Ngày Đăng: 11 Tháng 06 Năm 2015 Năm 1924, có hai vợ chồng từ Bắc Ninh vào Sài Gòn sinh sống. Năm 1926, họ sinh đứa con đặt tên là Hoàng Đình Ngà. Nhà cạnh rạp hát Thuận Thành (khu Đa Kao) nên cả cha lẫn mẹ đều mê cải lương, và cậu bé Ngà cũng thế...
Nhờ người cha dạy cho chút ít võ nghệ nên cậu bé lọt ngay vào mắt xanh của ông bầu gánh chuyên hát tuồng kiếm hiệp. Thế là 13 tuổi cậu theo gánh hát với cái tên Văn Ngà, trôi nổi khắp xứ. Vóc dáng cao lớn, giọng ca khá hay, lại thường đu bay luyện võ, gọi là “kép ca”, nên khán giả rất ái mộ.
Nhưng khi gặp ông Trần Văn Tám của đoàn Mộng Vân, Văn Ngà nghe lời ông khuyên rẽ sang con đường “kép độc”, nhờ vậy mấy mươi năm sau Văn Ngà mới có vai diễn Thái thú Tô Định mà đến các bậc lão thành cũng phải khâm phục.
Vở Tiếng trống Mê Linh của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, trong đoàn quân xâm lược có ba nhân vật với cá tính đặc trưng. Mã Tắc hung hãn nhưng kém trí, bồng bột; Tào Quyên thì ranh ma, gian xảo; còn Tô Định có đầy đủ sự khôn ngoan, mưu lược. Chính vì vậy mà cái hiểm độc của hắn mới sâu hơn, nguy hiểm hơn. Và cũng chính vì vậy hắn mới là đối thủ tầm cỡ của bà Trưng Trắc. Chiến đấu với một kẻ thù như thế mới xứng đáng anh thư hào kiệt. Nếu Tô Định tỏ ra kém cỏi thì giá trị của Trưng Trắc sẽ thấp đi nhiều. Tô Định được cử sang Giao Chỉ làm thái thú dĩ nhiên hắn phải có năng lực. Chỉ riêng võ nghệ đã cao cường, mà lại dám đi vào rừng núi Mê Linh hiểm trở, chiến khu của quân kháng chiến đầy người mai phục, chứng tỏ hắn rất tự tin.
Văn Ngà nói: “Tôi thích Tô Định ở điểm này, với cương vị chỉ huy nhưng không ngồi trong “văn phòng” mà chịu khó trực tiếp đi thị sát, nắm rất rõ tình hình. Không có gì lọt nổi mắt hắn”. Quả vậy, khi lính của Trưng Trắc khiêng chiếc ngà voi ra để đổi lấy những mạng người vô tội, thì Tào Quyên, Mã Tắc tham lam reo mừng, còn Tô Định lại lộ vẻ lo lắng. Hắn chỉ quan tâm tới người đã bắn được con voi này, nói sẽ trọng thưởng, nhưng thật ra hắn muốn tìm nhân tài của đất Việt để triệt hạ. Bởi muốn giết voi phải bắn vào tai nó, mà vành tai to lớn luôn luôn phe phẩy che khuất lỗ tai, ai bắn đúng vào điểm ấy phải là thiện xạ. Không ngờ Trưng Trắc khôn ngoan không kém, bà trả lời rằng ở đất Việt này ai cũng bắn được voi, ngầm ý cảnh cáo Tô Định. Một cuộc đấu trí giữa hai người chỉ huy, không ồn ào, chỉ có vài câu nói nhấn nhá trọng âm, nhưng lại căng như sợi dây đàn. Cuối cùng Tô Định thốt lên: “Người đàn bà đó đáng cho chúng ta khiếp sợ đó!”. Con mắt tinh đời của Tô Định quả sáng suốt, và hắn tỏ ra tôn trọng đối phương chứ không cao ngạo, chủ quan khinh địch như Mã Tắc, Tào Quyên.
Văn Ngà đã tập luyện công phu để Tô Định có một giọng nói nhẹ nhàng nhưng nghe rợn cả người. Hắn xuất hiện không ồn ào, mà chung quanh chợt im phăng phắc, không khí đọng lại như báo hiệu sự chết chóc. Khi hắn cất tiếng không ai lường trước được lành dữ. Ở Tô Định là sự bình tĩnh hiểm độc của kẻ coi đất nước Giao Chỉ trong lòng bàn tay muốn giết lúc nào chẳng được. Văn Ngà không hát nhiều, ông chỉ để Tô Định nói, hoặc lách mặt sang bên khiến người xem phải hồi hộp dõi theo hướng nhìn ấy. Đó là thủ thuật gây chú ý của Văn Ngà. Ngay cả dáng đi như một con báo, rất nhẹ nhưng giấu sức mạnh bên trong, sẵn sàng vồ mồi bất cứ lúc nào. Với lối diễn này, nhận xét của nghệ sĩ Thanh Nga làm ông giật mình: “Chú ơi, con diễn với chú mà con sợ quá, vì con cứ thấy chú y như kẻ thù thật của đất nước con. Con căng ra theo từng bước đi của chú. Chú liếc mắt là con phải liếc theo, xem Tô Định quan sát những gì, hồi hộp trong sự hiểm nguy tích tắc”.
Nhiều nghệ sĩ lão thành hồi ấy ngồi xem Văn Ngà diễn cũng cảm nhận như thế. Tô Định như bằng xương bằng thịt chứ không còn là nhân vật sân khấu nữa. Mấy chục năm, Văn Ngà vẫn diễn trích đoạn này cho các chương trình của thế hệ nghệ sĩ trẻ. 82 tuổi, ông còn khỏe mạnh, có lẽ nhờ tập võ. Và trên vách tường vẫn là tấm ảnh vai Tô Định được treo trân trọng nhất.
H.K Việt Báo (Theo_Thanh Niên )
Sources: cailuongpho |