Ngày Đăng: 16 Tháng 06 Năm 2017 Năm 1960, nhật báo Tiếng Dội do ông Trần Tấn Quốc làm chủ bút, có tổ chức trưng cầu ý kiến của đọc giả và khán giả cải lương về các nghệ sĩ cải lương qua các vai diễn trên sân khấu:
| Nghệ sĩ Trường Xuân. Hình của Soạn giả Nguyễn Phương. |
- nghệ sĩ Út Trà Ôn được bầu là đệ nhất Nam danh ca, - nữ nghệ sĩ Thanh Hương được bầu là đệ nhất nữ danh ca. - nữ nghệ sĩ Như Ngọc được bầu đệ nhứt đào lẳng, - về kép độc lẳng thì khán giả và đọc giả bỏ phiếu tới 5 người: Hoàng Giang, đoàn Thanh Minh; Việt Hùng, đoàn Vệt Hùng - Minh Chí; Trường Xuân, đoàn Kim Chưởng; Tám Vân, đoàn Kim Chưởng – Thanh Hương; Sáu Nhỏ, đoàn Việt Hùng – Minh Chí.
Như vậy thì nghệ sĩ Hoàng Giang được bầu là đệ nhứt kép lẳng độc, nghệ sĩ Trường Xuân được xếp hạng ba trong năm nghệ sĩ được bình chọn.
Thưa quí thính giả, về nam danh ca, về nữ danh ca và vai đệ nhất đào lẳng, khán giả và đọc giả dễ dàng nhất trí với nhau khi chọn các nghệ sĩ Út Trà Ôn, Thanh Hương và Như Ngọc. Nhưng khi bình bầu về kép độc lẳng thì khán giả phân vân trong sự lựa chọn.
Họ đã chọn Hoàng Giang là hạng nhứt rồi, nhưng trong lòng vẫn còn khen các bạn Việt Hùng, Trường Xuân, Tám Vân và Sáu Nhỏ. Đó là vì mỗi vai kép độc lẳng được bình chọn đó đều có cái hay riêng, sở trường riêng và sắc thái cá biệt không giống nhau giữa các diễn viên nầy.
Có vai tuồng Hoàng Giang diễn hay nhứt, 4 bạn kia không ai bì kịp, nhưng cũng có vai Trường Xuân hay nhứt và các bạn khác cũng khó mà theo.
Nghệ sĩ Trường Xuân tên thật là Hồ Trường Xuân, sanh ngày 01 tháng 02 năm 1929 tại quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ, thân mẫu của anh là bà Hồ Trường Sanh, nhũ danh Lê Thị Tuyết, giáo viên tiểu học ở Trà Ôn, mãn phần ngày 19 tháng 6 năm 1996 tại quê nhà ở Trà Ôn, ( thọ 93 tuổi ).
Năm 1943, sau khi thi đậu bằng C.E.P.C.I( bằng cấp Tiểu Học thời Pháp thuộc), Trường Xuân rất mê hát cải lương nên nhân đoàn hát Tiến Hóa về hát ở quận Trà Ôn, Trường Xuân bỏ nhà, trốn theo gánh hát. Vì cùng quê quán nên nghệ sĩ Út Trà Ôn giới thiệu Trường Xuân với ông bầu gánh hát Tiến Hóa là soạn giả Trúc Viên, tên thật là Trương Gia Kỳ Sanh.
Ông Trúc Viên nguyên là giáo học trường Tiểu Học tỉnh Mỹtho, có vợ là đào hát tên là Năm Nam nên ông rời ngành giáo chức, bỏ tiền ra lập gánh hát. Ông rất có cảm tình với các bạn trẻ có học mà muốn theo nghiệp cầm ca nên ông thu nhận Trường Xuân và giao cho Trường Xuân nhiệm vụ nhắc tuồng và chép tuồng, ra vai tuồng hát cho đào kép.
Trường Xuân ở gánh hát Tiến Hóa tuy chưa có dịp bước ra sân khấu hát nhưng đêm nào anh cũng đứng bên cánh gà theo dõi các bạn diễn, anh cầm bổn nhắc tuồng nên anh thuộc nhiều tuồng và biết ca các bài bản cổ nhạc.
Năm 1944, Trường Xuân rời đoàn Tiến Hóa, gia nhập đoàn hát Chấn Hưng, hát chung sân khấu với các nghệ sĩ danh ca Bảy Cao, Năm Nghĩa, Thanh Tao, Ánh Nguyệt, Văn Danh, anh được hát vai kép con, vai quân có những câu ca hay báo,( khác với các vai quân chỉ ra sân khấu để đánh võ, múa vũ hay chạy hiệu). Chỉ vài tháng sau, Trường Xuân có thể đóng các vai dành cho kép ba, kép độc.
Rời gánh Chấn Hưng, Trường Xuân gia nhập gánh hát Tân HÍ của ông bầu Hai Núi, hát chung với kép Văn Long, đào Tư Hélène( ông bà ngoại của các nghệ sĩ Thanh Hằng, Thanh Ngân), Hề Tỵ, Ba Tẹt, Kim Ngân. Năm 1945, Trường Xuân gia nhập đoàn hát Tân Xuân với kép Văn Long và đào Tư Hélèng, hề Quốc Trượng.
Lần nầy Trường Xuân có được vai diễn quan trọng đầu tiên là vai Lý Du Hòa trong tuồng Chiếc Lá Vàng của soạn giả Mộng Vân. Năm 1947, Trường Xuân đi hát cho gánh hát Hậu Tấn – Năm Nghĩa.
| Trường Xuân trong tuồng Thuyền Ra Cửa Biển.Hình của Soạn giả Nguyễn Phương. |
Năm 1949, Trường Xuân về hát cho đoàn hát Tiếng Chuông của ông Bầu Cang với vai trò kép độc, anh là một trong năm diễn viên quan trọng nhứt của đoàn hát, đó là kép mùi Thanh Cao, kép ca Tuấn SĨ, đào chánh Ngọc An, kép độc Trường Xuân và Hề Lòng. Thời gian nẩy tôi giúp việc cho ông Bầu Cang, do đó tôi có nhiều dịp gần gũì, tâm tình với Trường Xuân.
Tôi hỏi : “Trường Xuân ca rất chắc nhịp, biết nhiều bài bản, tại sao anh không ráng gò câu vọng cổ để thủ diễn vai kép mùi, kép ca mà anh lại chọn nghề kép độc?”
Trường Xuân nói : “ Tôi bị thất cái tướng, lùn sịt, đóng các vai thầy rùa, quân sư, kép độc thì có chổ diễn. Với lại giọng của tôi khàn khàn, hơi hám như con vịt đực, ca vọng cổ mùi sao được? Nhưng mà đã chọn cái nghề đi hát thì tôi phải tự rèn luyện, kiếm cho mình một chổ đứng vững chắc, có thể kiếm sống được mà cũng có thể vinh danh nghệ sĩ, có những vai hát để đời.”
Với một tinh thần cầu tiến, yêu nghề, lẽ ra Trường Xuân phải sớm thành đạt thật là rực rở, nhưng anh phải mất đi hơn sáu năm lận đận, cực kỳ nguy hiểm cho sinh mạng và nghề nghiệp của anh. Lúc đó anh nghe theo lời rũ rê của bạn, nói rằng hút thuốc phiện có nhiều sáng kiến, hơi rông, ca hay, anh bèn hút thử. Thử nhiều lần rồi thành ghiền.
Trong thời kỳ đó hút thuốc phiện rất dễ dàng, ở tỉnh nào cũng có tiệm công khai bán thuốc phiện. Theo Trường Xuân cho biết thì tiền hút thuốc phiện của anh chỉ chiếm một phần ba lương của anh nên về mặt tài chánh, anh không thấy có vấn đề. Nhưng đó là trường hợp gánh hát hát đông khán giả, khi hát ế khách vài ba bến, bầu gánh phát lương phân nữa hay chỉ phát tiền cà phê thì chừng đó anh mới bị vật vã vì cơn ghiền.
Trong tứ đổ tường, cờ bạc, rượu chè, sa đọa tình dục và ghiền thuốc phiện thì ghiền thuốc phiện khó bỏ nhứt, gây tệ hại nhứt cho bản thân và gia đình. Khi đoàn hát Tiếng Chuông về hát ở rạp Nguyễn Văn Hảo, Trường Xuân hút tại nhà riêng, bị Công an bắt và bị đưa ra Tòa xét xử.
Về đoàn hát, Trường Xuân cảm thấy nhục và buồn nên anh bỏ hút được. Cũng từ đây nghệ thuật diễn xuất của anh tăng tiến không ngừng.
Năm 1959, Trường Xuân về hát đoàn Kim Chưởng, nổi tiếng qua nhiều kịch bản : vai hoàng đế Hạ Mông, tuồng Oan Hồn Trên Tháp Đá, vai Diệp Chấn Phong trong vở Thuyền Ra Cửa Biển, vai vua Mông Kha tuồng Hai Chiều Ly BIệt…
Theo nghề hát từ 1943 đến năm 1960, qua 17 năm ròng rã rèn luyện tay nghề trên nhiều sân khấu, học ca vọng cổ theo lối hơ hơ đổ hột dứt câu của danh ca Năm Nghĩa, học lối diễn lẳng của Bảy Cao, diễn diễu của Hè Tỵ và học hỏi qua nhiều bạn diễn khác, kể cả các diễn viên màn bạc ngoại quốc, nghệ sĩ Trường Xuân mới thật sự nổi tiếng là một kép độc với sự nghiên cứu cách thể hiện chính xác tính cách từng nhân vật trong tuồng.
Trường Xuân đã diễn qua các loại vai độc lẳng có cợt đùa gây cười cho khán giả, có vai độc tàn bạo, ồ ạt, có vai độc hiểm sâu, có vai độc dâm đảng nhưng anh nói khó nhứt là diễn những vai độc nào mà nhân vật có vẻ bình thường, nói cười hời hợt nhưng từng ánh mắt lộ tính toán mưu mô, khi xuống tay hạ sát đối thủ thì xuống tay quyết liệt không hề nương tay thương tiếc. Cái khó ở đây là làm cho khán giả chấp nhận cái lối diễn ấy, nó không gây khó hiểu, bất ngờ nhưng có lý có tình đúng với tính chất hiểm ác mà soạn giả đã sáng tạo.
Sau năm 1975, nghệ sĩ Trường Xuân thành công trong vai Khâm Sai Tích Trung trong tuồng Bình Tây Đại Nguyên Soái, vai Đổng Trác tuồng Phụng Nghi Đình, và các vai kép độc trong các tuồng Cho Trọn Cuộc Tình, Đời Cô Lựu, Ngao Sò Ốc Hến…
Riêng trong tuồng Ngao Sò Ốc Hến, Trường Xuân thủ vai thầy bói Ngao khiến cho khán giả cười vỡ rạp. Một vai diễn để đời, không người thay thế nổi. Trường Xuân đã bỏ công cả tuần lễ để quan sát một ông thầy bói mù ở bên tường rào Lăng Ông Bà Chiểu. Về rạp hát, anh giả mù, rờ mu rùa, mò chỉ tay, nói và nhướng nhướng đôi mắt với cặp tròng trắng của người mù rồi nhờ các bạn nhận xét coi anh bắt chước ông thầy bói mù đúng không?
Chiều thứ bảy, anh gắn râu giả, mượn y trang của gánh hát, giả làm ông thầy bói mù, xuống cầu Ông Lãnh trải chiếu bên vệ đường, lắc chuông quảng cáo coi bói. Có người đến coi bói, cảnh sát lại đuổi, anh gây với cảnh sát, bị bắt về bót. Cả người xem bói và cảnh sát không phát hiện ra là anh giả mù.
Khi tôi thấy cảnh sát bắt anh đi, tôi chạy về cho ông trưởng đoàn Saigon 1 hay, ông xuống bót bảo lãnh cho Trường Xuân, chừng đó Trường Xuân mới mở mắt ra, cho biết là anh đang tập tuồng.
Tôi nhắc lại giai thoại nầy để thấy là Trường Xuân yêu nghề hát, tự rèn luyện không ngừng. Sự thành công trong các vai diễn của anh là kết quả của nhiều năm tháng rèn nghề và học nghề, một gương đáng noi theo cho các diễn viên sân khấu trẻ.
Sau năm 1975 nhiều năm, anh vẫn bám theo nghề hát cải lương, với đồng lương thời bao cấp, anh không đủ sống, anh bán dần đồ đạt, nhà cửa để sống với bà vợ chung thủy của anh. Cuối cùng anh được đoàn hát Saigon 1 cho anh ở một căn phòng nhỏ trong trụ sở của đoàn ở đường Trần Hoàng Quân, gần chợ cá Trần Quốc Toản, Saigon.
Nghệ sĩ Trường Xuân mất ngày 14 tháng 12 năm 1998, thọ được 69 tuổi, an táng tại nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò Vấp.
Nguyễn Phương xin dứt chương trình cổ nhạc, xin hẹn tái ngộ vào giờ nầy tuần sau.
Sources: rfa |