Ngày Đăng: 04 Tháng 02 Năm 2016 | Nữ nghệ sĩ Bích Sơn đóng vai Phương Thành trong tuồng Áo Cưới Trước Cổng Chùa. |
Có tên trong danh sách tuyển chọn nghệ sĩ triển vọng giải Thanh Tâm 1959, Bích Sơn từng thua nữ nghệ sĩ Lan Chi, đào chánh của đoàn Phước Chung trong đường tơ kẻ tóc. Như buồn phiền vì số chẳng may, nữ nghệ sĩ khả ái Bích Sơn bắt chước Kim Cương tạm từ giã giới cải lương ra làm bà bầu tân nhạc. Đây là một bà bầu trẻ đẹp nhất trong làng tân nhạcthời ấy vậy.
Hoàn cảnh đưa nàng kiều vào ngõ bí
Sang năm sau giải Thanh Tâm 1960 Bích Sơn cùng với Ngọc Giàu vinh dự chiếm giải, coi như đạt được ý nguyện. Đáng lẽ sau khi lãnh huy chương vàng, Bích Sơn còn sáng chói hơn, nhưng vì hoàn cảnh thế nào đó mà đã đưa nàng kiều vào ngõ bí. Bởi khi lãnh giải Thanh Tâm 1960 rồi thì Bích Sơn không tiếp tục lên sân khấu, mà suốt thời gian dài 4, 5 năm hầu như chẳng thấy hát xướng gì hết. Có chăng là chỉ thỉnh thoảng lên đài truyền hình trong chương trình Bích Thuận (dì của nàng).
Bích Sơn tên thật là Trần Bích Sơn – còn có tên riêng Vĩnh San hay Dung, sanh năm 1939 tại Hà Nội. Cuối năm 1952, nữ nghệ sĩ Bích Thuận đi hát trong Nam đã đem theo hai cháu gái là Bích Sơn và Bích Thủy. Lúc đó Bích Sơn còn là cô gái thơ ngây tóc xỏa bờ vai.
Vào đến Hòn Ngọc Viễn Đông, Bích Sơn được gửi gắm vào trường Saint Marie Tân Định. Sau ba năm học trường đạo, nhờ sẵn có khiếu về tân nhạc, Bích Sơn được nữ nghệ sĩ Bích Thuận tập ca hát. Năm 1955, Bích Sơn gia nhập Ban Xuân Thu của nhạc sĩ Lê Thương, và cuối năm này, nữ nghêsĩ Bích Thuận thành lập đoàn Bích Thuận, thì Bích Sơn về hát cho gánh nhà, và đây là bước đầu dọ dẫm, nàng chỉ đóng vai nàng tiên nữ phụ Thùy Vân.
Trong thời gian này cô bé Bích Sơn chỉ được chú ý qua giọng ngâm thơ trong trẻo và cốt cách kiều mị còn bị che phủ trong dáng điệu e dè. Lúc bấy giờ thi sĩ Kiên Giang là soạn giả, cũng đồng thời là ký giả kịch trường. Kiên Giang về cộng tác đoàn Bích Thuận, chàng ta đã mê mệt nàng Bích Sơn.
Năm 1957 khán giả bắt đầu chú ý Bích Sơn qua hình ảnh công chúa Phù Tang trong vở “Khi Hoa Anh Đào Nở” của Hà Triều Hoa Phượng trên sân khấu Thúy Nga.
Đầu năm 1958, Bích Sơn được giới thiệu với ban giám đốc để thành lập kịch đoàn Bích Sơn – Ngọc An. Trên sân khấu Bích Sơn được khán giả Đà Lạt tưởng thưởng qua vai sơn nữ Phà Ca trong vở “Bao Giờ Mùa Sim Chín” (người vợ không bao giờ cưới) của Kiên Giang – Phúc Quyên.
Cũng năm này Bích Sơn được đại nhạc hội Giao Duyên giới thiệu lần đầu bài thơ “Hoa Trắng Thôi Cái Trên Áo Tím” qua giọng ngâm u buồn như tiếng chuông giáo đường. Bích Sơn đã thu hút được nghệ cảm của sức học sinh trí thức. Trên sân khấu Thủ Đô, cũng như dưới ánh đèn của các dạ hội qua các tỉnh miền Trung, Bích Sơn đã gieo sâu vào tâm khảm thính giả dư âm của một nghệ cảm thâm trầm.
Lúc đoàn diễn tại Cần Thơ, cũng là lúc Kiên Giang viết vở tuồng Ngưu Lang Chức Nữ, cho Bích Sơn thay thế cô Bích Thuận đóng vai nàng tiên xuống trần tắm suối bỏ quên cặp cánh không về Bồng Lai tiên cảnh được, rồi ở lại lấy chồng luôn. Qua vai nầy Bích Sơn đã bước một bước tiến dài từ vai phụ đến vai chánh.
Trở về Sài Gòn, thi sĩ Kiên Giang viết bài đăng trên tờ Tiếng Chuông kịch trường, hết lời ca tụng nàng Bích Sơn. Thấy Bích Sơn duyên dáng, thanh tao đẹp như tiên... thật, thi sĩ Kiên Giang bèn tự viết báo ca tụng nàng là “kiều nữ”. Hình ảnh kiều nữ đã hiện lên hầu hết ý thơ của Kiên Giang, và đã trở nên một giai thoại trong làng sân khấu.
Trên giai phẩm giải Thanh Tâm 1960 Kiên Giang đã đưa Bích Sơn lên tuyệt đỉnh trong cuộc đời làm nghệ thuật. Chúng tôi xin trích vài đoạn như sau:
“... Năm 1959, khán giả thủ đô được dịp thưởng thức tài nghệ Bích Sơn qua vai Phương Thành trong soạn phẩm cổ tích “Áo Cưới Trước Cổng Chùa”. Nghệ thuật diễn xuất của Bích Sơn được khơi dậy đến cao độ từ vai trò ấy.
| Nữ nghệ sĩ Bích Sơn (bìa phải) tại Lễ nhận giải Thanh Tâm. Courtesy photo. Photo: RFA |
Tài nghệ được kết tạo qua nhiều sân khấu để rồi nở chín trên sân khấu Thanh Minh, Bích Sơn nghiễm nhiên trở thành một nữ diễn viên gần như một kịch sĩ gần đủ hai yếu tố cần thiết: diễn và ca ngâm.
Với suối tóc dài cốt cách cân đối, gương mặt sáng, đôi mắt mơ huyền, giọng ngâm thơ thánh thót đi sâu vào tâm cảm người nghe, Bích Sơn có đủ điều kiều mang mỹ danh kiều nữ. Nhất là với chiếc áo cài hoa trắng và suối tóc huyền, Bích Sơn được xem là kiều nữ áo tím trên sân khấu cũng như ngoài đời.
Với phong thái của một kiều nữ, Bích Sơn đủ điều kiện đóng các vai chánh trong loại tuồng đường rừng, hương xa cũng như xã hội. Đặc biệt trong loại tuồng hương xa (Nhựt Bổn) Bích Sơn thể hiện trung thực nhứt hình ảnh cô gái Phù Tang, Bích Sơn càng trở nên huyền ảo, trong các vai sơn nữ. Người ta có thể nhận thấy Bích Sơn yếu kém về phương diện ca vọng cổ, nhược điểm ấy có thể được đền bù khỏa lấp chăng?
Nhờ rèn luyện kỹ thuật ca vọng cổ
Bích Sơn là người sinh ở đất Bắc, tất nhiên giọng nói cũng ảnh hưởng ở âm điệu của thổ ngữ miền Bắc. Như thế, Bích Sơn làm sao ca vọng cổ bằng Út Bạch Lan, Thanh Nga, Thanh Hương... Nhưng với quyết tâm học nói giọng Nam, rèn luyện kỹ thuật ca vọng cổ, Bích Sơn đã tiến bộ đến cao độ trên phương diện ca. Trong vở “Bếp Lửa Chiều Ly Biệt” của Yến Lang và “Bốn Cánh Hoa Đào” của Lê Khanh, Bích Sơn vẫn được báo chí và khán giả khích lệ và khen ngợi ở kỹ thuật ca vọng cổ. Như thế nhược điểm ấy có thể được đền bù bằng giọng ngâm thơ, khả năng ca nhạc mới, và nghệ thuật diễn xuất sống động và trung thực...
Bích Sơn là một nữ nghệ sĩ Bắc duy nhứt sống gần gũi và tha thiết với các sân khấu ca kịch miền Nam. Trước kia sự dung hợp nghệ sĩ Bắc Nam trên một sân khấu là cả việc khó khăn... Lần đầu tiên Bích Sơn vào sân khấu Thúy Nga với tất cả sự ngỡ ngàng mặc dù chủ nhân, soạn giả và nghệ sĩ Nam mở rộng cửa để sẵn đón. Dần dần Bích Sơn từ bóng tối hậu trường xuất hiện giữa tiền trường... tiếp nhận được sự tán thưởng của khan giả miền Nam, ở Lục Tỉnh ở miền Đông... tự nhiên mặc cảm ấy tiêu tan...
Bích Sơn càng bước sâu vào sân khấu miền Nam càng tìm thấy hơi ấm và không khí kịch nghệ để trở thành đứa con ruột của sân khấu ca kịch miền Nam. Bích Sơn là gạch nối liền giữa nghệ sĩ Bắc Nam. Bích Sơn hãy cảm tạ nghệ thuật, trước khi nhận lãnh “huy chương vàng 60” của giải Thanh Tâm...”
Trên đây là lời tán thưởng của Kiên Giang dành cho Bích Sơn đăng trên giai phẩm giải Thanh Tâm 1960. Coi như mỹ danh “kiều nữ” của Bích Sơn là do Kiên Giang đặt trong bài báo ấy và mang danh luôn cho tới bây giờ.
Thế nhưng, kiều nữ là người theo đạo Thiên Chúa, còn thi sĩ thì không, vậy mà chàng đã thành khẩn đề thơ: “Lạy Chúa, con là người ngoại đạo, nhưng tin có Chúa ngự trên trời”. Nhưng rồi kiều nữ đã không đáp lại tình của chàng ta. Dù không đi đến đâu hết (kiều nữ Bích Sơn có chồng là sĩ quan quân cụ) nhưng cái mỹ danh “kiều nữ” của Bích Sơn coi như do thi sĩ Kiên Giang mà có. Cũng tội cho thi sĩ nhà ta vậy!
Thời ấy những người rõ biết sự thể đã nói rằng, nếu như kiều nữ chưa có chồng, chắc là còn cả “lố” bài thơ ca tụng người đẹp. Là cô đào được kể là đẹp với mái tóc dài tới nhượng chân. Sau 1975 chồng của Bích Sơn đi học tập cải tạo và Bích Sơn thì đi Pháp theo diện nào đó. Về sau họ đoàn tụ với nhau và sang định cư Hoa Kỳ.
Khoảng 1992 tôi, người viết bài này có gặp Bích Sơn một lần tại trụ sở Hội Tù Nhân Chính Trị của ông Nguyễn Hậu ở miền Nam California. Nhưng rồi không thấy kiều nữ tham gia văn nghệ như những nghệ sĩ khác. Bẵng đi một thời gian khá lâu, đến năm 2001 nữ nghệ sĩ Kiều Mỹ Loan trao cho tôi số điện thoại của Bích Sơn. Lúc ấy, tôi với tư cách Hội trưởng Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại kiêm nhiệm trưởng ban tổ chức giải Phụng Hoàng, tôi mời Bích Sơn tham gia ban giám khảo, nhưng kiều nữ từ chối. Lúc ấy nhạc sĩ Nguyễn Hiền, cố vấn của hội nói
rằng giờ đây Bích Sơn đã ngoài 60 rồi, không còn là kiều nữ nữa mà đã là “già nữ” nên cô không muốn xuất hiện chăng? Cũng có thể lắm, kiều nữ muốn giữ hình ảnh đẹp của mình trong lòng khán giả vậy.
Sources: rfa |