Ngày Đăng: 23 Tháng 07 Năm 2011 Soạn giả Nguyễn Phương từ Canada giới thiệu giọng ca vàng của cố nghệ sĩ Hữu Phước. Vào năm 1966, Hữu Phước từng đoạt giải Diễn Viên xuất sắc nhất nhân kỳ trao Giải thưởng Thanh Tâm, nhờ vai bác sĩ Vũ trong vở tuồng Đôi Mắt Người Xưa của Nguyễn Phương.
Năm 1955, tôi là soạn giả của đoàn hát Kim Thoa của ông bà bầu Ngô Thiên Khai và nữ nghệ sĩ Kim Thoa. Ngày 19/12/1955, khi đoàn hát Kim Thoa khai trương vở tuồng dã sử Lấp Sông Gianh của soạn giả Kinh Luân tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo, đoàn Kim Thoa bị kẻ xấu liệng lựu đạn lên sân khấu, làm chết nghệ sĩ Ba Cương, nhiếp ảnh viên Nguyễn Mai, khi hai ông đang đứng bên cánh gà, ngoài ông Mai và Ba Cương ra còn có em vệ sĩ đóng quân tên Phiên chết một tuần lễ sau đó. Nghệ sĩ Duy Lân bị cắt đứt tiện một bàn chân từ mắt cá, các nghệ sĩ Sáu Thoàng, Hữu Phước, hề Minh, Văn Sa, nữ nghệ sĩ Đoàn Thiên Kim bị thương nhẹ. Vì đoàn hát bị liệng lựu đạn nên khán giả không dám đến xem hát, muốn thu hút khán giả nên mỗi đêm trước khi mở màn, đoàn hát thêm chương trình phụ diễn ca vọng cổ ngoài màn, giới thiệu hai giọng ca trẻ : đó là nghệ sĩ Hữu Phước và hề Minh.
Năm 1956, đoàn Kim Thoa rã, tôi và Hữu Phước về cộng tác với đoàn Thanh Minh, hát thường trực tại rạp Thành Xương ở đường Yersin quận nhứt (sau đổi tên là rạp Diên Hồng) và sau đó là đoàn Thanh Minh Thanh Nga cho đến đầu năm 1969 tôi mới chia tay với Hữu Phước để sang cộng tác với đoàn Dạ Lý Hương.
Lúc còn ở đoàn Thanh Minh Thanh Nga, khi tôi viết tuồng Đôi Mắt Người Xưa, Bóng Chim Tăm Cá, Chuyện Tình 17, Hai Hình Bóng Một Cuộc Đời, Sông Dài, Mộng Đẹp Nửa Đời Hoa, tôi đến nhà Hữu Phước ở vài ngày. Khi tôi viết đoạn nào đắc ý hoặc các bài vọng cổ cho vai tuồng của Hữu Phước, tôi thường nhờ nhạc sĩ Ba Thu và Ba Tý, hai nhạc sĩ này ăn ở thường xuyên trong nhà Hữu Phước, đàn cho Hữu Phước ca để xem các câu vọng cổ đó có đủ mượt mà để Hữu Phước ca lấy nước mắt của khán giả chưa ? Tôi cũng đã sáng tác nhiều vai em bé trong các tuồng của tôi để cho Hương Lan đóng. Lúc đó Hương Lan mới có 6 tuổi.
Sơ lược tiểu sử
Cố nghệ sĩ Hữu Phước tên thật là Henry Trần Quang, sanh năm 1932 tại quận Châu Thành tỉnh Sóc Trăng. Cha là ông Trưởng Tòa Trần Quang Cảnh, nhạc sĩ cổ nhạc đờn vĩ cầm, thân mẫu là bà Tám Kiều, một nữ nghệ sĩ trong gánh hát Thầy Thuốc Minh ở Sóc Trăng.
Hữu Phước khởi nghiệp cầm ca từ năm 1954, được ông Trần Hữu Lương, tức nhạc sĩ Mười Lương, chồng của nữ danh ca Năm Cần Thơ dạy ca và đặt nghệ danh Hữu Phước thay cho tên Henry Trần Quang.
Nhạc sĩ Mười Lương dẫn Hữu Phước đến quán ca nhạc Họa Mi của cô Năm Cần Thơ để ca vọng cổ và cổ nhạc. Hữu Phước đã ru hồn biết bao khách mộ điệu và được chủ của các hãng dĩa Hoành Sơn, Hồng Hoa, Tứ Hải tranh nhau mời thu dĩa hát. Hữu Phước nổi danh qua các dĩa hát thu đầu tay như Mặt Trận Ái Tình của soạn giả Thu An, dĩa Tình Huynh Đệ và bộ dĩa Tỉnh Mộng, dĩa Đội Gạo Đường Xa, Gánh Nước Đêm Trăng, Tàu Đêm Năm Cũ, Đời Vũ Nữ, Tình Là Giây Oan của các tác giả Viễn Châu, Kiên Giang, Quy Sắc làm tăng thêm danh tiếng của danh ca Hữu Phước.
Danh vị trong làng dĩa nhựa của Hữu Phước lên cao, vượt qua các danh ca đương thời như Việt Hùng, Tám Bằng, Thành Công, Chín Sớm, Văn Chung… có thể nói là danh ca Hữu Phước sóng đôi với vua vọng cổ Út Trà Ôn nhờ vào giọng ca vàng của Hữu Phước.
Minh họa hai câu vọng cổ trong bài Cao Tiệm Ly tiển Kinh Kha qua sông Dịch.
Cao Tiệm Ly ( Hữu Phước )
Hãy uống nữa đi anh để rồi sau khi anh sang tận bên kia bờ Dịch Thủy, Ly ở đây sẽ vắng bóng người tri kỷ đêm từng đêm rũ rượi tiếng tiêu… sầu, Mưa gió thê lương nhỏ lệ xuống chân cầu,… khóc người đi không bao giờ trở lại, để nơi này nhớ mãi hận ngàn thu. Biết lấy gì để tiển đưa nhau, thôi thì mượn tiếng trúc với bầu rượu nóng, tiếng tơ trúc nói lên tình tri kỷ, rượu hoàng hoa sưởi ấm dạ anh hùng.
Kinh Kha : Đa tạ, xin cám ơn Cao Tiệm Ly hiền hữu. Vâng, Kha uống cạn chung này và xin vĩnh biệt.
Cao Tiệm Ly : Hiển hữu ơi, rồi đây mang lưỡi gươm thề vào tận đất Hàm Dương, bạn sẽ trả được thù quân quốc. Hãy cho tôi lau dòng nước mắt, bởi cạn chung này mình sẽ chia tay. Lạnh lùng trời lả tả tuyết sương bay, sầu tang tóc đất trời còn nhỏ lệ. Ly tiẽn bạn bằng tiếng tiêu nức nở và ngâm câu nhất khứ bất lai hoàn. Nhổ neo rồi thuyền đã ra khơi, mưa hay lệ mịt mờ vương khói sóng. Kha ơi, Kha đã đi rồi, tận chốn phương trời tôi nhớ thương anh.
Hữu Phước có giọng ca thật rõ ràng, âm sắc đẹp, đậm chất bi ai, nghe sâu lắng mượt mà. Giọng ngâm thơ ngọt như mật, êm như nhung như tơ. Hữu Phước có biệt tài sắp chữ ca, làm nổi bật từng ý từng lời, anh ca vuốt nhẹ khi đến chữ Hò vô vọng cổ, tiếng ca như quyện chặt vào tiếng đàn, nghe thật êm tai, thật mùi. Trong lòng câu ca, với một làn hơi dài, Hữu Phước chạy lả lướt với tốc độ ca dồn chữ, từng đợt từng đợt như những lượn sóng triền miên xô đưổi nhau, một kỷ thuật ca khiến cho người nghe có cảm giác là Hữu Phước bất chấp cả nhịp nhàng, bất chấp trường canh, khán giả e sợ Hữu Phước sẽ hụt hơi hoặc ca rớt nhưng không, trăm lần như một, khi đến dứt câu ca thì Hữu Phước dứt câu rất đúng nhịp và còn có một làn hơi ngân dài, nhỏ dần, nhỏ dần rồi như tan biến vào không gian vô tận. Lối ca của Hữu Phước không chỉ là một kỷ thuật ca điêu luyện, nhịp nhàng vững chắc mà còn có khả năng chuyễn tải nội dung bài ca một cách xúc động nhất đến cho khán giả thưởng thức.
Khán giả đã khóc với những số phận của nhân vật tuồng khi xem đoàn Thanh Minh Thanh Nga nhờ vào giọng ca vàng của Hữu Phước và của các nghệ sĩ danh ca như Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thành Được, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Hồng Nga… vân vân.
Hữu Phước đã được Giải thưởng Thanh Tâm tặng huy chương vàng Diễn Viên xuất sắc nhất năm 1966 qua vai bác sĩ Vũ trong tuồng Đôi Mắt Người Xưa của Nguyễn Phương.
Hữu Phước cũng được báo chí kịch trường tặng cho mỹ hiệu Giọng Ca Vàng và là một trong các nghệ sĩ danh ca được các bầu gánh hát, các chũ hãng dĩa ký contrat với số tiền cao nhất.
Thời còn làm việc chung ở đoàn Thanh Minh Thanh Nga, tôi biết Hữu Phước có ba người con, cô con gái đầu lòng Trần thị Ngọc Ánh. Ngọc Ánh có giọng ca trong suốt, lời ca rõ từng chữ, nhịp nhàng vững chắc. Lúc 6 tuổi, Ngọc Ánh xuất hiện đầu tiên trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga trong vai bé Lệ, con của bác sĩ Vũ tuồng Đôi Mắt Người Xưa của Nguyễn Phương. Soạn giả Kiên Giang đề nghị lấy hai tên cuối của hai nữ danh ca Thanh Hương và Út Bạch Lan để đặt nghệ danh cho Ngọc Ánh, đó là chữ Hương chót của Thanh Hương ghép với chữ Lan chót của Út Bạch Lan thành tên Hương Lan.
Hương Lan được thừa hưởng di truyền của danh ca Hữu Phước và được cha rèn luyện nên cô đã thành danh mấy chục năm qua trên địa hạt ca tân nhạc lẫn cổ nhạc. cô cũng là một diễn viên xuất sắc của nghệ thuật sân khấu cải lương. Làn hơi ca của nữ nghệ sĩ Hương Lan mang âm hưởng giòng nước chảy, nhẹ tỏa như làn khói lam, lướt êm như cánh chim, tiềm ẩn chất giọng cổ nhạc ở miền đất phù sa trù phú của đồng bằng sông Cửu Long.
Cô con gái kế tên là Hương Thanh, Hương Thanh cũng có giọng ca quyến rũ trong các cuộc biểu diễn văn nghệ của Công đồng người Việt ở thủ đô Paris, Pháp quốc. Các bạn của tôi ở Pháp cho biết Hương Thanh hợp cùng ca sĩ Nguyên Lê thực hiện nhiều chương trình ca nhạc mới, mang âm hưởng ngũ cung, một dòng nhạc đẹp của thời đại tân tiến ngày hôm nay.
Người con trai thứ ba của Hữu Phước tên Sáng. Tôi không được biết hiện nay cháu Sáng làm gì, ở đâu…
Sau năm 1975, Hữu Phước có quốc tịch Pháp nên cả gia đình được trở về quê hương Pháp Quốc. Hữu Phước xa rời sân khấu cải lương như con cá bị vớt ra khỏi nước, hết phương vùng vẫy. Năm 1986, Hữu Phước quy tụ những nghệ sĩ cải lương đã được định cư ở nước Pháp Minh Đức, Kiều Lệ Mai, Phương Thanh, Hà Mỹ Liên, Kim Chi, Minh Thanh, Hoàng Long để mong làm sống lại nghệ thuật cải lương ở hải ngoại.
Một nhóm nghệ sĩ cải lương khác gồm có Minh Tâm, Tài Lương, Ngọc Lựu, Mỹ Hòa, Hùng Tiến, Chí Tâm cũng lập đoàn cải lương. Ý muốn của Hữu Phước và các nghệ sĩ khác muốn làm sống lại nghệ thuật cải lương ở Pháp là một ý rất hay nhưng không dễ gì thành công.
Hữu Phước thương tiếc cái thời vàng son đã qua, nhiều đêm mơ về quê cũ, thấy mình vẫn còn đứng hát trên sân khấu với các bạn ngày xưa, Hữu Phước viết bốn câu vọng cổ, tự ca lên để nói nỗi niềm xa xứ và nhớ ánh đèn sân khấu.
Minh họa bài vọng cổ “Nhựt ký đời tôi’’của Hữu Phước :
Hữu Phước : Mười mấy năm rồi biệt cố hương
Dòng thơ ghi lại giữa đêm trường
Nửa đêm thức giấc, sầu xa xứ
Vọng hướng chân trời, để nhớ thương.
Trải hết tâm tư lên từng trang giấy mõng, hình ảnh thân thương chập chờn như giấc mộng, kỷ niệm ngày xưa ghi lại giữa…
(Câu 1)… đêm tàn… nhật ký đời tôi là tiếng hát cung đàn… mỗi khi chiều xuống là thấy lòng mình rạo rực, mong đến gặp bạn bè nơi hí viện từng đêm. Say đắm lòng mình qua lớp phấn son, mà sân khấu cải lương như có một linh hồn, nên mới khiến cho kẻ ly hương đêm từng đêm gục đầu tưởng nhớ.
(Câu 2) Ôi ! Nhớ vai Lý Quảng trong vở Hoa Mộc Lan bên cạnh một Thanh Nga, một chiến binh kiều diễm, mà đôi bạn tâm tình đã bao phen vào sanh ra tử, trtước làn tên mủi đạn giữa chốn sa trường, … Kỷ niệm ngày xưa vương vấn mãi trong lòng… một Nam tước Bảo Sinh trong Cung Đàn Trên Sông Lạnh, một bác sĩ Vũ nhân từ trong Đôi Mắt Người Xưa, Rồi từ huy chương vàng diễn viên xuất sắc giải Thanh Tâm, cùng một lượt với Bạch Tuyết, trong năm sáu mươi bảy, những lúc canh khuya bồi hồi nhớ lại, nước mắt trào ràng rụa giữa làn mi.
(nói lối) Có những lúc mơ màng trong giấc ngủ
Tôi cứ ngỡ mình đang sống giữa quê hương,
Chợt nhớ ra mình là kẻ tha phương
Giữa đêm lạnh ngập ngừng bông tuyết trắng.
Ôi ! Nhớ giọng ca trầm ấm của nghệ sĩ Tám Thưa, nhớ tiếng cười vui của lão độc Hoàng Giang và giọng ca nức nở bi thương của Út Bạch Lan sầu nữ, những người anh người chị thân yêu đã dìu dắt từng bước tôi đi trên bước đường sân khấu, suốt bao năm biết mấy …
(câu 5)…. ân tình… ơn nghĩa ngày xưa ghi đậm giữa tim mình… tiếng đờn của mười út Trần Hữu Lương như còn văng vẳng trong những đêm buồn nơi đất lạ trời xa, nhớ ngày nào mới tập tễnh học đờn ca, đứng trước khán giả sao lạ lùng bở ngở, lần đầu tiên tôi bước ra sân khấu, vở Lấp Sông Gianh, tôi nhớ mãi đến bây giờ.
(câu 6)… Ôi ! Nhớ làm sao tiếng nhạc lời ca, nhớ khán giả, nhớ ánh đèn sân khấu, có ai còn nhớ vai Tấn trong Tấm Lòng Của Biển, hay vở Con Gái Chị Hằng trong vai cậu Tư Kiên, có đêm nằm mơ tôi thấy mình đang đứng cạnh Thanh Nga và hai tôi đang diễn vở Người Vợ Không Bao Giờ Cưới. Sơn Nữ Phà Ca gục đầu nức nở và nước mắt người yêu nghe ràng rụa thấm vai mình…. Chuông giáo đường bổng vọng tiếng ngân nga, tôi tỉnh giấc ngoài trời tuyết đổ, nơi đất khách những đêm không ngủ, tôi cứ ngở là mình đang diễn tuồng trên sân khấu quê hương./i>
Tâm trạng của Hữu Phước có thể đại diện cho tâm trạng của những nghệ sĩ định cư ở hải ngoại. Không có đông đảo khán giả như ở Việt Nam, không có bạn diễn đồng sức đồng tài, không có soạn giả, không tác phẩm mới, nhịp điệu âm nhạc tân tiến và lối sống văn minh công nghiệp của nước ngoài cũng không phải là môi trường thuận lợi cho nghệ thuật sân khấu cải lương, tài năng như Hữu Phước và nhiều nghệ sĩ vang bong một thời ở Việt Nam, đến xứ lạ quê người cũng phải khô cạn dần như con cá mắc cạn chờ chết khô, có vùng vẫt đôi chút, mòn mõi nhớ thương biển rộng sông dài.
Hữu Phước mất ngày 21/2/1997 tại Paris. Khi nhắc đến giọng ca vàng Hữu Phước, các bạn nghệ sĩ cải lương Việt Nam còn nhớ lời nhà học giả Vương Hồng Sển khi nói về giọng ca của Hữu Phước, Ông Vương Hồng Sển đã nói : “Mấy mươi năm trước chưa ai ca vọng cổ hay hơn Hữu Phước, e rằng mấy mươi năm sau cũng chẳng có ai”.
Huy chương vàng giải Thanh Tâm 1960
Nghệ sĩ hữu danh này quê quán tại Sóc Trăng, đã người đã đem trọn cuộc đời 40 năm hiến dâng cho nghệ thuật, qua các đoàn cải lương như : Kim Thoa, Kim Chưởng, Thanh Hương, Thanh Minh Thanh Nga (tại đại ban Thanh Minh Thanh Nga này, nghệ sĩ Hữu Phước đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm năm 1960)…
Đặc biệt nghệ sĩ Hữu Phước đã làm rơi lệ không biết bao nhiêu khán thính giả, bằng chứng qua các vai :
– Cậu Tư Kiêng trong vở tuồng Con Gái Chị Hằng.
-Tấn trong vở tuồng Tấm Lòng Của Biển.
– Cang trong vở tuồng Nữa Đời Hương Phấn…
Ngoài ra, nghệ sĩ Hữu Phước đã đóng góp hầu hết các hãng dĩa hát lớn như : Asia, Hoàng Sơn, Tứ Hải, Continental… và hợp tác với các ban và nhiều chương trình của đài truyền hình, đài phát thanh…
Hơn nữa, nghệ sĩ Hữu Phước còn có ái nữ là nghệ sĩ Hương Lan là nữ nghệ sĩ tài danh cả tân lẫn cỗ nhạc.
Sau 30/4/75, nghệ sĩ Hữu Phước có quốc tịch Pháp nên cả gia đình sang định cư tại Paris. Nhưng vẫn nặng tình nghiệp dĩ, cho nên nghệ sĩ Hữu Phước, lập đoàn cải lương để trình diễn góp phần giúp vui cho khán giả ở quê người không những tại Pháp hay các nước Âu Châu mà còn sang trình diễn cả Hoa Kỳ cho đến hết cuộc đời, qua các vai trong các vở tuồng như sau :
– Hai Tất trong vở tuồng Sông Dài, trong khi đó : nữ Nghệ sĩ Hương Lan trong vai Lượm và nam Nghệ sĩ Chí Tâm trong vai Niễng.
– Ông Tú (tức Ông Tú Tài ngày xưa) trong vở tuồng LAN và ĐIỆP, trong khi đó nữ nghệ sĩ Hương Lan trong vai Lan, nam nghệ sĩ Chí Tâm trong vai Điệp và cố nghệ sĩ lão thành Việt Hùng thủ vai Sư Ông (trụ trì một ngôi chùa)
Cha con Hữu Phước
Để diễn sống thực vai cậu Tư Kiên, mỗi buổi sáng khoảng 5 giờ.Hữu Phước chạy xe qua cầu Chữ Y, đứng trước cửa lò heo Chánh Hưng, quan sát những người lái heo, dân thôn quê chở ghe heo lên Sài Gòn bán. Quan sát cách mặc, quần áo, hút thuốc rê, tư thế đứng ,ngồi, ăn, uống, nói chuyện, cách phát âm giọng miến Tây “rặt”.
Hữu Phước mất 3 tháng thực tập lấy ở nhà,nhìn vô kiếng diễn đúng các động tác thói quen của một người dân quê miền Nam.
Hữu Phước đã chuyển động tư tưởng theo đường lối tích cực, rèn luyện kỹ năng diễn xuất để củng cố vị thế, quyết không tụt hậu. không phải học ở đâu xa; sân khấu Thanh Minh đãi sĩ chiêu liền, quy tụ những ngôi sao thương thặng bậc thầy Năm Châu, Ba Vân, Tám Vân, phùng Há, Kim Cúc, Ba Thanh Loan, Năm Sa Đéc v.v… cùng thi thố những vở diễn, vai diễn kinh điển; Hữu Phước và các diễn viên trẻ tha hồ học hỏi. Hữu Phước có sự tiến bộ rõ nét qua vai Công (Nửa đởi hương phấn), Hà Lâm (Người đẹp Bạch Hoa thôn). Diễn xuất nội tâm qua tình huống kịch đúng và hợp lý hỗ trợ đắc lực phần ca.
Diễn và ca đã hòa tan vào máu thịt, tâm não nghệ sĩ đậm đặc đến độ mỗi khi vận dụng để hành nghề, vốn quý tự nhiên hiển thị thành tuyệt kỹ ””diễn trong ca, ca trong diễn””. Những vở diễn đặc sắc của đoàn Thanh Minh được thu hình, thu dĩa đều có ghi tên Hữu Phước đứng đầu danh sách diễn viên đã đành; mà cả đến nhiều vở khác khi thu dĩa cũng ít khi thiếu vắng tên anh. Khó thể thống kê, nhưng có thể kể những bộ dĩa hay : Ảo ảnh Châu Bích Lệ, Nửa bản tình ca, Nắm cơm chan máu, Con gái chị Hằng, Nửa đời hương phấn, ÁO cưới trước cổng chùa, Hoa Mộc Lan, Ni cô Diệu Thiện, Người vợ không bao giờ cưới, Người đẹp Bạch Hoa thôn, Tình cô gái Huế, Nắng chiều trên sông Dịch v.v… và các bài ca lẻ đặc sắc như Nhớ mẹ, Đội gạo đường xa, ÁNH trăng sau mành trúc (ca với Thanh Hương), Tình là dây oan (với Thanh Nga), Tàu đêm năm cũ, Trang Tử thử vợ v.v… Chất giọng anh không tốt như cô ái nữ Hương Lan nhưng dễ cảm, có chất bi.
Nói về Hương Lan tức bé Ngọc Ánh, hằng đêm theo cha đến rạp, xem đào kép tập ca,tập hát. Năm vừa lên 6 tuổi, bé đã ca trôi chảy bản Văn Thiên Tường,Tây Thi, Lưu Thủy, Vọng Cổ. Thiên tài bé Ngọc Ánh phát triển quá sớm. Em dạn dĩ, đóng vai đào con khi lần đầu bước ra sân khấu. Thời gian đó, cha em, tức Hữu Phước chơi thân với hai nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan, Thanh Hương. Thi sĩ kiêm soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà thấy vậy đề nghị Hữu Phước ghép hai chữ ‘Hương Lan” đặt nghệ danh cho bé Ngọc Ánh.
Hương Lan trước năm 1975 đi hát nhiều đoàn nhưng thiên tài của cô chưa “bừng Khởi” đến mức công chúng mê say. Tháng 9/1975, kết hôn với nghệ sĩ Chí Tâm. Hai vợ chồng sang Pháp năm 1978. Bốn năm sau đó Huơng Lan và Chí Tâm chính thức ly dị. Thập niên 80, có người nói là “thập niên của Huơng Lan”. Giọng Hương Lan pha “đồng” lẫn “kim” : mùi, truyền cảm,l ảnh lót, bỗng, đôi khi nhẹ nhàng, êm dịu. Giọng hát “ngọt, bùi”, hát tự nhiên không cần kỹ thuật hoặc điêu luyện. Hương Lan ca tân nhạc ra tân nhạc, hát cổ nhạc ra cổ nhạc. Đứng trên hai lãnh vực tân- cổ, Hương Lan sáng chói cả hai.
Sources: cafevannghe |