Ngày Đăng: 06 Tháng 05 Năm 2015 Cải lương cần cách tân, hiện đại nhưng những gì hồn cốt của nó không thể làm thay đổi, biến dạng
Trước sự sống còn của sân khấu nghệ thuật cải lương, nhằm tìm hướng đi mới phù hợp với yêu cầu thưởng thức của công chúng hôm nay, công trình nhà hát dành cho cải lương được xây dựng tại TP HCM mang tên Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang được thiết kế khán phòng dành cho sân khấu thể nghiệm, mở ra cho sân khấu cải lương điều kiện thực hiện những ý tưởng thể nghiệm mới. Nhưng thể nghiệm như thế nào là vấn đề đang gây tranh cãi.
Thể nghiệm là cần thiết
Đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, cho biết trước khi tiếp nhận nhà hát mới, ông đã phát động trong lực lượng đạo diễn trẻ, tác giả trẻ tham gia xây dựng đề án dàn dựng cải lương mang tính thể nghiệm, qua đó “chọn mặt gửi vàng”.
Nhưng làm sao để vẫn giữ được thuần chất bộ môn nghệ thuật truyền thống này, đồng thời đạt được hiệu quả sáng tạo và hiệu ứng khán giả là bài toán khó. Theo NSND Trần Ngọc Giàu, tác phẩm thể nghiệm vẫn phải dung hòa được tính dân tộc và hiện đại từ kịch bản, âm nhạc, thiết kế sân khấu cho đến diễn xuất.
| Vở Chiến binh - tác phẩm mới của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang sắp công diễn |
Sân khấu nghệ thuật cải lương được xem là loại hình nghệ thuật mở nên từ nhiều thập niên qua, sàn diễn cải lương liên tục tiếp nhận cái mới để thích ứng với nhu cầu thưởng thức của công chúng qua mỗi giai đoạn. Hiện nay, đứng trước sức cạnh tranh dữ dội của nhiều loại hình nghệ thuật giải trí khác, sàn diễn cải lương đòi hỏi những nhà hoạt động có tâm huyết tìm cách thể hiện tác phẩm đủ sức hấp dẫn kéo được công chúng đến nhà hát.
Hai khuynh hướng đang gây tranh cãi giữa các nhà chuyên môn là dàn dựng cải lương nên giữ đúng chất mộc mạc như cách ca diễn của những năm 1960-1970 - thời hưng thịnh của bộ môn này - hay nên cách tân, đổi mới, dung nạp nhiều thể loại trong hình thức biểu diễn để phù hợp với đời sống hôm nay. NSND Thanh Tòng cho biết tâm huyết của ông là luôn tìm cách dàn dựng thể nghiệm để tìm ra hướng tiếp cận với công chúng hiện đại. “Các vở của đoàn Minh Tơ cho thấy khi đưa nhiều cách dựng mang tính thể nghiệm vào thì có sức thu hút khán giả. Theo tôi, giữ được cái hồn của bộ môn này là phần âm nhạc, còn thể nghiệm cách dàn dựng đòi hỏi phải tạo được sự đột phá trong việc thay đổi không gian, đẩy nhanh tiết tấu nhưng vẫn tuân thủ niêm luật của sân khấu cải lương” - “thống soái” của sân khấu cải lương tuồng cổ nói.
Với đạo diễn - NSND Huỳnh Nga, những thể nghiệm đối với sân khấu cải lương thời gian qua cũng chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn. “Chỉ đạt được tiến bộ là cố rút ngắn thời lượng vở diễn so với truyền thống; thiết kế sân khấu cảnh trí bằng màn hình LED, cảnh trí tinh giản tối đa nhờ hệ thống vi tính hóa; đưa nhiều phương tiện của sân khấu hiện đại vào nhưng rồi lại buông bỏ chất tự sự vốn cần thiết của sân khấu cải lương nên đã làm giảm đi hiệu ứng cần và đủ của bộ môn nghệ thuật này” - đạo diễn tác phẩm Đời cô Lựu nhận định.
Cái chuẩn là sự dung hòa?
Năm 2007, vở Kim Vân Kiều đã làm cú đột phá về thể nghiệm cải lương và sau đó, năm 2009, là vở Chiếc áo thiên nga (đều do đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ dàn dựng). Thời đó, đã có nhiều tranh cãi về cái chuẩn của việc dung hòa giữa cải lương truyền thống với những sáng tạo khác lạ trong quá trình thể nghiệm. Trước hết, dàn nhạc giao hưởng đưa vào cải lương vẫn chưa tạo được sự hòa quyện với dàn nhạc cổ; ca nhạc thính phòng vẫn đứng ở trạng thái độc lập, chưa thật sự là cầu nối giao thoa với bài bản cải lương, vọng cổ khiến 2 cuộc thể nghiệm này vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn về mặt âm nhạc.
“Hai vở diễn mang tính thể nghiệm này đã tạo được sự chú ý của khán giả về sân khấu hoành tráng, quy tụ dàn diễn viên giỏi nghề, dàn ca sĩ ngôi sao mang lại sức hấp dẫn mới lạ cho sàn diễn cải lương khi dàn dựng trong không gian sân khấu quảng trường. Tuy nhiên, những tác phẩm sân khấu cải lương mang tính thể nghiệm này cũng đã gặp phải những khó khăn do phải đầu tư kinh phí quá lớn mà thu không đủ bù chi hoặc chưa được khán giả cải lương truyền thống chấp nhận. Chính vì không thống nhất được cách dàn dựng cách tân hay thuần truyền thống mà kịch bản Hoàng đế Quang Trung của tác giả Lê Duy Hạnh chưa thể dàn dựng trong những năm sau đó” - soạn giả Hoàng Song Việt nhận xét.
Dù thế, đến năm 2010, khán giả mộ điệu cải lương đã thật sự thích thú khi vở cải lương Chuyện tình Lan và Điệp, do ca sĩ Minh Thuận đầu tư tiền tỉ dàn dựng, ra mắt. Dưới bàn tay đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ, vở diễn đã thành công vang dội. “Điều thú vị đối với khán giả trẻ khi xem vở cải lương này là dàn nghệ sĩ với những ngôi sao ca nhạc nổi tiếng như: Phương Thanh, Cẩm Ly, Đàm Vĩnh Hưng, Minh Thuận, Thu Minh… đã thể hiện quá tuyệt câu chuyện vốn quen thuộc nhưng được dàn dựng sinh động. Như vậy, yếu tố ngôi sao ca nhạc diễn cải lương, cách dàn dựng dung hòa giữa cũ và mới là yếu tố quyết định cho sự thể nghiệm này thành công”, đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng nhận định.
Như vậy, cải lương cần mạnh dạn thể nghiệm để mang nhiều màu sắc và có sức hút hơn với công chúng trẻ. Nhưng “nếu cứ ép thể nghiệm mà đạo diễn thiếu kinh nghiệm với cải lương truyền thống, thiếu trải nghiệm sẽ dễ dàng thay các lớp lang bằng chiêu trò vụn vặt, thay đổi bài bản mà không hiểu phần hồn của sân khấu cải lương là âm nhạc cải lương, vở diễn thể nghiệm sẽ bị chắp vá, hời hợt và nông cạn là khó tránh khỏi”. NSND - nhạc sĩ Thanh Hải phân tích và cảnh báo.
Muốn thành quả, cần có quá trình
Sân khấu cải lương hôm nay không còn được đông đảo khán giả quan tâm và càng không thể so sánh với sân khấu cải lương cách đây hơn 30 năm. Bởi lẽ, trong đời sống văn hóa nghệ thuật hiện đại đã có nhiều bộ môn giải trí để công chúng lựa chọn. “Điều quan trọng là cải lương phải được nhìn nhận đúng ở phương diện tạo ra nhiều hình thức biểu diễn mới lạ, đáp ứng được nhu cầu xem và nghe. Hồi thời hưng thịnh, giọng ca nghệ sĩ quyết định tất cả, không xem trọng diễn xuất. Khi có các đoàn như: Hương Mùa Thu của soạn giả Thu An, Thanh Minh - Thanh Nga của bà bầu Thơ, Dạ Lý Hương của bầu Xuân, Minh Tơ của gia tộc NSND Thanh Tòng... đi vào khai thác diễn xuất, cải lương bắt đầu xem trọng hình thức dàn dựng, từng bước thể nghiệm cái mới nhưng bước đi thật chậm, tìm vấn đề cốt lõi, trọng tâm để dung hòa và đạt hiệu quả. Quá trình đó đòi hỏi phải có những bước chuẩn bị, có chiến lược và chuẩn mực để thực hiện”. NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu nhấn mạnh.
Sources: nld |