Ngày Đăng: 16 Tháng 11 Năm 2017 Ngày 15-11, NSƯT Thoại Miêu đã gặp lại một nhân vật lừng lẫy, góp phần làm nên tên tuổi của chị trong tác phẩm của tác giả Lê Duy Hạnh. Từ vai diễn này chị đã có những trăn trở về sàn diễn cải lương hiện nay
| NSƯT Thoại Miêu trong vai Sáu Bình |
Phóng viên: Vai diễn này đã mang về cho chị HCV tại Hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012. Đến nay diễn lại chị có cảm xúc gì?
NSƯT Thoại Miêu: Tôi xúc động lắm, vì vai Sáu Bình đã được đạo diễn NSƯT Hoa Hạ chăm chút, thời đó cả ê- kíp diễn viên của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tập đêm, tập ngày với cường độ làm việc hết sức nỗ lực, từ đó mới đem lại hiệu quả. Bản dựng mới này do đạo diễn NSƯT Hữu Lộc dàn dựng, nhằm mục đích dự thi Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2018 cho đơn vị là Đài Phát thanh Truyền hình Cần Thơ. Với tôi vai Sáu Bình mang đậm dấu ấn của một người phụ nữ đứng trước những nguy cơ mất còn của việc bảo vệ truyền thống văn hóa, cội nguồn của dân tộc. Tôi thích vai diễn này vì tâm lý nhân vật rất nặng, mang nhiều cảm xúc, ngay cả khi quay hình xong tôi vẫn chưa thể thoát ra vai diễn, cứ nghĩ mình vẫn đang mang tâm trạng của Sáu Bình.
| NSƯT Thoại Miêu và các diễn viên trong vở "Cội nguồn" |
Chị vẫn luôn là điểm tựa vững vàng cho thế hệ diễn viên trẻ gắn bó với Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, việc sàn diễn sáng đèn trong nỗ lực cuối tuần, anh chị em nghệ sĩ phải có suất diễn, chị nghĩ gì về những khó khăn của nghệ sĩ cải lương hiện nay trong việc cố gắng mang khán giả đến rạp?
-Tôi biết mỗi suất hát các em phải chia nhau vé đi bán, đi mời các khán giả quen thuộc của cải lương đến xem, tôi rất xót xa. Rạp Hưng Đạo nhiều năm xây mới, rồi sửa chữa nên khán giả vãng lai đã mất dần, chưa quen việc đến rạp. Tôi nghĩ phải mất nhiều thời gian để khán giả làm quen. Mà các vở diễn phải thật hay, thật cảm động, lôi cuốn thì khán giả mới đến xem. Tôi cũng được mời quay lại để diễn với các em vở "Cõng mẹ đi chơi". Tôi cũng hào hứng lắm. Có điều khán giả chưa đông nên phải cần tăng cường thêm tính tiếp thị, bây giờ bán vé chỉ qua trang cá nhân của nghệ sĩ từng đoàn hát, hoặc mối quan hệ thì chưa đủ, phải có tính quảng bá rộng hơn để cải lương sáng đèn bền bỉ. Gian khó nhiều nhưng tôi thấy các em không nản mà hồ hởi lắm, nên cũng vui trong lòng.
| NSƯT Thoại Miêu vui mừng gặp lại đạo diễn NSƯT Hữu Lộc |
Từng ngồi vị trí ban giám khảo cuộc thi Tuyển chọn giọng ca cải lương Nguyễn Thành Châu của Đài PTTH Tiền Giang, chị nhận xét thế nào về chất lượng của các thí sinh ca cổ lâu nay?
-Các em là một nguồn quý cho việc bổ sung lực lượng trẻ của các sân khấu. Nhưng từ một thí sinh dự thi ca cổ đến một diễn viên thực thụ, khoảng cách đó khá xa. Ngày nay, các em đi đường tắt thì nhiều, còn đi đường chính quy thì ít. Việc học tập để trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên nghiệp của một diễn viên đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn. Tôi rất hoan nghênh việc Hội Sân khấu TP HCM đang mở lớp tập huấn cho diễn viên, đạo diễn, tác giả trẻ để các bạn trẻ có cơ hội nắm vững hơn về chuyên môn, về nghệ thuật cải lương, đó là một việc làm bổ ích.
| NSƯT Thoại Miêu và NS Chí Linh trong vở "Cội nguồn" |
Theo chị hiệu quả từ các cuộc thi tuyển chọn tài năng cần sự đổi mới gì để thật sự tạo chất xúc tác cho lực lượng diễn viên sân khấu cải lương đủ sức trẻ, đủ tầm để tiến xa?
-Phải có nhiều kịch bản mới. Nói thật qua nhiều cuộc thi, các em cứ thi các vai cũ, quá ít sự tiềm tòi sáng tạo nên đó là một điều cần thay đổi. Hồi đó tôi học tại Viện Âm nhạc Kịch nghệ Sài Gòn, nay là Nhạc Viện TP HCM, các thầy cô như: NSND Năm Châu, Phùng Há, cô hai Kim Cúc, thầy Duy Lân, danh cầm Chín Trích…đều dạy những vai mới. Học kỳ 1 khác học kỳ 2, mỗi khóa đều khác, không có vai diễn nào lặp lại. Chính vì thế, chúng tôi mới có được nền tảng cơ bản vững. Các em diễn viên đi thì mà hát lại vai cũ, tức lặp lại chính mình, không có nhiều sáng tạo. Cái vòng lẩn quẫn này sẽ khiến các em bị bó hẹp nghề nghiệp của chính mình. Và từ đó khán giả đến xem cải lương trong thời đại mới nhưng chẳng nhận được thông điệp gì từ sự đổi mới hằng ngày của cuộc sống.
| NSƯT Thoại Miêu và NS Vân Hà |
Sources: nld |