Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Bài Báo   Tên Nghệ Sĩ
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Video Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nhạc Music Video
Nhạc Hay Tuyển Chọn
Nhạc Thiếu Nhi Video
Karaoke Video
Nhạc Tân Cổ Video
Cải Lương Video
Nhạc Midi
Lời Nhạc (Lyric)
Nhạc có Nốt (Music Sheet)
Hình Ảnh Ca Sĩ
Hình Ảnh Nghệ Sĩ
Tin Tức Ca Sĩ
Tin Tức Nghệ Sĩ
Phỏng Vấn Nghệ Sĩ Video
Tiểu Sử Ca Sĩ
Tiểu Sử Nhạc Sĩ
Tiểu Sử Nghệ Sĩ
 
Tin Tức Nghệ Sĩ » Tình Yêu Cải Lương Của Nghệ Sĩ Hương Huyền Ca Sĩ: Hương Huyền    
Ngày Đăng: 13 Tháng 06 Năm 2015

Ngay từ thuở tuổi còn nhỏ, vào những năm cuối thập niên 1940 đầu thập niên 1950, khi còn sống ở vùng quê Cần Đước, “cậu bé” Trần Chúc (tên thật của nghệ sĩ cải lương Hương Huyền, ông sinh năm 1942) đã bị mê hoặc bởi những lời ca, điệu lý và những câu vọng cổ ngọt ngào, sâu lắng.

Thân sinh của Trần Chúc bấy giờ cũng là một nhạc sĩ tài tử cổ nhạc, chơi thông thạo các nhạc cụ đàn sến, đàn cò... nhưng ưa chuộng nhất là cây đàn tranh. Cậu bé Trần Chúc ngày đó đã bị cuốn theo những lời ca, điệu nhạc của cha và các bạn đờn trong những buổi đờn ca tài tử tại nhà. Thêm vào đó, cậu bé Trần Chúc lại rất say mê và thần tượng giọng ca của đệ nhất danh ca Út Trà Ôn. Những bài như: Tôn Tẫn Giả Điên, Sầu Vương Biên Ải, Tình Anh Bán Chiếu... qua giọng ca của nghệ sĩ Út Trà Ôn thu trong dĩa hát được cậu bé Trần Chúc theo mẹ lên Sài Gòn mua về nghe hết ngày này qua ngày khác, nghe nhiều đến nỗi từng đoạn luyến láy trong từng cung âm đã in chặt vào đầu, khiến tình yêu với vọng cổ, cải lương và với hơi ca, cách nhả chữ của thần tượng đệ nhất danh ca Út Trà Ôn như đã ngấm sâu vào máu thịt của Trần Chúc suốt thời thơ ấu cho đến tuổi trưởng thành.

Những tháng ngày ở miền quê Cần Đước sống trong những thanh âm đờn ca tài tử cũng sớm qua đi. Gia đình của Trần Chúc chuyển lên sống Sài Gòn, tại đường Trần Hưng Đạo, để rồi năm 1957, một sự kiện xảy ra, trở thành duyên cớ để chàng thanh niên Trần Chúc học hành giỏi giang, thông minh, đã hoàn thành trung học đệ nhất cấp tại trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký, không còn tiếp tục việc “đèn sách” để vào đời bằng con đường học vấn, mà trở thành nghệ sĩ cải lương với nghệ danh Hương Huyền, được khán giả yêu mến trong suốt hơn 50 năm qua.

Nghệ sĩ Hương Huyền giải thích “Sở dĩ tôi có nghệ danh Hương Huyền, cũng từ cơ duyên anh ruột của tôi lấy nghệ danh là Hương Sắc, tên thật của anh là Trần Văn Hướng. Tôi bèn lấy Hương Huyền, để biết là anh em, vì cả hai cùng đi hát một lượt với nhau. Có người còn dự đoán, chắc tôi có người yêu tên Hường, nên lấy nghệ danh Hương Huyền. Quả thật, hôm xưa, khi tôi còn đi học đệ nhất cấp, tôi có cảm mến một người bạn gái tên Hường, nên khi đi hát, mạnh dạn lấy nghệ danh này luôn.”

Buổi đầu vào nghề

Nghệ sĩ Hương Huyền bồi hồi nhớ lại: “Chị ruột của tôi là chị Trần Thị Khang, là người làm ăn ở Sài Gòn, chị thích đi coi hát, rồi nhờ sự giới thiệu qua lại, biết đến nghệ sĩ Minh Chí và Việt Hùng, đã lập gánh hát do chị tôi bỏ vốn, mời 2 nghệ sĩ trên bỏ tên tuổi thành phần hùn. Diễn xuất đầu tiên của đoàn là vào năm 1957, tại rạp Thành Xương, vở đầu tiên là Đường Lên Xứ Thái. Đoàn khi đó mạnh lắm, ngoài kép hát là Minh Chí- Việt Hùng, bên đào có nghệ sĩ Ngọc Nuôi, Ánh Hoa...”

Nghệ sĩ Hương Huyền kể, “Trước khi đoàn ra mắt khán giả, các nghệ sĩ hay đến nhà để tập tuồng, mỗi khi đi học về là tôi chạy lẹ vào nghe say mê. Khi đoàn hát cần người đánh máy kịch bản để chạy role tuồng, nhờ biết đánh máy lại thông minh, lanh lẹ, Trần Chúc “xung phong” đảm nhận giúp đoàn, để vừa đánh máy kịch bản, vừa lẩm nhẩm hát theo.”

Đến khi đoàn Minh Chí- Việt Hùng đi lưu diễn miền Tây, ba má và các anh chị trong nhà đi theo đoàn, ở nhà chỉ còn 2 anh em Trần Chúc và Trần Văn Hướng. Hai anh em mê hát quá, bèn quyết định tìm những lớp diễn nào có 2 vai nam, để 2 anh em ca chung. Ví dụ như Lưu Bình- Dương Lễ, Sơn Tinh- Thủy Tinh. Mỗi người tự viết vai tuồng của mình để ca. Khi đó cả hai anh em không biết nhịp nhàng gì hết, chỉ biết đếm câu vọng cổ của các soạn giả, mỗi đoạn có mấy chữ, thì đặt theo y như vậy mà viết bao nhiêu đó chữ. Hai anh em học thuộc trích đoạn do mình viết ra, đến bar Lệ Liễu gần nhà, nơi đây có đàn ca tài tử dạng “hát cho nhau nghe”, để xin được ca. Đêm đầu tiên, cả hai hồi hộp lắm, mặt 2 anh em non choẹt, bạo gan xin chị Lệ Liễu được lên ca, chị hỏi có biết nhịp không, cả hai nói xạo là biết. Khi chị đồng ý và cho biết sắp tới lượt mình lên ca, cả hai bắt đầu run.

Gương mặt rạng rỡ, lấp lánh nụ cười, nghệ sĩ Hương Huyền nói: “Khi đó, tôi chưa biết đến thờ tổ, nhưng chắc tổ thương ngay lúc đó, đã yểm trợ cho tôi sự lanh lợi. Khi lên sân khấu, tôi đến nói với 2 nhạc sĩ đệm đàn tại đó, khi ấy tôi không biết tên, nhưng hai vị nhạc sĩ đàn tại đây chính là danh cầm Văn Vỹ và Năm Cơ. Tôi thiệt tình cho hai nhạc sĩ biết anh em tôi không biết nhịp, nhờ 2 nhạc sĩ vớt nhịp giùm nếu có lỡ rớt. Hai nhạc sĩ dặn anh em tôi hãy ca như nhà nghề, đừng có sượng, các chú sẽ vớt. Quả thật nếu người trong nghề nghe mới biết 2 nhạc sĩ vớt nhịp cho 2 anh em tôi, còn ngoài nghề khi có mặt nghe trong buổi tối đó, không biết, chỉ vỗ tay nhiệt liệt để khen hay thôi.”

Nghệ sĩ Hương Huyền dí dỏm nói: “Và kể từ sau đêm đó, cứ tối tối, hai anh em lại ra đây xin ca. Đây là thời gian tôi bắt đầu “đi vào hư đốn”. Sáng đi học, ngồi trong lớp, cứ viết bài ca cổ nhạc, không lo học hành nữa.”
“Cũng nhờ thời gian hát ở bar Lệ Liễu, dù khi đó anh em tôi vẫn chưa hề biết nhịp nhàng gì, toàn là ca “rừng” thôi, tiếng đồn hai anh em có giọng ca vọng cổ hay, đến tai ông quản lý của đoàn cải lương lưu diễn ở tỉnh Kim Hoàng- Như Mai, trong lúc lên Sài Gòn tìm thêm kép về đoàn, tìm đến bar Lệ Liễu nghe anh em tôi ca, đã tỏ ý khen ngợi và mời chánh thức 2 anh em đêm đó hãy ký hợp đồng cộng tác với đoàn, với yêu cầu sáng mai gặp trả lời và đi theo gánh hát liền.”

Hai anh em về suy nghĩ nhiều lắm, nhất là nghệ sĩ Hương Huyền khi nghĩ tới viễn cảnh được đứng trên sân khấu, sẽ thành nghệ sĩ nổi tiếng, lại có tiền nhiều, nên quyết định trốn nhà đi hát. Còn anh trai, sợ bị ba má đánh đòn, không dám đi.

Nghệ sĩ Hương Huyền đi theo ông quản lý đoàn Kim Hoàng- Như Mai ra tới Phan Thiết, là nơi đang lưu diễn. Lúc đó ông bắt đầu run, vì sự thật ngay khi đó, ông cũng chỉ toàn ca “rừng”, đâu có biết nhịp nhàng. Mà cũng chỉ ca lẻ, hát có mấy câu vọng cổ, còn khi vô hát nguyên tuồng, có biết bao bài ca lẻ, mà ông lại chưa biết nhiều về bài bản. Lo quá, ông bèn tìm ngay nhạc sĩ của đoàn, để xin dợt trước, khai thiệt là chưa biết nhịp, chưa rành bài bản. Thầy đờn kêu ca thử, ông ca không rớt nhịp. Nhưng khi ca mấy bài nhỏ thì phải dợt vài lần mới được.

Vai diễn đầu đời và dấu ấn không quên

Vai đầu tiên trong lần diễn trên sân khấu tại đoàn Kim Hoàng- Như Mai của ông là vai gã tiều phu, trong tuồng “Nỗi Oan Của Hoàng Tử” (soạn giả Thanh Cao).

Nghệ sĩ Hương Huyền kể: “Vai tôi xuất hiện đầu tiên là vô liền một câu vọng cổ, tôi phải nằm sẵn ở giữa sân khấu, giấu mình dưới bục đá sơn thủy. Khi tôi xuất hiện, tôi phải can nhà vua bắt tội hoàng tử anh, do hoàng tử em muốn cướp ngôi ông anh, đã cùng một số gian thần bày mưu hại hoàng tử anh. Vai tiều phu do tôi đóng, vô tình nghe được mưu kế của hoàng tử em, nên khi vua cha định cho quân lính xử tội hoàng tử anh, tôi nhảy ra can. Lẽ ra khi nhà vua ra lệnh sau ba hồi chuông lệnh, chém đầu hoàng tử anh. Tôi sẽ nhú đầu lên khỏi cục đá sơn thủy rồi thét lên chữ “khoan, sau đó ca một câu vọng cổ.”

“Ngay khi vừa nghe dứt 3 hồi chuông lệnh, tôi nhú đầu lên, chưa kịp ca “Khoan”, thì mấy nghệ sĩ trong vai vệ sĩ, vũ nữ cùng nhắc nhỏ “khoan”, lúc đó tôi lại tưởng họ nói khoan ca, thế là tôi lại thụp đầu xuống. Lẽ ra họ nhắc ca đi, thì lại nhắc ngay chữ “khoan” của câu đầu tôi sẽ ca. Lúc đó, nghệ sĩ trong vai vua ra hiệu tôi hãy ca, tôi lại ló đầu lên, nhưng khi đó đã trễ nhịp đờn rồi, tôi lại thụp đầu xuống lần nữa. Các khán giả lúc đó cười to như vỡ chợ, ngay nghệ sĩ trên sân khấu cũng phải rung rung nén cười. Đoàn phải kéo màn lại, khi bầu gánh hỏi cớ sự, tôi nói rõ sự tình, sau đó xin ra để xin lỗi khán giả. Tôi thật may mắn, được tổ thương, dù lần đầu mới diễn, phạm phải lỗi, nhưng khán giả tha thứ cho sự cố đầu tiên đó của tôi, vỗ tay khuyến khích tôi hát tiếp.”


Giọng ca đồng, mang âm hưởng Út Trà Ôn

Vốn đã có làn hơi, chất giọng tốt và năng khiếu ca ngâm, cộng thêm lòng say mê nghề, nên nghệ sĩ Hương Huyền chịu khó học hỏi từ các nghệ sĩ trong đoàn, học thêm bài bản với các nhạc sĩ của đoàn. Với sự thông minh và nhạy bén, không bao lâu ông đã biết được khá nhiều về kỹ thuật ca ngâm, nhịp nhàng, hơi điệu, cách biểu đạt vai diễn... cùng với các tố chất sẵn có, như vóc dáng cao ráo, gương mặt đẹp trai, với đôi mày rậm, tướng đi chững chạc, giọng ca cao vút và khỏe khoắn, nghệ sĩ Hương Huyền nhanh chóng được khán giả biết đến và yêu mến. Dù làn hơi, chất giọng thiên phú, nhưng khi ca vọng cổ, nghệ sĩ Hương Huyền có nhiều ảnh hưởng kỹ thuật dùng hơi – giọng của cố nghệ sĩ Út Trà Ôn. Vì nghệ sĩ Út Trà Ôn chính là thần tượng của ông từ thuở nhỏ đến khi chính thức bước vào nghiệp tổ. Hơi, giọng của nghệ sĩ Hương Huyền cũng là giọng “đồng rặt” như nghệ sĩ Út Trà Ôn, để rồi từ đó kỹ thuật dùng hơi, giọng của Hương Huyền chịu ảnh hưởng, nên cũng hao hao nghệ sĩ Út Trà Ôn về âm hưởng “ơ... hơ”.

Vài tháng theo đoàn Kim Hoàng- Như Mai lưu diễn từ miền Trung về lại Sài Gòn, khi đó gia đình ông đã chấp nhận cho ông theo gánh hát, chứ không cấm cản. Người chị ba Khang sau khi mãn hợp đồng với nghệ sĩ Minh Chí- Việt Hùng, đã lập đoàn cho Hương Huyền- Hương Sắc hát, đoàn có tên là Bạch Vân, mời nghệ sĩ Ngọc Ẩn, Kim Hoa, Bạch Tuyết... về. Năm 1960 đoàn Bạch Vân khai trương, khi đó nghệ sĩ Hương Huyền mới 20 tuổi. Năm 1962, đoàn Bạch Vân rã gánh, ông đã có chút tên tuổi, nên được mời về đoàn Thanh Minh. Khi đó trong đoàn có các nghệ sĩ Thành Được, Việt Hùng, Hoàng Giang... bên phía đào có nghệ sĩ Út Bạch Lan, Ngọc Nuôi, Thanh Nga...

Nghệ sĩ Hương Huyền cho biết ông rất yêu đoàn Thanh Minh, hầu như trong cuộc đời đi hát của mình, ông gắn bó suốt với đoàn, chỉ có gián đoạn một thời gian ngắn, về những đoàn khác như Ánh Chiêu Dương... nhưng rồi cũng quay về lại đoàn Thanh Minh.

Ông thích chủ trương hoạt động nghệ thuật của đoàn. Phần lớn tuồng hát của đoàn là tuồng xã hội, với những tác phẩm nay đã trở thành kinh điển của soạn giả tài danh như Hà Triều- Hoa Phượng...

Năm 1966, khi đến tuổi đi lính, ông gia nhập vào quân đội VNCH, là thành viên trong ban văn nghệ địa phương quân, căn cứ đơn vị đóng đô tại Sài Gòn. Hôm nào phải đi ra tiền đồn hát, thì ông nghỉ diễn ở đoàn Thanh Minh, đi hát phục vụ, còn bình thường thì vẫn hát hằng đêm cho đoàn Thanh Minh. Đoàn Thanh Minh bấy giờ chủ yếu diễn tại Sài Gòn, không đi lưu diễn các tỉnh thành như những đoàn cải lương khác.

Khi nghệ sĩ Hương Huyền vào ban văn nghệ địa phương quân, ông đã xây dựng tiết mục nòng cốt cho chương trình, ngoài các tiết mục ca lẻ, tân nhạc, ca cổ, xiếc, ảo thuật... luôn có trích đoạn tuồng cải lương.

Người nghệ sĩ đa tài

Nghệ sĩ cải lương Hương Huyền là một nghệ sĩ đa tài, ông có thể diễn một cách xuất sắc tất cả các loại vai tuồng như kép mùi, kép độc, kép lão, kép hài, ông có duyên độc đáo khiến cho khán giả cười hả hê sau đó khán giả thấm thía cái nội dung sâu lắng của nét gây hài của ông.

Ông thành công dễ dàng qua các vai công tử bột chuyên tán gái hoặc các vai nhà giàu bị phá sản vì thời cuộc. Nghệ sĩ Hương Huyền cũng diễn rất hay các vai lẳng hề hay võ tướng trong các tuồng dã sử...

Ông kể rằng từ trước khi nhận vai Tạ Thiếu Tiên trong vở cải lương “Hoa Mộc Lan”, vai nào ông đóng, cũng được khán giả hài lòng, do ông diễn tròn vai, không bao giờ bị đổ vỡ vai, nhưng khán giả không ấn tượng nhiều bằng vai Tạ Thiếu Tiên. Đã có nhiều nghệ sĩ vào vai này rồi, nhưng khi nghệ sĩ Hương Huyền đóng, đã nhận được khen tặng, cảm tình của khán giả. Là một vai anh công tử ham chơi, lêu lổng, ông đã pha nét hài lẳng cho vai này.

Sau năm 1975, nghệ sĩ Hương Huyền tiếp tục cộng tác với đoàn Thanh Minh, sau năm 1978, đoàn đổi lại là đoàn hát Thanh Nga, ông được giao trách nhiệm đài trưởng, tức là người phụ trách sân khấu, chỉ huy đêm diễn mỗi đêm. Nhờ vậy, cứ đêm nào khuyết một vai kép do nghệ sĩ bệnh đột xuất, nghệ sĩ Hương Huyền đều có thể vào thay thế để đóng được. Vai tuồng nào của đoàn diễn, ông cũng thuộc hết, vì thời điểm lúc đó, cải lương vẫn còn thịnh vượng, một vở hát ít nhất là diễn 6 tháng mỗi đêm, không đổi tuồng, là người chỉ huy đêm diễn, có mặt hằng đêm, ai ca câu gì cũng thuộc hết.

Vẫn còn đó một Hương Huyền đậm chất người miền Nam hào sảng, qua cái cách nói chuyện chân chất thật thà, không có lấy một từ hoa mỹ. Miên man với bao kỷ niệm một thời vàng son của sân khấu cải lương, ông kể về những xuất diễn nhiều tháng liền vở “Tấm Lòng Của Biển” (soạn giả Hà Triều- Hoa Phượng), trong đó chỉ có 7 nhân vật, 4 vai nam, 3 vai nữ, tất cả 4 vai nam trong vở ông đều đảm nhận qua, và đều tạo được dấu ấn riêng của mình, được khán giả ngợi khen. Khi diễn bất cứ vai nào, ông cũng đều nghiên cứu vai diễn kỹ lưỡng, thêm thắt, chế biến những nét riêng của mình vào đó.

Nghệ sĩ Hương Huyền đùa về tài đa diện trong bất cứ vai tuồng nào của mình, “Tôi là một bánh xơ-cua “ngon lành”, nên bầu gánh thời bấy giờ rất an tâm khi có tôi tham gia vào trong đoàn, khi thiếu vai diễn của kép nào, tôi cũng đều có thể vào thay được”.

Trong thời gian ông làm trưởng đoàn Thanh Nga, ông đã có sáng kiến dành cho các nghệ sĩ trẻ vào đoàn, dạy cho họ cách học nhiều vai diễn khác nhau, để luân phiên đổi vai và diễn. Sáng chủ nhật, đoàn có chương trình diễn cải lương do những nghệ sĩ trẻ hát, tối thì do những nghệ sĩ tài danh. Trong số những nghệ sĩ trẻ gắn bó với đoàn thời điểm 1980, có nghệ sĩ Tuấn Châu là thành công nhất, nay anh là người sáng lập ra đoàn cải lương Tân Dạ Lý, diễn tại quận Cam, California, anh cũng là con nuôi của nghệ sĩ Hương Huyền.


Những tâm sự của người nghệ sĩ

Nghệ sĩ Hương Huyền thành hôn với nữ nghệ sĩ Kim Hoa (con gái của nghệ sĩ Hai Núi - Tư Hélène) và có đứa con gái đầu lòng, lớn lên là nữ nghệ sĩ tài sắc Thanh Hằng, huy chương vàng giải Trần Hữu Trang năm 1991 và huy chương giải Mai Vàng năm 1997, và một người con trai không theo nghiệp diễn. Hai ông bà lấy nhau khi còn quá trẻ, hạnh phúc chỉ được 3 năm, thì duyên nợ bị gãy gánh. Tới năm 1966, ông gặp người vợ thứ hai và ở đời với nhau đến nay, là ca sĩ tân nhạc Phương Hồng Chi. Cả hai có 2 người con gái nhưng không ai nối nghiệp cha mẹ.

Nghệ sĩ Hương Huyền kể: “Sau 1975, vợ chồng tôi đã vượt biên đôi ba lần nhưng không thành công, đến năm 1989, chúng tôi đi diện bảo lãnh du lịch do người quen thân bảo lãnh qua xứ đen, cộng hòa Mali. Khi đi lúc đó, vợ chồng tôi đưa con gái út đi, còn con gái lớn đã cho vượt biên trước, đã đến Mỹ rồi, nhưng chưa có quốc tịch, thành ra chưa bảo lãnh chúng tôi được.”
Gia đình ông ở bên Mali khoảng 10 tháng, sau đó xin du lịch qua Pháp và ở bên Pháp 8 năm. Thời gian ở Pháp, ông gặp lại một số nghệ sĩ đang sống tại Pháp như Kiều Lệ Mai, Tài Lương... Ngày cuối tuần ông cùng các nghệ sĩ từng đi lưu diễn quanh nước Pháp, hay một số nước châu Âu, nơi có đồng hương Việt Nam sinh sống, vợ ông thì đi hát tân nhạc, ngày thường thì làm trong nhà hàng món ăn Việt Nam do vợ chồng ông mở, có mạnh thường quân bỏ tiền hỗ trợ. Năm 1996, con gái bảo lãnh vợ chồng ông qua đoàn tụ tại Mỹ.


Nghệ sĩ Hương Huyền gửi lời tri ân khán giả: “Mong khán giả nhận lời cảm ơn của Hương Huyền hơn 50 năm qua, nếu có xem Hương Huyền hát trên sân khấu, hay xem Hương Huyền diễn trên truyền hình, hay những lần đi diễn tại các tiểu bang xa, đã có cảm tình với tôi, tôi rất cảm ơn. Với tuổi còn lại, hãy còn sức khỏe ngày nào, hãy còn hơi ca, còn nói chuyện được, thì tôi vẫn tập tành, để tiếp tục cống hiến quý khán giả những vở tuồng đặc sắc của cải lương.”

Cuộc sống vẫn xoay vần với bao cái mới thay thế cái cũ và trong nghệ thuật thì quy luật này càng khắt khe hơn. Với thế hệ nghệ sĩ kỳ cựu như nghệ sĩ Hương Huyền, khán giả vẫn dành cho ông một tình cảm trìu mến. Chính điều này đã hâm nóng lòng yêu nghề của ông, người nghệ sĩ đã có hơn 50 năm “khóc, cười” cùng các nhân vật trên sân khấu.
(B.H)

Sources: .viendongdaily

Hương Huyền
Tiểu Sử Hương Huyền
  » Nghệ Sĩ Hương Huyền Mơ Đêm Diễn Trên Quê Hương
  » Tình Yêu Cải Lương Của Nghệ Sĩ Hương Huyền
  » Nghệ Sĩ - Soạn Giả Hương Sắc Qua Đời
  » Gặp NS Hương Huyền Tại Santa Ana, Mỹ
  » Nghệ Sĩ Tài Danh Hương Huyền Tìm Tự Do Trên Đất Hoa Kỳ
Những Tin Tức Nghệ Sĩ Khác
  » Quyền Linh Khóc Khi Nhắc Đến Người Cha Vắng Bóng Trong Cuộc Đời Mình
  » Chồng Đại Gia Mừng Sinh Nhật Trịnh Kim Chi
  » Vân Dung Tích Cực Khoe Con Trai Long Vũ
  » Ảnh Sao 17/8: Con Gái Quyền Linh Diện Đầm Hai Dây Ôm Sát Dạo Biển
  » Hôn Nhân 22 Năm Bên Chồng Kém 7 Tuổi Của NSND Thanh Ngoan
  » Vợ Và Con Gái Quyền Linh Cùng Dàn Sao Chúc Mừng Quốc Thiên
  » Việt Hương Mặc Xẻ Ngực Sâu Sánh Đôi Ông Xã
  » Nghệ Sĩ Hữu Độ Qua Đời
  » Ảnh Sao 3/8: Lâm Vỹ Dạ Nịnh Chồng, Gọi Hứa Minh Đạt Là Hạnh Phúc
  » Cháu Gái NSƯT Vũ Linh Bế Tắc Vì Bị Tẩy Chay
  » Ảnh Sao 22/7: Tự Long Mừng Con Trai Út Hai Tuổi
  » Tuổi U50 Của NSƯT Trọng Tấn
  » Nhan Sắc Tuổi 59 Của MC Kỳ Duyên
  » Ảnh Sao 21/7: MC Cát Tường Thăm Các Nghệ Sĩ Ở Viện Dưỡng Lão
  » Hoàng Mập Khoe Ảnh Cưới 26 Năm Trước
  » Tiệc Kỷ Niệm 18 Năm Ngày Cưới Của Việt Hương
  » Ảnh Sao 8/7: Chí Trung Tận Hưởng Cuối Tuần Bên Bạn Gái
  » Bà Xã Vượng Râu Hiếm Hoi Khoe Body Sau Khi Có 5 Con
  » Ảnh Sao 7/7: Con Gái Điệu Đà Bên Phan Hiển
  » Cuộc Sống Diễn Viên Kiều Linh Sau Ly Hôn Mai Sơn