Ngày Đăng: 26 Tháng 02 Năm 2016
Họ là những nghệ sĩ có tài, có tâm nhưng đều bạc mệnh khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Có người tự tìm đến cái chết, có người bị trời "kêu" nên phải "dạ"!
Nhưng dù thế nào, họ cũng là những nghệ sĩ đã để lại nhiều tình cảm sâu đậm trong lòng công chúng cũng như đồng nghiệp.
Lê Công Tuấn Anh
Nếu còn sống, bây giờ Lê Công Tuấn Anh đã chuẩn bị bước vào tuổi 50.
Lê Công Tuấn Anh sinh năm 1967. Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ của cha mẹ, anh bị gửi vào trung tâm giáo dưỡng thanh thiếu niên (trại trẻ mồ côi).
Có lẽ vì tuổi thơ quá đau khổ nên nam diễn viên tự lập từ rất sớm và theo lời đồng nghiệp, anh là người rất tình cảm.
Vừa làm thợ hàn, cậu nhóc Lê Công Tuấn Anh vừa tích cực tham gia các phong trào văn nghệ tại Nhà văn hóa quận 3, nơi diễn viên Lê Bình phụ trách. Nhờ đó, tài năng diễn xuất của Lê Công Tuấn Anh được phát hiện.
Sau này, Lê Công Tuấn Anh thi đỗ vào đoàn kịch Kim Cương nhưng chỉ được đóng những vai phụ. Nhờ hai vở "Nhân danh công lý" và "Lôi Vũ" mà Lê Công Tuấn Anh được các đạo diễn điện ảnh để mắt tới.
Năm 1989, Lê Công Tuấn Anh bén duyên điện ảnh với vai một anh chàng họa sĩ trong phim "Tìm vàng" của đạo diễn Lê Hoàng Xuân, sau đó là 1 vai nhỏ trong "Phạm Công Cúc Hoa".
Tuy nhiên tài năng của Lê Công Tuấn Anh chỉ thực sự được khẳng định sau vai Quang đông ki sốt trong "Vị đắng tình yêu".
Vai diễn này đã đưa tên tuổi anh lên bảng xếp hạng cùng với những tài tử điện ảnh thập niên 1990 như Lý Hùng, Công Hậu, Lê Tuấn Anh...
| Lê Công Tuấn Anh, niềm tự hào một thời của điện ảnh Việt. |
Diễn viên Công Hậu từng kể, có năm Lê Công Tuấn Anh đóng tới 20 phim. Và ở phim nào, Lê Công Tuấn Anh cũng đều được khán giả yêu thích.
Trong đó phải kể tới "Vĩnh biệt mùa hè", "Em còn nhớ hay em đã quên", "Anh chỉ có mình em", "Người đẹp Tây Đô", "Ngọt ngào và man trá"...
Lê Công Tuấn Anh từng 3 năm liên tiếp nhận giải Mai Vàng (1993-1995) ở hạng mục Diễn viên được yêu thích nhất. Anh cũng nhận Huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1995 với vai Sỏi trong "Bước qua lời nguyền".
Đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, Lê Công Tuấn Anh tự tìm tới cái chết khi cảm thấy bế tắc trong chuyện tình cảm. Qua đời ở tuổi 29, Lê Công Tuấn Anh đã biến mình từ một ngôi sao điện ảnh thành một biểu tượng nổi tiếng của Việt Nam.
Đám tang Lê Công Tuấn Anh được coi là sự kiện lớn nhất thời kỳ đó với hàng trăm nghìn người hâm mộ xếp hàng dọc đường di quan đến nơi chôn cất.
Nghệ sĩ cải lương Khánh Linh
Cũng như Lê Công Tuấn Anh, nghệ sĩ Khánh Linh ra đi đúng vào lúc đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Năm ấy, anh mới 35 tuổi.
Nghệ sĩ Khánh Linh tên thật là Huỳnh Phúc Thiệt sinh năm 1964 tại Châu Phú, An Giang. Theo ghi chép của soạn giả Nguyễn Phương, thân phụ của anh là ông Huỳnh Văn Động làm nghề buôn bán nhỏ.
Còn mẹ là bà Trần Thị Cẩm Vân chủ một tiệm may áo dài.
Nghệ sĩ Khánh Linh được cha dạy ca cổ nhạc và theo cha đi xem những buổi đờn ca tài tử trong xóm từ khi còn rất nhỏ.
| Nghệ sĩ Khánh Linh cũng từ bỏ cõi tạm ở tuổi đời rất trẻ. |
Năm 12 tuổi, cậu bé tên Thiệt trốn nhà theo đoàn cải lương của bầu Năm Nhánh. Không biết vì mê hát quá hay vì ông bầu cần người giúp việc mà dụ Thiệt.
Ông bầu Năm Nhánh bảo Thiệt có giọng hát vừa giống Duy Khánh vừa giống Vũ Linh. Cái nghệ danh Khánh Linh cũng do ông bầu Năm Nhánh đặt cho anh từ đó.
Lúc mới theo đoàn, ông bầu cho cậu bé làm tiểu đồng trong tuồng "Cô gái bán gươm", nhưng sau đó thì phân công giữ máy đèn, làm placeur chỉ ghế hay làm hậu đài, khuân vác phông cảnh.
Vì trót trốn nhà đi nên cậu bé không dám trở về. Sau này, Khánh Linh còn gia nhập nhiều gánh hát khác nhưng cứ bị người ta chèn ép hoài. Thấy không có tương lai nên anh trở về quê cũ sống với nghề thợ may của mẹ.
Trong một chuyến đi Châu Đốc, Khánh Linh thấy đoàn hát An Giang tổ chức thi tuyển diễn viên trẻ, anh đăng ký dự thi không ngờ trúng tuyển.
Từ đoàn hát An Giang, Khánh Linh được tập từ vai hề, vai kép nhì, có khi được hát thế cả vai chánh. Ở đoàn được 3 năm thì Khánh Linh về đoàn Tiếng Ca Sông Cửu theo lời mời của ông trưởng đoàn Hai Néo.
Thời kỳ đó, khán giả các tỉnh Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Tiền Giang, Long An rất mê nghệ sĩ Khánh Linh.
Sau đó, anh lại thử sức ở đoàn Sông Hương, một đoàn chuyên hát tuồng phóng tác theo phim ảnh Ấn Độ, chuyên diễn ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc.
Khánh Linh thử sức ở đoàn Sông Hương 1 năm thì về lại Hậu Giang, anh được giao chức Trưởng đoàn hát Cửu Long 2. Rồi anh đổi bảng hiệu thành đoàn hát Vĩnh Trà.
Nhưng vì công việc quản lý khiến anh không có thời gian tôi luyện nghề ca hát nên anh giao lại đoàn cho Sở Văn hóa tỉnh và lên Sài Gòn xin gia nhập đoàn cải lương tuồng cổ của bầu Minh Tơ.
Cũng trong thời gian này, anh cộng tác cả với đoàn Hương Mùa Thu, Trần Hữu Trang 2. Dù vậy, Khánh Linh vẫn chưa có được tên tuổi lẫy lừng như anh mong muốn.
Mãi đến năm 1994, khi đứng hát trên sân khấu Thanh Nga, nghệ sĩ Khánh Linh mới được khán giả đặc biệt quan tâm.
| Mộ của nghệ sĩ Khánh Linh tại Chùa nghệ sĩ quận Gò Vấp. |
Anh gây được tiếng vang với các vở tuồng "Đèn đêm nhỏ lệ" (vai Phong) đóng cùng nghệ sĩ Thanh Ngân (vai Linh).
Nhờ các vai diễn của anh với nghệ sĩ Thiên Nga và Thanh Ngân, sân khấu Thanh Nga có doanh thu kỷ lục trong khi các đoàn hát khác đang vắng khách thậm chí phải trả vé vì quá ít khán giả.
Rồi Khánh Linh được hát trên đài truyền hình, thu băng video các tuồng "Chiêu quân cống Hồ", "Tần Thủy Hoàng", "Phùng Bửu Sơn", "Vương quyền bạo chúa"...
Dù có tài nhưng Khánh Linh lại chưa từng được nhận bất cứ huy chương, giải thưởng nào từ các cuộc thi, dẫu so với những diễn viên được đào tạo chính quy, anh chẳng thua họ điều gì.
Lúc sinh thời, nghệ sĩ Khánh Linh vẫn cho rằng, cái huy chương mà anh được hưởng chính là sự tán thưởng nồng nhiệt của khán giả mỗi khi xem anh hát.
Nghệ sĩ Khánh Linh qua đời ở tuổi 35 trong một vụ tai nạn giao thông vào năm 1999.
Nghệ sĩ Hữu Lộc
Nghệ sĩ Hữu Lộc sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm về nghệ thuật. Bà nội anh chính là bầu Thơ nổi tiếng một thời.
Cha anh là cố nghệ sĩ Hữu Thìn. Cô ruột là nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga, anh trai cũng là nghệ sĩ nổi tiếng - Hữu Châu. Nghệ sĩ ưu tú Bảo Quốc cũng là chú ruột của anh.
Hữu Lộc tốt nghiệp khoa kịch nói trường Đại học Sân khấu điện ảnh khóa 14. Năm 2005, anh cùng một số nghệ sĩ chuyên tấu hài ở TP. HCM thành lập Công ty Nụ Cười Mới.
| Cố nghệ sĩ Hữu Lộc. |
Hữu Lộc được khán giả yêu thích qua các vở diễn "Ông bá vú", "Ra giêng anh cưới em", "Người nhà quê", "May mắn thành sao", "Cưới liều","Bụi đời teen"...
Năm 2007, cùng với Hoài Linh, Vương Huyền Cơ, Hữu Lộc được các phóng viên báo chí bình chọn là đạo diễn của năm trong Giải Cù Nèo Vàng.
Sinh thời, Hữu Lộc nổi tiếng là một người trọng tình nghĩa, rất được các anh em nghệ sĩ yêu quý. Trong lúc tên tuổi đang lên, Hữu Lộc bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não. Nam nghệ sĩ qua đời sau đó 1 tuần tại bệnh viện. Năm ấy Hữu Lộc mới 37 tuổi.
Wanbi Tuấn Anh
Nam ca sĩ sinh năm 1987 và mất năm 2013. Wanbi Tuấn Anh được khán giả biết đến sau khi giành giải Ca sĩ triển vọng của Làn Sóng Xanh.
Wanbi còn được biết đến với vai trò người mẫu ảnh, đặc biệt là các báo, tạp chí dành cho tuổi thiếu niên như Hoa học trò, Mực tím, Thế giới học đường...
Năm 2005, Wanbi giành giải thưởng đầu tiên trong sự nghiệp là Gương mặt ấn tượng của cuộc thi Diễn viên triển vọng do báo Điện ảnh TP. HCM tổ chức.
Năm 2008, Wanbi chính thức bước chân vào con đường ca hát chuyên nghiệp mà khởi đầu là mini liveshow tại phòng trà Điểm hẹn Sài Gòn.
Sau đó là MV "Kem dâu tình yêu" kết hợp cùng ca sĩ Tóc Tiên. Cuối năm đó, Wanbi phát hành album đầu tay mang tên 0901 và nhận được sự yêu thích của khán giả trẻ.
| Ca sĩ Wannbi |
Năm 2009, Wanbi ra album song ca cùng Tóc Tiên "Chuyện tình vượt thời gian". Năm 2010, Wanbi tiếp tục phát hành album vol 2 mang tên Thăng (#) gồm các bản nhạc do chính anh sáng tác.
Cùng năm, Wanbi thử sức với điện ảnh trong phim "Bóng ma học đường" của đạo diễn Lê Bảo Trung.
Năm 2012, Wanbi tuyên bố tạm nghỉ hát và cho biết mình mắc bệnh u tuyến yên trong não. Wanbi qua đời tại nhà riêng vào tháng 7 năm 2013. Đám tang của Wanbi được phủ bởi màu xanh và trắng như di nguyện lúc còn sống.
Linh cữu của Wanbi được đưa về Trung tâm hỏa táng trong Nghĩa trang Bình Hưng Hòa để hỏa thiêu.
Cốt được mang về một ngôi chùa ở quận Phú Nhuận và đặt cạnh cha anh, trong khi tro được rải xuống sông Sài Gòn từ cầu Phú Mỹ, nơi anh đã quay MV "Bắt sóng cảm xúc".
Sources: soha |