Ngày Đăng: 16 Tháng 04 Năm 2011 Khi nghe tên mình được xướng lên trên sân khấu, nghệ sĩ (NS) Trọng Phúc sững người vì ngạc nhiên để rồi vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Anh hồ hởi chia sẻ: “Quá bất ngờ và hạnh phúc khi được lọt vào top ba giải thưởng HTV Awards 2010 hạng mục Nghệ sĩ cải lương được yêu thích. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để tôi có thêm động lực làm nghề, để được cống hiến cho khán giả những vai diễn hay hơn”.
Từ bốc vác đến “ca sĩ lót”
Nhà có đến năm anh em, ba mất sớm nên vừa tốt nghiệp THPT, Trọng Phúc - cây đinh văn nghệ của trường - đã khăn gói rời Đồng Tháp lên TP.HCM tìm đường lập thân và ấp ủ ước mơ thành ca sĩ. Nhưng để có thể chạm ngõ nghệ thuật, anh đã trải qua một thời gian dài làm việc trên sà lan, làm thuê ở trang trại cà phê, hạt điều, bốc vác gạo ở cầu Rạch Ông… Mỗi ngày sau giờ làm việc, Trọng Phúc lội bộ từ nhà trọ ở bến xe Chợ Lớn đến đường Lý Chiêu Hoàng (Q.6) để học thanh nhạc. Thấy cậu học trò chăm chỉ, hiền lành, thầy dạy nhạc cho anh mượn chiếc xe đạp cũ và giới thiệu anh làm “ca sĩ lót” ở Thảo cầm viên. Chỉ chừng ấy thôi đã khiến anh mừng rỡ. Nhiệm vụ chính của Trọng Phúc khi ấy là sắp ghế cho khán giả, chỉ khi nào thiếu ca sĩ anh mới được lên hát. Bộ đồ giả vest giá chỉ 100.000đ mà anh cũng phải mượn khắp nơi. Không nản chí, Trọng Phúc vay 500.000đ để ghi âm một CD single với mong muốn có cơ hội giới thiệu giọng ca của mình. Nhưng món nợ 500.000đ anh phải cày cả năm mới trả hết.
Trọng Phúc trầm ngâm nhớ lại: “Tương lai mù mịt, một thân một mình ở Sài Gòn hoa lệ, tôi biến thành con sâu rượu lúc nào không hay. Lên thăm tôi, nhìn tôi với chiếc xe đạp cà tàng, má tôi cầm lòng không đặng. Về quê, má hốt hụi, vay mượn khắp nơi để mua cho tôi chiếc xe honda cũ. Má đâu có biết, xe nằm góc nhà nhiều hơn được sử dụng vì tôi… không có đủ tiền đổ xăng”.
NS Trọng Phúc nhận giải HTV Awards 2010
Duyên tình cờ…
Tình cờ, Giám đốc Trung tâm băng nhạc Rạng Đông nghe được giọng ca Trọng Phúc từ những chiếc CD đã bị quên lãng và thế là anh được ký hợp đồng. “Tôi ngỡ mình đang mơ khi được sở hữu một chiếc xe Dream mới cáu cạnh và một bản hợp đồng thu âm độc quyền trị giá hàng chục triệu. Tôi về xây lại căn nhà lá vách đất xập xệ cho má mà cứ lãng đãng trong niềm hạnh phúc. Tôi sực tỉnh và tự hứa phải thay đổi, phải sống tốt hơn để không phụ những may mắn mà cuộc sống đã ban tặng cho mình” - Trọng Phúc bộc bạch chuyện quá khứ.
Và sự tình cờ thứ hai chính là bước ngoặt để tạo nên một kép Trọng Phúc của sân khấu cải lương hôm nay. Trong một chuyến lưu diễn châu Âu, NSƯT Minh Vương bất ngờ bị bệnh, Trọng Phúc được NSƯT Lệ Thủy “rủ rê” ca chung bài tân cổ Chuyện tình Lan và Điệp và sau đó lại tiếp tục “thử sức” với vai Trần Minh Sơn trong trích đoạn Đêm lạnh chùa hoang. Với giọng ca chân phương, chững chạc nhưng không kém phần mùi mẫn và cách luyến láy, xử lý nhịp khá tinh tế, Trọng Phúc đã nhanh chóng tạo được dấu ấn đẹp cho khán giả.
Dù đến với cải lương khá trễ, nhưng Trọng Phúc lại may mắn được diễn chung với nhiều NS nổi tiếng như Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Ngọc Huyền, Thanh Ngân, Thoại Mỹ… May mắn hơn nữa khi chàng kép “nghiệp dư” ấy đã có trong tay đến hai chiếc huy chương vàng và một huy chương bạc tại các kỳ hội diễn, liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc. 10 năm theo nghiệp diễn, Trọng Phúc đã có được một số vai diễn sáng giá như: Mạnh Cường (Nhảy múa với quỷ dữ), Văn Sĩ Long (Rồi ba mươi năm sau), Thành (Cung đàn nào cho em), Huy Bình (Tìm lại cuộc đời), tướng cướp Đại Thạch (Tình yêu và tướng cướp), Minh (Cây sầu riêng trổ bông), Thái Ngọc (Biệt thự hào hoa)… Mỗi vai diễn là một hóa thân khác nhau, tuy chưa thật xuất sắc, nổi trội, nhưng đủ để thuyết phục khán giả bởi sự trau chuốt cho từng ánh mắt, điệu bộ của nhân vật.
Trọng Phúc - Thoại Mỹ trong vở Trâm Hoa Mai
Thành công nhờ khổ luyện
Xem Trọng Phúc diễn, dễ dàng nhận ra anh không có sự chỉn chu, chuẩn xác trong từng động tác của một NS được đào tạo bài bản. Nhưng đổi lại, anh có nét chân chất, hồn nhiên khi hóa thân vào các vai diễn. Anh đưa những xúc cảm của riêng mình vào nhân vật. Có lẽ vì thế, anh đã có những phút xuất thần để xóa nhòa cái ranh giới giữa diễn viên và nhân vật. Trọng Phúc chia sẻ: “Không ít lần tôi phải ngậm ngùi trả vai vì mình không biết thoại lời và không tự tin trong diễn xuất. Nghĩ không lẽ phải chịu thua, tôi lại quyết tâm phải thể hiện cho bằng được. Thay vì chỉ nghe băng để học cách luyến láy, cách lấy hơi, nhả chữ của các NS thành danh, tôi còn chú ý cả cách thoại lời của họ trong những vai diễn ở các tình huống khác nhau. Tôi dành nhiều thời gian tự tập bằng cách thu âm giọng thoại của mình rồi nghe để tự sửa chữa”.
Biết cách thoại lời rồi vẫn chưa hết khó, bởi Trọng Phúc cứ lóng ngóng khi thể hiện các hành động nhân vật. Lại bắt đầu mày mò tập luyện và nhờ các NS đi trước chỉ giáo để tự tìm một lối diễn riêng. “Người thương cũng nhiều mà người ghét cũng không ít. Tôi từng chạnh lòng bởi những lời đàm tiếu, chê bai, thậm chí coi thường chỉ vì tôi xuất thân từ một anh ca sĩ nhạc trữ tình chẳng rành rẽ gì về bài bản vọng cổ và diễn xuất thì… chính bản thân mình, tôi cũng chẳng cảm thấy tự tin. Khi ấy, tôi chỉ có một quyết tâm duy nhất là cố gắng gấp đôi, gấp ba bình thường để khẳng định mình. Có lẽ tôi may mắn được nhiều NS tận tình chỉ giáo và giúp đỡ nên mới có được chút thành công như ngày hôm nay” - Trọng Phúc tâm sự.
Đến nay, NS Trọng Phúc đã có những bước tiến dài trong cả cuộc đời và sự nghiệp, nhưng cái chất chân tình, xởi lởi, dễ gần của người miền Tây vẫn còn nguyên vẹn.
Minh Hiếu
Sources: baomoi |