Ngày Đăng: 06 Tháng 03 Năm 2014
Tôi ngồi đối diện với anh ở bàn tròn nhỏ giữa nhà, ly nước sâm con anh pha sẵn. Hơn 10 năm qua, mọi sinh hoạt của anh đều phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Vài lời vấn an sức khỏe, tôi bắt đầu câu chuyện bằng câu hỏi: “Anh còn tiếp tục sáng tác không?”. Anh trả lời: “Từ năm 2002 đến giờ anh không sáng tác nữa!”. Tôi hỏi anh về những người bạn cũ, kỷ niệm thời chiến tranh... Như khơi được mạch trong ký ức của anh, anh kể tôi nghe chuyện ngày xưa từ khi anh còn là cậu bé trong Đội Văn nghệ Đàn chim Việt, theo các anh, các chú phục vụ đồng bào tỉnh Bạc Liêu trước năm 1960, đến khi anh trở thành diễn viên của Đoàn Văn công tỉnh Cà Mau giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, hoạt động vùng căn cứ rừng đước, rừng tràm ở Cà Mau và giai đoạn công tác ở Đoàn Văn công Khu Tây Nam Bộ, anh kể về hoàn cảnh ra đời từng tác phẩm của mình. Từ ngày bắt đầu sáng tác cho đến khi gác bút, anh đã viết 20 vở cải lương và 200 bài ca cổ cùng một số chặp, vở ngắn .
So với những nghệ sĩ đàn anh thì số lượng tác phẩm của Trọng Nguyễn còn khiêm tốn, nhưng anh lại có rất nhiều tác phẩm để đời như vở cải lương “Giọt máu oan cừu”, “Rừng thần”, “Tình sử Thiên ZANA” và hàng chục bài ca cổ đã đi vào lòng khán giả. Anh chia sẻ: Ngày xưa anh đâu nghĩ mình trở thành người sáng tác, anh chỉ là diễn viên nhưng toàn đóng vai người già bởi ngoại hình không đẹp. Biết mình không thể vào vai kép chánh nhưng mỗi lần đạo diễn (thường là lãnh đạo đoàn) phân vai, anh thấy tủi thân, do yêu nghề nên đành chấp nhận. Nhưng cũng từ các vai diễn đó, anh tích lũy kinh nghiệm cách viết lời thoại, cách xây dựng cốt truyện hay giải quyết tình huống..., dần dần rồi quen, anh thử viết những bài vắn, thấy được, mấy anh lãnh đạo đánh giá tốt và đưa vào tiết mục biểu diễn, động lực này thôi thúc anh trở thành người sáng tác chuyên nghiệp. Những khi đi thực tế, anh lắng nghe từng câu chuyện, từng hoàn cảnh rồi để đó tích lũy, những chi tiết này rất cần bởi nó thật, dễ thuyết phục người nghe.
Anh viết vở cải lương trước khi viết ca cổ, vì “nó có thuận lợi từ công việc chuyên môn của mình”. Theo anh, không thể so sánh giữa vọng cổ và vở cải lương cái nào dễ viết hơn cái nào. Có những bài cổ phải ấp ủ đến 20 năm mới viết được, còn tuồng cải lương, nếu đủ yếu tố để cấu thành câu chuyện và động lực của cảm xúc thì có thể một tháng là hoàn chỉnh. Vọng cổ không nhiều từ ngữ như cải lương nhưng có những bài mang dấu ấn rất đậm, nó sống trong lòng công chúng hơn nửa thế kỷ, như các bài của những soạn giả đàn anh: Quy Sắc, Trần Hữu Trang, Viễn Châu... Vọng cổ không phải là thơ, không phải văn xuôi, nó là văn chương biền ngẫu, nhưng vọng cổ phải có thơ, có văn, có nhạc, người viết phải chú ý từ ngữ vừa tượng thanh vừa tượng hình, tựa như mình kể một câu chuyện bằng loại ngôn ngữ biền ngẫu chỉ 4 hay 6 câu nhưng nó chứa đựng chủ đề không thua gì một vở cải lương.
Nghe anh nói đến đây tôi chợt nhớ những bài vọng cổ vượt thời gian của anh, như: “Quê anh quê em”, “Mỹ Tho mùa trăng bến hẹn”, “Bà mẹ và sân chim”, “Giận hờn”, “Chợ mới”... cùng những ca từ đã ăn sâu vào tình cảm của công chúng bởi cái tài thổi hồn vào chữ nghĩa của anh.
Anh giải thích: “Cái nghe, cái thấy của người nghệ sĩ vượt cả không gian, thời gian, dù ngồi ở thành phố trong căn phòng tiện nghi mà nghe gió rít ngoài biên cương, thấy hoa nở trên đồi xa thẳm”. Nhiều bài ca cổ của anh là những câu chuyện truyền thuyết. Theo anh, “truyền thuyết là do người ta đặt, mình cũng có quyền đặt vậy, miễn sao nó có thông điệp, gây cảm xúc, hợp lý hợp tình là được. Tại sao nhiều người viết vọng cổ ca nghe rất hay mà người ta không nhớ được lâu bởi nó không gây ấn tượng cho họ. Cây cỏ hay đá núi vô tri nhưng người nghệ sĩ phải biết thổi vào nó linh hồn”.
| Vợ chồng soạn giả Trọng Nguyễn. |
Anh cho biết thêm: “Anh viết nhiều nhưng không phải bài nào cũng ưng, có những bài nó ngấm vào anh dữ lắm. Kinh nghiệm của anh là khi có nhân vật, có chủ đề rồi nhưng chưa viết vội, hãy chờ cho cảm xúc chín muồi mới viết, hãy để cho “mạch” nó chảy tràn, lúc đó văn chương, chữ nghĩa trào ra viết không kịp mà nó lại hay nữa! Em biết không, chọn được cái tứ hay chưa đủ mà chọn được từ hay thì mừng như bắt được vàng!”.
Hãy dành cho ca cổ những từ ngữ đời thường để nó chuyển tải được cái thật của đời sống, nó đời thường là gần gũi chứ không có nghĩa là cẩu thả, hời hợt... để nó dễ đi vào lòng người, làm sống dậy những tình cảm, ký ức trong tâm tư của họ. Hoa, lá, cỏ, cây, ánh trăng, ngọn gió, dòng sông, con đò... đều có ngôn ngữ, người nghệ sĩ phải biết lắng nghe rồi làm cho con người và cảnh vật có sự đồng cảm, giao hòa để nhìn vật nhớ người, nhìn người nhớ cảnh...
Trong số 200 bài ca cổ của Trọng Nguyễn thì bài “Chợ mới” hết sức tiêu biểu về sức lan tỏa. Nghệ sĩ Thanh Tuấn bảo: “Bài của anh Trọng Nguyễn nếu phát trên đài một lần trả anh 2 ngàn đồng thôi, anh cũng thành tỷ phú!”.
Người ta nói vinh quang của người nghệ sĩ ngoài tài năng còn có sự may mắn. Đối với Trọng Nguyễn thì quan niệm ấy dường như chưa chính xác, bởi yếu tố may mắn quá hiếm hoi mà cái chủ đạo để làm nên một Trọng Nguyễn sáng ngời tên tuổi là sự miệt mài lao động, say sưa viết, rung động mãnh liệt trước vạn vật, chứa trong đó những cung bậc âm thanh và hình ảnh, qua ngòi bút của anh, tất cả đều có hồn và sức sống bền bỉ.
| Soạn giả Trọng Nguyễn và nghệ sĩ Lý Bạch Huệ. |
| NSƯT Hoa Phượng (Đoàn Cải lương Hương Tràm) tặng hoa soạn giả Trọng Nguyễn tại Lễ trao giải Văn học nghệ thuật Phan Ngọc Hiển lần thứ nhất – 2013. |
Sources: tinviet |
|
|