Ngày Đăng: 12 Tháng 10 Năm 2016 <Mộc Quán tên thật là Nguyễn Trọng Quyền, sinh năm 1876, tại làng Thạnh Hòa, Trung Nhứt, tổng Định Mỹ, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Trung Nhứt, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ).
Lúc còn nhỏ ông học Việt ngữ đến lớp nhứt, sau đó chuyển sang học Hán văn và Pháp văn. Lớn lên ông đi làm thư ký cho hãng rượu nếp Phước Hiệp của ông Vương Thiệu. Do trong hãng phần lớn là công nhân người Hoa nên ông rất giỏi tiếng Triều Châu.
Năm 1903 ông bắt đầu sáng tác thơ tuồng để dạy phép cư xử cho con cháu như: Thoại Bạch Viên, Trùng Ma Phụ Giám và Xử Hạnh Ca. Năm 1906, ông Vương Có, con ông chủ hãng rượu Vương Thiệu, thấy một số anh em tài tử ở Thốt Nốt thường tụ tập đờn ca nên ông sáng lập ra một gánh hát, lấy tên là Tập Ích Ban, mời ông Nguyễn Trọng Quyền làm thầy tuồng. Nhiều người trong Tập Ích Ban đã trở thành những "ngôi sao" cải lương sáng giá trong buổi bình minh của sân khấu kịch nghệ Nam Bộ như: Trần Ngọc Đảnh, Huỳnh Năng Nhiêu (Bảy Nhiêu), Tư Bền, Song Hý...
| San Hậu là 1 trong 85 vở cải lương của soạn giả Mộc Quán. |
Suốt 7 năm làm thầy tuồng cho Tập Ích Ban Nguyễn Trọng Quyền đã viết được 27 tuồng xã hội và dã sử. Năm 1923, ông Lê Phước George và cô Bảy Phùng Há (Trương Phụng Hảo) ở Mỹ Tho thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ, mời ông về làm thầy tuồng, ông tiếp tục viết thêm 12 vở nữa. Năm 1929, ở Thốt Nốt, ông Hai Ky (Nguyễn Bá Phương lập gánh hát Hữu Thành, ông Nguyễn Trọng Quyền đã viết cho gánh này 5 tuồng. Năm 1935, ông Nguyễn Bửu ở Trà Vinh hợp tác với cô Phùng Há tái lập gánh hát Phụng Hảo II, ông tiếp tục viết cho gánh 7 tuồng.
Năm 1937, Song Hý (Năm Hý) ở Thốt Nốt lập gánh Kỳ Quan, và gánh Hữu Thành tái lập, Nguyễn Trọng Quyền soạn 17 tuồng. Năm 1939 ở Thốt Nốt, ông Phan Văn Thới lập gánh Ngự Bình, ông viết cho gánh này 8 tuồng. Mười ba năm sau (tức năm 1952), ông Châu Văn Sáu ở Sài Gòn cùng cô Phùng Há lập lại gánh Phụng Hảo II, ông tiếp tục viết một số tuồng cho gánh này.
Năm 1953, do tuổi cao sức yếu, Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền về quê Thốt Nốt an hưởng thanh nhàn, ông ngâm thơ, vịnh phú, câu cá tiêu dao. Đến ngày 29/10/1953 thì trút hơi thở sau cùng ở Bệnh viện Châu Đốc. Sau này nghệ sĩ Phùng Há và một số nghệ sĩ khác về xã Trung Nhứt - Thốt Nốt trùng tu ngôi mộ ông.
Cuộc đời của Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, ngoài 50 năm tròn chuyên tâm sáng tác ông còn là một nhà giáo dục, nhà thơ và là nhà nghệ sĩ dân gian. Với các bút hiệu: Mộc Quán, Thốc Sơn, Hưng Hoành, Cái Sơn Bô Lão. Ông đã viết nhiều thể loại gồm: 85 tuồng cải lương, 7 tập thơ tuồng, 12 tập sách dạy cách cư xử cho con cháu và hơn 100 bài thơ các loại.
Ngoài tác phẩm "Trùng Ma Phụ Giám", ông còn viết "Phu thê ngôn luận" và 113 câu hát đối đáp đều được xuất bản. Trong số những vở tuồng cải lương do ông soạn có 2 vở "San Hậu" và "Phụng Nghi Đình" được trường nghệ thuật sân khấu đưa vào giảng dạy chính khóa như một loại tuồng kinh điển của cải lương Việt Nam.
Trong nửa thế kỷ trôi qua, Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền đã góp công đào tạo nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: Năm Châu, Phùng Há, Bảy Nhiêu, Kim Cúc, Ba Vân.
Nếu như Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) là cha đẻ của bản "Dạ cổ Hoài Lang" tiền thân của bài vọng cổ, thì soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền là ông tổ của nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Ông là một nghệ sĩ tài danh lớn, đã để lại cho sự nghiệp cải lương Nam Bộ một công trình đồ sộ, đặt cột mốc đầu tiên cho loại hình cải lương Nam Bộ.
Ông là một tấm gương tận tụy, lao động quên mình, cống hiến trọn cuộc đời cho kịch bản sân khấu có chất lượng, mang tính nhân văn và tính khái quát cao. Tên tuổi ông sẽ mãi khắc sâu trong tim những ai biết quý trọng di sản văn hóa, văn nghệ dân tộc./.
Sources: camaunew |