Ngày Đăng: 10 Tháng 05 Năm 2015 Đã tròn 21 năm nay rồi, nghệ sỹ Thanh Tú chọn cho riêng mình một cuộc sống gửi tâm nơi cửa Phật. Bà quy y cửa Phật nhưng không phải xuống tóc hay ở hẳn trên chùa gõ mõ tụng kinh. Sư thầy Thích Thanh Quyết trụ trì ở chùa Phúc Khánh từng nói rằng, bà là bà vãi có thâm niên lâu năm nhất ở chùa Phúc Khánh.
Đi tu tại gia, tu tại tâm, lòng quy y cửa Phật, người đàn bà đẹp nhất, nhưng số phận cũng hồng nhan và đa truân trong số ít những người đẹp nhất của làng sân khấu và điện ảnh Việt Nam không từ chối cuộc sống tục lụy nơi trần gian nhưng lòng đã hướng về cõi tâm linh để cầu mong tìm thấy hai chữ bình yên nơi cửa Phật.
1. NS Thanh Tú sinh ra trong một gia đình “danh gia vọng tộc” ở Hà Nội. Cha bà nguyên là Thứ trưởng Bộ Xây dựng, mẹ là hoa khôi Hà Nội. Năm 9 tuổi, bà được gửi sang Trung Quốc học chương trình dành cho con em cán bộ cao cấp. Trở về nước, bà là học sinh giỏi của Trường Chu Văn An, đã từng đậu vào Trường Đại học Kiến trúc.
Vì mê sân khấu, điện ảnh, quyến rũ bởi ánh đèn sân khấu đầy ma lực mà bà bỏ học đi thi tuyển vào đoàn văn công. Khán giả yêu điện ảnh Việt Nam hẳn chưa bao giờ mờ phai trong tâm trí hình ảnh Thảo trong "Biển lửa", Hương Giang trong "Tiền tuyến gọi", mẹ bé Hà trong "Em bé Hà Nội" và đặc biệt nhất là Nhu trong "Sao tháng tám".
Với vai diễn này, bà đã giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IV năm 1977, được Ủy ban Phụ nữ toàn Liên bang Xôviết trao giải đặc biệt khi dự Liên hoan phim Moskva. Chính đạo diễn Phạm Kỳ Nam, người yêu, người tình và là người chồng đầu tiên của bà đã có công tìm ra và đưa gương mặt Thanh Tú trở thành một ngôi sao sáng chói của điện ảnh. Sau thành công rực rỡ này, bà gần như từ chối tham gia các dự án điện ảnh khác cho đến năm 1984.
Quãng thời gian đó bà theo học khóa đạo diễn sân khấu ở Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Việt Nam. Bà là đạo diễn của nhà hát kịch, từng thành công trong các vở "Đỉnh cao và vực thẳm", "Cố đấm", "Thị trường trái tim", "Thoát vòng tục lụy", “Vợ chồng dởm”…
Ngoài công việc diễn xuất, đạo diễn, bà còn là một giảng viên cao cấp giảng dạy về nghệ thuật tại các trường đại học. Cho đến thời điểm này, sau khi nghỉ hưu bà vẫn tiếp tục công việc chuyên môn như đạo diễn, giảng dạy và đào tạo các thế hệ diễn viên trẻ. Công việc đầy ắp với người đàn bà đẹp và tài danh không có tuổi.
2. Nằm nép mình trong ngõ một con phố xinh đẹp và sầm uất của Hà Nội, phố Triệu Việt Vương, ngôi nhà 4 tầng của bà được bài trí thật xinh xắn và dễ chịu. Một không gian thoáng đẹp, cho ta cảm giác thật bình an khi bước vào nơi đây, như thể chủ nhân, một người đàn bà đẹp, mạnh mẽ, cực đoan nhưng tài danh như bà chưa từng trải qua những sóng gió, giông bão của cuộc đời.
Tiếp xúc với Thanh Tú càng thấy bà là mẫu người hiếm có trong thế gian này khi thời gian cũng bất lực trước nhan sắc mà tạo hóa ưu ái ban tặng cho bà. Nghệ sỹ Thanh Tú đã quy y cửa Phật tròn 21 năm nay. Đã 21 năm, bà chưa hẳn đã dứt được vòng tục lụy của cuộc đời nhưng Phật đã giúp bà ngộ giác cuộc sống, giúp bà tìm ra những lý giải một cách trọn vẹn và thanh thản trước những gì đã đến và đi trong cuộc đời của bà.
NS Thanh Tú kể rằng, gia đình bà đều quy y cửa Phật. Mẹ bà theo Phật từ khi còn trẻ, còn bố bà quy y cửa Phật sau khi đã nghỉ hưu. Tám anh chị em trong gia đình bà người sớm hay muộn, tùy từng thời điểm đều được bố mẹ bà quy y nơi cửa Phật. So với các anh chị em bà, thì Thanh Tú là người giác ngộ sau nhất. Bà đến với Phật khi cuộc sống của bà rơi vào những ngày đen tối nhất, khủng hoảng nhất. Người chồng đầu tiên là đạo diễn nổi tiếng Phạm Kỳ Nam đã bỏ bà ra đi, rồi tiếp đến là người chồng thứ hai cũng tan vỡ với bà khi con gái mới lên 6 tuổi. Yêu thương say đắm là vậy, nhưng đổ vỡ cũng cận kề như chưa từng có những ngày quay quắt để làm tất cả cho nhau vì yêu. Cuộc sống của bà lúc này đã rơi vào tận cùng vực thẳm của sự thất vọng, của đau đớn ê chề.
Sau hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, bà dành hết yêu thương cho hai đứa con của hai người đàn ông mà bà đã say đắm hết mình. Thanh Tú nhớ như in, ngày bà đi lễ chùa Phúc Khánh, bà may mắn gặp được sư thầy Thích Thanh Quyết. Hồi đó thầy Quyết còn rất trẻ, độ 25-27 tuổi.
Gặp thầy, bà chắp tay trước ngực, nước mắt lưng tròng thưa với thầy: "Thầy ơi sao kiếp nạn của con khổ quá". Thanh Tú nhớ mãi câu nói của thầy lúc ấy với bà: "Cô có muốn hết khổ không". Bà ngước mắt nhìn thầy khẩn cầu: "Nếu vậy thì cô nên quy y cửa Phật". Bà lắc đầu: "Nếu muốn quy Phật thì phải chấp hành tam quy, ngũ giới, làm sao con thọ nạn được hở thầy".
Thầy nhẹ nhàng: "Ta biết con có hai điều khó. Nhưng con cứ nghĩ mà coi, về việc không tà dâm nếu con làm việc đó theo sự sinh tồn mà không làm phiền đến người khác thì việc đó là việc thuận. Còn việc đó nếu không đồng tình thì kể cả vợ chồng cũng là việc tà. Về việc không sát sinh, chỉ cần con không nhìn thấy, không chứng kiến và nghe tiếng kêu của con vật trước khi bị giết chết thì con cũng ít tội lắm". Thế là Thanh Tú được thầy cho sách kinh Phật về nghiên cứu, phát nguyện ăn chay và làm lễ quy y.
Hỏi bà, vì sao bà lại tìm đến cửa Phật để nương náu tâm hồn mình, Thanh Tú trả lời, bà theo Phật bởi bà lý giải được cuộc đời, lý giải được điều hay đến với mình cũng như điều dở điều buồn đến trong cuộc đời mình không tránh được. Lý giải được vạn vật, vạn sự quanh mình, bà ngộ ra nguyên lý rất cơ bản của Đạo Phật chính là Nghiệp.
Bà đã phải chịu đeo đẳng nghiệp chướng cô đơn, lấy chồng hai lần, sống hết mình vì yêu nhưng vẫn bị chồng chê, chồng phụ bạc. Tất cả những nỗi bất hạnh ấy là do từ kiếp trước mình đã gieo những nghiệp xấu về tình duyên, kiếp này mình phải gánh hậu quả của kiếp trước, những bất hạnh, vấn nạn của mình trong kiếp này là do mình phải trả nghiệp.
Càng ngày bà càng thấm thía nghiệp đè nặng lên cả cuộc đời mình. Lý giải được những thua thiệt trong tình cảm, những mất mát trong cuộc sống riêng tư, từ đó Thanh Tú yên tâm mà giả nghiệp. Bà thề sẽ không bao giờ đi lấy chồng lần nữa, bà không tin vào đàn ông, và bao nhiêu yêu thương bà dồn hết cho con, coi đó như niềm hạnh phúc lớn nhất, đáng trân trọng nhất, thứ quý giá nhất còn lại của đời bà. Bà nói rằng, theo Phật rồi, cái tâm mình trong veo, mình sống lương thiện thanh thản. Mỗi lần chắp tay trước Phật bà chỉ cầu xin hai chữ "bình an". "Thanh thản chờ cái đến/ Vui vẻ tiễn cái đi/ Yêu những điều không muốn/ Tâm nhàn như mây trôi".
3. Mặc dù đã lý giải được mọi sự được mất ở đời, yên tâm để giả nghiệp nhưng cuộc sống của NS Thanh Tú không phải đã tìm được hai chữ bình an. Tôi thấy căn tu của bà còn nặng nghiệp trần gian lắm. Người phụ nữ thất bại trong tình riêng, dồn hết tình cảm cho con nhưng rồi các con cũng tuột khỏi tay bà trong khoảng trời tự do của chúng.
Con trai 13 tuổi đã sống ở Pháp, giờ đã hoàn toàn trở thành một người Pháp gốc Việt với một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt. Con trai đã chọn phương Tây để sống trọn vẹn cuộc đời mình mà chấp nhận xa mẹ. Thanh Tú ngân ngấn nước mắt ân hận khi bà đã để con đi xa quá sớm, để con tuột khỏi vòng tay của mẹ, để bây giờ, con định cư nước ngoài, không trở về, bà có cảm giác mất mát của người mẹ tuột mất con.
Giờ đây, con gái yêu thương của bà cũng đã lớn, đã vuột khỏi tay bà để đến với thế giới tự do của lớp trẻ. Bà đã không thể hoà nhập được với thế giới đó nữa, nhưng bà cũng không thể níu con đừng lớn để mãi mãi là đứa trẻ bé bỏng trong tay bà. Yêu con đến thế, nhưng giờ đây mỗi sáng, trưa, chiều, tối, Thanh Tú ăn cơm một mình, lặng lẽ đợi bước chân con trở về nhà và trào nước mắt vì thấy mình thật là ngớ ngẩn khi biết rằng các con đã lớn đã đi xa.
Và cũng thật khó tìm được hai chữ bình an khi xung quanh bà luôn có những người yêu bà, thương mến và đắm đuối vì bà. Bà nói, số bà, đến chết vẫn còn duyên, đến chết vẫn còn có người theo. Trái tim đã nhiều tổn thương, như con chim luôn sợ cành cong, bà không muốn có một sự ràng buộc.
Phần lớn những người yêu bà không biết được tuổi thật của bà trừ phi bà thổ lộ. Những mối tình, những cuộc tình không bến bờ hẳn đã làm cho cuộc sống của bà dậy sóng mà không bình yên. Bà tìm đến cõi Phật để nương náu và cân bằng chính tâm hồn mình, cân bằng và làm dịu trái tim đam mê, luôn ngùn ngụt tình yêu cuộc sống.
4. NS Thanh Tú nói rằng, phần lớn con người ta đến với Phật theo tĩnh độ. Bà đã vượt qua tĩnh độ để đạt đến thiền. Tại sao bà giác ngộ thiền và theo thiền là bởi theo thầy Thích Thanh Quyết, bà lên chùa Yên Tử, nghiên cứu thiền viện Trúc Lâm ở Yên Tử, và nghiên cứu đạo Phật của vua Trần Nhân Tông bà đã giác ngộ ra rằng Trần Nhân Tông chính là Thiền, Phật chính là Thiền.
Thiền là khi con người ta tìm Phật ở trong mình, ngoảnh lại mình thấy Phật. Trong vô vàn những kỷ niệm sâu sắc với thầy Thích Thanh Quyết, NS Thanh Tú đã cùng đứng tên chung một vở kịch sân khấu: "Thoát vòng tục lụy" cùng với thầy. Trước khi làm đạo diễn vở sân khấu này, một ngày, bà đã đem ước vọng đó nói với thầy rằng: "Thầy ơi con yêu Đạo Phật lắm, con muốn làm cái gì đó về Phật".
Được thầy động viên giúp đỡ, Thanh Tú đã rất thành công với vở "Thoát vòng tục lụy". Người đến xem vở tự động bỏ tiền vào hòm công đức mà không cần mua vé. Đó là kỷ niệm tươi đẹp của hơn chục năm về trước. Giờ đây, khi nghiên cứu thiền và đi theo thiền, bà đã nung nấu một khát vọng làm một vở kịch lớn về đạo thiền của vua Trần Nhân Tông.
Được thầy Thích Thanh Quyết gợi ý, bà đã lập một bộ sậu hùng hậu, lựa chọn nhà viết kịch Lê Phương và nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, đạo diễn điện ảnh Hữu Phần và những tên tuổi sáng giá khác trong làng sân khấu. Sau gần nửa năm miệt mài, hiện nay ê kíp của bà đã có được kịch bản: "Trúc lâm Yên Tử" (Điều ngự giác Hoàng Trần Nhân Tông) do nhà viết kịch Lê Phương, Trịnh Thanh Nhã viết. Nhưng do cơ duyên chưa gặp, cho đến lúc này, vở kịch vẫn chỉ nằm trên máy tính mà chưa thể có được kinh phí để dàn dựng.
Nỗi tiếc nuối vẫn đau đáu trong khát vọng của bà. Nhưng Thanh Tú đã giác ngộ Phật rồi, đã tìm đến thiền rồi cho nên bà vẫn ngày ngày chắp tay nơi cửa Phật cầu xin một cơ duyên để vở kịch lớn về Trúc Lâm Yên Tử có thể đến được với công chúng những người yêu Đạo Phật trong nay mai.
Dẫu cuộc sống không tròn đầy, mất mát, hay thua thiệt, thậm chí là nỗi cô đơn ngay chính trong căn nhà của mình, không vì thế mà Thanh Tú thất vọng. Bà nói rằng, bà còn phải cố gắng nhiều nữa để vượt qua chính mình, vượt qua những tham, sân, si ở đời để có thể tìm thấy Phật trong mình, ngoảnh lại mình thấy Phật.
Sources: hoalinhthoai |