Ngày Đăng: 24 Tháng 01 Năm 2015 NSƯT Thanh Nga, NSND Ngọc Giàu, NSƯT Thanh Thanh Tâm, NSƯT Quế Trân... là những "bông hồng" đã đem sức trẻ, tuổi thanh xuân của họ miệt mài cống hiến cho nghệ thuật sân khấu cải lương Việt Nam.
NSƯT Thanh Nga
| NSƯT Thanh Nga. Ảnh: Báo Điện tử Một thế giới. |
Nghệ sĩ Thanh Nga (1942–1978) tên thật Juliette Nguyễn Thị Nga. Bà sinh ra tại Tây Ninh trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Mẹ của nữ nghệ sĩ là bà bầu Nguyễn Thị Thơ, Trưởng đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga nổi tiếng một thời. Nghệ sĩ Thanh Nga là một nghệ sĩ cải lương tài sắc nổi tiếng của Việt Nam được công chúng yêu mến đặt mệnh danh là "nữ hoàng sân khấu" của miền Nam Việt Nam.
Bà để lại ấn tượng đặc biệt với công chúng của nghệ thuật cải lương trong các vai diễn: Quỳnh Nga (Bên cầu dệt lụa), Vân (Bóng tối và ánh sáng), Dương Vân Nga (Thái hậu Dương Vân Nga), Trưng Trắc (Tiếng trống Mê Linh)... Ngoài ra, nghệ sĩ Thanh Nga cũng xuất hiện khá nhiều trên màn ảnh nhỏ thập niên 70 của thế kỷ XX.
Bà bị sát hại cùng chồng vào ngày 26. 11. 1978 tại nhà ở đường Ngô Tùng Châu, quận Nhất (nay là đường Lê Thị Riêng) TP.HCM. Hàng vạn khán giả Sài Gòn và các tỉnh ngoài Trung, trong Nam về thắp hương vĩnh biệt trong đám tang của vợ chồng bà.
Nghệ sĩ Thanh Nga được truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1984.
NSND Ngọc Giàu
| NSND Ngọc Giàu. Ảnh: Người Lao động. |
Nghệ sĩ Ngọc Giàu tên khai sinh là Phong Thị Ngọc Giàu. Bà sinh năm 1945, trong một gia đình lao động nghèo ở Thủ Thiêm (nay là Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh).
Ký ức tuổi thơ của nghệ sĩ Ngọc Giàu là những chuỗi ngày bần hàn, cơ cực, nhưng Ngọc Giàu lại rất mê ca hát. Ngoài giờ học, những lúc rảnh rỗi bà thường học hát qua đài.
Gần 60 năm gắn bó với sân khấu cải lương, Ngọc Giàu đã đóng hơn 100 tuồng cải lương, là một nghệ sĩ đa dạng. Nghệ sĩ diễn đủ vai từ đào thương, đào lẳng cho tới giả trai, vai hề và đều rất thành công.
Năm 16 tuổi bà đã đoạt “huy chương vàng triển vọng” giải Thanh Tâm. Năm 1963, bà đoạt giải “Huy chương vàng xuất sắc” giải Thanh Tâm. Năm 1979, được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Năm 1995, bà được trao Giải thưởng Mai Vàng lần thứ Nhất. Năm 2003, bà đoạt giải thưởng Diễn viên được yêu thích nhất trong Gala cười 2003. Năm 2012, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
NSƯT Thanh Thanh Tâm
| NSƯT Thanh Thanh Tâm. Ảnh: Sân khấu. |
Nữ nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm tên thật là Nguyễn Thị Thanh Thanh, sinh năm 1963 tại TP.HCM. Thân sinh của nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm là hai nghệ sĩ Nam Hùng và Thanh Thanh Hoa nổi tiếng trên sân khấu.
Thanh Thanh Tâm theo cha mẹ sống trong đoàn hát nên thường nghe tiếng đàn giọng ca của các nghệ sĩ, cô thường ngồi bên cánh gà xem hát, sau nhiều năm nghệ thuật ca múa thẩm thấu vào tâm hồn của bé Thanh Thanh Tâm. Năm lên 4 tuổi, nghệ sĩ được báo chí kịch trường tặng cho danh hiệu Thần đồng khi cô ca tân nhạc trên sân khấu đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga tại rạp Hưng Đạo, Sài Gòn. Năm lên 8 tuổi, Thanh Thanh Tâm đã được phân vai nhát những vai "đào con" trên sân khấu đoàn Tiếng Hát Dân Tộc.
Ngày từ lúc còn bé, ngoài tài năng cải lương, nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm còn được mời đóng khá nhiều bộ phim.
Nhìn lại chặng đường phát triển nghề nghiệp hơn 40 năm, NSƯT Thanh Thanh Tâm đã có nhiều cống hiến cho sân khấu. Nghệ sĩ đã góp phần dìu dắt nhiều diễn viên trẻ đến với nghề và truyền lại kinh nghiệm ca diễn cho họ trên sân khấu trong 26 năm chị công tác tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
NSƯT Quế Trân
| NSƯT Quế Trân. Ảnh: Người lao động. |
Theo báo Người Lao Động, Nghệ sĩ Quế Trân sinh năm 1981, là ái nữ của NSND Thanh Tòng, hậu duệ đời thứ 5 của đại gia đình tuồng cổ Bầu Tháng - Minh Tơ. NSƯT Quế Trân nối nghiệp gia tộc từ năm 8 tuổi trên sân khấu đoàn Đồng ấu Bạch Long.
Trong sự nghiệp biểu diễn Quế Trân có nhiều vai diễn rất thành công với nhiều dạng khác nhau từ tuồng cổ đến màu sắc, lịch sử, xã hội... Dấu ấn mà khán giả nhớ đến cô là các vai: Phương Thảo (vở Nhảy múa với quỷ dữ), Phượng (Con mắt thời gian), Công chúa thiên Kiểu (Trắng hoa mai), Công chúa Phi Long (Xử án Bàng Quý Phi), công chúa Bích Vân (Bên cầu dệt lụa)...
Hiện nay, không chỉ xuất hiện trên sân khấu cải lương tuồng cổ, Quế Trân còn biểu diễn ca nhạc, làm MC, giám khảo các cuộc thi của nhiều tỉnh thành. Chưa hết, cô đã được sự tín nhiệm của nhân dân và đồng nghiệp, được bầu làm đại biểu Hội đồng Nhân dân, đại diện giới sân khấu TP HCM.
NSƯT Phượng Loan
| NSƯT Phượng Loan. Ảnh: Cải lương Việt Nam. |
NSƯT Phượng Loan tên thật là Đặng Thị Phượng Loan, sinh năm 1968 tại TP.HCM. Phượng Loan học ca với nhạc sĩ Hoàng Nô và năm 10 tuổi chị đã đi hát cải lương.
Nghệ sĩ Phượng Loan thường xuất hiện trên sân khấu cải lương và Vọng cổ Việt Nam với giọng ca ngọt ngào truyền cảm, lối diễn xuất chân phương, mộc mạc đầy cảm xúc. Chị được xem là có làn hơi rất khỏe, chất giọng trong sáng và là nghệ sĩ có tâm với nghề, với mỗi vai, mỗi bài ca trình diễn đều có cách diễn đạt riêng và không ngại diễn những vai xấu xí.
NSƯT Phượng Loan được công chúng mến mộ ở các vai diễn: Dạ Hương trong vở Cải lương Loài Hoa Không Tên, Phương Tâm trong vở Hãy yêu nhau thật lòng (Đoàn Cải lương Long An, năm 1990), Thơm trong vở Huyền Thoại Một Tình Yêu (Đoàn Cải lương Tây Đô, năm 2000), Hạnh trong vở Dòng Sửa Đỏ, Nguyệt trong vở Tô Ánh Nguyệt, Dung trong vở Nước mắt thâm tình, Đặng Thị Huệ (Huệ Phi) trong vở Đêm Hội Long Trì...
Từ năm 2004, NSUT Phượng Loan rời Nhà hát Trần Hữu Trang , rồi hoạt động độc lập cho đến nay.
Với tài nghệ và uy tín của một nghệ sĩ, gần đây, NSUT Phượng Loan đã được một số cuộc thi về giọng ca Cải lương mời làm giám khảo như cuộc thi Chuông vàng vọng cổ của HTV, cuộc thi tuyển chọn giọng ca Cải lương hàng tuần của Đài TNND TPHCM...
NSƯT Phương Hồng Thủy
| NSƯT Phương Hồng Thuỷ. |
NSƯT Phương Hồng Thuỷ tên thật là Đinh Hồng Đào, sinh năm 1960 tại Đồng Nai. 12 tuổi cô đã được gửi vào trường quốc gia Kịch nghệ học hát bội.
Nhắc đến Phương Hồng Thủy là khán giả nhớ ngay đến hình ảnh của cô đào thương với vai diễn trong các vở: Ai giết nàng Kiều, Cung đàn nước mắt, Hàn Mạc Tử, Sông dài, Lan và Điệp, Lời ru của biển, Thảm kịch tuổi xanh... Chị cũng có một vai diễn mà khán giả nào yêu mến nữ nghệ sĩ đều biết, đó chính là vai Cầm Thanh trong vở Cô đào hát.
Nhiều người gọi Phương Hồng Thuỷ là “giọng hát ứa lệ” bởi với chất giọng trời phú và những truân chuyên, khổ hạnh trải qua trong đời thường đã khiến giọng hát của Phương Hồng Thuỷ mỗi khi cất lên lời ca buồn đều như hoà lẫn nước mắt, tự nhiên như thể cô không cần phải diễn. Có lẽ chính vì vậy mà khán giả cải lương luôn cảm nhận được nỗi đau của những nhân vật Phương Hồng Thuỷ thể hiện, không gai góc, khốc liệt nhưng thấm sâu, đầy tràn, để lại trong lòng người xem những rung cảm mãnh liệt.
Nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền
| Nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền. Ảnh: Zing News |
Nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền có tên thật là Phạm Thị Thu Huyền. Cô sinh năm 1969 tại Hà Nội, trong một gia đình mà bố và mẹ đều là nghệ sĩ, mẹ cô là nghệ sĩ cải lương Kim Thoa. Lên 6 tuổi cô đã lên sân khấu biểu diễn cải lương và thể hiện được năng khiếu từ lúc còn nhỏ.
Vào thập niên 1990, Thanh Thanh Hiền được coi là giọng ca cải lương hạng nhất tại miền Bắc Việt Nam và cũng là người gặt hái huy chương vàng nhiều nhất trong các hội diễn. Tuy nhiên, cô thường là khách mời đặc biệt cho các vở cải lương ở sân khấu miền Nam Việt Nam bởi lối biểu diễn đa dạng, sự chuyển giọng linh hoạt và đặc biệt luôn đảm bảo được những vai nặng ký không phải nghệ sĩ nào cũng làm được.
Đồng thời Thanh Thanh Hiền cũng là một ngôi sao hát nhạc dân gian trữ tình và dân gian đương đại rất cá tính và khá đắt show ở miền Bắc. chị cũng có thể hát rất hay chầu văn, ca Huế và ca trù, chèo…
NSND Lệ Thủy
Nghệ sĩ Lệ Thủy tên đầy đủ là Dương Thị Lệ Thủy, về sau đổi thành Trần Thị Lệ Thủy, sinh năm 1948, trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Gia đình bà có 8 chị em, trong đó bà là chị cả.
| Nghệ sĩ Lệ Thủy. Ảnh: Ngôi sao |
Soạn giả Viễn Châu từng nhận xét: "Lệ Thủy có một giọng ca hiếm hoi trong làng cổ nhạc, với chất giọng kim pha thổ, đã từng được báo giới Sài Gòn trước đây phong tặng là giọng ca chuông ngân".
Những vai diễn nổi tiếng của bà là Hồ Bảo Xuyên (Đêm lạnh chùa hoang), Hạnh (Cây sầu riêng trổ bông), Nguyệt (Tô Ánh Nguyệt), Kim Anh (Đời cô Lựu), Thiên Kiều công chúa (Trắng hoa mai), Xuân Tự (Áo cưới trước cổng chùa).
Cả cuộc đời nghệ sĩ Lệ Thủy từng giành được nhiều danh hiệu, giải thưởng như: Danh ca vọng cổ được yêu thích nhất năm 1989 do báo Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, Giải Đôi nam - nữ diễn viên cải lương được yêu thích nhất năm 1992 (cùng với nghệ sĩ Minh Vương) do báo Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, Danh hiệu nghệ sĩ ưu tú năm 1993, Kỷ lục Guiness Việt Nam 2008 cho Đôi bạn diễn lâu năm và ưng ý nhất (cùng với nghệ sĩ Minh Vương), Giải Mai vàng cho hạng mục Nữ diễn viên cải lương được yêu thích nhất do báo Người lao động tổ chức năm 2008 và 2009, Danh hiệu nghệ sĩ nhân dân năm 2012...
Sources: danviet |