Ngày Đăng: 04 Tháng 02 Năm 2015 Giọng ca "Giọt buồn trong mưa" cho hay, sự ra đi của mẹ khiến bà thấy hụt hẫng, như mất đi một điểm tựa lớn trong hành trình âm nhạc của mình.
- Bà vừa tái ngộ khán giả TP HCM trong đêm nhạc "Hoa nở về đêm" cùng ca sĩ Phương Dung, cảm giác của bà ra sao?
- Khi xuất hiện trở lại, tôi cũng hồi hộp không biết khán giả sẽ đón nhận mình ra sao. Ngoài lượng khán giả trung niên biết đến thế hệ ca sĩ chúng tôi từ trước, tôi khá bất ngờ và hạnh phúc khi có rất nhiều khán giả trẻ yêu mến mình. Họ am hiểu và có tinh thần gìn giữ nhạc xưa. Đó cũng là động lực để tôi đem tiếng hát đến với khán giả hàng đêm.
- Có thông tin bà âm thầm chuẩn bị một đêm nhạc để chia tay sự nghiệp ca hát. Bà nói gì về điều này?
- Tôi có đọc vài bài báo nói về việc tôi muốn rời sân khấu một cách lặng lẽ. Sự thật không phải vậy. Chỉ là tôi đi hát thưa hơn chứ chưa có ý định rời sân khấu. Tôi phải cám ơn chị Phương Dung đã kéo tôi trở lại sân khấu phòng trà để tôi có được niềm vui đứng hát trước khán giả yêu mến dòng nhạc xưa.
- Đang là tên tuổi được ái mộ, vì sao những năm 1990, bà hầu như không xuất hiện trên các sân khấu ca nhạc?
- Mỗi ca sĩ, mỗi dòng nhạc đều có thời của mình. Sau năm 1975, có thời gian tôi hát nhiều bát hát cách mạng bởi thấy chúng phù hợp với không khí thời đại. Những năm 1990, dòng nhạc Bolero lắng xuống, tôi cũng bận việc gia đình nên ít đi hát hơn so với thời gian trước. Năm 1997, sau khi mẹ mất, tôi gần như ngừng hẳn công việc ca hát.
| Ca sĩ Trang Mỹ Dung thời trẻ. |
- Người mẹ ảnh hưởng thế nào đến sự nghiệp ca hát của bà?/i>
- Tính tôi vốn rất nhút nhát, đi đâu cũng có mẹ đi cùng. Khi xưa, mỗi lần đi lưu diễn xa, bà luôn bên cạnh lo cơm nước cho tôi. Tối đến, hai mẹ con ngủ cùng, thủ thỉ trò chuyện rất vui. Sự ra đi của bà khiến tôi hụt hẫng, hoang mang một thời gian dài. Tôi cảm giác mình mất đi một điểm tựa trong cuộc sống, dù khi đó tôi đã ngoài 40 tuổi.
Kể từ khi không còn mẹ bên cạnh, tôi thấy mình mất tự tin hẳn. Tôi không đi diễn xa nữa mà chỉ nhận những suất diễn trong thành phố. Tuy không hát nhiều trên sân khấu, tôi vẫn đi hát nhạc Phật trong dịp lễ như Vu lan, Phật đản và hát trong các chương trình từ thiện của chùa.
- Bà gặp khó khăn gì khi một mình đi hát ở tuổi không còn trẻ?
- Tôi không gặp khó khăn gì ngoài việc chứng kiến sự già nua mỗi ngày của mình. Tôi vẫn tự lái xe gắn máy đi lại trong thành phố để tập nhạc. Nếu đi diễn khuya, tôi đi xe hơi cùng gia đình. Khi đi hát chùa, hát từ thiện tôi vẫn đi xe buýt, xe khách cùng mọi người.
- Việc đi hát từ thiện tại chùa mang lại cho bà những trải nghiệm gì ở tuổi ngoài 60?
- Nhiều người thắc mắc vì sao ở tuổi này tôi mới hát nhạc Phật, dù tôi quy y từ bé. Thật ra, đến giờ tôi mới có thời gian dành cho bản thân nhiều hơn nên có thể làm được nhiều việc mình thích. Trước kia tôi đi hát một phần vì đam mê, một phần cũng để có thu nhập lo cho cả gia đình.
Kể từ khi mẹ mất, việc hát từ thiện tại chùa đem đến cho tôi sự bình an trong tâm hồn. Tôi tâm niệm, mình giúp nhà chùa, cũng là giúp cho nhiều mảnh đời bất hạnh khác. Mỗi lần đi hát như cũng là dịp may để tôi cầu phước cho gia đình.
| Ca sĩ Trang Mỹ Dung (giữa) trong một buổi tập nhạc cùng ca sĩ Phương Dung (trái) và Giao Linh (phải). |
- Bà nói sao về thù lao đi hát hiện tại so với thời kỳ hoàng kim trước năm 1975?
- Với các suất hát từ thiện, tôi chỉ nhận từ nhà chùa chút tiền bù đắp cho chi phí đi lại. Cát-xê hát phòng trà giúp tôi đủ sống. Tôi không đặt nặng vấn đề này vì những chỗ tôi nhận lời biểu diễn, đều xuất phát từ mối quan hệ thân thiết. Hiện tại, cuộc sống của tôi khá thoải mái với khoản tiết kiệm từ thù lao đi hát trước kia.
- Ngoài những ca khúc về mưa gắn liền với nghệ danh Trang Mỹ Dung, bà còn yêu mến những thể loại âm nhạc nào?
- Tôi mến mộ một số ca khúc của Trịnh Công Sơn. Khi nhạc Trịnh chưa được biết đến nhiều bởi giọng hát Khánh Ly, tôi đã hát một số bài như Biển nhớ, Tình nhớ, Tình xa... Cũng có lúc, tôi có ý định chuyển qua hát nhạc Trịnh nhưng lại e ngại, sợ người khác nói mình chạy theo trào lưu.
Ca sĩ Trang Mỹ Dung tên thật là Trương Thị Mỹ Dung, sinh năm 1951 tại Phan Thiết, trong một gia đình công chức theo đạo Phật.
Tên tuổi Trang Mỹ Dung gắn liền với ca khúc Hai mùa mưa. Bà được mệnh danh là giọng ca "Giọt buồn trong mưa" bởi hàng loạt sáng tác về mưa thuộc dòng nhạc Bolero. Sau 1975, Trang Mỹ Dung nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả cho các ca khúc trữ tình cách mạng như Câu hò bên bến Hiền Lương, Anh ở đầu sông em cuối sông...
Sau một thời gian dài vắng bóng, hiện Trang Mỹ Dung biểu diễn hàng đêm tại các phòng trà trên địa bàn TP HCM cùng các ca sĩ đàn chị như Giao Linh, Phương Dung...
Sources: giaitri.vnexpress |