Ngày Đăng: 10 Tháng 04 Năm 2013 hững căn nhà bé nhỏ ấy là một thế giới đối lập với biệt thự xa hoa của nhiều nghệ sỹ trẻ.
Nghệ sỹ Văn Hiệp
Người nghệ sỹ cống hiến hơn 40 năm làm nghệ thuật trong hơn 1.00 tác phẩm ấy có một cuộc sống giản dị đến không ngờ. Còn nhớ một bài viết năm 2009 có nói đến căn phòng “8 mét vuông cô đơn” nơi “bác trưởng thôn” sống những năm tháng tuổi già sức yếu.
Trên tầng 3 của một ngôi nhà cạnh phố Hoàng Mai, Hà Nội là căn phòng nghệ sỹ hài Văn Hiệp ở. Nó chỉ nhỏ chừng 8 mét vuông nhưng đầy đủ các vật dụng cần thiết. Ông kê một chiếc bàn gỗ nhỏ để ngồi hút thuốc lào và tiếp đôi ba người khách. Mọi thứ trong phòng ông ở rất gọn gàng, ngăn nắp. Dường như mọi vật dụng đều được sắp xếp đúng chỗ quy định và ông không quên cái gì để ở đâu bao giờ...
| Mặc dù ở chung với các con nhưng cuộc sống của nghệ sỹ Văn Hiệp chỉ gói gọn trong căn phòng vỏn vẹn 8 mét vuông |
Trong căn phòng bé nhỏ, ông treo 2 bức vẽ ở vị trí trang trọng, một bức là chân dung vợ và một bức là chân dung con gái. Ngay từ lúc sinh thời, ông cũng chẳng giấu chuyện vợ ông đi xuất khẩu lao động tại Đức từ cách đây hơn 20 năm, để ông lại một mình. Ông vẫn sống như thế, một mình, mãi sau này con trai ông mới về Việt Nam cạnh ông. Khi chia sẻ suy nghĩ về ngôi nhà có vẻ thiếu ánh sáng và hơi ấm con người, ông chỉ thở dài: “Ôi dào, chúng nó (các con, cháu) đi suốt, chập tối mới về cơm nước, có khi cũng chả ăn cơm nhà. Về thì ai lại vào phòng nấy, có thời gian đâu. Kệ thôi!".
Có lần ông tâm sự, những lúc thư giãn, ông muốn ngồi một mình, cùng lắm là đánh cờ tướng, nếu gọi là thích nói chuyện thì phải gặp người thích nghệ thuật, đồng cảm với ông là tự nhiên ông nói nhiều lắm.
| Nghệ sỹ Văn Hiệp trong một chương trình truyền hình |
Tuy đóng phim và tham gia nhiều vai diễn hài nhưng đời sống kinh tế gia đình ông không khá giả gì. Khi tuổi đã cao, ông vẫn phải đối diện với cơm áo gạo tiền, phải phóng xe máy đi diễn để kiếm thêm thu nhập và cũng để quên đi nỗi cô đơn trong căn phòng 8 mét vuông. Lúc tuyệt vọng vì quá nhiều bệnh trong người, ông từng nói với con trai, nếu bố có làm sao thì để thở oxy một hai buổi rồi rút ra nhé, vì nhà mình chẳng có tiền.
Người nghệ sỹ được đông đảo công chúng yêu mến vì những vai diễn giản dị, chất phát và lạc quan ấy đã trải qua 3 lần làm hồ sơ xét duyệt danh hiệu nghệ sỹ ưu tú nhưng vẫn không được vì thiếu huy chương. Cho đến lúc qua đời, ông vẫn chưa có một danh hiệu nào.
| Đến cuối đời, ông vẫn chưa có một danh hiệu nào |
Nghệ sỹ ưu tú Hồ Kiểng
Căn nhà của "ông già ăn cá sống trong Đất phương Nam" – nghệ sỹ ưu tú Hồ Kiểng – được ví von là “cõi trần gian lụp xụp”. Đó là một chung cư cũ của những năm 80 ở quận 3, Tp HCM.
Căn phòng, mà thực ra nó có ý nghĩa là một căn nhà, gói gọn trong không gian chưa đầy 15 mét vuông. Chiếc giường được nghệ sỹ Hồ Kiểng sử dụng vừa để ngủ vừa làm nơi để ngồi tiếp khách, để ăn và sống. Món đồ có vẻ đắt giá nhất là chiếc quạt máy cũ kỹ để ở đầu giường. Những bức hình đã cũ đến ố vàng được ông đặt cẩn thận xung quanh chiếc giường, vì với ông mỗi lần đóng phim tuy chỉ là vai phụ nhưng đều là những kỷ niệm đáng nhớ. Căn nhà cũ từng là nơi chứa máy phát điện - nơi ông đã gắn bó gần 30 năm trong cuộc đời.
| Nghệ sỹ Hồ Kiểng ngồi trên chiếc giường mà ông sống, ngủ, ăn và tiếp khách |
| Căn nhà ông đã gắn bó gần 30 năm cuối đời |
Cuộc đời ông lắm truân chuyên, trải qua 3 đời vợ, có được 4 người con nhưng cuối đời vẫn sống đơn độc trong căn nhà nghèo. 2 người con đã mất, 2 người còn lại không ở cùng ông. Những lúc trái gió trở trời, ông lại nhờ hàng xóm đưa đi viện. "Mức lương hưu của tôi hơn một triệu đồng. Còn tham gia phim nữa thì cũng vài chục ngàn cho một vai diễn. Ông cụ như tôi phải đong đếm chi tiêu hằng ngày. Làm gì còn mà để dành cho con", ông rơm rớm nước mắt kể lúc sinh thời.
Ở tuổi ngoài 80, nghệ sỹ Hồ Kiểng được trao kỷ lục người đóng nhiều vai phụ nhất Việt Nam. Ông chưa bao giờ quên bản thân từng đóng 203 bộ phim, sáng tác 240 bài vọng cổ, tiểu phẩm, hài, viết 664 bài thơ. Những tưởng một diễn viên đóng nhiều vai như thế sẽ có một cơ ngơi khang trang. Nhưng nhìn vào ngôi nhà lúc cuối đời ông sống càng thấy ngậm ngùi cho một số phận nghệ sỹ nghèo suốt cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật.
| Nghệ sỹ Hồ Kiểng đặt những tấm ảnh, những cuốn sách về nghiệp diễn ở quanh chiếc giường như chính cách ông nâng niu, trân trọng, nhớ tới từng vai diễn |
Không có nhiều những tấm hình chụp lại 2 căn nhà của 2 nghệ sỹ quá cố Văn Hiệp và Hồ Kiểng, có lẽ bởi chính những người phóng viên ảnh cũng thấy quá nhói lòng trước cuộc sống đời thường của hai con người ấy. Những căn nhà bé nhỏ ấy là một thế giới đối lập với những biệt thự xa hoa của nhiều nghệ sỹ trẻ hiện nay. Có những ca sỹ không mấy người nhớ nổi tên những bài hát họ từng biểu diễn lại đang sống trong những căn nhà có giá trị (mà theo như họ kể trên báo) là 100 tỷ đồng. Có những biệt thự triệu đô với xe sang, nội thất xịn, gỗ quý, đồ dát vàng của những diễn viên, ca sỹ, người mẫu trẻ.
Trong khi người nghệ sỹ lão làng như Hồ Kiểng chỉ nhận được mức thù lao vài chục ngàn cho một vai diễn, một diễn viên 40 năm trong nghề như Văn Hiệp lo không đủ tiền thở oxy những lúc nguy kịch thì những ca sỹ trẻ khác hét catse một đêm biểu diễn đến hàng nghìn đô, vài phút hát cho một đám cưới đã được nhận 500 triệu đồng. Sự chênh lệch quá lớn trong thu nhập của những người nghệ sỹ lão làng và những gương mặt trẻ bắt kịp thị hiếu thời @ khiến nhiều người sẽ không khỏi nhói lòng đau xót.
| Văn Hiệp và Hồ Kiểng xứng đáng là những tấm gương người nghệ sỹ cao cả |
Sources: 24h |