Ngày Đăng: 07 Tháng 07 Năm 2017 Tuổi thơ của NSƯT Phượng Hằng được nuôi dưỡng bởi những vở cải lương cùng chuỗi ngày theo cha mẹ lưu diễn khắp nơi. Dù nghề hát lúc đó khổ cực, lúc đói lúc no, nhưng Phượng Hằng vẫn ước mơ trở thành cô đào vọng cổ. Khổ luyện với niềm đam mê tột bậc, người mộ điệu cải lương có thêm một nghệ sĩ cải lương với làn hơi dài cùng những luyến láy ngọt ngào.
Giây phút biết mình thuộc về cải lương
Chúng tôi bắt đầu buổi trò chuyện cùng (SN 1967, ngụ quận 8, TP.HCM) bằng câu vọng cổ chất chứa nỗi niềm của người nghệ sĩ theo sân khấu cải lương hơn nửa đời người. Nữ nghệ sĩ cho biết, chị vốn sinh ra trong gia đình theo nghề hát cải lương. Chị kể: “Tuổi thơ của tôi là những ngày theo đoàn hát. Khi các cô, chú trong đoàn biểu diễn, tôi thường ngồi dưới sân khấu tập tành hát theo. Đó là trò chơi, thú vui duy nhất của tuổi thơ. Cứ thế, tôi yêu cải lương, vọng cổ lúc nào không biết”.
Tình yêu ấy lớn dần theo năm tháng, lớn đến nỗi, dù nghề hát lúc bấy giờ rất khổ cực, lúc đói lúc no, chị vẫn ước ao một lần được bước lên sân khấu. Sợ con theo cái nghề khổ cực, cha mẹ Phượng Hằng ra sức ngăn cản, khuyên con nên theo nghề khác. Thế nhưng, từ lâu, sân khấu cải lương đã thấm nhuần trong tâm trí chị. Bất ngờ, Phượng Hằng được trưởng đoàn cho hát vai đào chính.
| NSƯT Phượng Hằng - cô đào nhà tông phá cách |
Nhắc lại kỷ niệm xưa, mắt chị vẫn ánh lên niềm hạnh phúc. Chị nói: “Hôm đó, không hiểu vì sao các cô đào trong đoàn bị bệnh hết. Tình thế bí bách, chú trưởng đoàn gọi tôi, hỏi có thuộc tuồng không. Tôi bất giác gật đầu. Thế là ông bảo tôi hát chính trong đêm đó. Lúc ấy, tôi vừa hoang mang vừa hạnh phúc. Trước đây, tôi chỉ hát vui, chưa một lần thực hành, không biết có hát được không. Nếu không được, tôi sợ mình sẽ không còn cơ hội để hát, để cảm nhận tình yêu của khán giả nữa. Thế nên, tôi quyết tâm vượt qua mọi sự sợ hãi, rào cản để khẳng định mình”.
Biết đây là cơ hội để thay đổi cuộc đời, Phượng Hằng mạnh dạn chấp nhận đánh cược. Khi ấy, chị mới 17 tuổi nhưng phải đảm nhận vai người phụ nữ trung niên, sương gió. Để nhập vai, Phượng Hằng phải trang điểm, độn ngực, búi tóc, mang guốc cao để trông già hơn. “Đó là vở Ngai vàng và nữ tướng. Để khẳng định mình, tôi ca, diễn bằng cả con tim. Về kỹ thuật, tôi cố gắng vận dụng tất cả những kinh nghiệm mà các cô chú đã chỉ dạy để hoàn thành thật tốt vai diễn. Kết thúc buổi diễn, lồng ngực tôi như vỡ òa khi thấy phía dưới sân khấu, khán giả vỗ tay thật nồng nhiệt. Lúc này, tôi biết mình đã thuộc về sân khấu cải lương”, chị nhớ lại.
Liều lĩnh phá cách
Chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt, Phượng Hằng trở thành cô đào ăn khách bậc nhất của đoàn hát. Tuy nhiên, nổi tiếng quá nhanh, nên Phượng Hằng vấp phải vô số chướng ngại. Nhiều bạn diễn lời ra tiếng vào. Họ cho rằng, chị nhờ cái bóng của cha mẹ nên mới được đứng trên sân khấu. Lúc này, Phượng Hằng biết rằng để theo được với nghề, thoát khỏi chiếc bóng của cha mẹ, chị phải có nét riêng, phong cách riêng. Phượng Hằng lại đau đáu, loay hoay đi tìm bản sắc riêng trong ngổn ngang suy nghĩ.
Ban đầu, nữ nghệ sĩ tìm nghe băng đĩa của những “thần tượng” để học hỏi. Nữ nghệ sĩ nhớ lại: “Ngày xưa, khi nghe làn hơi dài của chị , anh Minh Cảnh tôi thích lắm. Tôi phục anh, chị vì ca một lần kéo dài đến vài chục từ mà vẫn ngọt ngào, làn hơi đều đặn, trọn vẹn. Thế là tôi lao vào tập, cố sao hát cho hay, hơi dài được như anh Minh Cảnh, chị Thanh Kim Huệ. Tôi tập đêm, tập ngày, tập lấy hơi, giữ hơi trong khi hát,... Cuối cùng, tôi cũng thành công”.
| Ông xã luôn ủng hộ NSƯT Phượng Hằng trong mọi việc. |
Tuy nhiên, khi hát được như hai thần tượng của mình, Phượng Hằng lại muốn phát triển hơi hơn nữa. Chị muốn tạo ra cho mình một kiểu hát riêng, một nét độc đáo để tạo điểm riêng. Thế rồi, chị đã hát dài hơi gấp đôi, gấp ba. Không dừng ở đó, chị còn phá cách bằng việc tạo ra những đoạn luyến láy, trầm bổng. Nữ nghệ sĩ nhớ lại: “Lúc mới đầu tập rất khó, bởi khi ca dài hơi thì luyến láy không được, luyến láy được lại đứt hơi,... Lúc đó, có nhiều người không đồng tình với cách hát của tôi. Họ nói, tôi ngông cuồng, thích phá cách, chơi trội,... Có lúc, tôi tưởng chừng như mình không thể đi đến cuối cùng sự sáng tạo của mình”.
Thế nhưng, mọi hoài nghi, chán chường về sự phá cách của chị cũng tan biến khi Phượng Hằng giới thiệu cách ca vọng cổ mới trên sân khấu. Nghe chị hát, khán giả nhiệt tâm ủng hộ bằng những tràng pháo tay dài không ngớt. Khi nhắc đến Phượng Hằng, khán giả thường nhớ tới giọng hát đặc biệt, độc đáo của cô. Đó là lối ca vọng cổ dài hơi với cách luyến láy trầm bổng, lúc thì cao vút khi lại ngọt ngào. Tuy nhiên, thành công chỉ thực sự đến với Phượng Hằng khi chị chuyển sang hát cho đoàn Trung Hiếu. Từ cách ca diễn theo truyền thống, chị bất ngờ chuyển sang ca diễn theo yêu cầu của đạo diễn. Để vượt qua thử thách mới, sau mỗi lần diễn xong, chị đều đến từng khán giả, hỏi ý kiến từng người xem để biết mình cần phát huy hay hạn chế điểm nào.
NSƯT Phượng Hằng nhớ lại: “Tôi nhớ nhất là ngày cầm kịch bản vở Vụ án Mã Ngưu do thầy Đoàn Bá dàn dựng trên tay. Tôi chưa từng thấy kịch bản nào hay và khó đến vậy. Khi tập, đích thân thầy Đoàn Bá chỉ dạy cho tôi. Thầy bẻ tay, nắn chân, sửa các động tác, rồi thầy nói: “Con mà diễn vở này là coi như trúng số rồi đó”. Lúc đó, tôi cũng không hiểu. Mãi sau này, tôi mới biết, vở này đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi. Bởi, khi diễn vở rất được khán giả hưởng ứng, mến mộ. Đặc biệt, trong lần biểu diễn này, không chỉ có khán giả trong nước mà còn có cả người nước ngoài đến xem”.
Vụ án Mã Ngưu đã thực sự đưa tên tuổi của Phượng Hằng lên một tầm cao mới. Danh tiếng của nữ nghệ sĩ nhanh chóng lan tỏa khắp nước. Chị có được lượng khán, thính giả hùng hậu sẵn sàng yêu thương mình bằng tất cả tấm lòng.
Phượng Hằng kể: “Tôi có nhiều kỷ niệm với khán giả, nhưng có lẽ đây là kỷ niệm tôi nhớ nhất. Lần đó, tôi đi diễn ở Cà Mau. Mới 5h chiều, người ta đã trải chiếu, giành chỗ ngồi gần sân khấu để xem. Tôi để ý thấy một cô bé, tay cầm một xâu chừng 2-3 con cá sặc. Bé đi chân không, tiến về phía tôi nhưng bị bảo vệ cản lại. Thấy tôi, bé lại càng nài nỉ mấy anh bảo vệ cho vào gặp tôi. Thấy bé thương quá, tôi ra nói mấy anh bảo vệ cho vào. Lúc này, tôi mới thấy rõ, chân em không mang dép, lấm lem bùn đất.
Tôi hỏi, “Sao em không mang dép?”. Cô bé thật thà nói là tại nhà xa quá, lại gặp mưa nên đường trơn. Đi được nửa đường thì quai dép em tuột mất nên đi chân không đến để gặp tôi. Nói xong, cô bé chìa ra xâu cá và bảo mẹ em vừa tát mương được, bảo em đem tặng tôi. Bất chợt, tôi như muốn khóc òa. Tình cảm ấy của khán giả khiến tôi hạnh phúc hơn bất cứ điều gì khác trên đời”, chị nói.
Sources: doisongphapluat |
|
|