Ngày Đăng: 08 Tháng 03 Năm 2010 Hoàng Song Việt là một tên tuổi gắn liền với những kịch bản cải lương nổi tiếng từng đoạt nhiều huy chương trong các mùa hội diễn sân khấu cũng như đem đến tên tuổi cho các nghệ sĩ như Rồng Phượng, Kim Vân Kiều, Chiếc áo thiên nga, Cây lẻ bạn, Hồn thơ ngọc, Ai giết tình em, Không là cát bụi, Bến phà kỷ niệm, Thanh Xà Bạch Xà… Hội diễn Cải lương toàn quốc 2009 anh cũng có đến 5 kịch bản tham dự. Hướng đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Hội, vở Hoàng đế Quang Trung của anh do Hoa Hạ đạo diễn sẽ ra mắt vào trung tuần tháng 4-2010.
| Hoàng Song Việt (phải) cùng ông Phan Quốc Hùng – Giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang |
Duyên nợ với nghệ thuật
Hoàng Song Việt vào nghề sáng tác một cách khá bất ngờ. Anh mê viết từ hồi còn học phổ thông, đã từng viết kịch cho lớp mình diễn chơi. Thế rồi anh thử xin vô đoàn cải lương Tuổi trẻ thương nghiệp làm công việc nhắc tuồng và theo chân các đạo diễn làm thư ký biên tập để học nghề. Vài năm sau, Hoàng Song Việt đã chuyển thể và tự sáng tác được, trở thành cây bút chuyên nghiệp.
Kịch bản của Hoàng Song Việt dù là chuyển thể vẫn mang dấu ấn của anh rất đậm. Mỗi lời thoại, lời ca trong kịch bản không hề bi lụy mà rất đẹp, thấm đẫm văn chương, ý tứ sâu sắc. Và thông thường tự viết kịch bản thì dễ hơn, chứ chuyển thể từ kịch bản của người khác xem ra lại áp lực rất nhiều. Nhưng không hiểu sao, kịch bản nào được anh chuyển thể cũng được chính tác giả tin cậy và hài lòng. Hỏi anh có sống được bằng nghề? Anh lắc đầu: ‘’Không sống nổi. Tác giả lãnh nhuận bút theo suất, mà một vở dù có nhiều ngôi sao cũng chỉ diễn được chừng 4 - 5 suất, chứ đâu kéo dài cả trăm đêm như sân khấu kịch. Nói thật, tôi sống nhờ nghệ sĩ trong và ngoài nước đặt hàng viết vọng cổ, trích đoạn để họ làm album, mỗi bài 100 - 200USD…’’.
Người “thắp lửa” cho các nghệ sĩ trẻ
Gánh nặng của Hoàng Song Việt hiện là nhóm Thắp sáng niềm tin do anh cùng Hữu Quốc thành lập cách đây 4 năm, tạo đất cho diễn viên trẻ làm nghề. Nhưng cải lương quá khó khăn, anh phải gồng mình gánh vác với đàn em. Là chủ nhiệm, nhưng có năm anh phải chi gần 50 triệu đồng để nuôi nhóm. Anh tâm sự: “Thắp sáng niềm tin tập hợp các diễn viên trẻ đa số đoạt giải Trần Hữu Trang, khao khát gây dựng đội ngũ kế thừa cho cải lương. Nhưng khổ nỗi, các em phải đứng chung với những “người khổng lồ’’ thuộc thế hệ trước, chỉ cần thứ bảy họ diễn là hôm sau các em bị ‘’mờ’’ ngay, khó lòng bán vé. Mà các em làm nghề rất nghiêm túc, thèm đóng một tuồng tử tế, chứ thiếu gì đại nhạc hội mời sô. Lịch tập, lịch diễn tôi lên trước cả tháng, các em sẵn sàng bỏ sô đi tỉnh mấy triệu đồng để diễn cho nhóm với cát-sê 100.000 đồng. Chính vì vậy mà tôi không thể bỏ các em. Bao nhiêu tiền thù lao viết kịch bản nơi khác tôi đổ vô Thắp sáng niềm tin…”. Cũng có lúc anh buồn quá, muốn bỏ nhà hát, về quê sống với má, ở ẩn trong một khu vườn yên tĩnh. Anh sẽ có thời gian và sức khỏe để sáng tác nhiều kịch bản hơn, thậm chí viết kịch bản phim mấy chục tập như chơi. Nghĩa là lo cho mình, không phải gánh gồng gì nữa. Nhưng nói vậy mà không làm được... Bởi những đứa em đang chờ đợi anh. Thế là lại chạy lo tìm show diễn, vở diễn cho các em. Và cải lương vẫn là một món nợ suốt đời với anh!
Sources: giaoduc |