Ngày Đăng: 10 Tháng 05 Năm 2015 Người ta gọi NSƯT Trọng Hữu là người nông dân hát cải lương, không chỉ bởi ông xuất thân từ làng quê Nam bộ mà còn vì những vai diễn của ông thường chân đất đầu trần. Mười vai diễn của ông có hết quá nửa không được mang giày dép…
Người nông dân và những vai mùi
Chẳng hiểu sao, đã hơn hai mươi năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in cái câu dì nói với mẹ rằng: “Cứ hễ nghĩ tới thân phận hẩm hiu Hàn Mạc Tử là tui nhớ ngay tới Trọng Hữu!” Ngày xưa, mỗi lần thấy Hàn Mạc Tử đớn đau vì bệnh tật, buồn tủi cho duyên phận trên cái tivi 14 inch đen trắng, dì tôi lại kéo vạt áo chùi nước mắt. Lớn lên, tôi mới biết, đó là một trong những vai diễn gắn liền với tên tuổi của Trọng Hữu, đó là vì ông đã diễn quá xuất sắc, quá tròn vai. Và hôm nay ông ngồi cùng tôi để kể lại câu chuyện đời mình một cách mộc mạc, chân chất với khán giả Việt Nam ngày nay.
Trọng Hữu tên thật là Đặng Trọng Hữu, ông sinh ra và lớn lên ở đất Phụng Hiệp, Cần Thơ trong một gia đình đờn ca tài tử. Mười tuổi theo ông nội đi hát đám, 16 tuổi theo cha vào đoàn Văn công Tây Nam bộ và rồi trở thành bộ đội thuộc tiểu đội thông tin. Công chúng biết đến bởi ông là danh ca vọng cổ được yêu thích với hàng trăm bài tân cổ được thu và phát trên sóng phát thanh. Đến Cần Thơ thăm nhà ông, nhìn những tấm ảnh và nhiều kỷ vật treo trang trọng trên tường mới biết ông và cô Tuyết Mai, vợ ông, đều từng được phong tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất. Bao nhiêu lâu nay, ông vẫn lặng lẽ, giấu những thành tích ấy của mình bởi ông muốn tự khẳng định mình bằng sự cống hiến cho sân khấu cải lương, cho những đêm đốt đuốc chong đèn đi coi cải lương của những người nông dân chân đất miệt đồng bằng chứ không phải bằng những đóng góp của mình thời chiến tranh.
Mối tình đẹp thời lửa đạn
Dọn cho chúng tôi bữa cơm với cá kho, món mà NSƯT Trọng Hữu thích nhất, cô Tuyết Mai chân tình kể lại mối tình của mình với người đàn ông lãng tử chân đất: “Hồi đó tui là y tá, anh Hữu đóng quân ở gần, mỗi khi ốm đau, ảnh hay sang nhờ cạo gió, chích thuốc. Trên lưng anh Hữu có cái bớt lớn lắm, ảnh nói ai thấy cái bớt của ảnh là phải lấy ảnh. Tui chỉ nghĩ ảnh nói cho vui nhưng lâu dần thì có tình cảm. Hồi đó chuyện yêu nhau trong quân đội rất nghiêm khắc, thêm nữa bom đạn ác liệt, đâu có dám nghĩ tới ngày hoà bình. Tui với ảnh hẹn nhau nếu giải phóng thì sẽ làm đám cưới”. Năm 1975, đất nước giải phóng, cô Tuyết Mai về làm vợ nghệ sĩ Trọng Hữu.
Bao nhiêu năm nay, cô Tuyết Mai vẫn lặng lẽ đứng phía sau lưng chồng, chu toàn mọi thứ. Không nhiều khán giả và đồng nghiệp cải lương của ông biết đến cô bởi cô vẫn cứ bình dị như cô y tá ngày nào trong chiến khu, không ồn ào xuất hiện bên người chồng nổi tiếng. Cô lặng lẽ lo cho chồng từng tấm áo, từng bữa cơm mỗi khi ông đi hát về, theo dõi và góp ý cho ông trong từng vai diễn.
Mấy mươi năm đi hát, phù du để lại phía sau, hạnh phúc gia đình của một nghệ sĩ lớn là những món ăn ngon vợ nấu, là những đứa cháu cưng ngày đêm quấn quýt bên mình. Gần nửa thế kỷ gắn bó với cải lương, biết bao thân phận của các nhân vật do ông thủ vai đều đã đi vào lòng công chúng. Ở cái tuổi nhiều bạn diễn cùng thời đã chọn cách nghỉ ngơi hoặc rời xa sân khấu, nhưng Trọng Hữu vẫn cần cù, nghiêm túc sáng tạo với những vai diễn, vẫn dày kín lịch đi diễn khắp đồng bằng, vẫn miệt mài cống hiến cho sân khấu cải lương như một con tằm rút ruột nhả tơ, bởi với ông, bà con nông dân xứ mình còn mê cải lương lắm…
Theo – Bích Uyên (SGTT)
Sources: conhacvietnam |
|
|