Ngày Đăng: 21 Tháng 11 Năm 2018 10 năm gắn bó, hai nghệ sĩ gây tiếng vang nhờ tài ca diễn và là tên tuổi ăn khách của đoàn hát cải lương lớn một thời.
Nền cải lương thập niên 1960 - 1970 sản sinh nhiều cặp đào - kép là tượng đài trong lòng người mộ điệu. Bên cạnh những tên tuổi như Thanh Nga - Thanh Sang, Út Bạch Lan - Thành Được, Lệ Thủy - Minh Vương..., Hùng Cường và Bạch Tuyết nổi lên là một cặp tài danh. Hơn 5 năm diễn chung ở đoàn Dạ Lý Hương, tên tuổi của họ bảo chứng cho độ ăn khách của đoàn cải lương nức tiếng một thời, rồi tách đoàn thành lập gánh hát riêng mang tên hai người, và chia tay vài năm sau đó.
| Hùng Cường và Bạch Tuyết thời trẻ. |
Trước khi về đoàn Dạ Lý Hương và hội ngộ Hùng Cường, Bạch Tuyết đã là tên tuổi trong làng sân khấu miền Nam. Đầu thập niên 1960, Bạch Tuyết dần nổi lên với chất giọng thổ pha kim, vừa đầy đặn vừa ngân vang. Bà nhanh chóng có vai đào chính đầu tiên - cô lái đò Lệ Chi trong vở Lá thắm chỉ hồng của đoàn Kiên Giang. Cùng lối diễn xuất nhuần nhị và sự nhanh nhạy, tinh tế trong nắm bắt nhân vật, Bạch Tuyết được danh ca Út Trà Ôn mời về đoàn Thống nhất.
Chỉ sau vài năm đi hát, bà được trao tặng giải thưởng Thanh Tâm - chứng nhận cao quý dành cho các tài năng ca cổ - ở hạng mục Diễn viên triển vọng. Năm đó, ngoài Bạch Tuyết còn nhiều nghệ sĩ đương thời như Tấn Tài, Diệp Lang, Thanh Tú... nhận giải. Hội tụ đủ mọi yếu tố thanh sắc, tiếng tăm, năm 1964, bà bước chân vào đoàn Dạ Lý Hương - một trong những đoàn hát lớn ở Sài Gòn. Lúc này, Bạch Tuyết là ngôi sao mới nổi
Về phần Hùng Cường, xuất phát điểm của ông trong làng cải lương khác với phần lớn nghệ sĩ thời bấy giờ. Giữa thập niên 1950, ông đã là giọng ca tân nhạc được ưa chuộng hàng đầu. Loạt đĩa nhạc của Hùng Cường thời kỳ này như Ông lái đò, Vọng ngày xanh, Sơn nữ ca, Đường xưa lối cũ... đạt lượng tiêu thụ kỷ lục. Đến năm 1959, ông đến với con đường cổ nhạc. Nơi đầu tiên nhận ông về là đoàn Ngọc Kiều. Sự kiện này gây ngỡ ngàng trong giới mộ điệu Sài Gòn thuở ấy, bởi xét về cải lương, Hùng Cường vẫn còn là tay ngang.
Hầu hết nghệ sĩ thuở ấy khi bước vào nghề hát đòi hỏi ít nhất vài năm trui rèn, tiến từng bước một, từ vai nhỏ đến vai lớn. Tuy nhiên, Hùng Cường đã làm nên tiền lệ. Về đoàn, ông đã được giao đóng kép chính vở Tuyết phủ chiều đông (soạn giả Bạch Yến Lan). Với nền tảng thanh nhạc vững chắc cùng chất giọng nam cao (tenor), ông khổ luyện ngày đêm cho vai diễn đầu tay. Theo báo giới đương thời, ngày công diễn ở Mỹ Tho, rạp Viễn Trường không còn chỗ trống, khán giả chen nhau đứng trong lẫn ngoài rạp, cảnh tượng vô cùng náo nhiệt. Từ đây, Hùng Cường nghiễm nhiên trở thành ngôi sao ăn khách trên bầu trời cải lương.
| Một bìa đĩa nhạc của Bạch Tuyết - Hùng Cường. |
Hùng Cường về đoàn Dạ Lý Hương hai năm sau khi Bạch Tuyết gia nhập. Chia sẻ với VnExpress, Bạch Tuyết hồi tưởng thuở mới về đoàn, bà chỉ có vài năm thâm niên hát cải lương. Nhưng khi Hùng Cường tham gia, ông đã là một ngôi sao lớn trong lĩnh vực tân nhạc. Khi biết cả hai sẽ ghép cặp với nhau để biểu diễn, Bạch Tuyết lo lắng. May mắn, nhiều soạn giả của đoàn bấy giờ - đặc biệt là đôi liên danh Hà Triều, Hoa Phượng - đã viết các tác phẩm "đo ni đóng giày" cho Bạch Tuyết và Hùng Cường. Nhờ đấy, đôi song ca mới bắt đầu nổi lên và được báo giới thời bấy giờ ví von như đôi "sóng thần" của làng cải lương.
Đánh giá về danh xưng "cặp đôi sóng thần" của Bạch Tuyết - Hùng Cường thời ấy, bà Hồng Dung - phó Chủ tịch Hội sân khấu TP HCM cho rằng, ngoài độ ăn khách và sức hút riêng, thành công của hai nghệ sĩ còn mang tính thời điểm. Bạch Tuyết và Hùng Cường kết hợp biểu diễn cũng là lúc đoàn Dạ Lý Hương chuyển mình sang một làn sóng đề tài mới, khai thác các khía cạnh của xã hội đương đại. Những vở tuồng đi sâu vào tâm lý của giới thanh niên trong phong trào hippy (tên gọi văn hóa, lối sống của giới trẻ Mỹ những năm 1960 từng lan rộng ra nhiều quốc gia), chuyện đời của những cô gái quán bar... được khán giả đón nhận tích cực. Tuồng xã hội lên ngôi, đẩy lùi các thể loại trước đó như dã sử, kiếm hiệp... Các dạng tuồng này hợp với lối diễn của Bạch Tuyết - Hùng Cường, từ đó giúp Dạ Lý Hương đánh bại nhiều đoàn hát để trở thành điểm diễn ăn khách số một ở Sài Gòn.
Sự gắn bó của hai tên tuổi gạo cội sau đó còn trở nên sâu sắc hơn. Năm 1971, họ lập nên đoàn hát lấy tên Bạch Tuyết - Hùng Cường. Từ đây, loạt vở diễn kinh điển ra đời như Trăng thề vườn thúy, Má hồng phận bạc, Cung thương sầu nguyệt hạ..., giúp đoàn hát trở thành một trong số ít những gánh hiếm hoi cuốn hút khán giả đến với cải lương vào đầu thập niên 1970. Sau đó, với sự ảnh hưởng của làn sóng văn hóa, phim ảnh Mỹ, Hong Kong, cải lương bắt đầu xuống dốc. Trong bức tranh ảm đạm của làng sân khấu đương thời, gánh hát của hai người không trụ nổi, đành giải tán. Đầu thập niên 1980, Hùng Cường sang Mỹ định cư.
Không hát chung xuyên suốt hơn 50 năm như đôi Minh Vương - Lệ Thủy, nhưng với khoảng một thập niên song ca, Hùng Cường và Bạch Tuyết đã trở thành hình tượng mẫu mực cho loạt nghệ sĩ cải lương về sau. Nghệ sĩ Ưu tú Kim Tử Long nhận xét hai tên tuổi này đã tạo nên tiền đề cho các đào, kép thế hệ kế tiếp như Vũ Linh - Tài Linh, Kim Tử Long - Ngọc Huyền... hướng đến. "Thế hệ tôi chỉ còn được nghe và học hỏi họ qua những băng cassette. Theo dõi họ từ trẻ, nghe không biết bao nhiêu vở họ hát chung, tôi cảm tưởng hai nghệ sĩ này sinh ra là để cho nhau. Nhờ anh Hùng Cường, tôi học được tính kỹ lưỡng, cầu toàn khi song ca. Đó là yếu tố quyết định để tạo nên các vở diễn hay", anh chia sẻ.
Bạch Tuyết kể trong cuộc đời bà, Hùng Cường là một trong những đồng nghiệp có sức ảnh hưởng lớn nhất. Bà học được ở ông nhiều điều, đặc biệt là tính thận trọng, chỉn chu trong từng cử chỉ, động tác khi diễn. Chẳng hạn, nếu vở đó có cảnh nam chính mặc sơ mi trắng, ông liền đặt may một lúc năm chiếc để thay phiên mặc phòng khi hư hỏng. Bà ấn tượng mãi một lần thấy ông cầm một cuốn sổ tay, ghi lại từng biểu cảm, cách diễn để phối hợp ăn ý với bà. Ông viết cặn kẽ, chỗ này nắm hờ tay Bạch Tuyết, cảnh kia vắt chiếc khăn lên vai bà, khi đứng đối diện bạn diễn thì chỉ nhìn trán, không nhìn mắt.... Ở hai người còn có sự học hỏi qua lại. Khi học một vở tuồng, ông thường nhờ Bạch Tuyết ca thử vai câu để ông nắm bắt. Ngược lại, ở những đoạn tân nhạc, Hùng Cường chỉ rõ đàn em cần ngân nga, nhả chữ ra sao. Lúc đó, bà hiểu rõ, chính sự toàn tâm, toàn ý cho nghề đã khiến Hùng Cường thành công toàn vẹn trên nhiều lĩnh vực và trở thành tượng đài trong lòng khán giả.
Đến nay, sự ra đi của Hùng Cường khiến Bạch Tuyết vẫn đau đáu cho một người bà luôn xem là tài năng ngoại hạng. Năm 1979, bà được mời biểu diễn lại vở Thái hậu Dương Vân Nga tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang - đạo diễn Chi Lăng dàn dựng. Sau đêm diễn, về nhà, khoảng hai giờ sáng, bà nhận được cuộc gọi của Hùng Cường. Qua điện thoại, tiếng khóc của ông nghe nức nở như trẻ con. Ông khen bà đẹp, thần thái và quyền uy khi hóa thân vào vở diễn kinh điển, rồi tiếc nuối vì không còn đứng chung sân khấu với đồng nghiệp thân tình một thời. Đó cũng là cuộc gọi Hùng Cường giã biệt Bạch Tuyết trước khi sang Mỹ định cư. Họ bặt tăm thông tin của nhau cho đến năm 1996, khi Hùng Cường qua đời tại Mỹ ở tuổi 60.
"Tôi vẫn chưa nguôi ngoai khi nhớ về cuộc gọi ấy, bởi sau đó chúng tôi không còn nói được nhau lời nào. Đời tôi luôn vinh hạnh khi được là bạn diễn của anh trong nhiều năm. Thỉnh thoảng, tôi vẫn nhớ về anh một tài năng lớn, nhân cách lớn của nền cải lương 100 năm. Ở một nơi nào đó, tôi mong anh sẽ thanh thản", Bạch Tuyết kể.
Sources: vnexpress |
|
|