Ngày Đăng: 27 Tháng 06 Năm 2007 Live show Tung cánh phượng hồng của NSƯT Thoại Mỹ (do Nhà hát Trần Hữu Trang tổ chức) diễn ra vào tối 25-6 tại Trung tâm Ca nhạc Lan Anh (TPHCM) đã thu hút hơn 2.000 khán giả. Vé chợ đen lên đến 2 triệu đồng/cặp
Những nỗ lực đáng trân trọng của Thoại Mỹ
Điều đọng lại trong lòng khán giả về một bé Sầu Riêng – Thoại Mỹ ngày nào trên sân khấu Đoàn Cải lương Văn Công TP, là một sự tiến bộ vượt bậc về tài năng ca diễn của cô sau 20 năm làm nghề. Lâu nay, người trong giới sân khấu vẫn quen nhìn Thoại Mỹ là cô đào nhì không ai thay thế. Tuy nhiên với tính năng động, chịu khó học hỏi và ý thức được sự đa dạng mà theo lời NSND Huỳnh Nga (phát biểu trên vidéo clip trong đêm diễn) thì: “Thoại Mỹ là một cô đào rộng đường xài”. Thật vậy, chỉ trong vòng 5 năm trở lại, Thoại Mỹ đã khẳng định được nghề nghiệp qua sự đa dạng hóa các tính cách nhân vật. Từ một đào nhì, cô đường hoàng tỏa sáng với nhiều vai đào chính. T
rong đêm diễn, Thoại Mỹ đã làm hài lòng người xem khi biến hóa thật ngoạn mục các tính cách: khờ khạo, tưng tửng (vai gái nhỏ trong trích đoạn Hai mảnh đời, một nỗi đau), sắc sảo, độc đoán (công chúa trong trích đoạn Trâm hoa mai), dịu dàng, trâm anh đài các (Dương Quý Phi trong trích đoạn cùng tên), mạnh mẽ, bất chấp gian nan để bảo vệ tình yêu (Triệu Minh trong trích đoạn Anh hùng hội), hoặc bản lĩnh, khí phách trong vai quỷ Dạ Xoa (trích đoạn Chung Vô Diệm)...
Khán giả vỗ tay, gọi to tên cô. Điều bất ngờ là trong số đó có rất đông khán giả sinh viên, học sinh.
Nhiều tiết mục thừa
Kết cấu một chương trình biểu diễn là nghệ thuật của đạo diễn. Live show Thoại Mỹ không có MC, các vidéo clip của các nhà chuyên môn, các nghệ sĩ tham gia và quá trình lao động, tập dượt, trăn trở của Thoại Mỹ khi làm live show này đã thay MC kết nối các trích đoạn. Tuy nhiên, những mối nối này không được kết cấu liền lạc, chưa kể âm thanh khó nghe, có cả vidéo clip bị hỏng tiếng.
Ngoài ra, có nhiều tiết mục thừa, đó là các tiết mục ca cổ chẳng ăn nhập gì với chương trình cũng như phần biểu diễn của ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, Thanh Thảo như những tiết mục lắp ghép. Theo giải thích của ê-kíp thực hiện thì những tiết mục đó nhằm lấp khoảng trống sân khấu để Thoại Mỹ có thời gian thay đổi trang phục, làm tóc... thế nhưng sự lắp ghép tùy tiện đó đã khiến cảm xúc đêm diễn bị tách rời.
Màn trao kỷ niệm chương cho các nghệ sĩ, ê-kíp thực hiện chương trình cho thấy sự lúng túng, chưa xứng với đẳng cấp một nhà hát chuyên nghiệp. Phần công bố các nhà tài trợ lại càng làm cho không khí chùng xuống. Sự chuẩn bị không kịp tiết mục kết của đêm diễn, khiến đạo diễn Hoa Hạ phải xin khán giả thông cảm, đã cho thấy đêm diễn mất đi tính chuyên nghiệp. Nếu so với Kim Vân Kiều thì chương trình này lùi một bậc ở khâu tổ chức, hay nói đúng hơn là biên tập thiếu chuyên nghiệp, không tính thời lượng khiến người xem mệt mỏi, vì gần 1 giờ sáng mới kết thúc đêm diễn. Nhiều khán giả đã bỏ về trước khi kết thúc chương trình dù phần cuối tiết mục Anh hùng hội có nhiều ngôi sao tham gia.
Sources: nld |