Ngày Đăng: 15 Tháng 11 Năm 2014 Kỳ 3: “Tôi Kính Trọng Tuổi Hạc Trắng”
* Chị có nghĩ, thông thường bất cứ người nào sinh sống đâu và trong hoàn cảnh nào thì khi về già hay ngồi gậm nhấm lại quá khứ?
- Đúng. Ở tuổi già, không có phương tiện di chuyển, bị trở ngại trong giao tiếp đã làm một số người sống một cuộc sống tẻ nhạt, từ tẻ nhạt đưa tới trầm cảm, khép kín. Từ đó sinh ra bao nhiêu bệnh, và khi có bệnh, sự chạy chữa xem chừng không có hiệu quả lắm cho những người này. Với nghệ sĩ, tuổi già là môt chuỗi dài ký ức để nhớ về hào quang một đời. Tuy nhiên, tách lìa tình thân gia đình và bạn bè là đầu mối cho mọi thứ bệnh từ ung thư, bệnh tim đến ung nhọt và nhiễm độc. Tình thương và tinh thần lạc quan là gốc rễ làm cho chúng ta bệnh hay khỏe. Bất cứ đó là nghệ sĩ hay người làm công việc bình thường khác.
* Ba mươi năm trước mà nghe ai nói cô đơn sinh ra các chứng bệnh thì người ta sẽ chỉ cười nhẹ. Nhưng điều này đã được các bác sĩ công nhận là đúng. Theo chị nghệ sĩ ở tuổi về chiều làm gì để thoát khỏi sự cô đơn?
- Những buổi tĩnh tâm chung, có cầu nguyện, có tịnh niệm tùy theo tôn giáo của mỗi người để chia sẽ những buồn vui, lo lắng của mình cùng người khác cũng giúp khai thông được những tắc nghẽn của tim mạch như là ăn những thức ăn rau, đậu lành mành vậy. Đó là điều mà tại sao nghệ sĩ về chiều thích làm từ thiện, thích đi chùa và có nhiều bạn bè. Đến thăm Khu dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM, tôi bắt gặp nhiều đồng nghiệp có vợ con, có gia đình, nhưng vẫn thích vào sống chung với bạn bè đồng nghiệp một thời. Chính vì mái nhà chung này mang lại nhiều niềm vui cho tuổi già.
* Có phải khi không nói ra được những gì dồn nén bên trong thì chính là tự mình làm khổ mình. Khi nói ra, hay viết ra được những khổ tâm của mình thì hệ thống đề kháng được tăng cường, ít phải uống thuốc?
- Theo các bác sĩ, khi bị căng thẳng cơ thể sẽ tiết ra một hóa chất làm cho mọi sinh hoạt ứ đọng, ăn không ngon, đầu không suy nghĩ, mạch máu trì trệ, mất sức đề kháng, dễ cảm cúm. Chú ba Văn Ngà hồi đó thích kể chuyện vui ở hậu trường, gặp chú thì nghe chú kể và lồng trong mỗi câu chuyện là những trải nghiệm vui buồn của đời nghệ sĩ.
Như vậy sự cô đơn cũng là chất độc như cholesterol trong những thức ăn dầu mỡ, mà chỉ có sống lạc quan mới cứu rỗi được. nếu bạn không mở tâm ra cho người khác thì bác sĩ bắt buộc phải mở tim bạn ra thôi! Mà tuổi về chiều vào bệnh viện rất khổ.
* Theo chị tuổi như thế nào thì gọi là già?
- Chúng ta biết khi một người qua đời ở tuổi 60 thì được gọi là “hưởng thọ”. Vậy sau tuổi 60 mỗi ngày ta sống một “bonus”, phần thưởng của trời cho. Chúng ta nên sống thế nào với những này “phần thưởng” này. Lấy thí dụ một người lớn tuổi sống cô đơn, biệt lập, không đi ra ngoài, không giao tiếp với bạn hữu, thế nào cũng đi đến chỗ tự than thân trách phận, bất an, lo âu, ủ dột và tuyệt vọng. Từ đó bắt nguồn của bao nhiêu căn bệnh. Do vậy hãy sống vui khỏe. Tôi vẫn nhận show diễn đều đều, khi hát chầu, khi hát từ thiện, để gặp bạn bè đồng nghiệp và tận hưởng những niềm vui từ nghề nghiệp. Trong những lời Phật dạy có câu: “Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình”.
Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng. Chắc trong chúng ta không ai muốn rơi vào hoàn cảnh này. Gặp gỡ bè bạn đồng nghiệp nghệ sĩ thường xuyên trong những sinh hoạt nghề là điều tốt nhất cho thể lý. Đi tập thể thao như nhảy nhẹ theo nhạc, đi bộ…sẽ giúp cho người lớn tuổi giữ được thăng bằng, ít ngã, và nếu có bệnh, uống thuốc sẽ công hiệu hơn. Hay tin bác bảy Viễn Châu bị té ngã phải vào BV Nguyễn Trãi may mấy mũi, thấy thương hết sức, hoặc chú Năm Triều (Mai Quân) bị khối u trong gan, đạo diễn Huỳnh Nga bị máu cao…tuần qua ba ông vào BV nằm chung một khoa, nghe mà đứt ruột.
*Phải chăng gặp bạn, nói được ra những điều phiền muộn cho nhau nghe, ngồi tĩnh tâm, đến chùa cầu nguyện giúp cho ta làm chậm lại sự phát triển của bệnh?
- Qua nghiên cứu của nhiều nhà y khoa họ khám phá ra từ hàng trăm bệnh nhân, nếu người nào thường xuyền đến chùa cầu nguyện. Họ đã bỏ ra hàng đêm và nhiều cuối tuần để theo dõi, tìm hiểu những kết quả cụ thể của hiệu quả “Tín ngưỡng và sức khỏe”.
Trong đó họ cho biết những người có tín ngưỡng khỏe mạnh hơn, lành bệnh chóng hơn, ít bị nhồi máu cơ tim, gặp sự thăng trầm trong đời sống họ biết cách đối diện, họ luôn lạc quan.
* Theo chị lạc quan mang một ý nghĩa nào đối với nghệ sĩ?
- Lạc quan là một cẩm nang mà người nghệ sĩ nên luôn luôn mang theo bên mình. Đừng bao giờ nói, hay nghĩ là tôi già rồi, tôi không giúp ích được cho nghề nữa hoặc tôi vụng về, già rồi, chẳng làm gì được. Tôi lại khác, cứ làm những việc liên quan đến nghệ thuật, làm đẹp cho nghề hát, thì sẽ giúp mình có được tinh thần lạc quan. Nhiều đồng nghiệp khác như chị Hồng Sáp thì làm đồ hội, chị Xuân Yến vẫn đi lãnh chầu làm bầu, chị Thanh Loan thì dạy cho các con cháu diễn xuất…tất cả đều là những niềm vui, sự lạc quan của tuổi già nghệ sĩ. Và lạc quan còn đồng nghĩa với sự hiện diện của tình bạn. Bạn hiền trong nghề phải là bạn tốt, nhìn thấy khuyết điểm, ưu điểm của ta mà nói thẳng. Không phải lúc nào ta cũng nhìn thấy bạn hiền, nhưng họ thì luôn hiện diện đâu đó trong nghề. Hãy lắng nghe tiếng chuông lạc quan của nhau. Hãy tử tế hết sức mình, bởi vì có một người mà bạn gặp trên đời, biết đâu cũng đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn nào đó họ phải phấn đấu để vượt qua. Không gì hơn là tuổi già nghệ sĩ nương dựa vào nhau trong tình bạn. Luôn luôn nghĩ bao giờ mình cũng có cái cho đi vào huyền thoại “nghệ sĩ sống chung thì không thể đến lúc thác mà đơn lẻ”, do đó có Khu dưỡng lão nghệ sĩ TP.HCM, có chùa nghệ sĩ, có nghĩa trang nghệ sĩ TP.HCM – Những điều đó có giá trị vô cùng với đời, với nghề và duy nhất có ở VN.
*Diễn hài nhiều, tính hài hước theo chị có làm cho người nghệ sĩ sống khỏe, nhưng hầu hết số phận của nghệ sĩ hài đều rất khổ?
- Cười cùng với mình cũng là những liều thuốc bổ. Hôm xem Hoài Linh diễn hài, cảnh tập thể dục, “hai tay đặt ngang ngực”, mà để xuống tới gần eo. Lúc đó tôi nhớ đến chuyện phím rất duyên của một nữ nghệ sĩ Opera lững lẫy. Khi bà ở tuổi 77, truyền hình phỏng vấn bà về một ngày thường nhật của tuổi hạc, bà cười duyên dáng nói: “Có vô số chuyện xảy ra từng ngày …Cứ nhìn vào bộ ngực của tôi xem. Có vẻ như hai chị em nó đang tranh đua xem đứa nào chạy xuống eo trước”. Khán giả nghe bà, cười chảy nước mắt. Những vấn đề chính ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn qua tinh thần là: Sự cảm thông giữa cha mẹ và con cái, giữa ông bà với các cháu. Tinh thần chấp nhận và lạc quan: Nghĩ đến những điều vui nhỏ mỗi ngày; Tham gia những sinh hoạt nào phù hợp với sức khỏe; Làm việc thiện nguyện: Sinh, lão, bệnh, tử. Con đường đó ai cũng phải đi qua. Nhưng đi như thế nào thì hầu như 80% chính mình là lựa chọn. Tôi thích một câu ngạn ngữ: “Một nét mặt vui vẻ mang hạnh phúc đến cho trái tim và một tin vui mang sức khỏe cho xương cốt”.
*Tất cả những trải nghiệm mà chị chia sẻ có phải đúc kết từ những tháng ngày chị sống vất vã với nghề và vững niềm tin vào nghiệp Tổ?
- Những đóng góp của tôi với nghề còn quá ít, điều đó đã tạo nên nhiều cảm xúc để tôi tiếp tục phấn đấu, cống hiến, làm những điều gì có thể cho nghề, cho sự nghiệp chung. Vì nghệ sĩ đã cùng chung một mục đích là thể hiện tình yêu với nghề thì đó là cơ hội cho những em cháu tiếp nối sau này, để các em có những bài học sáng tạo, những kinh nghiệm biểu diễn. Tôi mong rằng có nhiều cuộc thi như giải thưởng HCV Trần Hữu Trang, Giải thưởng Nguyễn Thành Châu, Giải Chuông vàng vọng cổ, giải Bông lúa vàng…và những sự đóng góp của mỗi màu giải sẽ cho tất cả mọi người nhận ra những nét của nghệ thuật cổ truyền dân tộc, trong đó có bài ca cổ và nghệ thuật cải lương. Cuộc sống với bao nhiêu bộn bề đôi khi đã làm cho chúng ta được chứng kiến những hành động nghệ thuật vì mục đích chung cao cả, sẽ làm cho thế hệ trẻ cảm nhận được thành quả đạt được từ tiền nhân đi trước đã khai phá. Điều đó đã làm chúng ta tin rằng cái đẹp vẫn hiện diện chung quanh ta, và chính cái đẹp của nghệ sĩ, của tuổi hạc trắng với biết bao tấm gương dáng luôn làm cho tâm hồn chúng ta đẹp hơn lên để chúng ta quên đi những bon chen, những tị hiềm của đời thường và cùng nhau nhìn về phía cao hơn.
* Xin cảm ơn chị, chúc chị luôn hạnh phúc, mạnh khỏe và góp phần làm đẹp cho sân khấu với bàn tay khéo léo của chị.
Sources: cailuongvietnam |