng thuộc làu làu, ít nhất là đôi ba câu, và sau này có nhiều dị bản khác nhau. Nhưng ông vẫn không lúc nào vơi nỗi buồn thương, nhớ vợ một cách da diết. Không thể cam chịu cảnh chia ly, một mình khóc với bài ca. Ông Sáu Lầu quyết tâm đi tìm vợ! Ít lâu sau ông tìm gặp vợ ẩn sau mái chùa làm công quả. Cuộc trùng phùng như được tái sinh. Từ đó ông hay lui tới thăm vợ. Nỗi hạnh phúc trùng phùng vừa ập đến, vui khôn tả thì một thời gian ngắn sau, vợ chồng ông Sáu Lầu tiếp tục nhận được tim mừng như tràn ngập trên cõi đời này, là vợ ông đã mang thai. Tuy vậy ông cũng không khỏi lo âu, bởi nghiêm lệnh của mẹ ông vẫn còn đó. Nhưng ông vẫn nhất quyết về thưa với mẹ. Mẹ ông nghe qua, thay vì giận dữ, trái lại như bắt được vàng, hối thúc con trai chuẩn bị ghe rước con dâu trở về nhà. Từ đó vợ chồng nhạc sĩ Cao Văn Lầu đoàn tụ vui vầy, một chuyện bi kịch và có hồi kết có hậu. Vợ chồng ông sống với nhau, có tất cả 7 người con, gồm 5 trai và 2 gái. Các con ông sau này phần lớn thoát ly gia đình tham gia cách mạng từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Người con cả là Cao Kiến Thiết, nguyên là Tham tán, đại sứ Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam tại Liên Xô; người con thứ Cao Văn Cường, là y tá trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1946; Cao Văn Đàng làm công tác binh vận; Cao Văn Bỉnh, cán bộ chỉ huy hệ thống thông tin các đội tàu vận tải vũ khí đường Hồ Chí Minh trên biển… Cho đến nay, tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu vẫn còn lưu giữ bút tích của nhạc sĩ tài danh Cao Văn Lầu trong một cuốn sổ tay, trong đó có dặn dò con cháu về lẽ sống ở đời và đặc biệt có nhắn gửi “khi ba mất nhớ để ba nằm gần má tụi con ở phía mặt trời mọc….” Hay như lời dạy con của cố nhạc sĩ trở thành lời dạy lưu danh “nghe đờn ca tài tử phải đợi lúc khuya mới mùi, phải có tình yêu đằm thắm với nó mới hay. Bản vọng cổ cũng giống như cục nhân bánh miền Nam. Nếu móc cái nhân ăn trước thì không còn ngon nữa…” Không quên lời dặn dò của ông, khi qua đời vợ chồng Cao Văn Lầu – bà Trần Thị Tấn đã được nằm cạnh nhau, trong một khu di tích rộng lớn tại thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Mới đây nhất vào tháng 3/2011, chính quyền địa phương và một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM đã bỏ ra hơn 5 tỷ đồng để trùng tu khu di tích này. Ngoài ra tại Bạc Liêu nay cũng đã có con đường mang tên Cao Văn Lầu dẫn từ trung tâm thị xã ra biển như sự lưu danh của người nghệ sĩ tài danh vì những đóng góp vô giá của ông đối với vùng đất này.Bài ca vua của sân khấu cải lươngTừ khi bản “Dạ cổ hoài lang” ra đời, nhanh chóng đi sâu vào lòng người mộ điệu, trở thành bài ca chính thống, bài ca vua trên sân khấu cải lương Nam bộ. Qua mỗi giai đoạn phát triển trở nên hay hơn và chuyển dần thành nhiều nhịp. Cụ thể năm 1924, tăng lên 4 nhịp. Năm 1934 - 1944, tăng lên 8 nhịp. Năm 1945 - 1954, tăng lên 16 nhịp. Năm 1955 - 1964, tăng lên 32 nhịp và từ 1965 đến nay tăng lên 64 nhịp. Và cứ mỗi lần phát triển, bài “Dạ cổ hoài lang” không dừng lại ở nguyên bản như các bài nhạc cổ khác, mà dần biến đổi hình thức, làm thay đổi một phần bộ mặt cải lương. Rõ nét nhất là từ thập niên 1960, soạn giả Viễn Châu, đã tạo nên mối lương duyên kỳ lạ, kết hợp Tân nhạc vào Vọng cổ cho ra đời bản “Tân cổ giao duyên”, thu hút được khán thính giả tân và cổ nhạc. Điều này chỉ có ở vọng cổ, bởi lẽ tiếng nhạc du dương và lời ca bình dị hợp với tấm lòng người Nam bộ. Lúc buồn, vọng cổ giúp giãi bày tâm sự, vơi đi buồn tủi; lúc vui tươi, vọng cổ góp phần cho sự kiện hân hoan. Cũng chính bản vọng cổ đã góp phần mang lại ánh hào quang cho nhiều thế hệ nghệ sĩ, danh ca, danh cầm, soạn giả sân khấu cải lương vùng đất Nam bộ. Điều này đã được nghệ sĩ sân khấu Huỳnh Khánh thừa nhận: “Bài Dạ cổ của bác Sáu Lầu đã đưa tôi lên địa vị vua vọng cổ một thời”. Còn nghệ sĩ Bảy Cao thì: “Tôi cho bài “Dạ cổ hoài lang” – bây giờ là bản vọng cổ từ nhạc sĩ Cao Văn Lầu tạo ra là bài ca vô địch. Nó có thể nói lên hết tâm tư nguyện vọng và bộc lộ hết tình cảm của con người, tuỳ theo thời gian và hoàn cảnh”. Được biết trong tháng 10/2009, chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã long trọng tổ chức lễ hội “Dạ cổ hoài lang” nhân kỉ niệm 90 năm ngày tác phẩm này ra đời. Cũng trong dịp này một giải thưởng Nhà nước cấp tỉnh – giải thưởng Cao Văn Lầu – được ra mắt, nhằm khen thưởng, động viên các những hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, những đóng góp của văn nghệ sĩ, nghệ nhân trong lĩnh vực này cho Bạc Liêu.GS-TS. Trần Văn Khê, khẳng định: “Trong cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào được như “Dạ cổ hoài lang” biến thành vọng cổ. Từ một sáng tác cá nhân đã biến thành sáng tác tập thể, sanh từ đầu thế kỷ, lớn lên sống mạnh, biến hóa thiên hình vạn trạng, và sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu bốn bể”. Điều này đã được khẳng định vào cuối tháng 3 vừa qua, Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia đã trình hồ sơ “Nghệ thuật đờn ca tài tử” lên UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp Quốc) để công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. GS-TS Trần Văn Khê - Cố vấn hồ sơ đờn ca tài tử, cho biết gần như chắc chắn “Nghệ thuật đờn ca tài tử” sẽ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, vì ông đã dọn đường cho bộ môn nghệ thuật này đến với UNESCO từ thế kỷ trước. Ông đề nghị những người có trách nhiệm nhắc cho UNESCO biết không phải đến bây giờ, đờn ca tài tử mới được trình lên UNESCO mà từ năm 1963, đờn ca tài tử đã được đưa vào một đĩa hát của UNESCO và chính GS-TS Trần Văn Khê là người viết lời giới thiệu tại Paris (nước Pháp). Có thể không ngoa khi nói rằng, “Dạ cổ hoài lang” dường như đã trở thành một trong những “báu vật” trong đời sống tinh thần của người Việt. Cao Văn Lầu là một nghệ nhân trứ danh, khi đã biến được tiếng khóc riêng của mình trở thành tiếng lòng chung. Chúng tôi tin rằng khi ấy “Nghệ thuật đờn ca tài tử” – trong đó có bài “tổ” “Dạ cổ hoài lang” sẽ không còn là di sản văn hóa của riêng người dân Nam bộ phóng khoáng, người Việt nghĩa tình, mà nó sẽ trở thành di sản của cả nhân loại. Tin tưởng rằng điều đó sẽ trở thành hiện thực trong một ngày không xa.
Sources: enternews |
|
|