Ngày Đăng: 09 Tháng 04 Năm 2016 NSƯT Trọng Phúc nói đời đã chọn anh làm kép hát thì anh phải hát cho trọn vở tuồng của đời mình, trong đó có cay nghiệt, đau khổ nhưng vẫn là một kép hát thẳng một đường mà đi
Sau vai diễn Sáu Thành (vở “Chiến binh”) đề cử Giải Mai Vàng năm 2015, Trọng Phúc có thêm vai bộ đội Liêm, yêu nồng nhiệt, hăng say nơi chiến trường trong vở “Tình yêu thời chiến” vừa ra mắt khán giả tại rạp Thủ Đô - một bản dựng đẹp của NSND Trần Ngọc Giàu, một tác phẩm mới hiếm hoi trong giai đoạn khan hiếm kịch bản của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Mối tình đầu như trong tuồng hát
Mỗi lần có thêm vai diễn mới, Trọng Phúc hiện rõ sự sung sướng nơi ánh mắt, mừng cho mình và mừng cho sân khấu cải lương trong tình cảnh khó khăn. Và trong số phận nhân vật Liêm, Trọng Phúc gửi gắm rất nhiều tâm sự.
Khi diễn lớp Liêm trút hơi thở cuối cùng trong niềm thương xót của đồng đội, trao chiếc khăn thêu lại cho đồng đội, khàn hơi nhắn nhủ rằng mình yêu Út Hồng nhiều lắm, Trọng Phúc đã làm khán giả bật khóc.
Trọng Phúc gửi gắm vào tâm trạng của Liêm chút tình đầu khó phai của mình, thời còn là một thanh niên mới lớn, cả ngày dầm mưa, đi làm thuê, cuốc mướn. Cô hàng xóm dễ thương thường lén cha mẹ mang cơm, thức ăn nóng hổi ra bờ đê cho anh ăn. Mối tình thơ dại của họ chớm nở như những rãnh mương vừa được đào và đường cày thẳng tắp, hứa hẹn nên duyên vợ chồng.
Rồi năm 1994, chàng thanh niên từ biệt cô bạn lên Sài Gòn nguyện làm thật nhiều tiền cho một đám cưới vừa đủ nở mày nở mặt với bà con hai họ. Trọng Phúc nhớ lại cái thuở lên Sài Gòn ở đậu nhà bà con, tối ngủ trên chiếc ghế nhỏ dưới góc mái hiên nhà: “Hễ nước lớn, tôi phải thức cả đêm vì nước dâng tới ghế không thể nằm. Nhà người cô cũng nghèo, xây bên cạnh con rạch của Cầu Sơn, quận Bình Thạnh”.
Để có tiền đi học thanh nhạc với thầy Doãn Bình, anh đi vác hàng mướn. Rồi mỗi chiều, anh lội bộ từ Bình Thạnh qua bến Bình Đông, quận 8 để học. Đến khi được nhận vào sân khấu ca nhạc Thảo Cầm Viên để hát lót, công việc chính của chàng ca sĩ chỉ có một bộ đồ veston cũ là xếp ghế cho khán giả ngồi xem. “Chiều nào tôi cũng xếp mấy trăm cái ghế. Rồi vào thay bộ veston cũ kỹ ngồi chờ. Hễ ca sĩ chưa tới kịp thì tôi ra hát, có khi hát 6 bài, có khi không được hát bài nào. Kết thúc buổi diễn, xếp ghế vào kho. Cứ thế đều đặn để có tiền học thanh nhạc” - Trọng Phúc không quên một chi tiết nào khi kể về giai đoạn khó nhọc đó.
Và cơ hội đã đến, giúp anh đổi đời khi được bà Trương Thị Thu Dung, Giám đốc Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông, phát hiện anh người có giọng ca trầm ấm, da diết đang làm ca sĩ hát lót. Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông đã ký độc quyền với Trọng Phúc, phát hành liên tục nhiều ấn phẩm được khán thính giả đón nhận. “Số tiền hợp đồng đầu tiên, tôi mang về cho mẹ. Dành một phần nhỏ mua một bộ vòng vàng 18K để tặng cô bạn gái. Tôi phóng xe máy vào một buổi sáng tinh mơ về Cao Lãnh, Đồng Tháp những mong trao món quà cho người mà tôi yêu quý nhưng đến nơi thấy ngoài ngõ nhà cô ấy đã rộn ràng tiếng nói cười của rất đông quan khách. Thì ra đó là ngày đính hôn của người tôi yêu” - anh kể lại trong nỗi xót xa của người đã đánh mất mối tình đầu.
Rồi anh mỉm cười chua chát: “Không thể tin mối tình đầu của tôi y như trong tuồng hát. Bây giờ, mỗi khi lên TP HCM, cô ấy vẫn liên lạc thăm hỏi tôi như người bạn quý. Vậy đó, khi diễn vai Liêm, được Út Hồng du kích chăm sóc, Liêm yêu và được tặng khăn nhưng có dè đâu, Út Hồng đã hứa hôn với đồng đội cùng đơn vị với mình. Đến phút cuối, tình yêu thời chiến vẫn không trọn vẹn, để Liêm ra đi trong sự tiếc nuối về một mối tình cứ ôm ấp, ước mơ”.
Có cơ cực mới quý thành công
NSƯT Trọng Phúc ghét ăn thịt bò, nó ám ảnh anh như cứa vào vết thương đói khổ của cái thời trai trẻ. “Tôi đi vác hàng thuê. Ông chủ nhận với điều kiện tối ngủ ở kho kiêm luôn công việc bảo vệ. Ở đó, ông nuôi 6 con chó bẹc-giê. Hằng ngày, tôi và một người bạn ăn cơm với muối ớt, với tương hột, còn 6 con chó ăn thịt bò tươi được chế biến thơm nức. Bạn tôi đói quá và thèm thịt nên có bữa đã lén giành ăn với chó. Bị nó cắn nát bàn tay. Có lẽ bị ám ảnh từ nỗi đau của sự đói nghèo khiến tôi dị ứng khi nhìn miếng thịt bò vì nó gợi nhớ đến hồi ức đớn đau” - NSƯT Trọng Phúc kể.
Cơ cực, đắng cay, tủi nhục là những trạng thái tâm lý mà anh đã trải nghiệm. Khi dư luận rộ lên chuyện nghệ sĩ này, nghệ sĩ kia bị cáo buộc lạm dụng tình dục, anh hiểu hơn ai hết thế giới của những người đồng giới.
| NSƯT Trọng Phúc và Quế Trân trong vở “Chiến binh” |
Bởi cái thời trai trẻ mới bước chân vào nghề ca sĩ, với vóc dáng cao to, khỏe khoắn, gương mặt nam tính thanh tú, anh đã từng bị săn đón, hứa hẹn chiều chuộng, cung phụng để mong anh đáp lại “tình đồng tính”. “Có ai ngủ với con dao găm đặt trên bụng mỗi đêm như tôi suốt nhiều tháng liền không? Vì tôi thường xuyên bị quấy rối và tôi đã nói kẻ nào chạm đến người tôi thì dao này sẽ không tha”.
“Tôi không phải là hạng người sống lợi dụng người khác. Tôi đi lên từ sự cơ cực, điều đó giúp tôi trân quý sự thành công của mình hôm nay. Đời đã chọn tôi làm kép hát thì tôi phải hát cho trọn vở tuồng của đời mình. Trong đó có cay nghiệt, có đau khổ nhưng vẫn là một anh kép thẳng một đường mà đi” - NSƯT Trọng Phúc tâm sự.
Cải lương là duyên nợ
Trong sự nghiệp nghệ thuật, anh thành công ở 2 lĩnh vực: ca nhạc và sân khấu cải lương. Nhưng cải lương với anh mới là duyên nghiệp. Năm 1997, Trọng Phúc được mời sang Úc biểu diễn với tư cách ca sĩ. Đoàn đi có NSND Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương. Bất ngờ NSƯT Minh Vương bệnh nặng phải về nước. Không ai thay thế vai Minh trong trích đoạn “Tô Ánh Nguyệt”, NSND Lệ Thủy đã đề nghị anh thử sức.
Từ đó, anh bén duyên với cải lương. Những vở tuồng NSƯT Trọng Phúc được khán giả yêu thích: “Trạng sư Tống Thế Kiệt”, “Một duyên hai nợ”, “Con trai”, “Kẻ lừa dối đáng yêu”, “Biển tình”, “Vụ án Mã Ngưu”, “Yêu người điên”, “Bên cầu dệt lụa”, “Hàn Mạc Tử”... Vở diễn giúp anh đoạt huy chương vàng hội diễn toàn quốc đầu tiên trong sự nghiệp là vở “Nhảy múa với quỷ dữ” do đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng; sau đó là huy chương vàng trong các vở: “Cung đàn nào cho em” và “Chiến binh”.
Giới chuyên môn cho rằng anh có giọng ca pha trộn của 2 giọng ca quý để hình thành chất giọng rất Trọng Phúc, đó là giọng ca của cố nghệ sĩ Hữu Phước (cha của danh ca Hương Lan) và cố nghệ sĩ Hà Bửu Tân - một danh ca bạc phần, do sử dụng ma túy quá liều mà chết thảm.
Anh rót vào tai người nghe sự êm ái, ngọt ngào của cách xuống hò câu vọng cổ. Anh chinh phục khán giả mộ điệu cải lương bằng những vai diễn hết sức nam tính. Trong những bản tình ca mang âm hưởng ngũ cung, không ai thể hiện sự da diết, dạt dào thương cảm như anh.
Vì vậy, anh còn là sự lựa chọn số 1 của các bầu sô trong rất nhiều chương trình lưu diễn nước ngoài. “Khán giả kiều bào ở các nước châu Âu, Mỹ, Úc, Pháp, Bỉ, Phần Lan... đều mê đắm giọng ca Trọng Phúc. Các chuyến đi ngày càng dày đặc, để lại nhiều cảm tình nơi người xa xứ” - NSND Ngọc Giàu nhận xét.
Nhớ về quá khứ để biết nâng niu những gì mình đang được hưởng, anh là mẫu nghệ sĩ sống chân thành, có trước có sau. Có lẽ nhờ vậy anh luôn được đồng nghiệp quý mến, khán giả yêu thương, giúp anh thăng hoa cảm xúc trong cách ca, cách diễn, xứng danh nghệ sĩ có vị trí trong lòng khán giả.
Sources: nld |