Ngày Đăng: 28 Tháng 06 Năm 2010 "Nhiều người vẫn nói nghệ sĩ lấy nhau sẽ dễ thông cảm, chia sẻ nhưng trên thực tế, do nhìn thấy mặt trái của nghề nên thường dễ xảy ra xích mích....", Hương 'tươi' chia sẻ.
Nổi danh với các tiểu phẩm hài trong chương trình Gặp nhau cuối tuần, Gala cười nhưng Hương “tươi” (nghệ danh của nghệ sĩ Thu Hương) vẫn cho rằng, chị không thích diễn hài so với việc được hoá thân vào nhân vật chính kịch mang yếu tố bi.
Sợ nhất “bi kịch một màu”
Hương “tươi” dấn thân nghệ thuật giống như một cuộc chơi. Năm học lớp 7, chị được bố mẹ cho sinh hoạt tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, rồi học kịch ở Cung Hữu nghị Việt – Xô, tuần 2 buổi. Từ những vai “lót” cho các anh chị lớn, niềm đam mê nghệ thuật lớn dần lên trong Hương. Tốt nghiệp lớp 12, Hương “tươi” thi đỗ trường Sân khấu Điện ảnh. Những tưởng cả gia đình sẽ vui vẻ, nào ngờ, ngay cả người thương chị nhất là mẹ cũng nói rằng: “Mẹ mong con vào trường rồi lại phải ra, vì cả nhà không thích con làm nghệ thuật”.
Khán giả quen với hình ảnh đỏng đảnh, tưng tửng đầy chanh chua của Hương “tươi” trong các tiểu phẩm Gặp nhau cuối tuần chắc chắn rất khó tin được rằng, những năm ngồi trên ghế nhà trường, chị luôn bị các thầy mắng đi mắng lại đúng một câu: “Diễn viên phải đa sắc, còn cô chỉ diễn được một mầu ở dạng vai bi kịch”. Bài tốt nghiệp ra trường của chị cũng là một vai bi, trong vở Mùa hạ cay đắng.
Năm 1991, Hương “tươi” về thực tập tại Nhà hát Tuổi trẻ. Trong thời gian này, chị được tham dự một liên hoan sân khấu nhỏ tổ chức tại Quảng Ninh và giành giải Diễn viên xuất sắc trẻ tuổi nhất với vai diễn trong vở Đợi đến bao giờ của tác giả Xuân Đức. Năm 1993, chị chính thức về đầu quân cho Nhà hát Tuổi trẻ. Bước vào sân khấu chuyên nghiệp đúng vào thời điểm lớp nghệ sĩ Lê Khanh, Chí Trung, Anh Tú…đang nổi như cồn, đó là một thử thách không nhỏ đối với “người mới” như Hương.
Dẫu chị vẫn có vai nhưng đó chỉ là các vai nhỏ, luôn đứng sau các diễn viên lớn. Những năm tháng ấy, được đứng trên sân khấu cũng là một hạnh phúc và hãnh diện không nhỏ. Thế rồi năng lực dần được khẳng định theo năm tháng, Hương “tươi” hay được giao vào các vai chính kịch, mang nặng yếu tố “bi”. Chị thường đảm nhiệm vai trẻ con nhí nhảnh hoặc cô gái lỡ dở đau khổ triền miên. Dù diễn chính kịch, Hương “tươi” cũng ít khi uỷ mị, sướt mướt. Cái tôi của chị thể hiện ở chỗ, vào vai đau khổ, bi thương đến mấy vẫn luôn thể hiện sự cá tính, ngông nghênh ít lẫn vào đâu được. Phương châm của chị là cứ “tưng tửng” đi lên, từ từ ngấm vào lòng công chúng.
Một lần, chị được NSND Phạm Thị Thành (lúc đó còn là Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ) phân cho vai cô con gái út đanh đá trong vở Trò đời của nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Đứng chung sân khấu với các diễn viên cứng, phong cách của Hương “tươi” chiếm được nhiều cảm tình từ phía khán giả. Từ đó, “năng lực” diễn hài của chị mới “phát lộ”.
Rồi cơ may đưa chị xuất hiện trong chương trình Gặp nhau cuối tuần, đọng lại trong lòng công chúng với “sở đoản” hài kịch. Thành công ở Gặp nhau cuối tuần là một bất ngờ lớn, bởi theo chị tự nhận, bản thân mình là người không sở hữu gương mặt có thể khiến người khác cười lăn khi nhìn thấy. Tự đáy lòng, chị luôn thấy mình diễn vai bi ngọt hơn. Nói khóc là rơi nước mắt được ngay. Nhiều khi diễn xong, quá nhập vai mà trở ra cánh gà vẫn còn rưng rức.
Từ sau Gặp nhau cuối tuần, khán giả ít thấy Hương “tươi” xuất hiện trong các chương trình hài, bởi như chị tâm sự: “Bây giờ nhiều “cái hài” quá, không phải tiết mục nào cũng ấn tượng. Hơn nữa, diễn hài phải thật, mà mình thì luôn sợ lặp lại bản thân trong các vai diễn, đó là “bi kịch một màu” của người diễn viên”. Được ghi nhận ở sân khấu hài, nhưng đến tận bây giờ Hương “tươi” vẫn nhận đó là sở đoản của mình. Những ai từng đến xem kịch tại Nhà hát Tuổi trẻ, thấy Hương “tươi” diễn bi, hẳn sẽ biết rõ tại sao chị thích diễn phong cách này hơn.
Nói về nghiệp diễn, Hương “tươi” bộc bạch, chưa bao giờ chị dám mãn nguyện với sự nghiệp của mình. Trong môi trường này, đích đến của người nghệ sĩ không có giới hạn tuyệt đối. Trái lại, trong cuộc sống, chị xác định được rất rõ mục đích của mình: Nuôi 2 con khôn lớn và giữ mái ấm hạnh phúc gia đình. Với chị, gia đình luôn là số một, là nền tảng vững chắc nhất để có được thành công. Cho nên, dù bận bịu đến mấy, chị vẫn thu xếp thời gian để quán xuyến việc nhà.
Con cái là mối quan tâm hàng đầu
Hương “tươi” hết hôn với nghệ sĩ Hoàng Trung từng là diễn viên cùng Nhà hát Tuổi trẻ, hiện công tác tại Nhà hát kịch Hà Nội. Chị hơn chồng tới 9 tuổi. Hiện giờ, anh chị có 2 con, con gái 5 tuổi và con trai 3 tuổi. Trong cảm nhận của chị, chồng là người hiền lành và trung thực, biết chăm lo cho cuộc sống gia đình.
- Khi vợ hơn chồng đến 9 tuổi, quan hệ của 2 người có bị “lệch pha” trong cuộc sống?
- Nói là không thì không đúng nhưng tôi hài lòng với cuộc sống mình đang có: Một ông chồng biết lo cho gia đình và 2 con, đủ nếp - tẻ. Tôi cũng tin rằng không có ông chồng nào là hoàn hảo và tuyệt vời, cho nên dẫu ra sao, tôi cũng không bao giờ đánh đổi cuộc sống hiện tại của mình.
- Cả hai vợ chồng đều làm nghệ thuật, có thể dễ dàng thấy rõ mặt trái của nhau. Mà cuộc sống nghệ sĩ vốn lắm thị phi, nhiều điều tiếng. Chị có thấy rằng việc giữ gìn hạnh phúc khó hơn người thường?
- Theo quan điểm của tôi, cái gì đã mất đi rồi là cái không tốt, cái tốt đẹp chính là thứ mình đang còn nắm giữ. Nhiều người vẫn nói nghệ sĩ lấy nhau sẽ dễ thông cảm, chia sẻ nhưng trên thực tế, do nhìn thấy mặt trái của nghề nên thường dễ xảy ra xích mích.
Hơn nữa, nghệ sĩ nhạy cảm kinh khủng, chỉ cần không vừa lòng một chút là sinh chuyện ngay. Vì vậy, để nói rằng cuộc sống vợ chồng tôi rất tuyệt vời, rất mãn nguyện là không có, song những gì tôi đang giữ, vẫn là đẹp, cho dù có đui què mẻ sứt…
- Những người đàn bà lấy chồng trẻ thường ghen dữ lắm, chị thì sao?
- Có ghen, nhưng không đến mức độ “hầm hầm như thịt bầm nấu cháo”. Tôi cá tính mạnh nhưng lại mau nước mắt. Trong cuộc sống gia đình, tôi quan niệm, hễ mà làm phật ý một lần, làm mất lòng một lần thì dù có nặng tình đến đâu cũng vứt bỏ hết. Lại có những thứ mà người khác cho là tội lớn, tội tày đình thì tôi hoàn toàn có thể tha thứ cho chồng.
Ngược lại cái người ta không cho là lớn thì tôi không thể chấp nhận. Bây giờ với tôi, con cái là số 1. Vợ chồng có xảy ra chuyện gì đi nữa, cấm được làm ảnh hưởng tới con. Để con cái đi đâu bị kém cạnh, bị bạn bè trêu trọc là tôi tuyệt đối không bằng lòng. May mắn ở chỗ tôi là người sống lạc quan, luôn nghĩ cái gì mình đang có là tốt đẹp nhất nên mọi thứ đều dễ thở. Khi nào hơi bực tức, tôi lên giường ngủ là quên hết.
- Cái nhỏ khó tha thứ trong cuộc sống mà chị đề cập là điều gì?
- Thực ra vẫn xoay quanh chuyện về con cái thôi. Tôi không muốn con mình phải xấu hổ vì mẹ thế này, bố thế kia.
- Con đường nghệ thuật đầy nghiệt ngã, chông gai. Chị có muốn hướng con cái đi theo một con đường khác?
- Không phải cứ muốn là được đâu, có lẽ con có thích nghề gì thì bố mẹ phải theo nó thôi. Ngày xưa bố mẹ đâu có thích tôi làm nghệ thuật, nhưng cuối cùng vẫn phải để tôi làm đó thôi. Biết nghệ thuật có nhiều mặt trái vẫn không thể ép con cái được. Mình chọn sai nghề cho con, sau này hối hận thì quá muộn.
- Hương “tươi” luôn chọc cười khán giả bằng giọng điệu tưng tửng của mình. Không biết ngoài đời chị có tưng tửng như vậy?
- Diễn hài, tôi sợ nhất là lặp lại hình ảnh, phong cách theo một lối mòn. Tôi không dám nhận mình là danh hài vì lý do như thế. Bất cứ ai cũng vậy, diễn hài phải cực kỳ thật, chỉ hơi “cương” là hỏng ngay. Còn tôi, ai gặp ngoài đời mới biết khác hẳn trên sân khấu. Tôi là người ít nói, kén bạn chơi và rất cá tính. Ngày trước, xem Gặp nhau cuối tuần, nhiều bạn học gọi điện cho tôi bảo là sao ngày xưa lầm lì ít nói mà lại diễn toàn vai nói nhiều, đanh đá thế nhỉ?
- Trong giới nghệ sĩ vốn đồn đoán chuyện giành giật show diễn của nhau, chị có gặp trường hợp này bao giờ?
- Tôi ít khi quan tâm tới vấn đề chạy show lắm. Cho tới bây giờ, có thể nói rằng, tôi vẫn thường nhận được lời mời đi show, mặc dù đã có một thời gian dài ít tham gia hoạt động nghệ thuật để chăm sóc con cái. Hiện tại, tuy không phải chạy sô nhiều, nhưng hàng tháng tôi vẫn có thể kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình, nuôi 2 con.
Tôi là người không thích tranh giành, bầu sô chỉ cần có sự so sánh với người khác là tôi không bao giờ nhận sô đó nữa. Tôi sẽ nhường lại cho người kia và tôi từng làm như thế. Từ xưa tới nay, tôi chưa phải tranh giành sô với bất kỳ ai cả. Bầu sô thường nói tôi rất chảnh, do nguyên tắc không bao giờ diễn ở quán xá. Tôi từng một lần phải diễn ở quán xá do bầu sô nói dối. Từ đó trở đi, tôi không bao giờ làm việc với người đó nữa.
- Sau thất bại trong vai trò MC chương trình “Đuổi hình bắt chữ”, không thấy MC Thu Hương xuất hiện trên truyền hình nữa. Phải chăng chị đã tự “biết mình biết người”?
- Phải khẳng định lại là tôi làm chương trình này không hề dở, thậm chí cực xôm. Tuy nhiên, có nhiều lý do chỉ người trong cuộc biết, nên tôi rút lui khỏi chương trình. Có thể năm đó là vận hạn của tôi. Rời khỏi vị trí MC Đuổi hình bắt chữ, tôi có nhận được một vài lời mời làm MC nhưng nghĩ cảnh “làm dâu thiên hạ” phải cẩn thận, nên tôi rất dè dặt trong chuyện này.
Đó là lý do tôi không nhận lời dẫn bất kỳ chương trình truyền hình nào nữa. Còn công việc MC, tôi vẫn làm, vẫn dẫn cho Nhà hát Tuổi trẻ và một số chương trình sự kiện của các công ty.
Theo Thế Giới Phụ Nữ
Sources: zing |