Ngày Đăng: 09 Tháng 10 Năm 2011 Nghệ sĩ Trọng Phúc vốn là một ca sĩ hát nhạc dân ca được nhiều khán giả yêu mến, bởi giọng ca ngọt ngào, sâu lắng. Nhưng gần đây anh lại chuyển qua hát cải lương và chỉ trong một thời gian ngắn, kể từ năm 2003 đến nay, anh đã nhận được 2 Huy chương vàng, 2 Huy chương bạc giải chuyên nghiệp và mới đây anh lại nhận giải “Diễn viên cải lương được yêu thích nhất” của HTV, do khán giả bình chọn.
- Là một ca sĩ ca nhạc chuyên nghiệp được nhiều khán giả yêu mến nhưng đột ngột Trọng Phúc lại chuyển qua sân khấu cải lương, anh có thể cho khán giả biết vì sao?
* Nghệ sĩ Trọng Phúc: Trong một lần đi biểu diễn ở nước ngoài cùng cô Lệ Thủy và chú Minh Vương, hôm đó chú Minh Vương bị ốm nên cô Lệ Thủy nhờ Phúc hát thế vai chú Minh Vương, không ngờ được nhiều người khen quá trời. Sau này cũng nhân dịp đi diễn ở nước ngoài thì hát với Ngọc Huyền, chắc có duyên với cải lương và được tổ nghiệp thương nên mới được như ngày hôm nay.
- Vậy trước đó anh đã từng nghĩ mình sẽ hát cải lương chuyên nghiệp?
* Nghệ sĩ Trọng Phúc: Không. Quê Trọng Phúc ở miền Tây Nam Bộ, cái nôi của nghệ thuật sân khấu cải lương. Nhưng từ nhỏ Trọng Phúc lại đam mê ca nhạc nên khi lớn lên Phúc xin gia đình lên Sài Gòn tìm thầy học ca nhạc. Lúc đó, Phúc được học thầy Đình Văn, Thanh Sơn, Zoãn Bình… Sau nầy, trong những lần đi biểu diễn biết Phúc là người miền Tây nên thỉnh thoảng khán giả yêu cầu ca vọng cổ, Phúc cũng chỉ hát một vài câu cho vui. Chỉ vậy thôi, không ngờ lại bén duyên luôn.
- Từ ca nhạc chuyển qua hát cải lương, chắc thời gian đầu Trọng Phúc sẽ gặp không ít bỡ ngỡ, khó khăn? Vậy lúc đó ai là người giúp đỡ Phúc nhiều nhất?
* Nghệ sĩ Trọng Phúc: Cũng có gặp khó khăn chút đỉnh. Ca nhạc chỉ có một bài, còn đằng nầy cải lương cả một tuồng dài nên khi mình hát phải tính từng câu từng chữ trong đoạn văn để sắp xếp hát cho thật tình cảm. Có lẽ khó nhất là khâu diễn xuất. Hồi mới chuyển qua cải lương Phúc được cô Thanh Kim Huệ hướng dẫn rất nhiều trong luyến láy, nhấn nhá câu chữ. Nói chung là Phúc được học rất nhiều ở các nghệ sĩ đi trước.
- Thường thì Phúc được giao những loại vai nào? Và đến thời điểm nầy thì Phúc đóng được bao nhiêu tuồng và thường diễn chung với cô đào nào?
* Nghệ sĩ trọng Phúc: Có lẽ do gương mặt hiền hiền, dân miền Tây mà, nên Phúc thường được giao đóng những vai hiền hậu, con nhà nghèo… Phúc cũng không nhớ nổi mình đã đóng bao nhiêu tuồng. Phúc thường đóng chung với Thanh Ngân, Tú Sương, Quế Trân, Thoại Mỹ, Thanh Kim Huệ, Thanh Thanh Tâm, Lệ Thủy, Tài Linh…
- Khi chuyển qua cải lương, Trọng Phúc thấy mình có lợi thế gì nhất?
* Nghệ sĩ Trọng Phúc: Đó là giọng ca và ngoại hình. Bởi vì sân khấu là thiên đường, người đứng trên đó phải đẹp, phải hát hay.
- Có bao giờ Phúc thấy tiếc khi mình bỏ ca nhạc không?
* Nghệ sĩ Trọng Phúc: Phúc nghĩ ở lĩnh vực nào cũng phục vụ khán giả, quan trọng là mình cống hiến như thế nào và được khán giả yêu mến đến đâu thôi. Thật lòng mà nói lúc nào Phúc cũng nghĩ mình vẫn còn là một ca sĩ. Sắp tới đây Phúc sẽ ra 2 album.
- Từ khi chuyển qua lĩnh vực sân khấu đến nay, Trọng Phúc có nuối tiếc gì không?
* Nghệ sĩ Trọng Phúc: Phúc thấy mình được rất nhiều. Được khán giả ủng hộ nè, được 2 Huy chương vàng, 2 Huy chương bạc giải chuyên nghiệp và mới đây Phúc còn được giải thưởng “Nghệ sĩ cải lương được yêu thích nhất” của HTV, do khán giả bình chọn. Phúc thấy mình được rất nhiều, không mất gì hết.
- Từ một ca sĩ chuyên nghiệp vừa chuyển qua hát cải lương trong một thời gian ngắn mà đã được nhiều giải, Trọng Phúc có cảm thấy đó là may mắn?
* Nghệ sĩ Trọng Phúc: Tính Phúc là khi làm việc gì cũng vậy dù lớn hay nhỏ, rất có trách nhiệm và hết lòng vì việc đó. Phúc may mắn là học rất nhanh và nhớ dai.
- Phúc có định đi học một lớp chuyên về cải lương để nâng cao nghề nghiệp? Và hiện tại công việc của Phúc?
* Nghệ sĩ Trọng Phúc: Bây giờ thì công việc của Phúc tạm ổn rồi. Phúc đã ca được tất cả các bài bản nên chỉ tự học để ngày càng hoàn thiện thêm thôi. Hiện tại Phúc đang tập tuồng "Bên cầu dệt lụa” để chuẩn bị quay cho đài truyền hình thành phố.
- Xin cảm ơn nghệ sĩ Trọng Phúc. Chúc anh thành công trên con đường đã chọn.
Sources: baocamau |