Ngày Đăng: 06 Tháng 10 Năm 2013 Bỏ gần cả đời mày mò sưu tầm, cắt xén, lưu giữ từng trang tài liệu báo chí có giá trị, ông Trần Thanh Phương còn truyền niềm đam mê ấy cho vợ để cùng nhặt “bụi vàng” dâng hiến cho đời. Và trên hành trình lặng lẽ của mình, “vua tài liệu” Trần Thanh Phương gặp nhiều câu chuyện kỳ lạ không thể lý giải, trong đó có chuyện thú vị khi tìm bộ tài liệu về sự kiện lật đổ Chính phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm của cố Nghệ sĩ nhân dân Bảy Nam…
| Nhà báo Trần Thanh Phương ký sách tặng bạn đọc. |
Nghệ sĩ Bảy Nam hiển linh giúp Trần Thanh Phương tìm tài liệu?
Cùng với những bậc tài danh Tư Trang, Ba Vân, Năm Phỉ, Phùng Há, Út Trà Ôn, Viễn Châu,… Bảy Nam là một trong những huyền thoại của sân khấu cải lương Nam Bộ gần xuyên suốt thế kỷ XX, được giới nghệ sĩ tôn vinh là bậc sư tổ! Bà tên thật Lê Thị Nam, sinh ngày 10/7/1913 tại Mỹ Tho, Tiền Giang trong một gia đình có chín người con thì đến bảy người đã trở thành nghệ sĩ sân khấu, trong đó có hai người được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ nhân dân là Năm Phỉ và Bảy Nam.
Trên 70 năm “tung hoành” trên sân khấu, NSND Bảy Nam đã để lại những vai diễn “không thể thay thế”, đặc biệt là hình ảnh người mẹ nghèo trong vở Lá sầu riêng nổi tiếng, làm rơi nước mắt nhiều thế hệ khán giả. Đồng thời, bà còn là một nhà quản lý, trưởng đoàn cải lương, tác giả kịch bản, tham gia đóng nhiều phim truyện và là nhà hoạt động xã hội từ thiện gần gũi với người nghèo bất hạnh. Công lao của bà Bảy Nam còn phải kể đến khi sinh hạ, nuôi dưỡng, cống hiến một “kỳ nữ” Kim Cương vừa thừa kế tinh hoa của mẹ vừa biết vượt lên trở thành một ngôi sao sáng sân khấu cải lương hiện đại.
Có một điều ít người biết là ngoài ánh đèn sân khấu, NSND Bảy Nam còn say mê sưu tầm tài liệu báo chí, không chỉ những bài viết liên quan tới bà và giới nghệ thuật cải lương mà cả những sự kiện lịch sử quan trọng. Bà cắt dán tài liệu báo chí rất cẩn thận thành những tập lớn đóng bìa cứng mạ vàng, ghi rõ ngoài bìa những chủ đề tài liệu. Đó là việc làm đầy bất ngờ đối với một nghệ sĩ cải lương. Trong số tài liệu của bà đáng chú ý là bộ sưu tập báo chí về cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng hoà vào ngày 01/11/1963 do giới quân sự chính quyền Sài Gòn tiến hành. Lật từng trang ố vàng, chúng ta sẽ bắt gặp rõ nét từng mẩu tin, bài báo và đặc biệt là rất nhiều hình ảnh sinh động về gia đình của anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu, các chính khách và tướng tá của nền Đệ nhất Việt Nam Cộng hoà do Hoa Kỳ hỗ trợ dựng lên.
Được biết, bộ tài liệu quý hiếm của nghệ sĩ Bảy Nam về sự kiện lật đổ Chính phủ Tổng thống Ngô Đình Diệm từng là một trong những nguồn quan trọng mà nhà văn Trần Bạch Đằng từng mượn tham khảo, giúp ông hư cấu thêm viết nên bộ sách nổi tiếng Ván bài lật ngửa, được chuyển thể dựng thành phim gây chấn động một thời.
Nếu còn sống thì năm nay NSND Bảy Nam chẵn 100 tuổi, nhưng cách đây 9 năm, vào trưa ngày 18/8/2004, bà đã vĩnh viễn ra đi. Sinh thời, NSND Bảy Nam biết nhà báo - nhà văn Trần Thanh Phương là người mê sưu tầm tài liệu, nên muốn nghệ sĩ Kim Cương trao tặng lại bộ tài liệu của bà cho ông lưu giữ, sử dụng. Nhận được tin báo từ nghệ sĩ Kim Cương, nhà báo Trần Thanh Phương rất cảm kích tấm lòng bà Bảy Nam cũng như gia đình, nhưng ông e ngại vì đây là một trong những di sản quý của bà. Mãi đến giữa năm 2013, sau nhiều lần nghệ sĩ Kim Cương hối thúc, ông Trần Thanh Phương mới chịu cùng một người bạn đến nhận bộ tài liệu.
Trong cái kho khá rộng chất nhiều sách vở, đồ đạc của gia đình nghệ sĩ Kim Cương mấy chục năm nay, chính “kỳ nữ cải lương” cũng quên không biết bộ tài liệu của mẹ mình nằm ở đâu, mặc dù trước đó bà đã sắp xếp và ghi dấu cẩn thận. Ông Trần Thanh Phương cùng người nhà bà Kim Cương lục tìm cả buổi vẫn không thấy. Ai nấy đều mồ hôi nhễ nhại giữa bụi bặm ẩm mốc của cái kho chứa đồ lâu năm. Lẽ nào bộ tài liệu quý này đã biến mất? Nóng ruột, nghệ sĩ Kim Cương mới nói với nhà báo Trần Thanh Phương: “Mẹ tôi linh lắm. Những khi cần cầu nguyện điều gì thì tôi hay thắp nhang khấn bà phù hộ. Anh hãy lại bàn thờ thắp cho bà nén nhang cầu khấn, may đâu bà sẽ chỉ chỗ bộ tài liệu cho”.
Nghe vậy, Trần Thanh Phương thử làm xem sao. Ông đến bàn thờ bà Bảy Nam lấy ba cây nhang thắp và khấn với cái giọng cà lăm cố hữu của mình: “Kính… kính thưa cô Bảy, con là Trần Thanh Phương, theo di nguyện của cô, con đến lấy bộ tài liệu, nhưng tìm không thấy. Cô… cô có linh thiêng hãy chỉ giùm cho con. Con… con hứa sẽ lưu giữ cẩn trọng cho cô”! Cầu nguyện và thắp hương cho NSND Bảy Nam xong, nhà báo Trần Thanh Phương trở lại kho, bước vào cửa và quan sát lần nữa. Chợt ông nhìn lên phía trên thấy một thùng carton khá lớn phủ lớp bụi mờ bên ngoài, liền chỉ bảo người nhà nghệ sĩ Kim Cương: “Em bắc thang lên lấy giúp cái thùng giấy này xuống xem thử…”.
Mở thùng ra, thật bất ngờ đó chính là thùng tài liệu quý của bà Bảy Nam sưu tập từ nửa thế kỷ trước. Nghệ sĩ Kim Cương, nhà báo Trần Thanh Phương và mọi người hết sức mừng rỡ và cùng bảo bà Bảy Nam “linh quá”! Khi kể lại câu chuyện này với tôi, ông Trần Thanh Phương còn nói chắc thấy ông lâu không tới lấy bộ tài liệu nên bà Bảy Nam giận, làm khó ông một chút rồi mới chỉ cho!?
| Cuốn sách lớn kỷ lục Đất nước tôi tại triển lãm “Nhà báo Trần Thanh Phương & những trang tư liệu” tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM cuối tháng 6/2013. |
Nhà báo Trần Thanh Phương còn cho biết, chuyện NSND Bảy Nam linh ứng chỉ cho ông tìm tài liệu không phải là chuyện hi hữu, mà ông từng “gặp” nhiều chuyện tương tự như vậy. Ngay tại kho tư liệu đồ sộ ở nhà riêng của mình, mới đây ông tìm mãi mà không thấy bộ sưu tập về Hoa hậu Việt Nam để chuẩn bị cho cuộc triển lãm tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP HCM vào cuối tháng 6/2013. Ông cùng vợ và con trai lật từng cuốn một trong kho gần cả ngày nhưng các “nàng hoa hậu” vẫn “trốn biệt”. Vừa mệt mỏi vừa tức giận, ông quyết chí lật từng cuốn tập, từng chồng sách tìm lần nữa, vì ngày khai mạc triển lãm đã đến. Ấy nhưng “hoa hậu” mà ông dày công sưu tầm vẫn mất dạng. Ngày khai mạc triển lãm đã cận kề.
Bất lực, ông đành đến trước bàn thờ gia tiên đốt ba cây nhang và khấn: “Xin ông bà phù hộ chỉ giúp bộ tài liệu Hoa hậu Việt Nam nằm ở đâu, nếu tìm được kịp triển lãm, con sẽ cúng con gà tạ ơn”. Khấn xong, ông lại cái tủ kính chứa sách bên cạnh định mở tìm cái gì đấy thì chợt thấy bộ tài liệu Hoa hậu Việt Nam dày cộp nằm “chình ình” trước mặt. Thế là chiều đó vợ ông phải lập tức ra chợ “tậu” ngay con gà trống…
“Vua tài liệu” Trần Thanh Phương tâm sự rằng: “Tôi không phải là người mê tín dị đoan. Tôi cũng không đi am miếu cầu khẩn điều gì bao giờ. Nhưng thi thoảng gặp những chuyện khó hiểu về tâm linh làm mình phải suy nghĩ. Và những lúc gặp khó khăn thử thách lòng nhẫn nại của mình, tôi hay thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên để cầu mong sự phù hộ, như một cách giúp mình tự tin hơn, kiên trì hơn để hoàn thành công việc”.
Người giữ 3 kỷ lục Việt Nam
Trần Thanh Phương từ lâu được mệnh danh là “vua tài liệu” hay “người giàu tư liệu báo chí nhất Việt Nam”. Điều đáng chú ý là rất nhiều tài liệu quý được Trần Thanh Phương sưu tập trước khi internet xuất hiện, và được ông bảo quản, lưu giữ chu đáo, có hệ thống nên giá trị của bộ sưu tập càng cao.
Sinh trưởng ở xứ Bạc Liêu, nay thuộc địa phận tỉnh Cà Mau, ông tập kết ra Bắc và tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1967, làm phóng viên báo Nhân Dân, rồi Phó tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết phụ trách phía Nam. Bước vào nghề báo, ông sớm ý thức sưu tập tài liệu để phục vụ các bài viết của mình, đồng thời lưu giữ một cách công phu và có hệ thống các tài liệu quý.
| Hai mẹ con nghệ sĩ Bảy Nam và Kim Cương trên sân khấu. |
Trong một hồ sơ của bộ sưu tập, tôi đọc được bút tích lá thư đề ngày 22/4/1988 của nhà thơ lớn Chế Lan Viên gửi cho Trần Thanh Phương, có đoạn viết: “Các tài liệu không cần với người này, thì lại rất cần cho một nhà sử, nhà báo, nhà nghiên cứu, chứ đâu phải chuyện tò mò. Lẽ ra Chính phủ phải bỏ tiền lập một cái phòng, hay trả lương cho một số người làm công việc âm thầm, mà lại tốn tiền như anh (nội mua bìa đã chết rồi, nói chi mỗi kỳ báo đều lại có số). Anh tự làm, mọi người phải hùn vô, tôi sẽ nộp cho anh bút tích của Tô Hoài, Chu Văn, Nguyễn Minh Châu, Phan Huỳnh Điểu…”. Ngoài lá thư trên, tôi còn tìm thấy ở đây nhiều tư liệu, ảnh và cả các văn bản do chính nhà thơ Chế Lan Viên soạn.
Ông Trần Thanh Phương thổ lộ: “Anh Chế Lan Viên là một trong những người giúp đỡ động viên tôi hết mực. Bên cạnh tài liệu của anh, anh còn tặng tôi một số danh thiếp quí hiếm của những cán bộ lãnh đạo cao cấp nước ta hoặc các nhà văn thế giới mà anh có dịp gặp gỡ tại các hội nghị quốc tế. Anh hay nói với tôi một cách “chơi chữ” rất Chế: Trên đời mình thích nhất hai loại người: người có tài và người có tài liệu. Phương có tài hay không mình chưa biết, nhưng Phương có tài liệu”!
40 năm miệt mài sưu tầm, đến nay Trần Thanh Phương đã có một khối lượng tài liệu đồ sộ nặng hơn 1,5 tấn và được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận “Người có bộ sưu tập bài báo nhiều nhất Việt Nam”. Trong đó, nổi bật là bộ sưu tập ảnh chân dung, bút tích và tư liệu của hơn 600 nhà văn Việt Nam. Đây cũng là một kỷ lục nữa của ông. Đồng thời, với cuốn sách Đất nước tôi gồm 1.000 trang khổ 80cm x 120cm, 11.500 bài, ông còn nhận thêm kỷ lục “Người có quyển sách sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam”.
Ngoài ra, còn phải kể đến các chủ đề khác trong bộ sưu tập: Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam dày 1.000 trang với 2.500 bài, Nhạc sĩ và ca sĩ - 3.540 bài, Sân khấu và nghệ sĩ cải lương - 790 bài, Nghệ thuật tạo hình và tranh biếm họa - 3.700 bài, hoặc tư liệu các vụ án lớn: Đường Sơn Quán, Nước hoa Thanh Hương, Tamexco, Epco - Minh Phụng, Năm Cam,...
Nỗi đau xé lòng và tâm nguyện cuối đời
Trên cơ sở nguồn tư liệu, kết hợp với những chuyến đi thực tế, nhà báo Trần Thanh Phương đã biên soạn, sáng tác và xuất bản mấy mươi tác phẩm gồm biên khảo và truyện ký: Xứ sở phù sa, Cửu Long địa chí, Minh Hải địa chí, Những trang về An Giang, Đây, các nhà tù Mỹ ngụy, Sài Gòn tầng thấp - Sài Gòn tầng cao, Bán đảo Cà Mau, Về nhà mình xa quá má ơi!… và mới nhất là tác phẩm Còn là tinh anh ra mắt tại triển lãm, viết về thời điểm cuối đời của các nhà văn nổi tiếng như: Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, Nam Cao, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Anh Thơ, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khải, Sơn Nam, Hoài Anh, Thảo Phương, Chim Trắng,… Ông đã mượn chữ trong câu Kiều “Thác là thể phách còn là tinh anh” để đặt tên cho cuốn sách này.
| Nghệ sĩ Kim Cương trước bàn thờ mẹ - nghệ sĩ Bảy Nam. |
Không chỉ phục vụ cho công việc nghiên cứu viết lách của chính mình, mà kho tư liệu của Trần Thanh Phương còn thường xuyên giúp ích cho nhiều đối tượng, từ các văn nghệ sĩ đến sinh viên, học sinh. Nhà báo, nhà giáo Phan Lê Lưu, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phát thanh truyền hình Trung ương 2 là người hay đưa sinh viên đến đây thực tập, rồi dần ông trở thành người thân của gia đình Trần Thanh Phương. Ông Phan Lê Lưu nói rằng, các thế hệ sinh viên nhà trường không bao giờ quên ơn vợ chồng “vua tài liệu” đã nhiệt tình giúp đỡ họ…
Từ niềm đam mê của mình, Trần Thanh Phương đã truyền cảm hứng cho người bạn đời Phan Thu Hương. Quê ở Nghệ An, bà học ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội sau ông một lớp, ra trường về làm phóng viên báo Người Giáo Viên Nhân Dân. Dù không có con, nhưng mối tình họ rất hạnh phúc. Bà không chỉ là “điểm tựa” mà còn trực tiếp giúp chồng đọc-cắt-dán, nhất là từ khi bà về hưu. Ông thổ lộ: “Thời gian đầu, cô ấy chỉ giúp tôi cắt dán tư liệu vào các tập. Dần về sau hiểu được cách làm của tôi, cô chủ động đọc và chọn tư liệu của tôi. Có thể nói cô đã trở thành “đồng tác giả” với tôi”. Trong tay hai ông bà luôn có khoảng 70-80% báo chí từ Nam chí Bắc, chỉ một ít báo biếu, còn lại phải mua, thường phải mua mỗi số hai tờ. Chia sẻ công việc, thời gian lẫn “túi tiền” cùng chồng, bà Phan Thu Hương đã tìm thấy trong đó niềm vui đầy ý nghĩa.
Gần đây, ngoài việc triển lãm và xuất bản sách mới, Trần Thanh Phương còn được quê hương Bạc Liêu trao tặng giải thưởng văn học nghệ thuật 5 năm của tỉnh. Nhưng trong cái may có cái rủi, trong niềm vui có nỗi buồn, khi cùng thời gian đó vợ chồng Trần Thanh Phương đối diện một cú sốc quá lớn, một nỗi đau xé lòng. Do không có con, ông bà có nhận một người cháu trai làm con nuôi bao năm nay, vừa tốt nghiệp đại học, đi làm. Ngoài việc thường xuyên tích cực giúp ông bà sưu tập, cắt dán tài liệu, đánh máy vi tính,… người con nuôi còn đóng góp nhiều công lao để chuẩn bị cho cuộc triển lãm tài liệu tại thư viện. Nhưng chỉ vài hôm trước ngày khai mạc, người con chẳng may đã bị tử nạn giao thông ở Bình Dương khi tuổi đời còn quá trẻ. Cú sốc trời giáng ấy tưởng chừng làm ông bà không còn gượng dậy nổi…
Cũng vì hoàn cảnh éo le đó, theo tâm nguyện của vợ chồng Trần Thanh Phương, bộ sưu tập báo chí công phu và đồ sộ này trong tương lai sẽ được chuyển giao cho Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM để phục vụ rộng rãi và lâu dài cho bạn đọc và giới nghiên cứu, sáng tác. Tâm nguyện ấy không chỉ được ông Bùi Xuân Đức - Giám đốc thư viện hoan nghênh mà còn được giới lãnh đạo TP.HCM cùng đông đảo người quý mến “vua tài liệu” Trần Thanh Phương đồng tình. Công sức và tấm lòng vợ chồng ông đối với nền báo chí, văn học nước nhà được ghi nhận và lưu giữ.
Giữa tháng 8/2013, tôi gặp “vua tài liệu” Trần Thanh Phương trước khi ông bà chuẩn bị đi Campuchia và hỏi: “Được biết, Giám đốc thư viện Bùi Xuân Đức hứa bước đầu hỗ trợ cho ông bà 200 triệu đồng vì công lao sưu tầm, lưu giữ tài liệu báo chí nửa thế kỷ nay. Vậy hơn tháng qua ông bà đã nhận chưa?”. Ông cười buồn buồn nói: “Chưa chị ạ. Nghe anh Xuân Đức hứa tôi mừng lắm. Vợ chồng về hưu rồi đâu làm gì ra tiền, mà hàng ngày vẫn tiếp tục mua hàng chục tờ báo để cắt dán. Niềm đam mê này chỉ khi chết mới bỏ được. Kinh tế đất nước đang thời kỳ khó khăn, chắc thành phố mình và thư viện cũng đang… kẹt tiền”!
Sources: cstc |
|
|