Ngày Đăng: 19 Tháng 03 Năm 2013 Nhà tôi là một bộ phim hài do tôi đạo diễn năm 1972, đã tạo dư luận sôi nổi trong giới làm phim Sài Gòn, vai nữ chính do Túy Hồng đảm nhận.
Phim Nhà tôi
Trước hết, người ta nghĩ rằng tôi là một luật sư chững chạc ngoài đời thì khó mà làm phim gây cười được. Vậy mà khi phim ra mắt thì mọi người đều cười thỏa thích, từ cười mỉm đến cười ngả nghiêng.
Phim được phóng tác từ tiểu thuyết cùng tên của Duyên Anh, được Hãng LIDAC của ông Phạm Hoàng Kim đứng ra sản xuất. Phim truyện màu, màn ảnh rộng, thời lượng 90 phút.
Hiệu quả cuối cùng đúng như tôi dự đoán, một phim hài có ý nghĩa, có nhiều tình tiết và đối thoại lý thú, hấp dẫn, với sự đóng góp của những diễn viên nổi tiếng và các danh hài có duyên như: La Thoại Tân, Túy Hồng, Mai Lệ Huyền, Hà Huyền Chi, Kim Cúc, Thanh Việt, Phi Thoàn, Khả Năng, Hoàng Mai, Bé Bự…, một bộ phim như thế thỏa mãn được đông đảo người xem. Kết cuộc, phim Nhà tôi đã thu hút một lượng khán giả kỷ lục, với dư luận tốt từ công chúng xem phim và báo chí lúc bấy giờ. Phim đã nhận được hai giải Kim khánh báo chí năm 1973: Phim hay nhất và Đạo diễn được ái mộ nhất.
| Mối tình Túy Hồng - Lam Phương - Túy Hồng (vai Phượng) và La Thoại Tân (vai Lương) trong phim Nhà tôi - Ảnh: Tác giả cung cấp |
Tôi đã cố ý chọn hai vai - nam và nữ chính không phải là những diễn viên chuyên về hài, vì tôi muốn họ diễn tự nhiên, không sa đà vào lối diễn cường điệu để chọc cười, chuyện đó đã có những danh hài vây quanh làm giúp họ trong phim. Đúng theo ý tôi, La Thoại Tân và Túy Hồng, diễn viên kịch lần đầu đến với tôi, đã diễn như không diễn trong những tình huống nghịch lý khiến họ phải ngẩn ngơ, bối rối, thất vọng hoặc miễn cưỡng hài lòng. Thế là người xem phim phải cười.
Mối tình người đẹp và nhạc sĩ
Chuyện tình trong phim là của hai nhân vật chính: Phượng và Lương. Chuyện tình ngoài đời liên quan tới người trong cuộc là chuyện của diễn viên Túy Hồng và chồng là nhạc sĩ Lam Phương.
Túy Hồng hợp tác với tôi lần đầu, nhưng được tin tưởng giao vai nữ chính trong phim vì cô đã trải qua nhiều kinh nghiệm diễn xuất trên sân khấu của ban kịch nổi tiếng Dân Nam. Lúc bấy giờ Túy Hồng đã là trưởng ban kịch Sống do cô thành lập, với sự hỗ trợ của nhạc sĩ Lam Phương. Hai người trước đây đã cùng làm việc chung trong ban Dân Nam, mà Lam Phương lại là bạn của anh trai Túy Hồng, giao tình thân thiết ấy dẫn đến hôn nhân của hai nghệ sĩ trẻ tài năng.
Nhạc sĩ Lam Phương bắt đầu sáng tác từ năm 1952, khi mới được 15 tuổi với bài Chiều thu ấy, được phát liên tiếp mấy tháng trên Đài phát thanh Pháp-Á. Từ đó Lam Phương bắt đầu nổi tiếng trong giới âm nhạc.
Trong số tất cả những nhạc sĩ nổi tiếng của tân nhạc Việt Nam giai đoạn 1954-1975 như Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên hay Vũ Thành An..., nhạc sĩ Lam Phương long đong và lận đận hơn hết. Suốt cuộc đời nhạc sĩ này chỉ chơi vơi trong thương đau, nước mắt, chia ly và nỗi buồn.
Cũng từ đó, người nhạc sĩ tài hoa này đã chinh phục được trái tim của cô nữ sinh Túy Hồng trẻ đẹp. Vốn là bạn thân của anh trai Túy Hồng, những ngày thứ bảy và chủ nhật, Lam Phương thường đến nhà bạn để hòa nhạc và dạy hát cho Túy Hồng cùng vài nữ sinh khác. Túy Hồng rất ngưỡng mộ Lam Phương vì mới 15 tuổi mà đã sáng tác được bài Chiều thu ấy, một ca khúc khắc khoải và nặng nợ với duyên phận tình yêu đến thế. Về phía Lam Phương, nhạc sĩ trẻ này cảm thấy chưa có cô gái nào hát nhạc mình hay bằng Túy Hồng. Thời điểm này, Lam Phương lại đang hợp tác với ban nhạc kịch lớn Dân Nam nên liền đề nghị Túy Hồng cùng với mình “đầu quân” về đó làm việc. Kể từ đó, Túy Hồng bắt đầu trình diễn các ca khúc của Lam Phương và rất thành công với các ca khúc: Đèn khuya, Kiếp nghèo, Kiếp ve sầu, Tiễn người đi, nhất là hai bản Chiều tàn và Phút cuối.
Gần nhau lại hợp nhau về nghệ thuật nên hai người đã quyết định tiến tới hôn nhân. Vậy mà cuộc tình đẹp đó cuối cùng cũng phải chia tay.
Tháng 4.1975, Lam Phương cùng Túy Hồng ra hải ngoại, đến ngụ tại Virginia, rồi Texas (Mỹ). Sau đó lại sang Paris (Pháp), ở đây họ mở nhà hàng, cuối cùng trở lại Mỹ, định cư luôn ở Little Saigon, Orange County.
Lam Phương vẫn tiếp tục sáng tác nhiều bản nhạc tình, kể cả những đổ vỡ, sau khi chia tay Túy Hồng, như: Từ ngày có em về, Mùa thu yêu đương, Tình hồng Paris, Cho em quên tuổi ngọc, Tình đẹp như mơ, Bài tango cho em...
Năm 1999 một cơn tai biến xảy ra, Lam Phương bị đứt mạch máu não, liệt nửa thân người. Về sau Lam Phương có phần hồi phục, nhưng đi đứng rất khó khăn.
Về phần Túy Hồng, sau khi chia tay Lam Phương từ nhiều năm trước vì thấy bất đồng về cách nghĩ và cách sống của nhau, người nghệ sĩ này vẫn luôn đam mê với sân khấu. Túy Hồng đã gầy dựng lại ban kịch Sống ở hải ngoại.
Đối với hai nghệ sĩ Túy Hồng và Lam Phương, tình yêu cá nhân có thể đổ vỡ, nhưng tình yêu nghệ thuật là vĩnh cửu.
Đạo diễn Lê Dân
Sources: thanhnien |