Ngày Đăng: 06 Tháng 02 Năm 2019 Sống ở Viện dưỡng lão TP HCM, đào chính một thời khỏe khoắn, tinh anh và thường được đồng nghiệp cử đại diện phục vụ văn nghệ cho cả khu.
Đêm giao thừa Tết Kỷ Hợi (tối 4/2), Khu dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM rộn ràng với chương trình văn nghệ, giao lưu khi các nghệ sĩ thuộc thế hệ con, cháu đến chúc Tết các tên tuổi lão thành. Nghệ sĩ Ngọc Đáng góp vui với ca khúc Làng tôi (nhạc sĩ Chung Quân).
"92 tuổi, tôi đón năm mới trong niềm hạnh phúc của đời nghệ sĩ. Ở tuổi này mà Tổ nghiệp thương còn cho tôi có được giọng ca, đại diện anh chị em Khu dưỡng lão nghệ sĩ, cứ đoàn nào đến thăm và chúc Tết, tôi hát bài Làng tôi để tri ân họ. Bài hát do nhạc sĩ Chung Quân sáng tác gửi gắm nhiều thông điệp tốt đẹp về tình yêu quê hương, đất nước, giữ làng, giữ truyền thống tốt đẹp mà ông cha đã để lại", nghệ sĩ Ngọc Đáng tâm sự.
| Nghệ sĩ Ngọc Đáng ở tuổi 92. |
Trong đêm giao thừa, Ngọc Đáng thường nhớ lại chặng đường gắn bó với sân khấu của mình. "Nè, hông có nhiều người đảm đương một lúc hai vai trò vừa là đào hát chính vừa quán xuyến, quản lý đoàn hát như tôi. Thời đó, gánh hát của tôi mang tên 'Hoàng Kinh, Ngọc Đáng'. Tôi đã được bà con khán giả yêu thương với vai Juliet và nghệ sĩ Hùng Cường đóng vai Romeo. Ba tôi là kép hát Đỗ Văn Lãnh, mẹ là Dương Thị Thành. Ông làm bầu, bà là đào hát, nên từ nhỏ tôi đã vào gánh hát của ba tôi để chơi đùa với các nghệ sĩ, rồi tiếp nối con đường của cha mẹ", Ngọc Đáng miên man với hồi ức về cuộc đời.
Nghệ sĩ tâm sự ngày đó, bà nội bà vốn ghét cải lương, xem người làm nghề này là "đồ xướng ca vô loại". Nhưng rốt cuộc, cha bà dấn thân vào nghề, rồi rước mẹ bà về khiến bà nội càng không ưa cả hai. "Khi sinh tôi ra, bà cứ căn dặn miết, 'lớn lên con đừng theo phường vô loại, bà nội cấm'. Nhưng rồi, tôi cũng cãi lời nội tôi", bà cười khi nhắc kỷ niệm.
| Nghệ sĩ Ngọc Đáng bên NSND Kim Cương. |
Vuốt ve con chó Khu dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM nuôi từ khi mẹ của nó qua đời, bà kể tiếp: "Con chó này được đặt tên là Mồ Côi. Nó ngoan lắm, là bạn thân thiết của tất cả chúng tôi. Hiểu được chúng tôi nói gì, mang tâm sự gì. Hễ chúng tôi ra băng ghế đá ngồi hát nghêu ngao, nó sẽ là khán giả. Tôi hát một đoạn mà ngưng thì nó sủa, như cổ vũ hát tiếp, hát tiếp". Bà lau nước mắt, nhớ về đoàn hát, đến những ngày "gạo chợ nước sông" cực nhọc nhưng chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện bỏ gánh hát.
Năm 11 tuổi, bà được rước vào đoàn hát Hậu Tấn nhờ có giọng ca cao vút. Đến năm 17 tuổi, một kép hát Ngọc Đáng "ghét cay, ghét đắng" cứ tán tỉnh bà trong khi ông đã trải qua sáu đời vợ. "Vậy mà cuối cùng tôi đã thuộc về ông ấy. Tôi trở thành người vợ thứ bảy của ông. Điều lạ là khi ông ấy sắm tuồng, bước lên sàn diễn, ông ấy đẹp lộng lẫy, diễn kép độc chuyên gieo sự tàn khốc, vậy mà khi ăn năn hối hận ổng ca một câu vọng cổ mọi căm ghét tan biến. Ông ấy là Hoàng Kinh, sau này đồng cam chịu khổ cùng tôi lập gánh hát", bà miên man. Con chó Mồ Côi vẫn nằm bên cạnh như nghe bà kể về cuộc đời rày đây mai đó của một nghệ sĩ có thâm niên với thế giới màn nhung.
| Ngọc Đáng bên chú chó nuôi trong Viện dưỡng lão. |
Bà đã hát qua nhiều vở tuồng, tất cả đều nổi tiếng và lưu dấu tên tuổi trong lòng khán giả mộ điệu. Ngọc Đáng từng hát với Hùng Cường. Cả hai nhanh chóng được báo giới khen tặng là đôi uyên ương nghệ thuật, sau đó lần lượt qua các vở tuồng như: Tuyết phủ chiều đông, Đôi mắt giai nhân, Mộng đẹp đêm trăng... Từ đó, nghệ sĩ nổi tiếng. Về đến Sa Đéc quê bà, hỏi cô đào Năm Đáng con của bầu Tân Thinh - cha của bà, ai cũng biết.
Dù cao niên nhất khu dưỡng lão, Ngọc Đáng cho biết bà chưa phải khám chữa bệnh và uống thuốc thường xuyên. "Tôi khỏe lắm, tuổi này chưa uống thuốc bao giờ. Huyết áp, tim mạch vẫn tốt, càng không bị tiểu đường nhờ tôi ăn uống kỹ lưỡng, sau 19 giờ là không ăn, thực đơn mỗi ngày không nhiều đạm mà thay vào đó là rau củ. Tôi và con Mồ Côi mỗi sáng đi tản bộ trong khuôn viên này, leo lên cầu thang mỗi ngày như tập thể dục", bà kể.
Tết này, Ngọc Đáng vẫn hát bài Làng tôi với sự vui vẻ, hài hước quen thuộc. Khi nhiều người hỏi sao bà không đổi bài, bà nói giữ nhiều kỷ niệm với bài hát, cứ cất tiếng thì thấy mùa xuân đang về, thấy ngôi làng Sa Đéc trong khói quyện mùi hương của những ngày cận Tết, nhà nhà quết bánh phồng tôm, vui lắm. "Làng tôi như một lời nhắn nhủ chân thành: hãy giữ cho sân khấu cải lương tình đoàn kết, giữ cho nội lực sung mãn thì mới tiếp tục thực hiện di nguyện bảo tồn vốn quý mà 100 năm qua ông cha truyền lại", bà nói, rồi dắt con Mồ Côi đến từng phòng đồng nghiệp để chúc Tết đầu năm.
Sources: vnexpress |