Ngày Đăng: 24 Tháng 04 Năm 2014 Đôi tri kỷ trên con đường nghệ thuật
Cả một đời gắn bó với nghiệp sân khấu, nghệ sĩ Tám Vân và soạn giả Nhị Kiều đã cống hiến cho đời hàng trăm vai diễn, hàng trăm vở tuồng có giá trị làm rung động trái tim biết bao thế hệ khán giả cải lương (CL). Thế nhưng, mấy ai biết rằng để gắn bó với nghề và trở thành “cánh chim không mỏi” trong nền CL Việt Nam, ông bà đã trải qua nhiều thăng trầm. Vượt qua thử thách, cả đời sống chung với CL của ông bà chỉ gói gọn trong hai chữ “đam mê”.
Cùng đam mê cải lương
Dù biết đến danh tiếng đôi nghệ sĩ Nhị Kiều - Tám Vân đã lâu, nhưng khi bước chân đến gia đình nghệ sĩ, đó là một ngôi nhà nằm trong con hẻm sâu phường Bình Nhâm, TX.Thuận An (ông bà chuyển về Bình Dương sinh sống từ năm 1993) lòng chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Lần trở lại này, cảm xúc trong lòng chúng tôi càng căng tràn khi đôi nghệ sĩ tài hoa này đã không còn nữa. Trong ngôi nhà này, ông bà đã có khoảng thời gian dài cùng nhau sáng tác, thử vai và cho ra đời những vở tuồng xuất sắc.
Nhắc đến soạn giả Nhị Kiều, ngườNgôi nhà của đôi tri kỷ Nhị Kiều - Tám Vân ở phường Bình Nhâm, TX.Thuận An
i con gái Mỏ Cày (Bến Tre), tên thật Quản Thị Minh Nguyệt (SN 1921) là nhắc đến một nữ soạn giả tài hoa. Bà viết tuồng lúc khởi đầu thì ký tên Cô Nguyệt, rồi Hoàng Thị Nguyệt, sau cùng đổi bút danh thành soạn giả Nhị Kiều. Bà xuất thân trong một gia đình làm Đông y, bản thân làm nghề thợ may. Đam mê CL, cô gái nhà quê Minh Nguyệt không bỏ lỡ một vở diễn khi các đoàn hát ghé qua. Con gái bà, Lê Ngọc Xuân, kể lại: “Mẹ tôi rất mê CL. Bà thường nói, CL đã “tưới mát” cuộc đời bà, bởi ca từ và ý nghĩa từng câu ngân. Mặc dù giọng hát không ngọt ngào, truyền cảm nhưng ngày nào bà cũng ê a tập luyện”.
Mặc dù bị gia đình cấm cản, nhưng niềm đam mê cháy bỏng, bà quyết tâm theo nghiệp CL. Nơi đặt chân đầu tiên trên con đường chinh phục mơ ước của bà là đoàn hát Thanh Minh (do nghệ sĩ nhân dân Phùng Há giới thiệu). Ban đầu, bà được giao phụ việc cho nghệ sĩ Tám Vân, người được mọi người đặt cho biệt danh “Quái kiệt” trên sân khấu, bởi lối diễn xuất như “lột tả” từng nhân vật. Ông Tám Vân, tên thật Lê Văn Tám (SN 1924), quê quán ở quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ông xuất thân trong một gia đình nghệ thuật. Nhưng tới năm 33 tuổi ông mới đến với sân khấu CL. Từ khi vào đoàn hát, Thu Nguyệt được ông Tám Vân dìu dắt trên con đường nghệ thuật. Sau đó, vì cảm mến nhau, ông bà đã gắn bó với nhau đến hết cuộc đời.
Cũng vì đam mê CL, ông bà đã cùng nhau bước đi trên con đường nghệ thuật. Sau một thời gian tham gia đoàn hát, bà bắt đầu tập sáng tác kịch. Ông nhận nhiều vai diễn tại các đoàn hát. Con gái ông bà, Lê Ngọc Xuân, cho biết: Vì đam mê CL, ba mẹ tôi thường theo các đoàn hát đi khắp nơi. Mẹ được biết đến là soạn giả nổi tiếng. Ba thành công trong vai kép chính hát cặp với chị Kim Cúc trong tuồng “Người mặt cháy”; vai hoàng tử, đóng cặp với nữ nghệ sĩ tài sắc Kim Lan trong vai Ô phê Ly tuồng “Hàm Lệ Thái tử nước Đan Mạch”. Ông còn được khán giả và báo chí kịch trường ngợi khen khi ông thủ vai chính trong các tuồng “Gió ngược chiều”, “Miếng thịt người”, “Áo người quân tử”…
Con đường sự nghiệp
Để vững bước trên con đường nghệ thuật, người con gái Bến Tre - Nhị Kiều phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Bà phải đối mặt với sự cấm cản của gia đình. Bằng chính tình yêu, lòng đam mê nghệ thuật, tình yêu với người mình gửi trọn cả cuộc đời đã giúp bà vượt qua mọi chông gai, thử thách.
| Chân dung hai nghệ sĩ Tám Vân - Nhị Kiều
|
Nhị Kiều khởi đầu nghiệp viết của mình cho các đoàn kịch: Túy Hồng, Lam Phương, Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương... Năm 1960, bà chuyển sang viết tuồng CL với nhiều tác giả khác. Sau 1975, bà sáng tác và làm đạo diễn cho các đoàn CL tỉnh, như: Cao Văn Lầu, Sông Hậu, Sông Bé III. Với soạn giả Nhị Kiều, hơn 40 năm cầm bút, trải qua nhiều đoàn hát, hãng đĩa, bà là nữ soạn giả viết nhiều vở CL nhất cho đến hiện nay. Một tâm sự của cố nghệ sĩ Nhị Kiều qua lời kể của các con bà: “Bà hát không hay, nên không cùng chồng ca những vở tuồng, CL trên sân khấu. Nhưng ông đi tới đâu, bà cùng đi tới đó. Ông biểu diễn bà phụ giúp phục trang. Một điều quan trọng nhất, bà muốn được cùng chồng “đốt cháy” niềm đam mê nghệ thuật, bằng những tác phẩm bà viết dành cho ông”. “Má có thể sáng tác ở bất kỳ nơi đâu, hay viết bất kỳ lúc nào. Nhiều đêm nằm ngủ má vẫn lẩm bẩm lời thoại của những vở tuồng, hay ngồi bật dậy để viết lại những câu mình vừa chợt nghĩ”, người con thứ Lê Ngọc Xuân, chia sẻ.
Song hành cùng bà, ông Tám Vân trưởng thành hơn tại sân khấu Việt kịch Năm Châu. Sau đó, tham gia các đoàn Kim Chưởng, Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Phước Chung với vai trò diễn viên, đạo diễn. Có hậu phương vững chắc, ông Tám Vân càng cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Cuộc đời nghệ thuật của ông tham gia hơn 50 vở diễn. Theo soạn giả Nguyễn Thành Châu: “Nghệ sĩ Tám Vân có khả năng tiếp thu nhanh nghệ thuật biểu diễn các loại tuồng trên sân khấu với các phong cách khác nhau. Với lối diễn xuất tài tình của ông nhiều người còn cho rằng ông diễn như bị “quỷ ám” trên sân khấu. Khi ở đoàn Việt kịch Năm Châu, ông được vào các vai chính trong các tuồng xã hội Tây phương, do chính soạn giả phỏng tác”. Những tác phẩm đã gắn bó theo ông đến hết cuộc đời như: Vương Tư Đồ trong tuồng Phụng Nghi Đình; vai cha của Hoa Mộc Lan trong tuồng Hoa Mộc Lan; vai Tống Nhơn Tôn trong Xử án Bàng Quý Phi…
Có thể thấy, tình yêu của ông bà đã hòa trọn bản tình ca như bà mong muốn và trong sự thương yêu của những ai biết đến tình yêu son sắt, bền chặt của bà. Đến gần cuối đời, bà vẫn sáng tác, ông hát và sửa lời ca cho bà. Ngày ông mất, bà đã làm bài thơ tặng ông: “Ngồi bên mồ tôi gọi mãi tên anh. Tám Vân ơi! Hãy theo em về nơi tổ ấm. Người và ma sẽ cùng nhau chung sống. Sẽ cùng nhau viết trọn bản tình ca”.
Nghệ sĩ Bạch Tuyết (luôn coi ông Tám Vân là thầy), tâm sự: “Ông bà là hai người đặc biệt của CL. Ông là người nghệ sĩ rành bài bản CL nhất. Bà không chỉ là phụ nữ trí thức, viết tuồng giỏi mà còn là một phụ nữ sống hết mình vì tình yêu. Ông bà là hai người bạn đời mà cũng là một đôi tri âm tri kỷ đẹp đẽ của CL”.
Sources: baobinhduong |