Ngày Đăng: 18 Tháng 12 Năm 2014 Trong những lần gặp gỡ Bình Trang, Chị vẫn giản dị và nở nụ cười thật tươi. Sau khi diễn trích đoạn Bên Cầu Dệt Lụa cùng với NS Minh Cảnh Em, Chị niềm nở nói nhiều tâm sự của một đời nghệ sĩ.
Có thể nói trong quá trình hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương, có nghệ sĩ chỉ một bài ca, xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu gặp may mắn nên sau đó vụt sáng thành nghệ sĩ nổi tiếng.
Song, cũng có trường hợp một nghệ sĩ hội đủ các ưu thế về tài, sắc nhưng lại không gặp dịp may, trường hợp của NS Bình Trang, một nghệ sĩ có vóc sáng sân khấu, giọng ca trong trẻo lại dài hơi, có thể ca vô vọng cổ một hơi hơn một trăm chữ.
Chị cho biết mình sinh năm 1957 tại SaiGon, gia đình khá giả không có ai theo nghề sân khấu. Năm 1969, soạn giả Nguyễn Phương mở một lớp dạy ca hát tại nhà, nghệ sĩ Tám Vân dạy ca và diễn, nhạc sĩ Tám Lắm (thầy đào tạo các danh ca Phương Bình, Diệu Nga)
Dạy ca cổ bằng đàn kìm. Các học viên khóa đầu có các NS: Minh Long, Bình Trang, Ngọc Hiếu, Tú Anh, Diệu Nga và hơn mười học viên khác.
Lúc đó Bình Trang dùng nghệ danh Thanh Lệ. Cô mới có 12 tuổi, giọng ca rất trong, âm lượng lớn, ca đúng tiết điệu và nhịp điệu như các con em nghệ sĩ nhà nghề, được sanh và lớn lên trong đoàn hát. Các thầy đánh giá Thanh Lệ là học viên có triển vọng nhất trong lớp đó.
Cuối năm 1969, soạn giả Nguyễn Phương giới thiệu bà Bầu Thơ thu nhận bốn học viên: Minh Long, Ngọc Hiếu, Thanh Lệ, Diệu Nga vào hát cho đoàn Dạ Minh Châu tức đoàn Thanh Minh Thanh Nga 2. Nghệ sĩ Tám Vân phụ trách Giám đốc kỹ thuật.
Lúc đó trong đoàn có nữ nghệ sĩ Thanh Lệ (mẹ của NSƯT Hữu Châu, vợ của nghệ sĩ Hữu Thìn) nên Bình Trang lúc đó phải đổi nghệ danh là Kiều Lệ Thanh. Hai nghệ sĩ trẻ Minh Long và Kiều lệ Thanh diễn thành công qua các vai chánh tuồn Hoa Mộc Lan và Bảy Mua Mai Nở.
Về sau NS Bình Trang về công tác với đoàn Hương Mùa Thu trong nhiều năm. Cô là đào ca, có nhan sắc, diễn xuất khá, nhưng lúc đó chỉ được đóng vai đào ba, đào nhì. Tuy nhiên cô đã hát qua nhiều vở: Đám cưới đầu xuân, chuyến đò thương, Kiếp chồng chung, Còn cò trắng, Saigon thác bạc, Bà chúa ăn mày, Gánh cỏ sông Hàn, Kiếm sĩ điên...
Sau năm 1975, Kiều Lệ Thanh vẫn cộng tác với đoàn Hương Mùa Thu, hát tuồng Lửa phi trường. Sau đó cô về cộng tác với đoàn cải lương Saigon 3, được Bầu Hiếu đổi nghệ danh Kiều Lệ Thanh thành Bình Trang. Bình Trang chịu ảnh hưởng lối ca của Thanh Kim Huệ, có một thời Bình Trang thế vai của nữ danh ca Thanh Kim Huệ trong tuồng Mái tóc người vợ trẻ, Quán Hương Tràm, Nàng Sa Rết...
Sau khi định cư ở Mỹ, Bình Trang tham gia một số chương trình của Trung Tâm Băng Nhạc Vân Sơn. Chị cũng là giọng ca cổ sáng giá ở các cuộc trình diễn trong các nhà hàng có ca nhạc Paracell, Seafood, quán Thành Được.
Trong các lần nghệ sĩ Việt Nam xuất ngoại sang Nam Cali biểu diễn trọn tuồng. Bình Trang cũng được mời thủ một vai. NS Bình Trang ngày càng diễn xuất tinh tế, đúng là gừng càng già càng cay và trái tim yêu nghề của cô lúc nào cũng trái bỏng
Sources: cailuongpho |